1- Khái quát về chủ nghĩa cơ hội.
Từ những năm 70 của thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa Mác giành được địa vị thống trị về mặt lý luận trong phong trào công nhân đến nay, các nhà lý luận tư sản và tiểu tư sản đã ngày càng tìm cách đưa các loại tư tưởng của họ xâm nhập vào nội bộ phong trào công nhân dưới hình thức hoạt động cơ hội chủ nghĩa đủ màu sắc với nhiều thủ đoạn và mánh khoé. Những năm 90 của thế kỷ 19, nhất là từ khi C.Mác qua đời, trong phong trào công nhân và nội bộ các đảng của giai cấp công nhân, chủ nghĩa cơ hội lại càng phát triển ở khắp nơi. Về mặt triết học, những nhà lý luận cơ hội chủ nghĩa đã dùng chủ nghĩa duy vật tầm thường thay cho chủ nghĩa duy vật lịch sử, dùng thuyết tiến hoá tầm thường thay cho phép biện chứng cách mạng. Về mặt chính trị, họ dùng chủ nghĩa cải lương xã hội thay thế cho học thuyết đấu tranh cách mạng của Mác, họ cổ vũ cho cái gọi là “xã hội hiện đại đẻ ra chủ nghĩa xã hội”. Về mặt tổ chức họ mưu toan đưa đảng từ chỗ là đội tiền phong của giai cấp công nhân biến thành đảng tiểu tư sản. Muốn bảo vệ và truyền bá chủ nghĩa Mác, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của phong trào công nhân thì phải kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cơ hội. Sứ mạng nặng nề đó được đặt lên vai Ph.Ăngghen. Ông đã phân tích sâu sắc nguồn gốc sinh ra chủ nghĩa cơ hội từ các mặt kinh tế, chính trị, tư tưởng và lịch sử. Ông chỉ rõ: một mặt, sự đàn áp tàn khốc của giai cấp thống trị làm cho những kẻ ý chí bạc nhược sợ hãi, quỳ gối van xin. Mặt khác bọn thống trị ở các nước Âu, Mỹ áp dụng một chính sách nới lỏng tự do trên một số mặt nào đó với phong trào công nhân, khiến cho họ có ảo tưởng cải lương chủ nghĩa, một loại công đoàn “vàng” xuất hiện làm tay chân cho giới chủ, quay lưng lại với lợi ích của phong trào công nhân. Về mặt chủ quan, do phong trào cộng sản phát triển mau lẹ, nhiều đảng viên mới chưa kịp học tập một cách có hệ thống và cơ bản lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học cho nên không thể nhận ra bộ mặt thật của chủ nghĩa cơ hội, ngược lại còn tiếp thu hoặc truyền bá những tư tưởng phản động của chủ nghĩa cơ hội. Ph.Ăngghen cho rằng về cơ bản, tư tưởng và quan điểm của chủ nghĩa cơ hội là quan điểm tư tưởng tư sản, các phần tử cơ hội chủ nghĩa là cái đuôi của giai cấp tư sản, họ tạo ra một “mặt trận tư sản” trong phong trào công nhân và trong đảng công nhân. Nó cổ vũ một thứ chủ nghĩa mơ hồ, làm tê liệt tư tưởng và ý chí đấu tranh của công nhân, nó làm cho phong trào công nhân đi vào con đường sai lầm, chia rẽ, mất đoàn kết, đưa phong trào đến chỗ thất bại. Theo Ph.Ăngghen, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, dưới bất kỳ biểu hiện nào của nó đều là cuộc “đấu tranh sống mái” và có tính lâu dài (1).
Ph.Ăngghen còn lưu ý rằng, bọn cơ hội chủ nghĩa núp dưới khẩu hiệu ủng hộ chủ nghĩa Mác, dùng phương pháp lén lút sửa đổi, cắt xén làm cho chủ nghĩa Mác bị xuyên tạc để thích ứng với lợi ích của chúng. Những người theo chủ nghĩa cơ hội mồm thì nói chủ nghĩa Mác, danh nghĩa là người đại biểu cho lợi ích của công nhân và nhân dân lao động nhưng thực tế là bảo vệ lợi ích của bọn bóc lột. Họ còn lợi dụng tình hình để đục nước béo cò, mưu kiếm chác thật nhiều cho bản thân và bè lũ của chúng.
Ph.Ăngghen vạch rõ: Có chủ nghĩa cơ hội tả khuynh và chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh:
Chủ nghĩa cơ hội tả khuynh khư khư biến chủ nghĩa Mác thành một thứ giáo lý chết cứng như kinh thánh của tôn giáo, làm cho chủ nghĩa Mác mất sức sống, cứng nhắc và không sáng tạo, xa rời đời sống thực tiễn, gần gụi với chủ nghĩa giáo điều, máy móc, rập khuôn. Nó ảo tưởng trong một thời gian ngắn có thể tạo ra một phong trào bất chấp những điều kiện chủ quan và khách quan thực tế hiện có, làm cho Đảng thoát ly quần chúng, mạo hiểm làm bừa. Chủ nghĩa cơ hội tả khuynh làm cho những nhà lãnh đạo phong trào công nhân rất dễ rơi vào chủ quan, duy ý chí, không nắm vững quy luật khách quan.
Chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh làm mờ nhạt, suy yếu, thủ tiêu nội dung cách mạng của chủ nghĩa Mác, nó “tuyên truyền trong công nhân thứ chủ nghĩa xã hội lửng lơ bên trên lợi ích giai cấp của họ, bên trên đấu tranh giai cấp và ra sức điều hoà theo tinh thần nhân đạo cao cả những lợi ích của hai giai cấp đang đấu tranh với nhau”(2), biến chủ nghĩa Mác thành cái mà ngay cả giai cấp tư sản cũng có thể chấp nhận được. Vì thế Ăngghen đã nói rằng chủ nghĩa cơ hội biến chủ nghĩa Mác thành một thứ ““chủ nghĩa Mác” bị xuyên tạc méo mó”(3). Chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh làm cho giai cấp công nhân chỉ chạy theo những lợi ích nhỏ nhặt trước mắt, xa rời mục tiêu đấu tranh xoá bỏ chế độ bóc lột. Chúng ta cần đặc biệt lưu ý chỉ dẫn sau đây của Ph.Ăngghen: “Vì những lợi ích nhất thời hàng ngày mà quên đi những quan điểm chủ yếu lớn, chạy theo những thành công chốc lát và đấu tranh cho những thành công chốc lát mà không tính đến những hậu quả về sau, hy sinh tương lai của phong trào vì hiện tại, tất cả những việc ấy có thể xuất phát từ những động cơ “thành thật”. Nhưng đó là và sẽ vẫn là chủ nghĩa cơ hội, mà chủ nghĩa cơ hội “thành thật” có lẽ lại là thứ chủ nghĩa cơ hội nguy hiểm hơn hết cả”(4).
Cả hai biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội nói trên cho đến nay không những vẫn đang tồn tại đó đây trong đời sống của đảng cộng sản ở thời hiện tại mà nó còn phát triển rất tinh vi, đủ màu sắc dưới chính thể cộng hòa dân chủ do đảng cộng sản cầm quyền. VI.Lênin cho rằng khi đảng cộng sản đã trở thành đảng chấp chính thì bọn cơ hội ra sức thích ứng với trào lưu thịnh hành trong công nhân “họ thay màu đổi sắc để ẩn nấp được dễ dàng hơn, như con thỏ rừng, về mùa đông thay lông thành màu trắng”(5). Lời chỉ dẫn sau đây của VI.Lênin đã một mặt minh chứng cho luận điểm khoa học của Ph.Ăngghen về chủ nghĩa cơ hội; mặt khác, cho chúng ta thêm hiểu biết để nhận rõ những phần tử cơ hội trong phong trào cách mạng đương đại: “Bất cứ một người cơ hội chủ nghĩa nào cũng đều có khả năng thích ứng như vậy”(6) và cái kiểu thích ứng như con thỏ rừng ấy là nguyên tắc sống còn của bọn chúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi những phần tử cơ hội chủ nghĩa là bọn đầu cơ. Bọn đầu cơ thực ra chỉ là bọn cơ hội chủ nghĩa thực dụng, chúng không có lý luận, chúng chỉ tìm cách “thích nghi” và luồn lách xuất phát từ bản chất của nó là mưu lợi cá nhân, là thói ích kỷ, vụ lợi. Hồ Chí Minh cho rằng bọn đầu cơ cũng giống như là bọn phản động, nó “là địch nhân lọt vào trong Đảng để phá hoại”(7). Nó dùng mọi thủ đoạn như xu nịnh, đút lót, hối lộ, tâng bốc, bênh che, cánh hẩu, ô dù, phe cánh, gian dối… để chui sâu, leo cao, miễn sao nắm được quyền lực để mưu vinh thân phì gia…
2- Nhận diện chủ nghĩa cơ hội hiện nay.
Nằm sâu trong những nguy cơ, quốc nạn đối với chúng ta hôm nay đều lấp ló hình ảnh những phần tử cơ hội chủ nghĩa. Có lúc nó hiện nguyên hình khi bị lôi ra ánh sáng, trước công luận, thậm chí trước vành móng ngựa; nhưng lại có một số không nhỏ vẫn mũ áo xênh xang, “miệng nam mô nhưng bụng một bồ dao găm”. Bệnh quan liêu, tệ tham nhũng và thói vô trách nhiệm mà một số không nhỏ người có chức, có quyền mắc phải là một ví dụ. Chính những phần tử cơ hội chưa bị đưa ra ánh sáng, vẫn đang tồn tại trong bộ máy của chế độ ta mới là nguyên nhân cơ bản gây ra những yếu kém của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết Đại hội X của ĐCSVN đã chỉ rõ: “… một bộ phận không nhỏ thoái hoá, biến chất. Dân chủ ở nhiều nơi bị vi phạm, kỷ cương phép nước chưa nghiêm. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm của bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức”(8); “nổi lên là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”(9).
Những phần tử cơ hội có nhiều mánh khoé, biểu hiện ra ở rất nhiều dáng vẻ khác nhau:
- Rất phổ biến là tệ chạy chức, chạy quyền, “cố tranh cho được uỷ viên này chủ tịch kia… lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công”(10).
- Một biểu hiện khá phổ biến nữa là thói quen “hội” nhưng không “nghị” như Bác Hồ từng nhắc nhở, nghĩa là hội họp thì nhiều nhưng thảo luận, tranh luận thì ít, người chủ trì thì đưa ra lấy ý kiến chiếu lệ, cốt sao áp đặt được ý mình, hợp pháp hoá ý muốn chủ quan của mình, còn các thành viên thì một bộ phận tán dương, a tòng, chiều nịnh ý của người đứng đầu, không dám bộc lộ chủ kiến của mình; một bộ phận thì vô trách nhiệm “sao cũng mặc kệ, sao cho xong chuyện thì thôi. Không phê bình, không tự phê bình”(11); một bộ phận nữa tuy có hiểu biết nhưng thiếu dũng khí đấu tranh, thấy sai đúng nhưng không dám tỏ bày ý kiến nên giữ thái độ “ai mặc kệ ai… trong Đảng, còn nhiều người giữ thái độ đó, nhất là khi cấp dưới đối với cấp trên. Thái độ đó thường sinh ra thói “không nói trước mặt, hục hặc sau lưng”. Nó gây nên sự uất ức và không đoàn kết trong Đảng. Nó để cho bọn vu vơ có thể chui vào hoạt động trong Đảng. Nó để cho khuyết điểm ngày càng chồng chất lại và phát triển ra”(12). Đến khi không thể giấu giếm được nữa thì quy lỗi cho tập thể, cuối cùng thì lấy một đại từ nhân xưng số nhiều là “chúng ta” làm bình phong và để quy trách nhiệm.
- Từ Đại hội VI của Đảng tới nay đều nêu yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Các nghị quyết của Đảng đều nói rõ Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng đường lối, chủ trương, bằng cán bộ và bằng sự gương mẫu của đảng viên; Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không làm thay nhà nước. Hiến pháp quy định: Cơ quan Nhà nước (Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân tối cao) tùy theo chức năng và quyền hạn của mình mà thể chế các nghị quyết của Đảng, thực hiện việc quản lý nhà nước về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, và thực hiện chủ quyền và lợi ích quốc gia trong quan hệ quốc tế, như ký tuyên bố chung giữa nước ta với các nước khác về một vấn đề gì đó, hoặc ký kết các văn bản hợp tác… ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cấp hành chính khác, cũng theo luật định mà các cơ quan nhà nước ở địa phương thực hiện quyền quản lý nhà nước của mình. Tuy nhiên, ta vẫn thấy có những vụ việc cơ quan đảng buông lỏng việc lãnh đạo của mình nhưng lại lấn sân sang hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước. Đồng thời, có vụ việc thì cơ quan quản lý nhà nước lại dựa dẫm, ỷ lại vào cơ quan đảng, không dám thực hiện và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Rõ ràng ở đây không phải do phương thức lãnh đạo của Đảng chưa được làm rõ mà là khi thực hiện hoặc do thiếu hiểu biết không nắm vững tinh thần Nghị quyết của Đảng hoặc do những động cơ cá nhân mà người ta cố tình làm sai lạc, lẫn lộn giữa lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
- Biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội “thành thật” như Ph.Ăngghen đã nêu mà ông cho là nguy hại nhất vẫn tồn tại trong một số công việc của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Ví như, trong một số vụ việc đã không tính toán đầy đủ, thận trọng những ảnh hưởng về cả kinh tế-xã hội, môi trường và dân sinh nên không ít các chương trình, dự án được đề ra một cách chủ quan nóng vội gây lãng phí lớn và tác hại nhiều mặt cả trước mắt và lâu dài. Thật không thừa khi dư luận xã hội muốn lưu ý các nhà hoạch định chính sách rằng việc đi vay nợ nước ngoài hiện nay cần được tính toán sao cho có hiệu quả cao, thu hồi vốn nhanh và có khả năng thanh toán nợ. Cần đề phòng đầu tư không đúng, quản lý kém, tệ tham nhũng lan tràn… để hậu quả nặng nề cho con cháu phải gánh chịu.
- Lại có người quá lạc quan (thậm chí lạc quan tếu như cách gọi của Bác Hồ), căn cứ vào thu nhập bình quân đầu người để cho rằng hiện nay nước ta không còn là nước nghèo nữa nên có thể tính toán tiêu xài như một nước đã phát triển. Nếu chỉ căn cứ vào thu nhập bình quân thì chưa thấy hết được tình trạng nghèo khó của số đông những người lao động cực nhọc, lam lũ của đồng bào ta hiện nay. Tính đến thời điểm hiện nay, nông dân chiếm 69% lực lượng lao động của cả nước, trong đó có tới 45% dưới mức độ nghèo. Số người ở nông thôn không có việc làm, đất đai ruộng đồng ngày một thu hẹp lại để nhường chỗ cho các dự án phát triển công nghiệp và đô thị hóa. Nông dân đang đổ về thành phố làm bất cứ việc gì để mưu sinh. Mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng, giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa phát triển dài hạn và vấn đề an sinh xã hội… đang là những bài toán phức hợp phải được giải một cách thấu đáo, tỉ mỉ với trí tuệ sáng suốt và với trái tim cùng nhịp đập với những người lao động. Hơn bất cứ giai đoạn nào, thực tại đang đánh thức chúng ta nhớ lại câu nói đã cũ nhưng vẫn còn nguyên giá trị: Suy nghĩ của người sống trong lâu đài khác xa những ý nghĩ của những kẻ sống trong một túp lều tranh. Suy nghĩ của số đông người lao động đêm ngày lần hồi sao cho mỗi tháng có được vài triệu bạc để nuôi con và biết bao khoản chi tiêu khác sẽ không giống những suy nghĩ của những ai ngoài lương hàng tháng còn có một khoản tiền thu nhập khổng lồ mà những người cần lao không bao giờ dám mơ có được. Sự chênh lệch giàu nghèo là điều khó tránh trong bất cứ xã hội nào. Nhưng những người cộng sản chân chính khác xa những người cơ hội chủ nghĩa “thành thật” là ở chỗ họ biết cách xóa dần đi sự nghèo đói, bệnh tật và thất học cho số đông, họ biết tạo ra một đời sống ngày một đủ đầy cho tất cả những người lao khổ. Ước mơ tột bậc của Bác Hồ là làm sao cho tất cả đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành phải là tiếng chuông đánh thức lương tâm và khối óc của những người cơ hội chủ nghĩa “thành thật”. Ước mơ đó của Bác Hồ giản dị mà sâu sắc, chính nó là lời giải, định lượng cho xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
3- Phòng, chống chủ nghĩa cơ hội.
Cũng giống việc phòng, chống các tệ nạn quan liêu, tham nhũng và các biểu hiện khác của chủ nghĩa cá nhân, việc phòng, chống chủ nghĩa cơ hội cũng phải bắt đầu từ vấn đề dân chủ. Nói cho cùng, dân chủ thực sự cũng chỉ tạo cơ hội, môi trường chính trị-xã hội cho việc phòng, chống các tệ nạn xã hội. Việc đấu tranh chống các hành động sai trái làm hại đến đời sống xã hội thì lại phụ thuộc vào chính những con người trong xã hội có biết khôn ngoan và có trách nhiệm để tận dụng cơ hội sẵn có hay không. Bác Hồ chỉ ra rằng sở dĩ quan lại có thể tham nhũng được là vì người dân không biết và không dám thực hiện quyền dân chủ của mình. Người đã thường nói quan tham vì dân dại. Để thực hiện dân chủ phải có hai điều kiện:
Về phía nội bộ Đảng, Điều lệ Đảng, nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng phải thực sự là những nguyên tắc cơ bản, là quy tắc ràng buộc, đảm bảo cho việc dân chủ lựa chọn người xứng tầm với nhiệm vụ được giao, đồng thời đảm bảo cho việc đề ra các quyết sách chính trị và thi hành các quyết sách ấy theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách. Công tác kiểm tra phải được đảm bảo cho sự lãnh đạo tập thể được thực thi và bản thân nó cũng phải được đặt dưới sự lãnh đạo của cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng ở từng cấp, tức là của các đại hội các cấp của Đảng, nhằm làm cho tất cả các cấp uỷ viên, kể cả bí thư cấp uỷ, đều được kiểm tra một cách khách quan.
Về phía Nhà nước là vấn đề tự do bầu cử và ứng cử của công dân vào các cơ quan nhà nước. Hiến pháp phải được hoàn thiện và ổn định để nó thực sự là văn bản chính trị-pháp lý cao nhất của quốc gia. Hiến pháp phải được coi là tối thượng. Luật pháp phải đủ, đồng bộ và được thực hiện công minh. Cần có Tòa án Hiến pháp để ngăn ngừa và phán xử các hành động vi hiến của tất cả các cơ quan, tổ chức.
Hiến pháp, luật pháp cần được tuyên truyền giáo dục thấu đáo trong xã hội, trước hết là các tổ chức thành viên của hệ thống chính trị. Không một tổ chức và cá nhân nào được đứng trên Hiến pháp. Nền pháp chế XHCN phải được coi là biểu hiện cao nhất của một đất nước dân chủ và văn minh.
Về yếu tố con người, là tài trí, sự liêm khiết và đức độ của những người lãnh đạo, là sự dấn thân của đội ngũ đảng viên với tư cách là những chiến sĩ tiên phong dẫn dắt quần chúng, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, có ý thức sâu sắc về trách nhiệm với việc nước, việc dân.
Dân chủ đi liền với dân trí, với sức nặng về quyền của người dân. Quyền ở đây không chỉ là những lợi ích vật chất và tinh thần mà còn là ý thức về nghĩa vụ đấu tranh cho đời sống dân chủ và trách nhiệm thực hành dân chủ, về việc lên tiếng bảo vệ lợi ích quốc gia. Dân chủ còn phụ thuộc phần lớn vào trình độ “quan trí”, vào sự ngang tầm của đội ngũ cán bộ, công chức, trước hết là những cán bộ cấp cao, những người dẫn dắt và nêu gương, làm nhiệm vụ soi đường cho quốc dân như Bác Hồ từng nói.
Niềm hy vọng đang hướng vào kết quả đại hội các cấp của Đảng, cao nhất là Đại hội XI của Đảng.
———————
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, NXB CTQG, HN.1997, tập 33, tr.782. (2) Sđd, tập 21 tr.382. (3, 4) Sđd, tập 22, tr.113, 346. (5, 6) Lênin toàn tập, NXB CTQG, M.1978, tập 44, tr.153. (7) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 5, tr.264. (8, 9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB CTQG, H.2006, tr.175, 174. (10, 11, 12) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 5, tr.74, 264, 265.
Trần Xuân Đỉnh