1. Là người đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam, Bác là tấm gương mẫu mực về phong cách làm báo. Người xác định: Văn hoá là một mặt trận, cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Bác cho rằng báo chí cách mạng là vũ khí hàng đầu trên mặt trận văn hoá tư tưởng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, nhân dân với Đảng. Bác nhận thức rõ tác dụng của báo chí, một lực lượng có sức mạnh to lớn.
Chính vì vậy mà những ngày đầu tiên khi đến nước Pháp, trong điều kiện sống kham khổ nhưng Bác đã tập viết báo. Bài báo đầu tiên của Bác là “vấn đề dân chủ của bản xứ”, đăng trên báo Nhân Đạo ngày 2-8-1919. Sau đó (4-1922) Bác sáng lập tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria). Tờ báo nhiều bài viết với những hình thức: bình luận, tin tức, tranh ảnh, biếm hoạ, thư gửi toà soạn, chuyên mục chủ yếu là chính trị, ngoài ra còn có diễn đàn văn học, giới thiệu tác phẩm. Những bài báo của Bác phản ánh nỗi đau của những người dân mất nước, chịu cảnh lầm than, nô lệ dưới ách nô dịch của thực dân, phong kiến, “phò chính, trừ tà” nên có sức cảm hóa, thuyết phục đối với bạn đọc.
Bác khẳng định: Chúng ta chống nói dài, viết rỗng, chứ không nhất thiết cái gì cũng phải ngắn mới tốt. Viết và nói cố nhiên phải vắn tắt. Song trước hết phải có nội dung. Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không như vậy thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem.
Khi Bác thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, Người cùng Trung ương Hội xuất bản báo Thanh niên, số đầu tiên ra ngày 21-6-1925. Báo Thanh niên là tờ báo tiếng Việt đầu tiên của giai cấp vô sản và cách mạng Việt Nam. Tờ báo đã góp phần mở đầu sự nghiệp đổi mới tư tưởng chính trị, phương pháp cách mạng và phong cách báo chí của Việt nam, một điển hình mẫu mực về nội dung, cách trình bày, văn phong, phát hành và tuyên truyền…
Năm 1941, sau nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, khi về Tổ quốc, Bác thành lập báo Việt Nam độc lập, nhằm kêu gọi nhân dân đoàn kết vững bền cùng nhau cứu nước. Những năm đầu của cuộc kháng chiến, Người cho rằng tờ báo Đảng phải như những lớp huấn luyện đơn giản, thiết thực và rộng khắp. Báo phải hướng dẫn người ta những điều cần thiết phải làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Với kiến thức sâu rộng, văn phong trong sáng, dễ hiểu, những bài báo của Bác có sức lay gọi mọi tầng lớp nhân dân, từ người học cao, nhiều chữ, đến đồng bào ít học. Người luôn chú ý đến tính giản dị, thiết thực, hợp với trình độ quần chúng lao động. Bác chỉ rõ: Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số quần chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo. Người căn dặn những người làm báo: Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sỹ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được. Bác khuyên nhà báo viết xong đưa cho những người xung quanh đọc và góp ý để sửa chữa. Việc xác định đối tượng còn nhằm trả lời câu hỏi: Viết cái gì, có nghĩa là nhà báo phải biết lựa chọn cái gì nên viết, cái gì không nên viết. Bác coi tính trung thực là một tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp. Người làm báo có trung thực, có viết đúng mới được dân tin, dân nghe. Dù ở thể loại nào, các bài viết của Bác cũng đều toát lên tính trung thực, phản ánh đúng hiện thực khách quan, bản chất sự việc, phân biệt rõ đúng sai, không “tô hồng”, “bôi đen”, phiến diện, một chiều. Đây chính là phẩm chất cao đẹp của đạo đức nghề nghiệp, cái gốc của một nhà báo cách mạng, người làm báo chân chính. Bác yêu cầu nhà báo: Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Phê bình phải phê bình thật thà, chân thành đúng đắn. Trong mọi trường hợp không thể viết báo vì mục đích vụ lợi cá nhân. Đó là nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Chính cuộc đời hoạt động báo chí của Bác là bằng chứng sinh động quan điểm vì nhân dân, phục vụ nhân dân, kính trọng nhân dân. Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam,(1959) Bác dạy: Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản. Phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Tại Đại hội lần thứ III của Hội (1962), Bác khẳng định: Để làm tròn nhiệm vụ của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng.
2. Học tập và làm theo Bác, thời gian qua báo chí nước nhà đã phát huy thế mạnh, bảo đảm thông tin nhanh nhạy, kịp thời, phản ảnh mọi mặt đời sống xã hội theo tôn chỉ mục đích của mỗi tờ báo, thúc đẩy phát triển nhiều phong trào mang ý nghĩa nhân văn, khơi dậy truyền thống và niềm tự hào dân tộc; phát hiện và biểu dương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, đấu tranh chống lại những hiện tượng tiêu cực, phanh phui những nhiện tượng tham ô tham nhũng, câu kết bè cánh bòn rút ngân khố, chiếm dụng đất đai làm nghèo đất nước. Ngày càng có nhiều nhà báo bám sát cơ sở, gắn bó với nhân dân được nhân dân tin cậy, gửi gắm niềm tin.
Song một số cơ quan báo chí, nhà báo xa rời tôn chỉ, xa rời thực tiễn khách quan, không nhìn nhận đúng bản chất sự vật hiện tượng, phản ánh thiếu trung thực đời sống xã hội. Một số khác lợi dụng sức mạnh thông tin để sách nhiễu kiếm lời, thương mại thông tin báo chí, chạy theo thị hiếu tầm thường. Thấm nhuần chỉ dẫn của Bác: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, nhà báo cần tu dưỡng đạo đức cách mạng, nỗ lực thực hiện hiện “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”. Trong đó, trước hết là trung thực trong tác nghiệp báo chí. Trung thực là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp quan trọng nhất, là nền tảng của người làm báo. Tính trung thực tạo nên bản lĩnh chính trị vững vàng của người làm báo, đánh gía đúng sự vật hiện tượng trước một sự kiện, tôn trọng sự thật, không làm sai lệch thông tin hoặc chạy theo lợi nhuận mà đưa những sự kiện giật gân, câu khách. Mọi thông tin phải thể hiện đúng bản chất khách quan, cung cấp cho công chúng những hình ảnh chân thực thông qua đó hướng dẫn, định hướng dư luận.
Chọn lọc thông tin phản ánh, có tính chiến đấu là một đặc điểm nổi bật phong cách báo chí Hồ Chí Minh. Bởi theo Bác, hoạt động báo chí là hoạt động chính trị, báo chí là vũ khí đấu tranh cách mạng nên người làm báo phải thể hiện rõ chính kiến sự kiện mà mình đang phản ánh. Ngày nay báo chí không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, dũng cảm đấu tranh không khoan nhượng với mọi đối tượng, hiện tượng làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, tệ nạn xã hội, phản bác thuyết phục, hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.
Học tập phong cách làm báo của Bác, người làm báo khi viết luôn tự hỏi: “Ta viết cho ai xem”, “nói cho ai nghe”. Có như vậy, người viết mới xác định đúng nội dung, hình thức thể hiện, cách diễn đạt phù hợp với lối sống, trình độ học vấn, kiến thức, truyền thống văn hóa cũng như yêu cầu, đặc điểm riêng của từng đối tượng, không chệch mục đích, tôn chỉ tờ báo
Xác định rõ đối tượng, Bác chỉ dẫn về cách viết, thế nào cho thật giản dị, chân thực để nhân dân dễ hiểu nhất. Người nhấn mạnh, phải viết phù hợp trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng; chớ ham dùng chữ, những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng, những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta, làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bác luôn đòi hỏi phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và bảo vệ, phát triển tiếng nói của dân tộc.
3. Tình hình trong nước và thế giới cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại, đã và đang đặt ra cho báo chí nhiệm vụ nặng nề. Ngoài góp phần vào việc xây dựng con người mới, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về đời sống tinh thần của nhân dân, báo chí còn có trách nhiệm tuyên truyền, bảo vệ lợi ích của dân tộc, nhân dân, bảo vệ chế độ; vạch trần và làm thất bại mọi âm mưu phá hoại về tư tưởng của kẻ địch; tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước cùng những thành tựu mọi mặt của công cuộc đổi mới, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, sự đồng thuận xã hội, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới. Bác căn dặn:Báo chí của ta có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới, cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, nội dung và cách viết. Nhận thức rõ tầm quan trọng này, yêu cầu đặt ra đối với mỗi nhà báo, phóng viên không chỉ có năng lực, trình độ, đạo đức cách mạng mà còn phải có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng. Hơn lúc nào hết chúng ta nhớ và thực hiện lời căn dặn của Bác tại đại hội II của Hội Nhà báo (16-4-1959): "Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được". Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi người cầm bút thấm nhuần sâu sắc những quan điểm và đạo đức làm báo của Người, không ngừng học hỏi, vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Báo giới cả nước nhập cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, thông tin nhanh, sâu sắc, tương tác, đa thể loại... phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trần Công Huyền