Nước độc lập, dân tự do, hạnh phúc

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể chia ra nhiều giai đoạn. Giai đoạn nào cũng quan trọng và có ý nghĩa, nhưng có thể nói thời kỳ ngay sau ngày Tuyên ngôn Độc lập (2-9-1945) đến ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), tuy chỉ có 13 tháng, nhưng là một giai đoạn cực kỳ quan trọng, thể hiện thiên tài trong công tác đối nội, đối ngoại, tầm nhìn xa trông rộng ghi đậm dấu ấn của Người trong sự nghiệp cách mạng nước nhà. Trong 13 tháng ấy có gần 1.000 sự kiện lịch sử gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Biết bao sự kiện có quan hệ đến sự tồn vong của chính quyền cách mạng non trẻ và hướng đi lên của cả dân tộc, sáng suốt và nhạy bén lựa chọn những đối sách cách mạng đúng đắn nhằm giải quyết kịp thời và vô cùng hiệu quả những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, trong tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” trên 4 khía cạnh lớn sau đây:

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt tay xây dựng, củng cố Nhà nước cách mạng còn non trẻ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tổ chức Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội lập hiến, thông qua Hiến pháp, xác lập cơ sở pháp lý và những nguyên tắc dân chủ của chính quyền nhân dân. Chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ. Ký hơn 200 sắc lệnh về tổ chức bộ máy nhà nước, các bộ, ủy ban hành chính các cấp về tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân...

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng, lãnh đạo mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thi hành chính sách đại đoàn kết dân tộc. Tranh thủ các nhân sĩ, trí thức, quan lại cũ, kể cả Vua Bảo Đại và Hoàng tộc hợp tác với chính quyền mới. Chủ tọa Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số, thăm Nhà thờ Phát Diệm, thăm Chùa Bà Đá với ý nghĩa đoàn kết lương - giáo...

Thứ ba, thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt để ứng phó với từng kẻ thù cụ thể nhằm giữ vững độc lập và chủ quyền dân tộc như: tạm thời hòa hoãn với đại diện Tưởng Giới Thạch, thỏa mãn một phần đòi hỏi của họ để rảnh tay đối phó với kẻ thù chính là thực dân Pháp xâm lược, rồi lại tạm thời hòa hoãn với Pháp để buộc quân Tưởng Giới Thạch phải rút về nước. Điểm nổi bật trong hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời điểm này là ký Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 và chuyến đi thăm chính thức nước Pháp nhân dịp Hội nghị Phôngtennơblô, nhằm nêu cao ngọn cờ độc lập và thiện chí hòa bình của nước Việt Nam mới. Để có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Pháp bản Tạm ước 14-9-1946...

Thứ tư, vừa chỉ đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ vừa chỉ đạo việc chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc lâu dài, phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa Việt Bắc. Công bố một số bài viết về chiến lược chiến tranh dưới bút danh Q.Th nhằm xác định tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng như phương hướng của cuộc kháng chiến. Cải tổ Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Viết Bản Chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ” đặt cơ sở cho việc vạch đường lối kháng chiến lâu dài sau này...

Tư tưởng bao trùm, nổi bật, xuyên suốt tất cả hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau khi nước nhà giành được độc lập là: Độc lập, thống nhất Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Chỉ một ngày ngay sau Tuyên ngôn độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra “những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Thứ nhất, “Chính phủ phát động chiến dịch tăng gia sản xuất”. Thứ hai, “mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Thứ ba, “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu...”. Thứ tư, “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”. Thứ năm, bỏ ngay ba thứ thuế (thuế thân, thuế chợ, thuế đò), tuyệt đối cấm hút thuốc phiện. Thứ sáu, “Chính phủ ra tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và Lương - Giáo đoàn kết”.

Một trong những điểm nổi bật trong Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng về nguy cơ của một đảng cầm quyền, chỉ ra những thói hư, tật xấu, của cán bộ, đảng viên khi đã có quyền hành, nắm chính quyền trong tay, những tệ nạn xã hội dễ xảy ra khi bộ máy quan liêu, xa dân, ham hưởng thụ. Trong các tác phẩm như “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”, “Chính phủ là công bộc của dân”, “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích”; “Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các ủy ban nhân dân” v.v... với nhiều bút danh khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra hàng loạt khuyết tật của tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên. Bác Hồ đã chỉ ra cần đề phòng cán bộ “hủ hóa”; “lên mặt làm quan cách mạng hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư”. Trong “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” Hồ Chí Minh đã chỉ ra 6 lỗi lầm chính của cán bộ là: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Người cũng đã chỉ rõ những biểu hiện xa lạ của một số cán bộ có chức, trong khi nước nhà còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đó là: “ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, tự hỏi tiền bạc ở đâu mà ra? Thậm chí lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai chịu?”. Những tệ nạn của cán bộ, đảng viên mà Bác Hồ chỉ ra cách đây 71 năm, đến nay vẫn còn  thời sự biểu hiện ở những “cường hào mới, những ông “vua con” mà gần đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra. Đặc biệt, từ rất sớm Bác Hồ đã viết: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Ngay trong những ngày tháng cam go, quyết liệt của đất nước, dân tộc, khi trả lời các nhà báo nước ngoài (21-1-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện nguyện vọng, mong muốn “tột bậc” của mình: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Tuy nhiên, thực dân xâm lược không để cho Bác Hồ của chúng ta yên bề, rảnh tay thực hiện sự “ham muốn tột bậc” đó. Chúng quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Do vậy, vào ngày 19-12-1946, tại gác hai ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương (làng Vạn Phúc, Hà Đông), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.

Tin theo lời Kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cả dân tộc Việt Nam nhất tề đứng lên làm cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng để giành trọn vẹn độc lập tự do. Suốt những năm tháng của đời mình, lúc nào Bác Hồ cũng đau đáu nỗi niềm thống nhất đất nước, hạnh phúc cho nhân dân. Trước lúc “đi xa” Bác Hồ kính yêu vẫn căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Sau 71 năm nước nhà độc lập, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, chất lượng sống của đông đảo người dân không ngừng được bảo đảm. Tuy nhiên, trong những ngày này, vẫn còn những người dân cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, trẻ em vẫn không được đi học hoặc bỏ học giữa chừng, thậm chí tuy có những người tuy đã ăn ngon, mặc đẹp nhưng đâu phải đã hạnh phúc. Chính vì vậy, Chính phủ đương nhiệm vẫn đang tiếp tục cố gắng phấn đấu để trở thành Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo phát triển, nói đi đôi với làm, tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần thượng tôn pháp luật, chuyển mạnh từ quản lý hành chính cứng nhắc sang phục vụ người dân và doanh nghiệp, vì sự phát triển. Đó chính là biểu hiện của ý chí quyết tâm thực hiện cho bằng được sự ham muốn tột bậc của Bác năm xưa.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất