Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ phát triển mới

Nắm vững mối quan hệ biện chứng giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng phù hợp trong từng thời kỳ lịch sử là một trong những nguyên nhân của thành tựu cách mạng nước ta. Thống nhất độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cũng là mục tiêu, lý tưởng của Ðảng ta từ trước đến nay, đặc biệt trong bối cảnh phức tạp của tình hình kinh tế và chính trị thế giới, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

 

Hiện nay, Ðảng ta đang tiến hành tổng kết, bổ sung phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991). Quá trình tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 cũng là quá trình tiếp tục đổi mới tư duy, phát triển nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Dự thảo Cương lĩnh (bổ sung, phát triển 2011) xác định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội là nhằm xây dựng một xã hội "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con  người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Ðảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới".

 

Ðể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ với chất lượng và hiệu quả cao; nhận thức và giải quyết tốt một loạt mối quan hệ lớn, biện chứng như: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển, giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ... Phải coi trọng chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Những điều trình bày trên đây cũng chính là những nội dung cơ bản của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và cũng là con đường gắn kết độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

 

Như vậy, trong thời kỳ mới của cách mạng nước ta, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vẫn là ngọn cờ, là sự lựa chọn nhất quán của Ðảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta. Suốt 80 năm qua, từ khi Ðảng ra đời đến nay, dù trong hoàn cảnh nào, lúc thuận lợi hay khó khăn, kể cả khi trong tình thế "hiểm nghèo", Ðảng ta vẫn không xa rời mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bởi vì con đường xã hội chủ nghĩa là con đường đúng đắn phù hợp với quy luật và xu thế phát triển của thời đại. Chỉ có con đường xã hội chủ nghĩa mới bảo đảm dân tộc độc lập thật sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mới thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, đồng thời Ðảng ta không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao nhận thức của mình về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên ở nước ta. Ðây là kết quả của cả một quá trình trăn trở, tìm tòi, thử nghiệm, đấu tranh tư tưởng gian khổ, kết tinh trí tuệ và công sức của toàn Ðảng, toàn dân ta trên cơ sở nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn trong gần một thế kỷ qua. Ngày nay, trong bối cảnh phức tạp mới của tình hình khi mà chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Ðông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào thoái trào, phong trào cách mạng thế giới bị khủng hoảng, còn chủ nghĩa tư bản thì tiếp tục tồn tại và phát triển, nhất là về kinh tế thì vấn đề con đường xã hội chủ nghĩa lại được đặt ra trên bình diện quốc tế và ở nước ta.

 

Ở nước ta, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Ðảng và nhân dân ta giành được trong gần 25 năm đổi mới thì đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn ra nghiêm trọng, chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi; tình trạng phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, vào Ðảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa... Bên cạnh đó, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình" kết hợp gây bạo loạn lật đổ nhằm chống phá Ðảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

 

Trước tình hình đó, các thế lực cơ hội chính trị và một số người muốn phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản - đại diện cho con đường xã hội chủ nghĩa. Họ cho rằng "chủ nghĩa xã hội là con đường không có tương lai", "đi vào ngõ cụt", "đã bị lịch sử phủ định"; "lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là do ý chí chủ quan của Ðảng" hoặc "chủ nghĩa nào chế độ nào cũng được, miễn là dân giàu nước mạnh"... Quan điểm đó là sai lầm, không phù hợp với thực tế lịch sử Việt Nam.

 

Như chúng ta đã chứng kiến, chủ nghĩa tư bản trong quá trình tồn tại của mình, mặc dù trải qua nhiều cuộc khủng hoảng và suy thoái, nhiều bước quanh co, phức tạp, gây ra nhiều tội ác cho loài người (chiến tranh xâm lược, nạn khủng bố, hủy diệt, phân biệt chủng tộc...), song đã tạo ra những lực lượng sản xuất khổng lồ, hiện đại, thúc đẩy nền văn minh nhân loại. Chủ nghĩa tư bản là một chế độ xã hội đã lỗi thời về mặt lịch sử, song hiện tại vẫn còn tiềm năng phát triển nhất là về kinh tế nhờ ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ, cải tiến phương pháp quản lý, thay đổi cơ cấu sản xuất, điều chỉnh các hình thức sở hữu và chính sách xã hội. Tuy vậy, những mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa - được biểu hiện thành mâu thuẫn giữa tư bản và lao động - chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc... Ðặc biệt hiện nay, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra, đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất của chủ nghĩa tư bản trong 80 năm qua và là một cuộc khủng hoảng nhiều mặt: tài chính, tiền tệ, thương mại, cơ cấu, thể chế và mô hình phát triển. Ðể tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng, nhiều chính khách và học giả tư sản đã tìm đọc tác phẩm Tư bản của C.Mác. Ðiều đó một lần nữa khẳng định giá trị, sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa tư bản hiện đại về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Chủ nghĩa tư bản không thể tự giải quyết được những mâu thuẫn nan giải của mình, muốn giải quyết phải thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một chế độ xã hội tiến bộ hơn, nhân đạo hơn là chủ nghĩa xã hội (đổi mới). Ðúng như Dự thảo Cương lĩnh bổ sung, phát triển đã khẳng định, chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động các nước sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản.

 

Còn chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Ðông Âu bị sụp đổ là một bi kịch lịch sử lớn của thế kỷ 20, có nguyên nhân khách quan và chủ quan mang tính lịch sử - cụ thể. Trong quá trình hình thành và phát triển, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã đạt những thành tựu to lớn về nhiều mặt, đã từng là chỗ dựa cho phong trào hòa bình và cách mạng thế giới, cho việc đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hạt nhân, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhưng do chậm khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết trong mô hình chủ nghĩa xã hội, lại mắc phải những sai lầm nghiêm trọng về đường lối cải tổ, cộng với sự chống phá của các thế lực đế quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Ðông Âu đã  bị sụp đổ. Tuy nhiên, đó không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nói chung, mà chỉ là sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội - mô hình chủ nghĩa xã hội tập trung, quan liêu, bao cấp. Chủ nghĩa xã hội với những bản chất tốt đẹp của nó vẫn là lý tưởng mà nhân loại tiến bộ đang hướng tới, những giá trị cao cả của nó vẫn tồn tại trong đời sống nhân loại. Sau "trận động đất chính trị" đó, các nước tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa còn lại vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, một số nước tiến hành cải cách, đổi mới, giành được những thành tựu to lớn; phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từng bước được phục hồi, có sự tập hợp lực lượng mới; phong trào "cánh tả" ở Tây Âu và Mỹ la-tinh có bước phát triển mới, phong trào "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" nổi lên ở nhiều nước Mỹ la-tinh.

 

Còn việc chúng ta lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa không phải là do ý muốn chủ quan của Ðảng mà đây là tổng hợp điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, kinh tế và chính trị, trong nước và quốc tế, phản ánh khát vọng của dân tộc. Sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa cũng là sự lựa chọn của chính lịch sử từ hơn 80 năm về trước. Năm 1930, giai cấp tư sản Việt Nam nhỏ bé về kinh tế, non yếu về chính trị, không nắm được vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Với sự thất bại của khởi nghĩa Yên Bái năm 1930, vai trò của nó cũng chấm dứt. Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo cách mạng, đặt nền móng cho con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

 

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân ta đã vượt qua mọi thử thách, gian khổ, tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Ðông - Nam Á. Ðảng ta trở thành đảng cầm quyền.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ðảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, giải phóng miền bắc, đưa miền bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sau năm 1954, Ðảng và dân tộc lại tiếp tục cuộc trường chinh mới, tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

Năm 1986, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do chủ nghĩa xã hội lâm vào khủng hoảng, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đứng trước nguy cơ tan rã và khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước kéo dài, Ðảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới, tạo một bước ngoặt mang ý nghĩa cách mạng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhờ công cuộc đổi mới gần 25 năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi căn bản bộ mặt đất nước, tạo ra thế và lực mới cho đất nước, nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.

 

Có thể khẳng định rằng, các sự kiện trong những năm 1930, 1945, 1954, 1975, 1986 đã trở thành những cột mốc lịch sử quan trọng cho sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, tạo thành sợi dây lôgích - lịch sử của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Lịch sử cận đại và hiện đại nước ta đã khẳng định, con đường cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay do Ðảng Cộng sản chân chính lãnh đạo tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội. Ðộc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội. Có vậy độc lập dân tộc mới triệt để. Chống đế quốc tức là chống áp bức, bóc lột, mà muốn chống áp bức, bóc lột triệt để phải xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Con đường tư bản chủ nghĩa là con đường đầy rẫy khuyết tật, là con đường đầy máu và nước mắt nên chúng ta không thể lựa chọn con đường đó. Ðảng Cộng sản Việt Nam là một Ðảng Mác - Lênin chân chính, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn gắn bó với nhân dân, dày dạn trong đấu tranh cách mạng, có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo, hoàn toàn có khả năng lãnh đạo nhân dân ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

 

Tuy nhiên, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp hoàn toàn mới mẻ, chưa có tiền lệ trong lịch sử, vô cùng khó khăn, phức tạp và lâu dài. Trong gần 25 năm đổi mới, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng tỏ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn rất nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ, đòi hỏi Ðảng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tăng cường tổng kết thực tiễn, khắc phục sự lạc hậu, sự bất cập của lý luận để có thể giải đáp được những vấn đề do thực tiễn đổi mới đặt ra, phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, để đến giữa thế kỷ 21 trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, làm cho con đường xã hội chủ nghĩa không chỉ là định hướng mà ngày càng định hình vững chắc trong đời sống xã hội của đất nước.

(Nguồn: Nhân Dân điện tử)

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất