Về một người con Nam Bộ tham gia mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển
Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười và ông Dương Quang Đông.
Đoàn 555 Miền Đông

Ông Dương Quang Đông (1902-2003), người con Trà Vinh kiên cường, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Bộ thời kỳ 1943-1945 là một trong những nhân chứng trực tiếp - người nhận nhiệm vụ của Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, Trưởng Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam Phạm Thái Bường, đi mở tuyến đường vượt biển từ miền Nam ra miền Bắc. Khi chưa mất, nhiều lần chúng tôi đến thăm ông tại căn nhà số 34 Nguyễn Văn Mai, Quận I, TP. Hồ Chí Minh để nghe ông hồi tưởng lại nhiều chuyện của hàng chục năm trước, trong đó có chuyến cùng đi mở đường Hồ Chí Minh trên biển tại miền Đông Nam Bộ.

Đó là chuyến đi được Trung ương Cục miền Nam chuẩn bị kỹ, vì biết là có nhiều gian nguy cho cả tàu và người đi biển xa. Trong Hồi ký của mình, ông Dương Quang Đông cho biết: “Sau khi thống nhất về tổ chức của Trung ương Cục để thành lập Ban Hàng hải Nam Bộ gồm 8 người, chủ yếu là 7 người ở lại Khu ủy Khu 9, còn lại mình tôi (Dương Quang Đông) được rút về Trung ương Cục tại miền Đông Nam Bộ. Và một trong những nhiệm vụ hệ trọng của Ban Hàng hải Nam Bộ là sẽ tổ chức những chuyến đi ra miền Bắc, nhận viện trợ vũ khí vào chiến trường miền Nam...”.

Trước khi đi, ông Phạm Thái Bường, thay mặt Trung ương Cục miền Nam vừa truyền ý kiến Trung ương Cục, vừa tâm sự cùng ông Đông: “Giao anh phụ trách miền Đông, vì biết anh hồi phụ trách 9 năm, anh đã chở vũ khí từ Thái Lan, Ma-lai-xi-a về Nam Bộ bằng đường biển. Vậy nay ta chở từ Hải Phòng về Nam Bộ tuy có khó khăn hơn, nhưng biết anh có thể làm được. Còn nếu để Khu 9 chở về rồi hậu cần từ đó phải dời từ Khu 9 lên miền Đông thì lâu quá, không kịp thời cho đánh lớn. Vậy anh hãy cố gắng”[1].

Được sự chỉ đạo của Trung ương Cục, với một lực lượng ban đầu khá ít là các thủy thủ thông thạo đi biển, ông Dương Quang Đông đã chọn được điểm để xây dựng Đoàn 555 của Trung ương Cục miền Nam đi biển dài ngày, lấy điểm nằm cánh rừng sát biển phía Bắc Xuyên Mộc và Nam núi Mây Tàu ở Bà Rịa, thuộc miền Đông Nam Bộ để chọn nơi làm căn cứ cho tàu đi - về và đặt kho chứa vũ khí. Lúc này, lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam còn băn khoăn là chọn bến đỗ ở gần TP. Vũng Tàu quá, nơi kẻ địch tăng cường bảo vệ, khá nguy hiểm, dễ bị địch theo dõi, phát hiện. Song, sau khi cân nhắc, về địa hình hiểm trở, ngoài cửa biển Lộc An (nay là xã Lộc An thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), thì không còn điểm nào bí mật, bất ngờ hơn là cửa biển Lộc An. Do vậy, Trung ương Cục miền Nam thấy cách chọn điểm của ông Dương Quang Đông có sự cân nhắc kỹ về địa hình rừng núi sát biển, và Trung ương Cục đã đồng ý để ông Dương Quang Đông tự quyết định điểm đi và đến các chuyến tàu.

Một khó khăn tiếp theo là lấy tiền đâu ra để mua máy và chiếc tàu đi biển. Do lúc này là thời kỳ kháng chiến rất ác liệt, tài chính của Trung ương Cục đang rất khó khăn. Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng đã viết thư cho ông Mai Chí Thọ, Bí thư Khu I (tức Khu 7 hiện nay), tìm cách giúp đỡ ông Dương Quang Đông, nhằm có tiền để mua tàu, khi nguồn tiền còn lại của ta chỉ có 100.000 đồng Sài Gòn lúc đó, không thể đủ mua một tàu nào và máy tàu nào để đi biển.

Giữa lúc khó khăn tưởng không thể nào có thể mua tàu, thì một gia đình cách mạng, là chỗ quen biết cũ của ông Dương Quang Đông tại Bà Rịa là má Mười Riều (còn gọi Mười Vinh - tức Nguyễn Thị Mười) dang tay giúp đỡ. Bà Mười đã dốc toàn bộ gia sản được 10 lượng vàng và bán hết tất cả tư trang của bà và con cái, rồi mượn thêm 20 lượng vàng nữa giúp cho Đoàn việc mua máy và tàu đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ cao cả này. Cũng trên chuyến tàu đầu tiên đó, có con trai má Mười là anh Lê Hà, một trong 6 chiến sĩ dũng cảm cùng vượt biển ra miền Bắc, nhận vũ khí.

Từ việc nhờ có sự ủng hộ hết mình của má Nguyễn Thị Mười, để có chiếc tàu, Đoàn 555 nhanh chóng mở bến tại cửa biển Lộc An, tuyển các thủy thủ giỏi để lo chuyến đi. Đó là cuối năm 1961, những thủy thủ miền Đông sau này được Trung ương Cục và Quân ủy Miền đưa vào biên chế của Đoàn 759 do Bộ Quốc phòng chỉ đạo, kể từ ngày 23-10-1961 khi Đoàn 759 trực thuộc Hải quân nhân dân Việt Nam.

Lập nhiều chiến công

Về mặt chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy Miền (B2), sau khi đoàn tàu đi những chuyến đầu tiên cuối năm 1961, Khu ủy miền Đông Nam Bộ chỉ đạo các tỉnh Bà Rịa và bộ đội chủ lực miền Đông chuẩn bị việc tiếp nhận vũ khí. Ngay từ năm 1961, khi tàu ông Dương Quang Đông chỉ huy đã đi nhiều chuyến tại bến Lộc An, Lực lượng vũ trang miền Đông đã tổ chức tiếp nhận hàng trăm tấn vũ khí, thiết bị hậu cần quân sự rất cần, để mở các chiến dịch lớn, quan trọng của quân và dân miền Đông, như các chiến dịch chiến trường Đồng Xoài, Bình Giã, Dầu Tiếng, Bàu Bàng...[2].

Trong đoàn tàu này, có rất nhiều dũng sĩ rất sáng tạo, hiên ngang, kể cả bất chấp nguy hiểm tính mạng của mình, luôn đi đầu, vượt qua nhiều gian nguy vùng biển từ Nam ra Bắc an toàn, trong đó, theo ông Dương Quang Đông, người chỉ huy đoàn tàu, khi chưa mất đã kể chúng tôi, tiêu biểu là tàu mang bí số 41 do Thuyền trưởng Lê Văn Một chỉ huy, cùng 2 thuyền viên là: Nguyễn Sơn và Thôi Văn Nam. Đây đáng là những chiến sĩ trung kiên, sáng tạo, vượt hàng chục nghìn km đường biển hiểm nguy, rất thông minh, khôn khéo, đã chở về 30 tấn vũ khí đầu tiên, gồm: 1.500 khẩu súng trường, 50 khẩu tiểu liên, 2 khẩu DKZ75 và đạn dược, thuốc nổ.., không để một loại vũ khí nào lọt vào tay địch, đưa về tại bến Lộc An an toàn, rất kịp thời cho bộ đội miền Đông Nam Bộ.

Qua 14 năm mở đường, phát triển lên đỉnh cao của “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã có vai trò rất quan trọng, to lớn trong chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn chiến trường miền Nam. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã làm tốt nhất vai trò tiếp viện kịp thời cho chiến trường trong những thời điểm cách mạng miền Nam chuyển hướng chiến lược các năm 1960-1961; sau đó với vai trò tiếp viện kịp thời đã góp công, góp sức rất kịp thời, cùng với quân dân ta làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Trong chỉ đạo, để giữ thật bí mật, an toàn các chuyến đi, mỗi chuyến tàu đều vượt qua những thử thách rất ác liệt, gian nguy, kể cả nhiều chuyến địch phát hiện phải hủy tàu và vũ khí, mà mỗi chiến sĩ đều phải đấu trí, đấu lực căng thẳng với địch giữa sóng gió biển khơi, các thủy thủ Đoàn 555 miền Đông, cũng như Đoàn 759 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để chuẩn bị cho nhiều chiến dịch lớn của Quân giải phóng miền Nam và nhất là Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiếp tế an toàn nhiều vũ khí, đưa nhiều cán bộ Trung ương, các tướng lĩnh, cán bộ từ Bắc vào Nam, góp phần quan trọng tăng cường sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang miền Nam. Đường Hồ Chí Minh trên biển, qua 14 năm (năm 1961-1975), đã lập công xuất sắc, đưa 152.876 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh cho chiến trường miền Nam, đưa đón 80.026 lượt cán bộ, trong đó, có hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, Quân đội được điều động vào chiến trường miền Nam, rất an toàn, không hề bị lộ. Thành công của những chuyến vũ khí đã trực tiếp góp phần đẩy mạnh chiến tranh Nhân dân, xây dựng, phát triển lực lượng chủ lực ở chiến trường, làm nên những chiến thắng oanh liệt của quân và dân Nam Bộ.

-----------------------
[1] Dương Quang Đông - Trọn đời tận trung với Đảng, tận hiếu với dân - NXB CTQG - Sự thật, HN, 2002, tr.164.

[2] Thành ủy TPHCM - Dương Quang Đông - Người cộng sản trung kiên, tận tụy, suốt đời vì nước, vì dân - Kỷ yếu Hội thảo 115 năm đồng chí Dương Quang Đông, NXB Tổng hợp TPHCM, 2018, tr.470.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất