Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú trọng vấn đề chính trị hiện nay, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ

TS. Phan Thăng An Ủy viên Thường trực Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Cục Bảo vệ Chính trị nội bộ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Cục Bảo vệ Chính trị nội bộ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN).

1. Yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn

Hợp tác và hội nhập quốc tế vẫn luôn là xu thế lâu dài của các quốc gia, khu vực trên thế giới. Bên cạnh những mặt tích cực, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp và đa chiều. Các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá cách mạng, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn là mục tiêu quan trọng mà chúng nhằm vào với mức độ ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn. Mặt khác, tình hình chính trị nội bộ Đảng hiện nay, bên cạnh những thuận lợi cơ bản còn tồn tại những vấn đề trực tiếp hoặc gián tiếp có nguy cơ suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thực tiễn hiện nay đang đặt ra những yêu cầu đối với công tác bảo vệ chính trị nội bộ như sau:

Một là, công tác bảo vệ chính trị nội bộ phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng, bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ, trong đó gắn nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ với tổ chức thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của BCH Trung ương (khóa XIII); trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm uy tín, vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Hai là, công tác phòng ngừa các vấn đề chính trị nội bộ, nhất là chính trị hiện nay phải được chú trọng, thực hiện thường xuyên, liên tục, đặt trong tổng thể các mặt của công tác bảo vệ chính trị nội bộ, lấy phòng ngừa, ngăn chặn, triệt tiêu các nguy cơ từ gốc là nhiệm vụ cơ bản.

Ba là, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên trong bảo vệ chính trị nội bộ. Chủ động nhận diện, phân loại đối tượng, hóa giải từ sớm, từ xa, xác định chiến lược, sách lược, nội dung, hình thức và phương pháp đấu tranh phù hợp với yêu cầu chính trị và tình hình thực tế.

Bốn là, thực hiện tốt công tác rà soát, thẩm tra, xác minh, thẩm định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên với phương châm “không được để lọt vào cấp ủy, lãnh đạo, quản lý những người không đủ tiêu chuẩn chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, vi phạm những điều đảng viên không được làm”.

Năm là, tăng cường quản lý hoạt động báo chí, truyền thông, mạng xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh sử dụng các phương thức tuyên truyền, đối thoại, cảm hóa, thuyết phục, làm tốt công tác định hướng dư luận, có trọng tâm, trọng điểm.

2. Một số kết quả

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt được một số kết quả quan trọng, từng bước đi vào nền nếp, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thúc đẩy việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu. Góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.

Hệ thống các văn bản quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ được bổ sung, sửa đổi phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng bộ với các văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm tra, giám sát nói riêng(1), công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung. Ngày 8-2-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 58-QĐ/TW “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”, trên cơ sở đó Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 01-HD/BTCTW ngày 5-8-2022. Đây là cơ sở quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, tự soi, thúc đẩy việc tự tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức cách mạng, giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, địa phương nâng cao trách nhiệm, ý thức cảnh giác, khả năng nhận diện những vấn đề chính trị hiện nay, góp phần hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên. Đồng thời, sửa đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Để kịp thời nâng cao nhận thức, cập nhật các nội dung chỉ đạo của Trung ương về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Trung ương thường xuyên phân công cán bộ lãnh đạo báo cáo các chuyên đề, trao đổi, tập huấn về công tác bảo vệ chính trị nội bộ cho các địa phương, cơ quan, đơn vị và đăng tải nhiều bài viết, tham luận chuyên sâu trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo, tọa đàm khoa học, làm sâu sắc hơn nữa lý luận về công tác bảo vệ chính trị nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Công tác bảo vệ

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ luôn được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Trên cơ sở đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quán triệt nghiêm túc, triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp nhằm cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo đảm thực hiện chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính trị. Đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý cán bộ, đảng viên gắn với việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thực hiện tự phê bình và phê bình, “tự soi”, “tự sửa” nhằm kiểm điểm, nhận diện rõ hơn và đề ra các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Công tác thẩm tra, xác minh, thẩm định và kết luận tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên được cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm túc, thận trọng, kỹ lưỡng, đúng quy định để phục vụ công tác cán bộ. Năm 2022, Ban Tổ chức Trung ương đã thẩm định 1.036 trường hợp thuộc diện Trung ương quản lý, đề nghị cơ quan liên quan bổ sung hồ sơ, giải trình một số nội dung đối với 14 trường hợp. Qua thẩm định, nhiều trường hợp không được phê duyệt quy hoạch, nhiều nhân sự có vấn đề về tiêu chuẩn chính trị cần được xem xét kỹ, cân nhắc khi bố trí, sử dụng.

Ban Chỉ đạo 35 các cấp đã đấu tranh, ngăn chặn hàng trăm đối tượng có hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, hàng nghìn trang mạng có nội dung xấu độc; vô hiệu hóa, gỡ bỏ hàng trăm video, tin bài có nội dung xấu, độc; xử lý vi phạm đối với nhiều trang mạng xã hội, xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, chính thống; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức tư tưởng, bản lĩnh chính trị cũng như góp phần ngăn chặn hiệu quả những biểu hiện, tư tưởng lệch lạc, thoái hóa, biến chất tiềm tàng, manh nha trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đạt nhiều kết quả quan trọng, kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng, Nhà nước, khẳng định quyết tâm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, là điều kiện, tiền đề quan trọng để làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Công tác kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cơ sở được chú trọng, tăng cường, nhất là nơi có mâu thuẫn, mất đoàn kết kéo dài; những nơi còn tồn tại tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, tiềm ẩn phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp trong nội bộ, đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, đình công, lãn công. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ chính trị nội bộ ở một số cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ chính trị nội bộ còn những hạn chế, bất cập. Nhận thức, ý thức và trách nhiệm về yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới của một số cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu chưa đầy đủ, sâu sắc, toàn diện. Một số quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ chưa cụ thể, chưa bao quát hết những vấn đề thực tiễn nảy sinh. Công tác nắm tình hình, cập nhật thông tin về chính trị nội bộ, nhất là vấn đề chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên ở một số cấp ủy cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ giữa các cơ quan chức năng còn chưa thường xuyên. Công tác thẩm tra, xác minh, thẩm định và kết luận tiêu chuẩn chính trị có nơi, có lúc còn thiếu chặt chẽ, phân cấp chưa rõ ràng. Công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước của một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ, kịp thời, còn sơ hở, mất cảnh giác.

3. Một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm

1. Tiếp tục quán triệt và nâng cao trách nhiệm, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Cần nhận thức rõ: Bảo vệ chính trị nội bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó quan trọng và thường xuyên nhất là các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể.

2. Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên. Bồi dưỡng, nâng cao tinh thần, đạo đức cách mạng, đề cao cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch. Phát hiện, đấu tranh với các hoạt động phá hoại tư tưởng chính trị, các hành vi vi phạm nguyên tắc tổ chức của Đảng, các dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ địa phương, bè phái, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm”, cá nhân chủ nghĩa, tư bản thân hữu. Tôn trọng, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng Đảng thật sự trọng sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Giữ gìn đạo đức, lối sống, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên là những yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, Tổ quốc.

3. Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch đến chính trị nội bộ. Duy trì thường xuyên các hoạt động đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ tư tưởng chính trị của Đảng. Ngăn chặn, bóc gỡ, áp đảo các thông tin không chính thống, tin xấu độc gây ảnh hưởng xấu tới tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, dư luận xã hội.

4. Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công tác rà soát, thẩm định, thẩm tra, xác minh và kết luận tiêu chuẩn chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đối với nhân sự tham gia cấp ủy, ứng cử, giới thiệu bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, làm việc ở các cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng nhưng không bỏ sót những cán bộ thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và Nhân dân. Bổ sung, hoàn thiện quy định, cơ chế quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên ra nước ngoài và có yếu tố nước ngoài. Thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn và cung cấp trao đổi thông tin với tổ chức, cá nhân người nước ngoài. Kịp thời ngăn chặn các hoạt động móc nối, cài cắm của các thế lực thù địch vào nội bộ ta và các hành vi lộ, lọt bí mật của Đảng, Nhà nước.

5. Chú trọng công tác nắm tình hình tại cơ sở, kết hợp xây dựng cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan chức năng, nghiệp vụ về bảo vệ chính trị nội bộ, trong đó phối hợp hiệu quả trong quản lý báo chí, truyền thông, an ninh mạng và cán bộ, đảng viên ra nước ngoài. Ngoài chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đảng, chính quyền còn có cơ chế, quy định về vai trò, trách nhiệm của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp, vận động nhân dân, các tầng lớp xã hội tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước. Cảnh giác, phát hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề chính trị nội bộ, các cán bộ, đảng viên không bảo đảm đủ tiêu chuẩn chính trị.

6. Tổng kết việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương, từ đó bổ sung, hoàn thiện lý luận về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Nội dung nghiên cứu tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm của công tác bảo vệ chính trị nội bộ: Bảo vệ tư tưởng chính trị; bảo vệ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ sự trong sạch của đội ngũ cán bộ, đảng viên và bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước.

7. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp về công tác bảo vệ chính trị nội bộ tại các địa phương, cơ quan, đơn vị trực thuộc. Thường xuyên rà soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước. Kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, không để lộ, lọt thông tin, tài liệu bí mật quốc gia.

8. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chuyên viên chuyên trách các cấp, trong đó, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác đảng và bảo vệ chính trị nội bộ. Đồng thời, thường xuyên quán triệt các văn bản của Trung ương về công tác bảo vệ chính trị nội bộ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, như Chỉ thị số 39-CT/TW, Kết luận số 72-KL/TW… Thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, nhất là công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ. Có cơ chế khuyến khích, động viên cán bộ để họ có năng lực, trình độ nghiệp vụ cao hơn, tiếp tục phấn đấu, cống hiến; phát hiện, mở rộng các phương pháp, mô hình làm việc khoa học, hiệu quả.

Bước sang năm mới với nhiều mục tiêu, kế hoạch, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục chú trọng, quan tâm, triển khai đồng bộ nhiều kế hoạch, biện pháp trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XIII của Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần vào sứ mệnh vẻ vang bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ trong giai đoạn mới.

-----

(1) Như là Quy định số 85-QĐ/TW ngày 23-5-2017 của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định số 86-QĐ/TW ngày 1-6-2017 của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất