Chủ động, linh hoạt, sáng tạo

Đó là nét nổi bật trong lãnh đạo tiến hành cách mạng tháng Tám của các đảng bộ tỉnh duyên hải Nam Trung bộ.

Từ cuối năm 1939, phần lớn tổ chức đảng ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ bị địch đánh phá dẫn đến đổ vỡ liên tục. Năm 1942, Xứ ủy Trung kỳ vỡ nặng. Từ giữa năm 1942 đến tháng 8-1945, đảng bộ các tỉnh nơi đây không có sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương và Xứ ủy, liên hệ giữa các đảng bộ với Trung ương và các đảng bộ phía Bắc, phía Nam thường xuyên bị gián đoạn. Tuy nhiên, ngày 19-8-1945 khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thắng lợi, thì trước đó, ngày 12-8 Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ra quyết định khởi nghĩa và ngày 13-8 huyện Vạn Ninh, ngày 17-8 huyện Ninh Hòa khởi nghĩa thắng lợi, đến 22-8 chính quyền hoàn toàn về tay nhân dân. Ngày 14-8 Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định khởi nghĩa. Ngay trong ngày này, hai huyện Mộ Đức và Đức Phổ khởi nghĩa thành công, đến 16-8 khởi nghĩa thắng lợi trong toàn tỉnh. ở Quảng Nam, Tỉnh ủy ra quyết định khởi nghĩa khuya ngày 17-8 thì ngày 18-8 đã khởi nghĩa thành công ở tỉnh lỵ Hội An và các huyện Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước. Đến ngày 26-8, chính quyền vùng duyên hải Nam Trung bộ hoàn toàn về tay nhân dân. Từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có thể nhận rõ bài học sau đây:

 Dựa vào dân, kiên trì, bền bỉ xây dựng cơ sở, củng cố tổ chức, bổ sung lực lượng, tôi luyện đảng viên làm nòng cốt cho phong trào cách mạng.

 Giữa năm 1939, toàn khu vực có 355 đảng viên sinh hoạt trong 74 chi bộ thì cuối năm 1939, số đảng viên bị địch bắt ở Quảng Nam và Đà Nẵng là 68/144 đảng viên, Quảng Ngãi 85/93, Bình Định 37, Phú Yên 30. Hầu hết cán bộ Xứ ủy Trung kỳ bị địch bắt. Các đảng bộ còn lại cũng trong tình trạng tương tự. Tuy nhiên, nhờ gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, đến trước ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, tất cả các tỉnh đều giữ được tổ chức đảng, lập lại được tỉnh ủy, Mặt trận Việt Minh phát triển sâu rộng xuống hầu khắp các cơ sở. Lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân phát triển mạnh mẽ. Tuy số lượng đảng viên toàn khu vực sau các đợt triệt phá của địch còn lại rất ít, nhưng là những đảng viên kiên trung, được tôi rèn trong lửa đỏ cách mạng, được tổ chức đảng giác ngộ, bồi dưỡng, được nhân dân bảo vệ, chở che. Họ là những người tiên phong dẫn dắt, đoàn kết quần chúng vùng lên “lấy sức ta giải phóng cho ta”.

Không chỉ lo khôi phục phong trào ở tỉnh mình, các đảng bộ còn chủ động liên kết, thành lập Ban liên lạc giữa các tỉnh, giúp đỡ nhau đẩy phong trào cùng lên. Năm 1941, tỉnh ủy Quảng Nam xác định việc cử người đi bắt mối gây cơ sở ở các tỉnh phía nam Trung bộ là một nhiệm vụ của đảng bộ. Tỉnh ủy Quảng Ngãi được Trung ương ghi nhận là “nơi phong trào sâu và rộng, có công giúp đỡ phong trào các tỉnh Bình Định, Phú Yên trong những năm 1936-1939 và Bình Định thời kỳ tiền khởi nghĩa”. Trong khi đó quần chúng Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa được các tổ chức đảng phát động quyên tiền, gạo, thuốc men ủng hộ du kích Ba Tơ (Quảng Ngãi).

Chủ động, nhạy bén, chớp thời cơ, linh hoạt, sáng tạo giành chính quyền.

Trong khi thiếu sự chỉ đạo trực tiếp từ Trung ương và Xứ ủy, tỉnh uỷ các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đã chủ động cử phái viên liên lạc với cấp trên, trực tiếp tìm hiểu thông tin ở các tỉnh bạn, đặc biệt là liên lạc với tổ chức đảng trong tù, nắm bắt tình hình từ các xứ ủy viên vừa bị bắt… Do đó, tinh thần các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương được các đảng bộ kịp thời nắm vững, nhất là Thông cáo ngày 29-9-1939 của Trung ương hướng dẫn phương hướng, biện pháp chuyển hướng hoạt động phù hợp tình hình mới; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 8 về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt tiến tới giành chính quyền; Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Thường vụ Trung ương Đảng… Ngay khi được tin Nhật đầu hàng, các đảng bộ đã linh hoạt, chủ động chớp thời cơ phát lệnh khởi nghĩa. Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Quảng Nam nằm trong số các tỉnh giành chính quyền sớm nhất toàn quốc. Đây là nét nhạy bén chính trị độc đáo, nghệ thuật lãnh đạo nhân dân giành chính quyền của Đảng. Những quyết định của tổ chức đảng đã thể hiện bản lĩnh chính trị, khả năng quyết đoán, tinh thần dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.

Sự ứng biến linh hoạt về phương thức khởi nghĩa của mỗi đảng bộ đã mang lại thắng lợi trọn vẹn, hạn chế thương vong. Quảng Nam, Quảng Ngãi áp đảo các đảng phái phản động và chính quyền bù nhìn ở cơ sở bằng lực lượng vũ trang, hỗ trợ cho lực lượng chính trị đóng vai trò chính trong giành chính quyền. Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận lãnh đạo quần chúng biểu tình thị uy tiến chiếm công sở của địch. Khánh Hòa, Ninh Thuận dùng lực lượng vũ trang của quần chúng chuyển cuộc mít tinh của địch thành của ta, tuyên bố xóa chính quyền bù nhìn, lập chính quyền cách mạng. Bình Thuận dùng cách thỏa thuận bàn giao, khi quân Nhật khiêu khích thì vừa điều đình mềm dẻo vừa sử dụng vũ trang để áp đảo Nhật nhượng bộ. Đà Nẵng bố trí lực lượng Việt Minh trong từng nhà máy, công sở, sau hiệu lệnh thì đồng loạt treo cờ, giăng biểu ngữ, đọc lệnh khởi nghĩa và phát động quần chúng xuống đường thị uy. Đặc biệt, sáng kiến điều đình, buộc quân Nhật nằm im để hạn chế đổ máu được xem là đối sách phù hợp nhất trong việc vô hiệu hóa quân Nhật trong khởi nghĩa giành chính quyền.

Cùng với cả nước, khởi nghĩa Tháng Tám thành công ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ góp phần tạo nên một bước ngoặt lịch sử cho dân tộc. 65 năm trôi qua nhưng những bài học từ Cách mạng Tháng Tám nơi đây luôn nóng bỏng tính thời sự. Đảng chỉ tồn tại, phát triển khi gắn bó với dân. Dân chỉ mạnh khi được Đảng tổ chức, dẫn dắt bằng mục tiêu, lý tưởng vì ấm no, hạnh phúc của chính nhân dân. Đảng chỉ trở thành hạt nhân chính trị lãnh đạo nhân dân hoàn thành sứ mệnh của mình khi được nhân dân đồng tình, ủng hộ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh từ cơ sở, mỗi đảng viên thực hiện được vai trò tiền phong, gương mẫu đi trước để “làng nước theo sau”. Chính những tổn thất của các tổ chức đảng, những tấm gương hy sinh xương máu của đảng viên vì sự nghiệp giải phóng đồng bào, vì độc lập, tự do của Tổ quốc đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng lan khắp hang cùng, ngõ hẻm, giục giã toàn dân đoàn kết một lòng, tin tưởng đứng lên chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng. Ngọn lửa đó ngày hôm nay cần được giữ cháy mãi, để tiếp tục đốt lên niềm khát khao và lòng quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, để xóa sạch những căn bệnh “quan cách mạng” từng được Bác Hồ chỉ rõ ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, những hiện tượng thoái hoá, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên làm xói mòn lòng tin của dân với Đảng - nguy cơ tác động trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Xưa vì mục đích độc lập, tự do, thoát khỏi kiếp nô lệ, dân và Đảng gắn kết máu thịt làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám vang dội, thành lập nhà nước độc lập, tự do đầu tiên trong các nước thuộc địa. Nay vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, bài học Cách mạng Tháng Tám về tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, kiên trì, dựa vào dân để vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ nhắc nhở Đảng không ngừng tự đổi mới, chỉnh đốn, luôn là trí tuệ, văn minh, tiên phong dẫn dắt nhân dân viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc, vươn lên sánh vai các cường quốc trên thế giới. Đại hội XI của Đảng là một thời điểm quan trọng thực hiện mục tiêu này.

Ths. Trương Thị Bạch Yến

Học viện Chính trị-Hành chính khu vực III

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất