Tới dự có đồng Thân Thị Thư, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; lãnh đạo các sở, ban ngành; các cơ quan báo chí của TPHCM và các tác giả đoạt giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Trung ương và TPHCM.
Theo Ban tổ chức, sau gần 3 năm phát động, Ban sơ khảo đã nhận được 1.196 tác phẩm sáng tác và 27 hồ sơ đề nghị xét giải quảng bá. Kết quả chấm sơ khảo có 94 tác phẩm văn học, nghệ thuật, 16 tác phẩm báo chí, 25 hồ sơ quảng bá và 87 tác phẩm của Ban tuyên giáo các quận ủy, huyện ủy và Đảng ủy cấp trên cơ sở, đoàn thể chính trị - xã hội được Hội đồng chung khảo đưa vào danh sách chấm vòng chung khảo.
Kết quả, Ban tổ chức đã chọn được 52 tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí để trao cho 3 giải A, 14 giải B, 18 giải C, 17 giải khuyết khích.
Ngoài ra, Hội đồng chung khảo còn xét trao 6 giải tập thể, 10 giải cá nhân giải quảng bá.
Báo Sài Gòn Giải Phóng đoạt được giải B giải tập thể với trang chuyên đề “Theo gương Bác”.
Đồng chí Thân Thị Thư trao giải cho các tác giả đoạt giải. Ảnh: HOÀNG HÙNG Về giải phong trào quần chúng khối quận huyện, Đảng ủy cấp trên cơ sở có 6 đơn vị và 13 tập thể, cá nhân có tác phẩm dự thi được khen thưởng.
Theo đánh giá của Hội đồng chung khảo, các tác phẩm đoạt giải và được khen thưởng đều có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, góp phần đẩy mạnh các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thông qua đó tiếp tục tuyên truyền, cổ vũ, khẳng định mục đích, ý nghĩa, tác dụng to lớn của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng và phát triển TPHCM.
Phát biểu tại lễ trao giải, đồng chí Thân Thị Thư chúc mừng các tác giả đoạt giải lần này; đánh giá hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh” được đẩy mạnh những năm qua. Đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo của TPHCM đã dành trọn tình cảm của mình, miệt mài lao động sáng tạo để tôn vinh những con người đang ngày đêm học tập và làm theo gương Bác, làm cho hình ảnh và hơi ấm của Bác vẫn như đang cùng chúng ta trên mỗi bước đường dựng xây thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Đồng chí Thân Thị Thư nhấn mạnh: “Mỗi tác phẩm đạt giải có cách khắc họa riêng nhưng đều có chung một cung bậc cảm xúc là niềm kính yêu vô hạn của các tác giả đối với Bác Hồ, là hình tượng thiêng liêng mà người cầm bút nào cũng khát khao vươn tới tìm hiểu và sáng tác. Đặc biệt, giải thưởng lần này có nhiều tác phẩm về điển hình học tập và làm theo gương Bác của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố được thể hiện phong phú và đa dạng dưới các loại hình nghệ thuật..”
"Chúng ta dâng trào cảm xúc khi nghe các ca khúc “Niềm tin”, “Lời Người như thể nước non”, “Dấu xưa”, “Người Chăm nhớ ơn Bác”, “Tuổi trẻ Việt Nam làm theo lời Bác”… Chúng ta quá đỗi tự hào, lắng đọng và khắc khoải với những mẩu chuyện không bao giờ cũ trong tiểu thuyết “Chuyện năm 1968”, Trường Sơn ca thơ “Trên con đường ấy – Trường Sơn”, truyện ký “Nguyễn Văn Đức – người anh hùng tàu Không số huyền thoại”… Chúng ta trân trọng tình cảm và tâm huyết của các nhà báo thực hiện chương trình nghệ thuật “Ngàn hoa dâng Bác” của Đài Truyền hình TPHCM, chuyên trang “Theo gương Bác” của Báo Sài Gòn Giải Phóng, chương trình phát thanh tổng hợp “Tạp chí Hương sen” của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM đã phản ánh rõ nét về một thành phố năng động, văn minh, nghĩa tình mang tên Bác Hồ kính yêu, một thành phố đang phát triển, đổi mới từng ngày. Chúng ta cảm thấy thật đẹp, thật trong sáng và nhân văn khi chiêm ngưỡng bộ ảnh “Thành phố nghĩa tình” “Chung tay vì dòng kênh xanh”, hay bức tranh thiếu nhi “Ngàn hoa dâng Bác”… Bởi qua đó, ta càng trân trọng những tâm hồn đẹp, những cử chỉ đẹp luôn ở quanh ta trong cuộc sống muôn màu, muôn sắc. Và có rất nhiều, rất nhiều những vần thơ, những bức ảnh nghệ thuật, tranh mỹ thuật, vở diễn sân khấu, hay những câu chuyện xúc động được tái thể hiện trong các bài báo, trong các chương trình phát thanh, truyền hình…, đã dẫn dắt chúng ta đắm mình vào huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh”- bà Thân Thị Thư bày tỏ.
Là tác giả được vinh danh tại lễ trao giải thưởng, vì đã đạt được các giải thưởng cao của Ban Tuyên giáo Trung ương, Đạo diễn Trần Minh Ngọc bày tỏ cảm xúc khi tham gia đề tài về Bác: “Đây là dịp để giới văn nghệ sĩ, báo chí thể hiện mình qua những tác phẩm về Bác. Bác Hồ của chúng ta có sức hấp dẫn, cảm hứng vô tận để mỗi văn nghệ sĩ, nhà báo và các giới đồng bào thể hiện tình cảm của mình với Bác qua những tác phẩm rất gần gũi, đời thường của xã hội hiện nay”.
Đạo diễn Trần Quốc Sơn của Đài Truyền hình TPHCM cũng bày tỏ cảm xúc của mình về phần thưởng vinh danh này: “Có thể nói, làm sao để tái hiện lại những thước phim lịch sử về Bác Hồ đến người dân một cách gần gũi, tình cảm nhất luôn là trăn trở và tự hào đối với những người làm phim như chúng tôi. Người xem được thấy hình ảnh Bác sống động, giản dị nhưng vĩ đại ở tư tưởng, đạo đức, việc làm vì dân vì nước và qua đó có cách thể hiện sự yêu kính Bác, làm theo Bác từ những việc làm thiết thực nhất có ích cho đời”.
Còn nhà báo Trương Hoàng, Báo Người Lao động, tác giả đoạt giải C, xúc động nói: “Bác Hồ luôn có sức hấp dẫn và tình cảm vô bờ bến đối với những người cầm bút. Viết về Bác qua những việc làm rất đời thường của những tấm gương thầm lặng mà cao quý trong xã hội, chúng ta mới thấy hình ảnh Bác luôn gần gũi, động viên, hướng dẫn mọi người hôm nay và mai sau, hãy luôn sống có ích cho xã hội và cho Tổ quốc”.