Bảo vệ chính trị nội bộ Đảng – 60 năm hoạt động và trưởng thành (12-9-1962 - 12-9-2022)

ThS. Đỗ Đức Trung Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương

Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, xuất phát từ yêu cầu bảo vệ an toàn cho tổ chức và đội ngũ đảng viên trước các hoạt động khủng bố, đàn áp của thực dân, phản động, ngay từ những năm 1930, 1931 Trung ương Đảng đã ban hành các thông báo về chấn chỉnh tổ chức, chấn chỉnh hoạt động; giữ bí mật, phòng gian; phải đặc biệt coi trọng việc bảo vệ Đảng, bảo vệ lực lượng cách mạng, vạch mặt bọn tay sai của đế quốc chủ nghĩa và bọn quan lại phong kiến chui vào Đảng, vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại; trong đó yêu cầu “phải thảo luận lại vấn đề “bí mật”…Mỗi địa phương phải căn cứ vào điều kiện ở đó mà giải quyết những vấn đề tổ chức để giữ gìn lấy cơ sở của mình[1]. Tiếp đó, năm 1937, Trung ương Đảng ra thông báo về “Vấn đề thanh Đảng”, yêu cầu phải cẩn thận và kiên quyết điều tra lý lịch và sự hoạt động của mỗi đảng viên nhằm mục đích giữ trong sạch các tổ chức của Đảng để đấu tranh giành chính quyền.

Trong các cuộc kháng chiến, công tác xây dựng và bảo vệ Đảng luôn được Trung ương Đảng quan tâm thực hiện toàn diện. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, để giải quyết những vấn đề đặt ra về lịch sử chính trị, quan hệ gia đình của một bộ phận đảng viên, quân nhân có liên quan đến thực dân, phong kiến, ở thời điểm chuyển hướng chiến lược của cuộc kháng chiến, ngày 25-9-1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW “Đề phòng bọn gián điệp chui vào hàng ngũ của Đảng và cơ quan chính quyền”. Đây được coi là văn bản chuyên biệt, toàn diện đầu tiên của Đảng về công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Thời kỳ hòa bình lập lại ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, các hoạt động tình báo, gián điệp, cài lại, móc nối phá hoại nội bộ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch diễn ra rất phức tạp; một số đảng viên, trí thức chịu tác động từ bên ngoài… đã đặt ra nhiều vấn đề phải tăng cường công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ hệ thống chính quyền. Ngày 20-1-1962, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 4-6-1962 Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 48-CT/TW, trong đó yêu cầu: Để bảo vệ nội bộ tốt, phải tiến hành thẩm tra nội bộ, phải có kế hoạch từng bước thẩm tra nội bộ để hiểu kỹ lịch sử từng người cán bộ, nhân viên và thẩm tra kỹ vấn đề phát triển đảng viên mới (trước hết phải thẩm tra ở các cơ quan đầu não và các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị vũ trang trọng yếu)”. Thực hiện Nghị quyết số 39 và Chỉ thị 48, ngày 12-9-1962, Ban Bí thư ban hành Nghị quyết số 57-QĐ/TW thành lập Ban Thẩm tra chính trị đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Trung ương giúp Trung ương Đảng hoạch định kế hoạch tiến hành công tác thẩm tra chính trị đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các ngành, các cấp; đây là tổ chức chuyên trách đầu tiên của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị về công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ. Ngày 12-9-1962 đã trở thành mốc lịch sử, đánh dấu sự ra đời hệ thống tổ chức cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ Đảng; đồng thời, cũng đặt ra cho công tác bảo vệ Đảng nhiều nhiệm vụ, yêu cầu mới.

Giai đoạn từ năm 1975 đến nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, đặc biệt là hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch sau tan rã của hệ thống XHCN ở Liên Xô, Đông Âu; xu hướng hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng… đã đặt ra nhiều vấn đề mới về bảo vệ chính trị nội bộ. Trong giai đoạn này, ngoài việc tiếp tục ban hành các chỉ thị, Bộ Chính trị đã ban hành 4 Quy định về bảo vệ chính trị nội bộ[2]. Việc ban hành các quy định này đã khẳng định bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Mỗi quy định đều đã đóng vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình, tạo cơ sở chính trị để thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong toàn Đảng, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức, ổn định nội bộ, nâng cao sức mạnh của cả hệ thống chính trị.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương chủ trì họp Tiểu ban phiên đầu nhiệm kỳ khóa XIII

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương chủ trì họp Tiểu ban phiên đầu nhiệm kỳ khóa XIII.

Những năm qua, công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo vệ chính trị nội bộ, về những yêu cầu đặt ra đối với công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong giai đoạn hiện nay không ngừng được nâng lên, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ. Hệ thống các văn bản quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ được rà soát, bổ sung, sửa đổi phù hợp với yêu cầu của tình hình mới; qua sơ kết Chỉ thị số 39-CT/TW, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 72-KL/TW, ngày 19-5-2020 về “tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”; ngày 8-2-2022, trên cơ sở sơ kết 3 năm thực hiện Quy định số 126-QĐ/TW và 7 năm thực hiện Quyết định số 266-QĐ/TW[3], Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 58-QĐ/TW và Quyết định số 59-QĐ/TW. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được đẩy mạnh, góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Công tác thẩm tra, xác minh, thẩm định, kết luận về tiêu chuẩn chính trị, nhất là vấn đề chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả hơn, với khối lượng công việc lớn hơn, phục vụ kịp thời công tác cán bộ. Thời gian qua, để phục vụ công tác nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội đảng bộ các cấp, nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, toàn Ngành đã thẩm định tiêu chuẩn chính trị hàng chục nghìn lượt nhân sự, qua đó đã phát hiện, đề nghị không xem xét bố trí, giới thiệu ứng cử đối với nhiều trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị; đồng thời, thành lập các đoàn công tác thẩm tra, xác minh các trường hợp có vấn đề chính trị, kiến nghị cấp có thẩm quyền kết luận về tiêu chuẩn chính trị theo đúng quy định, phục vụ công tác cán bộ và công tác phát triển đảng viên.

Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị tiếp thu ý kiến góp ý sửa đổi Quy định 126-QĐ/TW.

Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị tiếp thu ý kiến góp ý sửa đổi Quy định 126-QĐ/TW.

Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu lật đổ chế độ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện “diễn biến hòa bình”, tăng cường tuyển chọn, móc nối, xây dựng lực lượng chống phá, thu thập tình báo từ trong nội bộ.

Ở trong nước, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh những mặt thuận lợi, chúng ta cũng gặp không ít những khó khăn. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tiếp tục diễn biến phức tạp trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đã được khởi tố, đưa ra xét xử. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ bên cạnh những thành tích đạt được cũng xuất hiện một số lúng túng, bất cập; việc nắm và giải quyết vấn đề chính trị hiện nay có nơi, có lúc còn hạn chế.

Cục Bảo vệ Chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương phục vụ Đại hội Đảng XIII.

Cục Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, bảo vệ chế độ trước những khó khăn, thách thức hiện nay, kiến nghị các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên quán triệt và thực hiện một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là các cấp ủy và người đứng đầu về tầm quan trọng cũng như các quan điểm chỉ đạo, nội dung, phương hướng, nhiệm vụ của công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới.

Hai là, đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trực tiếp là Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương[4] và các quy định về nêu gương, chấp hành kỷ luật Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Ba là, nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch; lấy phòng ngừa, ngăn chặn, triệt tiêu các nguy cơ từ gốc là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên. Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, quản lý tốt hoạt động báo chí, truyền thông, mạng xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; xử lý nghiêm những cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, lợi dụng phương tiện thông tin để xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ.

Bốn là, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả, thực chất giữa cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ với các cơ quan chức năng; phát huy vai trò, trách nhiệm của mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tập hợp, vận động nhân dân tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và cán bộ, đảng viên.

Năm là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác quản lý cán bộ, đảng viên, tạo điều kiện thuận lợi để cấp ủy các cấp nắm chắc tình hình, chủ động dự báo, tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý kịp thời, sát thực tiễn các vấn đề chính trị nội bộ phát sinh.

Sáu là, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nắm chắc lịch sử chính trị, chú trọng chính trị hiện nay; thường xuyên làm tốt công tác rà soát, thẩm định, thẩm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp những người không đủ tiêu chuẩn chính trị, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Với truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, HN 1999.

[2] Quy định số 75-QĐ/TW, ngày 25-4-2000; Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 3-5-2007 và Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28-2-2018, Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 8-2-2022.

[3] Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 8-2-2022 của Bộ Chính trị “một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”; Quy định số 59-QĐ/TW, ngày 8-2-2022 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương.

[4] Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất