Sâu sát trong chỉ đạo, thực hiện.
Ngay sau Ðại hội Ðảng bộ thành phố Hà Nội khóa XIV, đầu năm 2006, Thành ủy Hà Nội lựa chọn xây dựng và triển khai Chương trình 02 về “Tạo bước chuyển biến mạnh về xây dựng và chỉnh đốn Ðảng, giai đoạn 2006-2010”. Từ nhận định về những hạn chế trong công tác xây dựng đảng, Thành ủy thống nhất đặt ra ba nhiệm vụ trọng tâm và phân công trách nhiệm cụ thể cho Ban Thường vụ, Ban Chủ nhiệm Chương trình, các ban Ðảng, các đơn vị liên quan. Ban Chủ nhiệm Chương trình đã xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt thành phố và các đảng bộ trực thuộc để phổ biến, quán triệt, triển khai như kịp thời ban hành Kế hoạch 07-KH/TU về tổ chức thực hiện Chương trình trong 5 năm. Các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, các sở, ban, ngành, đoàn thể xã hội đã cụ thể hóa nội dung của Chương trình vào điều kiện thực tiễn của từng đơn vị.
Đến nay, toàn Đảng bộ TP. Hà Nội đã xây dựng 337 chương trình, chuyên đề, đề án để triển khai tổ chức thực hiện theo nội dung Chương trình 02 của Thành ủy. Ban Chủ nhiệm Chương trình thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Trong 5 năm, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chủ nhiệm đã tổ chức kiểm tra 52 đơn vị. Thường trực Thành ủy kiểm tra, làm việc với một số đơn vị về kết quả thực hiện Chương trình gắn với tổ chức đề án về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”. Đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp kiểm tra việc thực hiện Chương trình gắn với triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở một số địa phương. Các cấp ủy trực thuộc tự kiểm tra việc thực hiện Chương trình ở từng địa phương… nên đã rút ra được kinh nghiệm, cách chỉ đạo phù hợp, đạt kết quả tích cực.
Chuyển biến tích cực.
Chủ động trong công tác cán bộ. Một trong ba nhiệm vụ của Chương trình 02 là xây dựng đội ngũ cán bộ một cách chủ động, đồng bộ theo quy chế, quy trình chặt chẽ. Bám sát nội dung này, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các quận, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc, các sở, ban, ngành, mặt trận và các đoàn thể tiến hành xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, rà soát chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bộ máy, biên chế để sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, phát huy hiệu quả lãnh đạo. Hà Nội đã thành công trong việc phân công, phân cấp, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ sau khi hợp nhất địa giới mặc dù có sở, ban, ngành có từ 9-10 phó giám đốc, đặc biệt có sở có tới 13 phó giám đốc.
Năm 2009, công tác cán bộ được chọn làm khâu đột phá của Hà Nội. Ban Thường vụ Thành uỷ đã sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới nhiều quy chế, quy định về công tác cán bộ: "Quy định về phân cấp quản lý cán bộ", "Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử"; "Quy định về quản lý biên chế, tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị Thành phố" … Thành uỷ hướng dẫn, đôn đốc đảng uỷ trực thuộc xây dựng các quy chế, quy định về công tác cán bộ. Đến nay, các cấp uỷ đã xây dựng xong quy định phân cấp quản lý cán bộ và quy chế bổ nhiệm cán bộ theo quy định mới của Ban Thường vụ Thành uỷ. Tập trung thực hiện chuyên đề "Xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo quận, huyện thuộc diện Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý", chuyên đề "Xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn các quận, huyện thuộc Thành phố Hà Nội".
Ban Thường vụ Thành uỷ thường xuyên chỉ đạo cấp uỷ trực thuộc, các sở, ban, ngành thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể cấp uỷ, tập thể lãnh đạo, cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý, kiểm điểm sâu đối với 18 đơn vị trực thuộc. Thành uỷ ban hành Hướng dẫn số 01-HD/TU ngày 17-12-2008 về rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ giai đoạn 2006-2010, xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2010-2015. Các đơn vị đã hoàn thành rà soát, xây dựng quy hoạch cán bộ diện cấp uỷ địa phương, đơn vị quản lý và quy hoạch cán bộ diện Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý. Đã quy hoạch được 1.086 cán bộ diện Thành uỷ quản lý và 10.063 cán bộ diện cấp uỷ cơ sở quản lý.
Trong năm 2009 đã thực hiện điều động, luân chuyển 3 đợt với 57 đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố về nhận nhiệm vụ tại các quận, huyện, thị uỷ và đảng bộ trực thuộc Thành uỷ. Sau hoàn thành quy hoạch cán bộ của các đơn vị trực thuộc, Ban Tổ chức Thành uỷ tham mưu giúp Thành uỷ xây dựng kế hoạch và đề án thực hiện công tác quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư Thành uỷ nhiệm kỳ 2010-2015; quy hoạch các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, UBND Thành phố nhiệm kỳ 2011-2016… Đây chính là nền tảng góp phần vào thành công của đại hội đảng bộ các cấp của Hà Nội.
Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ. Chương trình 02 đã ghi rõ những nhiệm vụ cụ thể là tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình TCCSĐ, tiếp tục cải tiến nội dung sinh hoạt, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, đảng bộ, cải tiến phong cách công tác, lề lối làm việc, tăng cường mối quan hệ giữa tổ chức đảng với nhân dân trên địa bàn.
Nhiệm kỳ qua, Thành ủy sửa đổi một số nội dung phù hợp với tình hình và coi trọng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ ở đảng bộ các xã, phường, thị trấn, nhất là chi bộ, đảng bộ khu dân cư, tổ dân phố và các doanh nghiệp. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Hướng dẫn 17, 18 “Về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư trực thuộc đảng bộ xã, phường thị trấn”, về một số nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức đảng khi doanh nghiệp nhà nước chuyển thành công ty cổ phần. Thực hiện một số chuyên đề về “Xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong các hợp tác xã, liên hợp tác xã khu vực quận, huyện trên địa bàn” và "Tăng cường công tác tổ chức xây dựng đảng ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh".
Các quận, huyện, thị ủy có chuyên đề tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và tăng cường công tác đảng viên. Trong chuyên đề đưa ra các giải pháp cụ thể về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, công tác quản lý, phân công nhiệm vụ và trách nhiệm của đảng viên. Nhiều cấp ủy lựa chọn cách làm là tổ chức sinh hoạt hoạt chuyên đề phù hợp với đặc thù để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ... Khắc phục tình trạng thiếu sâu sát cơ sở, nhiều đơn vị phân công các ủy viên thường vụ theo dõi các phường, xã và tổ chức giao ban hằng tháng giữa lãnh đạo cấp quận, huyện với bí thư, chủ tịch UBND các phường, xã. Các cấp ủy từ khu phố, doanh nghiệp đến lãnh đạo các cấp của Thành phố đổi mới phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc theo hướng tập trung, kiên quyết, dứt điểm, hiệu quả và luôn hướng về cơ sở, sát địa bàn, sát dân.
Chỉ đạo và tổ chức thực hiện nội dung trên góp phần tích cực củng cố kiện toàn mô hình tổ chức và nâng cao chất lượng họat động của các loại hình TCCSĐ, nhất là chi bộ khu dân cư và trong doanh nghiệp.
Tăng cường giáo dục, rèn luyện đảng viên. Bám sát Chương trình 02, Thành ủy và các cấp ủy trực thuộc đã tập trung chỉ đạo việc giáo dục, rèn luyện đảng viên với nội dung, hình thức, phương pháp phong phú. Hằng năm, ngoài việc tổ chức học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Thành phố đã mở từ 1.300 đến 1.500 lớp với 17 chương trình bồi dưỡng giáo dục lý luận chính trị cho 200.000 lượt cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy chỉ đạo công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Nhiều đơn vị xây dựng tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ, đảng viên theo tấm gương của Người và có hành động cụ thể. Cấp ủy các cấp có nhiều biện pháp quản lý, thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên đảng viên, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong dân đối với các chức danh chủ chốt, lấy ý kiến nhận xét của các cơ quan, đơn vị nơi công tác và địa phương nơi cư trú để làm cơ sở đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên.
Nhiệm kỳ qua, Thành ủy tích cực thực hiện Đề án 14 về " Đẩy mạnh kiểm tra cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống"; Kế hoạch 13 về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí "… Qua đây, kịp thời xử lý, ngăn chặn hiện tượng tiêu cực, chất lượng đảng viên từng bước nâng lên: năm 2006, có 73,91% tổng số đảng viên được đánh giá chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ thì có 13,12% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; năm 2009 là 71,5% và 15,4%
Kết quả đạt được trong thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình 02 có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần tạo bước chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng đảng của Hà Nội và thành công của Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XV.
Thu Thủy