Trung đoàn 717, Binh đoàn 16: Nghĩa tình nơi biên giới
Niềm vui của đồng bào dân tộc S’tiêng khi được đại diện Lãnh đạo Trung đoàn 717, Binh đoàn 16 trao nhà tình nghĩa

Vào một buổi sáng cách đây đã lâu, tại xã biên giới Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, Chi bộ Trung đoàn 717, Binh đoàn 16, đã tổ chức lễ trao tặng 24 căn nhà “Nghĩa tình quân dân nơi biên giới” cho 24 hộ đồng bào dân tộc S’tiêng của 3 thôn: Bù Tam, Phước Tiến và thôn 4, trong đó có gia đình anh.

Điểu Phú là con trai trưởng trong một gia đình người dân tộc S’tiêng, một dân tộc đã từng sinh sống lâu đời ở vùng núi rừng Bình Phước. Từ bao đời nay, tổ tiên anh sống du canh du cư, kinh tế tự cấp tự túc theo một vòng khép kín. Họ tự tạo lấy công cụ sản xuất, để hái lượm, săn bắn, làm nương làm rẫy kiếm kế sinh nhai. Cho đến ngày đất nơi họ ở cằn cỗi, cây lúa không còn nẩy ra nhiều cái hạt, rừng đã hết con thú để săn thì họ lại ra đi, đi riết tìm nơi ở mới… Cũng có khi lại quay về mảnh đất đã nhiều năm xa vắng. Tập quán canh tác của họ đã khiến bao cánh rừng bị tàn phá, đất đai khô kiệt, môi trường sinh thái bị xâm hại nặng nề, trong khi bản thân con người lại vẫn không đủ cơm ăn, áo mặc, không thoát ra khỏi vòng khổ cực, đói nghèo.

Bước vào tuổi thanh niên, Điểu Phú cùng bố mẹ và anh em sống trong ngôi nhà tranh rách nát ở khu vực lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Thời điểm này, rừng được Nhà nước quản lý chặt chẽ, đất đều có chủ, không thể tự do chiếm dụng như những năm trước, bởi thế mà cuộc sống của gia đình Điểu Phú cũng như hàng chục hộ dân tạm trú ở khu vực này lâm vào cảnh “ăn xổi ở thì” hết sức tạm bợ. Không có đất trồng, tỉa, họ phải đi làm thuê làm mướn kiếm kế sinh nhai, ngày nào không có người mướn, họ lặn lội ven hồ thả lưới giăng câu bắt con cá, con tôm đắp đổi qua ngày. Không vốn liếng, không đất đai, không tài sản, không hộ khẩu, không nghề nghiệp ổn định, bữa đói bữa no, gia đình Điểu Phú cũng như các hộ đồng bào nơi đây chưa biết cuộc đời mình sẽ trôi dạt về đâu.

Day dứt trước những mảnh đời nghèo khó trên địa bàn đơn vị đóng quân, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 717, Binh đoàn 16 đang thực hiện dự án xây dựng khu kinh tế quốc phòng trên địa bàn huyện Bù Đốp đã lặn lội đến từng nhà, tuyên truyền, vận động để bà con hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về mục tiêu xây dựng các khu kinh tế quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Không sáo rỗng, chỉ bằng những lời nói giản dị, chân tình cùng với tình thương yêu đùm bọc của người lính Cụ Hồ đã giúp cho đồng bào hiểu mọi việc.

Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Học và làm theo lời Bác dạy, trong nhận thức và hành động của tập thể đội ngũ cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 717, Binh đoàn 16 đã có sự chuyển biến sâu sắc, nguyện đóng góp sức mình giúp cho quê hương giàu đẹp, trong đó có việc đóng góp công sức giúp cho các hộ gia đình nơi đơn vị đóng quân được ấm no, hạnh phúc.

Thế rồi, vào một buổi sáng đẹp trời, Lãnh đạo Trung đoàn 717 đã cử người đến đón các hộ đồng bào ra xe, đưa họ về vùng dự án của đơn vị, trong số này có gia đình Điểu Phú. Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở cho bà con, Trung đoàn 717 đã tiến hành khai hoang một số bưng bàu, vùng thấp trũng dọc theo triền suối, cấp cho mỗi hộ từ 0,5 – 0,8 ha tùy theo số nhân khẩu để bà con trồng lúa nước, lấy ngắn nuôi dài. Ngày ấy, gia đình Điểu Phú được đơn vị giao gần 1ha ruộng, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật canh tác để gia đình làm ăn hiệu quả. Chính nhờ có mảnh ruộng này mà gia đình Điểu Phú có miếng cơm ăn để yên tâm lao động sản xuất.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Bí thư Chi bộ thôn Phước Tiến cho biết: Người dân trong ấp sống đoàn kết, tình làng nghĩa xóm khăng khít. Cũng nhờ thành lập được tổ an ninh tự quản nên vài năm trở lại đây, an ninh trật tự trên địa bàn ấp tương đối ổn định. Khó khăn lớn nhất hiện nay của ấp là tạo nguồn và phát triển đảng viên. Những năm qua, mặc dù cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đặc biệt quan tâm nhưng trải qua 5 kỳ đại hội, Chi bộ thôn chỉ mới kết nạp được 1 đảng viên tại chỗ. Để giúp các đảng viên tại chỗ phát huy năng lực, đảng viên trẻ Lê Văn Thành được Đảng ủy xã phân công giữ chức vụ trưởng thôn Phước Tiến. Với sức trẻ và sự năng nổ nhiệt tình trong công việc, khi nhận nhiệm vụ, đảng viên Thành đã cùng cấp ủy chi bộ xây dựng nghị quyết sát tình hình thực tế của ấp, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Giải quyết được cái ăn trước mắt, đơn vị tiếp tục tổ chức cho bà con trồng cao su, tính chuyện lâu dài. Bộ đội lại cầm tay chỉ việc, tận tình hướng dẫn đồng bào từ cách đào hố đến việc đặt cây giống, cùng nâng niu từng mầm xanh với sự khát khao, mong đợi ngày cây lớn… Chỉ trong vòng một năm sau, cao su đã mọc kín diện tích đất khai phá, cùng con người vươn lên giữa vùng biên cương vắng vẻ. Để cái đói cái nghèo không còn len lỏi vào các hộ dân, đơn vị còn tạo điều kiện, hướng dẫn cho các gia đình tận dụng đất trống trong vườn cao su để trồng các loại cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày.

Từ các loại cây trồng xen, nhiều gia đình có được nguồn thu đáng kể, kinh tế gia đình Điểu Phú cũng khá dần lên, chấm dứt cảnh bữa đói, bữa no ngày trước. Cây cao su bén rễ, bám sâu vào lòng đất, rồi cứ dần lớn lên, cứng cáp, trở thành rừng cây xanh tốt. Đây cũng là lúc cán bộ kỹ thuật của đơn vị phải lo hướng dẫn đồng bào cách khai thác mủ để bà con có việc làm, thu nhập ổn định, lâu dài. Chỗ nào bà con chưa hiểu, các anh kiên trì giảng giải cho đến khi bà con làm được mới thôi. Nhờ vậy mà Điểu Phú cũng như hàng chục công nhân người S’tiêng đã nhanh chóng hòa nhập với công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng này.

Từ một thanh niên không nghề nghiệp, cùng cha mẹ và các em sống lang thang nay đây mai đó, giờ đây, Điểu Phú đã có mái ấm gia đình riêng, nhà mới khang trang, hai vợ chồng đều trở thành công nhân lành nghề của nông trường, biết nắm rõ quy trình kỹ thuật thai thác mủ cao su, biết làm thế nào để có năng suất cao, thu nhập nhiều và giữ gìn cho vườn cây sinh trưởng tốt. Chỉ giản dị thế thôi nhưng đó là sự khát khao, niềm mơ ước của Điểu Phú cũng như những gia đình đồng bào dân tộc đang sống và làm việc nơi đây. Ngoài giờ làm việc ở nông trường, vợ chồng Điểu Phú còn tranh thủ thời gian chăm sóc vườn tiêu để tăng thêm thu nhập. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ này giờ đây không chỉ ổn định mà còn có nhiều triển vọng vươn lên khá giả, thu nhập 50 triệu đồng mỗi năm.

Cũng như gia đình Điểu Phú, hàng chục hộ đồng bào đã thật sự đổi đời từ khi được Trung đoàn 717 giúp đỡ, đưa về vùng dự án. Gia đình Điểu Blố, dân tộc S’tiêng cũng từ cuộc sống lang thang phiêu bạt, nhờ sự giúp đỡ, đùm bọc của Trung đoàn mà giờ đây được giao phụ trách tổ công nhân dân tộc thiểu số ở đội 3, có một cuộc sống sung túc. Ngoài tiền lương trách nhiệm 1,5 triệu đồng mỗi tháng, Điểu Blố còn nhận khoán khai thác hơn 2 ha vườn cây, trồng 400 cọc hồ tiêu trong khu vườn được trung đoàn cấp đất, ngay cạnh ngôi nhà đang ở, thu nhập bình quân mỗi năm trên 60 triệu đồng.

Không chỉ có cái ăn, cái mặc, điều quan trọng hơn đối với gia đình Điểu Phú, Điểu Blố  và nhiều bà con dân tộc Xêtiêng khác là tình nghĩa cộng đồng. Bên cạnh trụ sở các đội sản xuất là các khu định cư đồng bào dân tộc với những nếp nhà khang trang kiên cố, được xây dựng bằng kinh phí của Trung đoàn và các nhà tài trợ. Hằng ngày, cùng lao động với nhau trong một khu vườn nhận khoán, cùng sinh hoạt trong thôn, ấp, xã, cán bộ chiến sỹ luôn lắng nghe bà con nói, nói cho bà con hiểu và làm để bà con tin. Chính vì thế mà mối quan hệ giữa đơn vị với đồng bào không chỉ dừng lại ở quan hệ kinh tế, mà còn gắn bó, thân thiết như trong một đại gia đình.

Khi cái tay biết làm, cái đầu biết nghĩ, biết học hỏi, làm theo cái mới, họ hiểu rằng, cây rừng biết bám sâu vào đất thì mới tốt tươi, người S’tiêng biết tin vào Đảng, vào Bộ đội Cụ Hồ và biết dựa vào sức mình thì cuộc đời sẽ thêm no, thêm ấm, thêm vui, thêm đẹp. Bà con trong vùng dự án của Trung đoàn ai cũng thấy rằng cuộc sống của họ khá lên nhiều so với 10 năm về trước. Nhưng điều khiến Điểu Phú cũng như bà con ở đây cảm thấy vui cái bụng là lớp trẻ được đến trường. Mọi người đều tin rằng, một ngày không xa, cả vùng dự án này sẽ khá lên, giàu lên nhờ sự góp sức của lớp trẻ hôm nay được học hành. Đảng, Chính phủ và Bộ đội Cụ Hồ đang chắp cánh cho con em họ vươn tới tương lai.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất