Nhà báo Nguyễn Uyển - Noi gương Bác để đam mê với nghề

Nhà báo Nguyễn Uyển nhận Giải Báo chí Quốc gia năm 2020 (Ảnh: Sơn Hải).

Tôi chộn rộn nghĩ về ông với những câu thơ mà ông chan chan tự bạch trong bài “Cháy mãi trong tôi” để hiểu “lửa” nghề đã được ông nuôi dưỡng, chắt chiu: “Cháy mãi ở trong tôi/ Nghề khắt khe – Nghiệt ngã/ Việc trăm phương, ngàn ngả/ Luôn đứng nơi ngọn nguồn/ Trung thực và mới mẻ/ Năng lượng sống của nghề/ Là tình yêu nồng thắm/ Cháy mãi đến khôn cùng”. Người làm báo hôm nay mãi khắc ghi câu nói “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” của nhà báo Hữu Thọ; “Đọc - Đi - Nghĩ - Viết” của Phan Quang; và “Báo chí, Nghề khắt khe - Nghiệt ngã” của Nguyễn Uyển. Nghề báo thật sự khắt khe nghiệt ngã, nó đòi hỏi phải tinh thông công việc, cẩn trọng đến từng câu, từng chữ. Hơn thế, Nguyễn Uyển còn nói rằng: Mỗi câu chữ của nhà báo viết ra cần sáng rõ đường đi, đích đến!


Lật mở từng trang trong cuốn sách mới nhất của nhà báo Nguyễn Uyển “Lửa ấm đời nghề” (NXB Hội Nhà văn), nhà báo trẻ như tôi thấy được soi sáng nhiều điều. Đó là tinh thần, là cốt cách, là sự say mê nghề nghiệp của một nhà báo đã ở tuổi ngoại bát niên. Đó là sự lao động nghiêm túc, chỉn chu, có cách thu thập tài liệu nhanh, quan sát tinh tế, tài tình của một nhà báo ở tuổi ông nội, ông ngoại của mình. Tôi ấn tượng về tập sách ngay ở phần 1 “Với nghề - nét người để nhớ” vì ở đó tác giả viết nêu gương các nhà báo, nhà quản lý quen thuộc và nhận được sự ngưỡng mộ của người làm báo từ lâu nay, như: Phan Quang, Hồng Vinh, Phạm Quốc Toàn, Hải Đường, Nguyễn Xuân Lương, Cao Kim Toàn, Hoàng Vĩnh Bảo, Nguyễn Thế Kỷ… Cùng đó, tôi cũng dừng mắt khá lâu ở những trang sách ông viết về những tấm gương bình dị mà cao quý giữa đời thường, đó là Giám đốc Công ty Cổ phần Gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương) Nguyễn Văn Lưu tâm huyết với việc lưu giữ giá trị quê hương và nguyên Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đông Anh (Hà Nội) Nguyễn Khắc Nho say sưa viết nhiều cuốn sách về Bác Hồ kính yêu. Dù những nhân vật kể trên đã có hàng trăm bài viết về họ nhưng qua con mắt tinh đời của Nguyễn Uyển thì các nhân vật vẫn bừng lên những điểm sáng, nét riêng biệt để ngẫm suy và noi theo. Cũng không dưới một lần, ông nói với tôi rằng, sức hút của một tác phẩm báo chí là ở sự chân thực cái mới, cái hay mà người viết khám phá, phát hiện ra.

Nguyễn Uyển sinh ra ở miền trung du Hạ Hòa, Phú Thọ vậy mà rất lạ, cớ sao ông lại say đắm với mảnh đất phương trời Tây Bắc, với Điện Biên đến thế? Chẳng những vậy, những năm gần đây dù tuổi đã cao nhưng vẫn thấy ông khăn gói một năm đôi ba lần đến với xứ xở hoa ban này để rồi sau mỗi chuyến đi lại “sản sinh” thêm những bài bút ký ngồn ngộn chất liệu về đất và người, đăng/phát trên các phương tiện báo chí thông tin quốc gia. Quen biết ông nhiều năm, tôi vỡ lẽ ra rằng ở đó có một phần máu thịt của người cha của ông đã bị mất đi, để rồi, người lính trở về trong thương tật vĩnh viễn cho đến ngày rời xa trần thế. Đau buồn hơn nữa, hai người chú ruột của ông đều hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mà đến nay chưa tìm được hài cốt, chỉ lưu tên trên tấm biển ghi công. Có lẽ vì những kỷ niệm buồn ấy đã day dứt, thôi thúc Nguyễn Uyển gắn bó với mảnh đất miền biên viễn suốt hơn 30 năm nay và hàng trăm tác phẩm báo chí đã được ra đời từ miền đất thiêng liêng này (ấy là tôi thiển nghĩ) mà đơn cử trong tập “Lửa ấm đời nghề”, ông đã chọn in một số bút ký, như: “Vật vã “chào đời” sau lũ quét Mường Lay”, “Lên thượng ngàn Sông Mã”, “Bóc mẽ chiêu trò lừa lọc”, “Say với nghề nghiệt ngã”…

Cuốn sách mới nhất của nhà báo Nguyễn Uyển mang tên "Lửa ấm đời nghề". 

Sống nặng tình, nặng nghĩa - là phong đức nổi bật của Nguyễn Uyển. Gần đây, tôi có may mắn được ông mời tham dự lễ ra mắt “Tủ sách của Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc và nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển tặng xã Nghĩa Hưng”. Thì ra Nghĩa Hưng (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) là nơi mà người thầy giáo trẻ Nguyễn Uyển đã gắn bó từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Quý hóa thay – một thầy giáo gắn bó với mảnh đất này có vài ba năm mà nay ở tuổi ngoài 80 đã đứng ra làm dự án tủ sách với trên 1.000 đầu sách các loại, trong đó có những cuốn sách của ông và có những cuốn do bạn bè, nhiều cuốn ông mua tích lại, rồi cả sách do đồng nghiệp mọi miền nhiệt tình hưởng ứng. Ông trao tủ sách với kỳ vọng hết sức sâu sắc, ý nghĩa: “Mong lấy đọc sách để luyện người, để thôn xã thêm sang, để nông thôn mới giàu đẹp vững bền hơn!”. Trong xã hội hiện nay nhiều người thành đạt đã trở về quê hương hay vùng đất gắn bó với họ để xây cầu, xây nhà tình nghĩa hay trao phần quà bằng tiền, hoặc hiện vật thì Nguyễn Uyển lại tặng tủ sách. Trọn một đời làm báo viết văn ông không giàu sang về tiền bạc nhưng ông lại có “của nhà làm được” là những cuốn sách và có những người bạn đồng nghiệp yêu sách, quý sách như châu báu nên nói một cách nào đó thì việc tặng tủ sách chính là cách ông trao “chiếc cần thần lực” để họ biết tự tạo nên năng lượng diệu kỳ trên chặng đường đi tới của mỗi con người trong cộng đồng dân tộc.


Nguyễn Uyển là lớp nhà báo lớn tuổi mà tôi luôn kính trọng và yêu mến. Khi còn công tác tại Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, tôi vẫn thấy thỉnh thoảng ông ghé qua cơ quan Hội họp, hội thảo. Ai ai gặp ông cũng tay bắt mặt mừng, rôm rả chuyện nhà, chuyện nghề, hoặc là níu kéo nhau chụp hình tung lên Facebook… Khoảng cách tuổi tác giữa ông với thế hệ nhà báo chúng tôi là khá xa nhưng trong cuộc sống ông không áp đặt, không ham ý dạy dỗ mà ông chỉ chia sẻ như những người bằng vai phải lứa. Đọc cuốn sách “Bác Hồ của nhân dân”, trong đó có bài viết “Phong cách Hồ Chí Minh - Tinh hoa của thời đại” (tác phẩm được trao Giải Báo chí Quốc gia năm 2020), tôi mới hiểu ra rằng mọi tính cách, phong cách và con người của ông hôm nay đều là do ông kiên trì, nỗ lực, gắng gỏi học Bác Hồ. Thì ra việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với một nhà báo không cần đâu xa mà chính ở trong suy nghĩ, lối sống và cách viết của Người.

Nhà báo Nguyễn Uyển đã sắp sửa bước sang tuổi 82, vậy mà dường như trong ông vẫn tràn đầy năng lượng với nghề. Ông vẫn được Nhà nước “đặc cách” cấp Thẻ Nhà báo, ông vẫn đi đến mọi miền Tổ quốc khi cảm thấy “bí” đề tài, ông vẫn thao thức hằng đêm với những con chữ, với những sự kiện diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên đất nước thân yêu. Có lẽ Nguyễn Uyển sinh ra là để làm việc, là để cống hiến, là để say với nghề báo, nghiệp văn. Ông đã sống hay, sống đẹp. “Sống với đam mê” – đó cũng là tên đầu sách mà ông tiết lộ là viết về những nhân vật noi gương Bác Hồ để biết sống với đam mê, sẽ ấn hành vào năm tới!

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất