Gần bốn năm nay, cô giáo trẻ người Kinh, Phạm Thị Thương, sinh năm 1987, quê ở một xã đồng bằng của huyện Thăng Bình đã rời nhà, lên cắm bản, dạy chữ cho học sinh ở Phước Lộc, xã khó khăn nhất huyện vùng cao Phước Sơn, Quảng Nam.
Hành trình “cõng chữ” lên núi
Phước Lộc hiện vẫn là một trong năm xã vùng cao còn gặp nhiều khó khăn nhất so với các xã vùng cao khác của huyện Phước Sơn, chưa có điện lưới, chưa phủ sóng điện thoại di động nên mọi cố gắng để liên lạc trước với cô giáo Thương thật khó. "Để mình nhờ người vào bản, hẹn gặp cô Thương giúp bạn", đồng chí Phan Thành Tài, Phó Bí thư huyện Đoàn Phước Sơn nói với chúng tôi.
Ở huyện, nhiều người biết đến cô Thương vì cô là giáo viên "đặc biệt" của Phước Lộc. Bí thư Đảng ủy xã Phước Lộc, đồng chí Hồ Văn Hạnh cho biết: "Từ xã vào nơi cô giáo Thương dạy học, quen đường đi mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, nếu trời mưa phải mất đến 6 tiếng. Đường sá đi lại rất nguy hiểm, nếu không quen đường chỉ cần lệch tay lái một chút là lao xuống vực thẳm". Sau gần 3 tiếng đồng hồ men theo những sườn núi, đồi, cuối cùng chúng tôi đến được điểm trường Phước Lộc. Thấy khách đến, cô Thương buông vội đũa bát, đi nấu cơm thêm mời khách. Bữa cơm đạm bạc nơi vùng cao này chỉ có rau rừng, cá khô và nước mắm.
Nhà Thương ở xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, cách thành phố Tam Kỳ gần 30km. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam, Thương tình nguyện xin lên xã vùng cao khó khăn nhất của huyện miền núi Phước Sơn làm giáo viên. Mẹ Thương khuyên con không nên đi đã khóc rất nhiều bởi nơi công tác của con gái là rừng sâu, heo hút, cô đơn, cách trở... "Hôm đầu anh chị của Thương đưa lên để nhận công tác, nhưng đến lúc chia tay thì họ không nói được câu nào, chỉ biết khóc thôi" - Thương nhớ lại. Vào bản, không có sóng điện thoại, không có điện lưới, không có mạng in-tơ-net, cuộc sống của Thương thay đổi hẳn. "Điện thoại Thương chỉ biết để nghe nhạc, chơi trò chơi. Còn muốn xem phim thì phải xuống thị trấn Khâm Đức để tải vào USB mang về đưa vào máy xách tay mở" - Thương nói.
Đường sá đi lại khó khăn, xe ô tô khách chỉ chạy được tới trung tâm huyện nên khoảng hơn 4 tháng Thương mới về nhà một lần. Mỗi lần về quê, sáng sớm, cô phải đi xe máy từ trường về trung tâm thị trấn Khâm Đức nhưng tận 8, 9 giờ tối mới tới nơi. Những chặng đường dài băng rừng, vượt núi, quanh co, khúc khuỷu, mỗi khi trời đổ mưa dù chỉ là mưa rừng nhỏ cũng khiến đường trơn trượt rất khó đi, nên chiếc xe máy chỉ còn lành lặn một bên, sau rất nhiều lần té ngã giữa đường. Sống nơi rừng núi heo hút quanh năm nên bữa ăn hằng ngày của Thương chủ yếu là cá khô, trứng, rau, lạc. "Thỉnh thoảng một hay hai tháng, mấy anh em rủ nhau xuống chợ huyện mua thêm ký thịt về cải thiện. Ăn không hết thì làm thịt hun khói, áp chảo để ăn dần" - Thương kể. Có nhiều đợt, Thương cùng các thầy giáo xuống chợ, gặp hôm đường trơn, xe bị đổ, thức ăn mua dự trữ rơi, lăn hết xuống dốc. Nhiều khi thèm một chiếc bánh, một cái kẹo mà không biết kiếm ở đâu ra...
Tình yêu nở hoa
Tình thương với các em học sinh dân tộc vùng cao nghèo khó, chịu nhiều thiệt thòi, thiếu từ cái ăn đến cái mặc, Thương chỉ biết bám trường, bám bản. Suốt 4 năm nay, khi học sinh nào bỏ học, Thương đều cùng với đồng nghiệp lặn lội đến từng nhà để vận động và thuyết phục gia đình, động viên học sinh đến trường. Nỗ lực của cô giáo trẻ khiến học sinh ở nơi đây lại có thêm động lực, chăm chỉ học hành hơn. Những ngày rét mướt, thương học sinh mình không đủ giầy dép, quần áo ấm để mặc mà chỉ phong phanh chiếc áo cuộc mỏng trên người, Thương chỉ mong "có thêm nhiều đội tình nguyện mang quần áo vào đây để tặng cho các em học sinh và gửi thông tin tới nhiều bạn trẻ, cho các em đỡ thiệt thòi". Từ những hoạt động tình nguyện, Thương có mối tình đầu với một cán bộ công tác tại huyện đoàn. Nhưng khoảng cách gần 70 cây số đường rừng núi khiến mối tình mà cô và anh cố gắng giữ gìn cũng không thành.
Cuộc sống khó khăn, vất vả, chuyện tình cảm đôi lứa cách trở. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, hạnh phúc lại mỉm cười với cô giáo trẻ. Đồng nghiệp Mai Văn Công người cùng huyện Thăng Bình với cô, dạy học ở điểm trường xã Phước Năng, cách điểm trường của Thương hơn 70km đã hiểu ngỏ ý muốn sẻ chia khó khăn cùng cô. Mối tình của họ vẫn trong sự xa cách, tuy nhiên, họ lại thường xuyên vượt núi, băng rừng, lội suối để nuôi dưỡng tình yêu của mình. Hơn một năm gắn bó, giữa tháng 8-2013, Thương và Công đã nên duyên vợ chồng.
"Sau ngày cưới ở quê, hai vợ chồng trở về điểm trường nơi mình công tác trong cơn mưa nặng hạt. Đi xe máy được nửa chặng đường vào bản, bọn mình phải xuống xe để dắt bộ. Đến nửa đêm, vợ chồng mình mới đến được trường, bụng thì đói meo, xe máy gãy mất hai chiếc tăm", Thương kể về ngày đầu "tuần trăng mật" thật đáng nhớ của họ chỉ chừng đó thôi cũng làm cho chúng tôi thật sự xúc động. Thương vợ dạy học nơi xa xôi, anh Công cũng làm đơn xin tổ chức cho chuyển lên điểm trường xã Phước Lộc công tác.
Những ước mơ giản dị
Ngày mới lên núi nhận công tác, Thương dự định sẽ dạy một vài năm rồi xin chuyển vùng về lại đồng bằng. Nhưng rồi, khi gắn bó với mảnh đất và con người nơi này, cô càng thấy mình thêm yêu và gắn bó với học trò và bà con. Vợ chồng cô giáo trẻ đã quyết tâm ở lại bám bản, bám làng, bám trường để tiếp tục hành trình đưa được từng “con chữ” đến với các em học sinh dân tộc vùng cao thân yêu. Thương chỉ có một mong ước thật đơn giản rằng, điện lưới quốc gia sẽ sớm được đưa về với bản làng để cuộc sống bà con các dân tộc nơi rẻo cao này vơi bớt khó khăn.
Chúng tôi, những người đồng nghiệp dưới xuôi của Thương, quanh mình điện sáng suốt đêm ngày, thấy điều đó thật bình thường nhưng khi đến nơi đây về cũng luôn mong điều ước tưởng rằng rất đơn giản đó sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai không xa.
Trần Cao Anh - Lê Thị Kiều Long
Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III
232 Nguyễn Công Trứ, Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng