Hơn cả một mái ấm gia đình



Thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh.

Ngôi nhà hạnh phúc thứ hai

Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tọa lạc ở xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Được thành lập từ 3-4-1965, đây là đơn vị nuôi dưỡng, điều trị TBB nặng tập trung có số lượng thương binh đông nhất và thương tật nặng nhất.

Suốt 55 năm năm qua, Trung tâm đã tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng lao động cho hơn 1.000 TBB nặng bị thương ở các chiến trường, quê ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đồng chí Nguyễn Khắc Dư - Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Hiện nay đơn vị chỉ còn đang quản lý, chăm sóc, điều trị 94 TBB nặng hạng ¼ với tỷ lệ thương tật từ 81 đến 100%. Họ có quê quán ở 23 tỉnh, thành phố (từ Thừa Thiên Huế trở ra) bao gồm cả 3 thế hệ bị thương trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 80% TBB đều bị các thương tật ở vùng cột sống và sọ não,… thậm chí gây liệt nửa người, phải di chuyển bằng xe lăn, xe lắc, sinh hoạt cá nhân hằng ngày gặp rất nhiều khó khăn, vất vả (không tự chủ được trong sinh hoạt đại, tiểu tiện, hằng ngày dịch máu mủ chảy ra từ vết loét, đau nhức thần kinh trong xương khớp, hốc mắt, mõm cụt… mỗi khi thời tiết thay đổi). Đa số đều cần phải có sự  phục vụ, trợ giúp của cán bộ, nhân viên y tế và người thân trong gia đình”.

Dẫu vậy, đa số TBB sau một thời gian an dưỡng, được đội ngũ y, bác sỹ Trung tâm điều trị, phục hồi chức năng, đều ổn định vết thương, phục hồi một phần sức khỏe và chức năng lao động… Những trường hợp này sau đó được Trung tâm chuyển về các trung tâm nuôi dưỡng của tỉnh hoặc an dưỡng ở gia đình, tạo điều kiện cho người thân chăm sóc ở quê nhà. 

Đến với Trung tâm để tri ân các cô, các bác TBB, người có công với nước, mọi người càng thấy trân trọng trước những hy sinh, mất mát của các thế hệ đi trước. Không chỉ mang bên mình di chứng của vết thương cột sống, gây teo cơ 1/2 cơ thể, thậm chí cụt hết các chi trên cơ thể, có không ít các cô, các bác TBB còn mắc thêm các chứng bệnh: tiểu đường, huyết áp cao, sỏi thận, sỏi bàng quang, viêm gan B - C...

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng hình bóng của sự đau thương vẫn in hằn trên thân thể của họ. Có những vết thương cứ đợt trái gió trở trời lại đùng đùng tái phát, hành hạ những thân hình bé nhỏ ấy. Bác Nguyễn Văn Thành, năm nay đã 70 tuổi nhưng đã 48 tuổi Đảng. Đi lính từ năm 19 tuổi, người con của mảnh đất Thanh Hóa lên đường nhập ngũ làm lính trinh sát kỹ thuật của Trung đoàn 88B – Bộ Tổng Tham mưu tại chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long và bị thương khi tham gia chiến trường giải phóng Long An năm 1975. Người lính ấy mang trong mình tỷ lệ thương tật 91% cơ thể, bị liệt nửa người với vết đạn găm thẳng vào cột sống. Những cơn đau buốt, ê ẩm cứ dai dẳng bám đuổi bác từ độ ấy đến giờ cũng đã gần 45 năm. Đó cũng là quãng thời gian bác gắn bó với Trung tâm để điều trị và an dưỡng.

Nghe những câu chuyện, những lời kể của những TBB nơi đây, mà ai cũng không cầm nổi nước mắt về những gian lao, sự hi sinh mà họ đã phải chịu đựng để bảo vệ, gìn giữ nền độc lập, tự do của đất nước. Nhưng, nỗi đau chỉ có thể in hằn lên thân thể những người TBB ấy, còn ánh mắt và trái tim họ lại ánh lên niềm hạnh phúc, bởi ở nơi đây, họ luôn được đón nhận sự chăm sóc đặc biệt đến từ đội ngũ y, bác sỹ. Bác Thành, người TBB nặng của Trung tâm xúc động nói: “Đội ngũ các y, bác sĩ, cán bộ của Trung tâm đều hết sức nhiệt tình, chu đáo. Mọi công việc của chúng tôi đều nhờ cậy đến sự chăm sóc của họ. Chúng tôi sinh hoạt như những người thân, người hàng xóm, láng giềng với nhau. Có gì khó khăn, chỉ cần nhấn chuông là đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ đều hết mình phục vụ bất kể nắng mưa, đêm ngày. Anh em chúng tôi hay nói với nhau “các anh em bác sỹ, hộ lý phục vụ chúng tôi còn khó khăn hơn nhiều lần việc họ chăm sóc bố mẹ họ". Điều này làm tôi xúc động lắm. Hơn 40 năm trôi qua, đây luôn là mái nhà thứ hai của tôi và các anh em TBB đến từ những vùng quê khác nhau cũng coi Bắc Ninh là quê hương của mình”.

Quả đúng như vậy, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành còn từng là nơi tổ chức các hôn lễ đặc biệt, chú rể là những thương binh nặng. Trước đó, trong họ ánh lên nét buồn bởi họ chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành người chồng, người cha, người đàn ông trụ cột của gia đình. Ấy vậy mà, có những cuộc hôn nhân đầy sự bao dung và tình nhân ái đã đơm hoa, kết trái.

Có những thời điểm, trong 20 hộ lý của Trung tâm, có tới 15 người trở thành vợ của thương binh. Đó đều là những cuộc hôn nhân nhận nhiều sự cấm cản của gia đình, nhưng vì tình yêu, tình thương họ đến với nhau để tìm kiếm sự bù đắp, an ủi về những mất mát, đau thương mà chiến tranh đã in hằn lên thân thể những người TBB. Và thế là, trong khu tập thể gia đình của Trung tâm, đã có những đứa trẻ ra đời và lớn lên từ những tình yêu cao cả ấy. Chúng đều được ăn học đầy đủ, đàng hoàng và lớn lên trở thành những người có ích cho cộng đồng, xã hội.

Bác Nguyên Văn Thành chia sẻ thêm: “Các chị em hộ lý nên duyên với thương binh can đảm lắm. Họ đúng là có tinh thần thép mới làm điều đó. Con dâu tôi giờ cũng làm hộ lý tại Trung tâm, con trai thì công tác trong Quân đội. Nhà tôi mấy đời đều làm trong quân ngũ, phục vụ Đảng và Nhà nước. Tôi tuy sức lực không vững nhưng cố gắng nuôi dạy con em mình thành người và sống sao để làm gương cho các cháu noi theo”.

“Thương binh tàn nhưng không phế”

Thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ trong việc tiếp tục giữ gìn và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, “Thương binh tàn nhưng không phế”, tập thể Đảng bộ cùng toàn thể cán bộ, viên chức, TBB của đơn vị đã đoàn kết một lòng, cùng nhau nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Nhiều năm qua, Trung tâm đã làm tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và thực hiện chế độ, chính sách đối với TBB nặng đang an dưỡng điều trị tại đơn vị. Song song với nhiệm vụ chính trị đó, Đảng bộ cùng với tập thể đơn vị đã thường xuyên chú trọng đến công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị, tính chủ động, ý thức đoàn kết, trách nhiệm xây dựng tập thể… giúp cho các bác, các đồng chí thương binh nỗ lực rèn luyện vượt lên chính mình, chiến thắng bệnh tật, yên tâm điều dưỡng, điều trị, phấn khởi và tin tưởng vào đường lối và sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Đảng ủy, Ban Giám đốc trung tâm luôn quan tâm chỉ đạo các chi bộ cụ thể hóa mọi chính sách bằng những việc làm và hành động cụ thể, thiết thực như các đồng chí đảng viên là thương binh mặc dù tuổi cao, thương tật nặng, sức yếu… nhưng hằng ngày vẫn kiên trì phấn đấu, rèn luyện để chiến thắng bệnh tật, vượt lên chính mình, yên tâm điều dưỡng, điều trị. Các đảng viên Chi bộ Y tế phấn đấu không ngừng nâng cao y đức, trau dồi y thuật, rèn luyện tính cần cù, chịu khó, thái độ vui vẻ, chân tình… thực hiện lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”. Các đảng viên trong Chi bộ Hành chính luôn chủ động, sâu sát trong công việc, thường xuyên học hỏi, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm và kỹ năng làm việc phấn đấu để mỗi người đều phải giỏi một việc và biết nhiều việc để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác được giao.

Đặc biệt, với tính chất chuyên môn chăm sóc các TBB nặng, chăm sóc y tế luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với Trung tâm. Mỗi sáng thứ 2 hằng tuần đều đặn, tổ điều trị gồm các bác sĩ, y tá đến các phòng ở của TBB để khám bệnh, hội chẩn đánh giá tình trạng, mức độ bệnh tật, phân loại nhóm bệnh của từng TBB để chữa trị cho nhanh chóng khỏi bệnh, những trường hợp nặng, bệnh tình phức tạp vượt quá khả năng trình độ của y, bác sĩ và thiết bị y tế của đơn vị thì làm thủ tục giới thiệu chuyển lên điều trị ở các bệnh viện tuyến trên.

Suốt 5 năm qua, Trung tâm đã tổ chức khám bệnh tại chỗ và kê đơn điều trị cho 19.650 lượt TBB; tiêm truyền dịch trên 17.900 lượt; 19.910 lượt cấp thuốc viên chữa viêm tiết niệu, viêm dạ dày, đau thần kinh, viêm loét ụ ngồi, các bệnh về huyết áp, suy gan thận, thoái hóa khớp… an toàn, không để xảy ra sai sót; tiến hành cấp cứu tại chỗ kịp thời hơn 400 trường hợp, đặc biệt có những trường hợp thương binh có diễn biến nặng tưởng chừng không qua khỏi…

Bên cạnh đó, cán bộ Trung tâm cũng thường xuyên quan tâm đến công tác phục vụ, bảo đảm chế độ an toàn đối với mỗi TBB, đem đến cho họ cảm giác an tâm như tại ngôi nhà của chính mình như sửa chữa xe lăn, xe lắc; cung cấp và sửa chữa điện, nước sinh hoạt; xe ô tô luôn bảo đảm sẵn sàng việc đưa đón TBB đi khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên và đưa cán bộ đi công tác, giải quyết chế độ, chính sách liên quan đến bản thân và gia đình của TBB. Nhà ăn, nhà bếp tập thể luôn bảo đảm tiêu chuẩn định lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác phục vụ thư viện, cấp phát thư báo hằng ngày đến tận tay người đọc, loa truyền thanh công cộng…

Đặc biệt, trong đợt dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp, toàn thể đội ngũ TBB đều được tuyên truyền, khuyến cáo công tác phòng, chống dịch. Công tác vệ sinh, phòng, chống bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn được Trung tâm ưu tiên hàng đầu, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tại xã Ninh Xá thực hiện các chương trình hành động cụ thể để tạo cảm giác vững tâm cho toàn thể TBB mà hầu hết là các TBB nặng an dưỡng, điều trị bệnh.

Bên cạnh các nhiệm vụ chính trị chuyên môn, là một mái ấm của hàng trăm TBB, hằng năm, đơn vị luôn nỗ lực cố gắng làm tốt các công tác vận động xã hội, đặc biệt vào các dịp lễ, tết, dịp 27-7 để tạo các chương trình, các phong trào “xã hội hóa chăm sóc người có công với cách mạng”. Mỗi năm, đơn vị đón hàng trăm các cá nhân, tập thể tới giao lưu, tri ân những TBB tại đơn vị. Có những đơn vị nhiều năm liền đều dành thời gian lên Trung tâm, tổ chức các chương trình khám bệnh, chăm sóc miễn phí (làm răng, xoa bóp, bấm huyệt, cắt tóc…). Theo đó, Trung tâm cũng đã xã hội hóa xây dựng được nhiều công trình công ích thiết thực, hỗ trợ ổn định đời sống vật chất và tinh thần của không chỉ các TBB mà còn gia đình của chính họ.

Con em của các TBB nặng tại Trung tâm cũng được Đảng ủy, Ban Giám đốc đặc biệt quan tâm. Nhiều em đã được xét tuyển đặc cách, công tác tại các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Chăm lo đời sống vật chất thôi là chưa đủ, việc chăm lo đời sống tinh thần và giáo dục tư tưởng chính trị cũng là việc làm hết sức quan trọng được Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm chú trọng, để các TBB luôn được thường xuyên quán triệt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn vững niềm tin vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng. Hầu hết các TBB đều hạn chế trong khả năng đi lại, nên hằng quý đơn vị đều mời báo cáo viên của Trường Sĩ quan Chính trị về nói chuyện thời sự trong nước và quốc tế, các vấn đề chính trị nổi bật, phổ biến nghị quyết của Đảng, chính sách mới của Nhà nước… Qua đó, tư tưởng cán bộ, đảng viên cùng toàn thể TBB, cán bộ, viên chức trong đơn vị có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào định hướng dư luận, nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng viên và tổ chức đảng.

Chính nhờ sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc, suốt thời gian qua, những thành tích của đơn vị đều được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Minh chứng bằng việc, nhiều năm liền, đơn vị đều đạt danh hiệu tập thể xuất sắc, lao động tiên tiến với 2 Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đó chính là động lực để Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành làm tốt hơn nữa công tác nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và các chế độ, chính sách cho các TBB.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất