Thời gian qua, học và làm theo gương Bác Hồ ở Hoà Bình đã trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ các hoạt động, phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể tiêu biểu, gương người tốt việc tốt, bước đầu có sức lan toả trong các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Các cấp ủy đã chỉ đạo xây dựng những chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Đảng bộ Công an tỉnh thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân làm chuẩn mực chung trong rèn luyện cán bộ, chiến sỹ; Đảng bộ Quân sự tỉnh thực hiện lời dạy của Bác đối với Quân đội nhân dân. Ngành Y tế thực hiện lời Bác dạy “Lương y phải như từ mẫu”. Ban Thường vụ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh đã xây dựng và cụ thể các chuẩn mực đạo đức cho từng đối tượng thanh thiếu nhi. Đối với thanh niên lực lượng vũ trang: Trung thành, kỷ luật, dũng cảm, xung kích, trí tuệ, sáng tạo, xứng danh bộ đội cụ Hồ, lập công vì an ninh Tổ quốc; thanh niên công chức, viên chức: Giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, tận tuỵ, cầu thị, sáng tạo; thanh niên công nhân: Giỏi nghề, sáng tạo, tiết kiệm, kỷ luật; thanh niên nông thôn: Vượt khó, sản xuất, kinh doanh giỏi, tự tin, cầu thị, vì cộng đồng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng địa phương; thanh niên học sinh các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề: Rèn luyện thái độ nghề nghiệp, rèn luyện tác phong công nghiệp, rèn luyện kỷ luật lao động; thanh niên học sinh trung học phổ thông: Có tri thức phổ thông, có kỹ năng thực hành xã hội, có định hướng nghề nghiệp, có kiến thức pháp luật; đối với thiếu niên, nhi đồng là học tập tốt “5 điều Bác Hồ dạy”.
Hoà Bình đã tổ chức thực hiện học và làm theo Bác gắn với giải quyết những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau kiểm điểm Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tập trung vào ba vấn đề: Công tác công tác giáo dục chính trị tư tưởng; công tác tổ chức, cán bộ; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên giáo dục cán bộ, công chức nêu cao tinh thần tự giác trong quản lý, góp phần hạn chế tình trạng thất thoát, thâm hụt ngân sách; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong xây dựng cơ bản, trong chi tiêu tài chính mua sắm và sử dụng tài sản công góp phần quan trọng chống tham ô, lãng phí, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư. Nhiều địa phương đơn vị tiết kiệm và giảm các khoản chi phí xăng xe, điện nước, hội họp. Việc thực hành tiết kiệm đã trở thành ý thức tự giác trong đa số cán bộ, đảng viên cũng như cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Cấp ủy chi bộ tiểu khu Liên Phương, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) thăm hỏi, động viên các gia đình đảng viên ốm đau, hoạn nạn.
Bên cạnh đó, học và làm theo tấm gương Bác Hồ đã được cấp uỷ các cấp ở Hoà Bình gắn với xử lý những vấn đề, vụ việc bức xúc, nổi cộm như: Kiểm tra 63 tổ chức đảng cấp dưới có dấu hiệu vi phạm; triển khai 95 cuộc thanh tra hành chính tại 341 đơn vị, tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý tài chính, điều hành và sử dụng ngân sách, quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, thanh tra các chương trình mục tiêu quốc gia, thanh tra việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm và điều động cán bộ, công chức, viên chức; thanh tra việc mua thẻ Bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, quản lý quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo giai đoạn 2010 - 2012 trên địa bàn tỉnh; thanh tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và chủ tịch UBND cấp dưới trong việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng.
Từ việc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, việc học tập và làm theo Bác ở Hoà Bình đã từng bước trở thành ý thức tự giác, là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ở Hoà Bình đã xuất hiện ngày càng nhiều phong trào, gương người tốt, việc tốt, mô hình hay, cánh làm sáng tạo trong việc học tập và làm theo Bác như: treo ảnh Bác tại gia đình, hiến đất làm công trình phúc lợi, ứng trước mặt bằng,“mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân”, “hũ gạo tình thương”, “ống tiền tiết kiệm”, “hòm quyên góp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “thanh niên tình nguyện vì cộng đồng”, xây dựng tủ sách “Thanh niên làm theo lời Bác”, hành trình vì mục tiêu tiết kiệm điện...
Từ các phong trào thi đua, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở các địa phương, đơn vị, tiêu biểu như: Đồng chí Bùi Thanh Linh, Bí thư Đảng uỷ xã Ngổ Luông, huyện Tân Lạc động viên gia đình hiến 3.000 m2 đất trồng cây lâu năm cho tập thể xóm Trẳm II xây dựng công trình thuỷ lợi tưới tiêu cho 7 ha ruộng. Đồng chí Đinh Quang Huy, cán bộ hưu trí ở xóm Cò, xã Tuân Lộ, huyện Tân Lạc đã động viên gia đình hiến 1.300 m2 đất vườn với trên 40 gốc bương tre, hàng chục cây ăn quả; dỡ bỏ 40m tường bao để giành đất cho diễn tập khu vực phòng thủ, xây dựng nông thôn mới. Huyện Cao Phong: Gia đình ông Bùi Văn Hưng, Bùi Văn Xứng, Bùi Văn Yền ở xóm Rú I, xã Xuân Phong hiến đất để xây dựng nhà văn hoá xóm; tấm gương dũng cảm tấn công, truy bắt tội phạm của đồng chí Bùi Văn Lưu ở xóm Cạn Hạ, xã Tân Phong và thanh niên Bùi Văn Chuẩn ở xóm Quáng Trong, xã Đông Phong. Huyện Lạc Thuỷ có gia đình bà Quách Thị An, xã Khoan Dụ đã hiến 457 m2 đất, ông Bùi Huy Mao, xã Khoan Dụ thương binh hạng 4/4 hiến trên 250 m2 đất. Huyện Kỳ Sơn: Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Hợp Thịnh đã nhiều lần thế chấp bìa đỏ với Ngân hàng nông nghiệp - phát triển nông thôn để vay vốn mua phân bón giúp những hộ gia đình khó khăn. Huyện Lạc Sơn: Ông Bùi Minh Thấn hiến 591 m2, ông Bùi Văn Tỉm hiến 573 m2, ông Quách Văn Bượn hiến 297 m2 để làm Nhà văn hóa của xóm. Huyện Yên Thuỷ: Các hộ dân : Hộ ông Đinh Xuân Hội, Hộ ông Bùi Văn Ký, Bùi Văn Quyết, Bùi Văn Minh, Bùi Văn Then, Bùi Văn Phượng xóm Thời 2 xã Hữu Lợi, đã hiến đất làm đường giao thông nông thôn tổng diện tích 1.270 m2; gia đình ông Quách Văn Cạp ở xóm Rại xã Hữu lợi hiến 500m2 đất trị giá trên 50 triệu đồng để xây dưng trường mầm non; gia đình ông Bùi Văn Tiệu xóm Lương Mỹ, xã Lạc Lương hiến hàng 100m đất làm đường giao thông nông thôn. Huyện Đà Bắc: Ông Đinh Văn Đoàn, xóm Xăng Trạch, Vầy Nưa hiến 5.000 m2 đất rừng sản xuất và 200 m2 đất ở; ông Bùi Văn Khải và ông Đinh Công Đọn xóm Xăng Trạch, Vầy Nưa mỗi hộ hiến 3.000 m2 đất làm đường giao thông; ông Bùi Văn Dưng, xóm Hà, xã Đồng Chum hiến 4.000 m2 đất rừng sản xuất, ông Xa Văn Lại, xóm Mới 2 hiến 2.250 m2 đất rừng sản xuất và đất trồng cây lâu năm để làm đường giao thông nông thôn và xây Nhà văn hoá. Huyện Kim Bôi: ông Bùi Văn Quyết, thôn Nước Ruộng xã Nam Thượng hiến 150m2 đất thổ cư, 1.600m2 đất rừng, 481 cây keo để xây dựng nông thôn mới. Thành phố Hoà Bình: ông Đinh Công Xương, xóm Tân Thành, xã Thống Nhất hiến 350m2 đất để xây dựng nhà văn hoá xóm. Huyện Lương Sơn: Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Cư Yên hiến 240m2 đất làm đường giao thông nông thôn. Công an tỉnh: Đại tá Nguyễn Văn Hoà, Trưởng phòng PC 54; Thượng tá Đỗ Thị Quý, Phó Trưởng phòng PX13; Thượng tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng PC47; Đại uý Bùi Việt Hùng, Phó Trưởng phòng PC45; Đại uý Tạ Hữu Quyền, Phó Đội trưởng Phòng PC67 mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh phòng chống tội phạm...
Những kết quả trên khẳng định cấp ủy đảng, chính quyền trong Đảng bộ tỉnh Hoà Bình đã nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kết quả này đã tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh Hoà Bình, góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, đời sống nhân dân được cải thiện, giáo dục, y tế, văn hóa xã hội phát triển, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Bác Hồ.
Nguyễn Đoàn Cần
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ