Nâng cao vai trò lãnh đạo của các đảng ủy xã ở Đồng Tháp với giảm nghèo đa chiều
Nghề dệt chiếu xã Định Yên, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp).
Tính đến cuối tháng 6-2016, Đồng Tháp có 119 đảng bộ xã làm tốt vai trò lãnh đạo toàn diện các mặt công tác ở cơ sở, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và công tác xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, một số cấp uỷ xã chưa phát huy hết vai trò lãnh đạo; thiếu chủ động trong xây dựng chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; còn lúng túng trong lãnh đạo công tác giảm nghèo theo cách tiếp cận nghèo đa chiều. Vì vậy, nâng cao vai trò lãnh đạo cho các đảng ủy xã hiện nay là cần thiết.                   

Từ quan điểm về giảm nghèo đa chiều                   

Trong những năm gần đây, nước ta có bước đột phá mới về cách tiếp cận hộ nghèo. Quyết định 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam được xây dựng theo hướng: Sử dụng kết hợp cả chuẩn nghèo về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, tiêu chí đo lường nghèo được xây dựng dựa trên cơ sở: Các tiêu chí về thu nhập và mức độ thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.                        

Đối với khu vực nông thôn, hộ nghèo đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.                     

Đối với khu vực thành thị, hộ nghèo đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.                   

Cách tiếp cận nghèo đa chiều cũng kế thừa cách tiếp cận đơn chiều về tiêu chí thu nhập nhưng ở mức cao hơn. Điểm quan trọng là cách tiếp cận đa chiều còn hướng đến những người chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản. Những người trước đây có cuộc sống thiếu thốn nhưng chưa được xếp vào hộ nghèo thì cách tiếp cận nghèo đa chiều tạo điều kiện cho họ có cơ hội để vươn lên nâng cao đời sống thiết thực cho họ.                    

Như vậy, quan niệm về giảm nghèo đa chiều là: Giảm nghèo đa chiều là quá trình định hướng và giúp người nghèo những điều kiện để  họ có khả năng tiếp cận các nguồn lực của sự phát triển và các dịch vụ xã hội cơ bản một cách nhanh nhất, từ đó họ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn nhằm từng bước thoát ra khỏi tình trạng nghèo.                     

Từ quan niệm trên, các đảng ủy xã lãnh đạo công tác giảm nghèo theo cách tiếp cận đa chiều như sau: Đảng ủy xã lãnh đạo công tác giảm nghèo đa chiều là đề ra các nghị quyết, quyết định về giảm nghèo đa chiều trên địa bàn xã; tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định đó và kiểm tra, giám sát thực hiện, nhằm đưa công tác giảm nghèo đa chiều đạt hiệu quả, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của xã.                    

Đến hạn chế và khó khăn                       

Thứ nhất, thời điểm các đảng ủy xã tiến hành đại hội thì cách tiếp cận nghèo đa chiều chưa được triển khai. Như vậy chỉ tiêu giảm nghèo cho 5 năm tới đã được đưa vào nghị quyết đại hội các đảng ủy xã. Khi xác định hộ nghèo đa chiều theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg thì số lượng hộ nghèo ở các xã sẽ tăng lên, tính đến cuối năm 2015 vẫn còn hơn 7.266 hộ nghèo được phân bố ở các xã, đặc biệt là những xã vùng sâu, biên giới. Khi xác định hộ nghèo theo cách tiếp cận đa chiều  toàn tìnhcao hơn nhiều. Và chỉ tiêu giảm nghèo trong nghị quyết các đảng ủy xã đã thông quađều không căn cứ vào giảm nghèo đa chiều khi đưa ra các chỉ tiêu giảm nghèo. Trong quá trình thực hiện lãnh đạo các đảng ủy xã sẽ khó khăn.
                   

Thứ hai, đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo còn nhiều hạn chế nên khó khăn trong điều tra. Tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở thiếu ổn địnhSự phối kết hợp của các thành viên trong ban chỉ đạo có lúc chưa được thường xuyên. Cán bộ cấp cơ sở (khóm, ấp) còn hạn chế trong việc nắm bắt chủ trương, chính sách trợ giúp người nghèo...

Thứ ba, số hộ nghèo và hộ cận nghèo cao, hằng năm các xã phải đối mặt với việc chăm lo cho người nghèo vào các dịp lễ và tết. Việc kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm giúp đỡ hộ nghèo nhiều hơn nữa thì rất khó.

Thứ tư, một số cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ xóa đói giảm nghèo chưa thật phù hợp, nên việc tổ chức thực hiện ở một số xã còn bất cập, còn mang tính bao cấp, nên không tạo được động lực để người nghèo chủ động vượt nghèo.                     

Thứ năm, cơ sở hạ tầng ở các xã còn thiếu về trường học, nước sạch nông thôn và nhà vệ sinh. Hệ thống cầu đường chưa tốt nên nhiều vùng nông thôn không thuận lợi trong phát triển kinh tế và xã hội. Nhiều hộ nghèo sử dụng nước sông, nước kênh trong sinh hoạt hằng ngày và thuốc trừ sâu, diệt cỏ nên tăng ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe.                          

Và biện pháp nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng


Một là, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của các đảng ủy xã, cán bộ, đảng viên và nhân dân về giảm nghèo đa chiều. Tạo ra sự thống nhất cao trong các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, nhân dân về quan điểm, mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ chương trình giảm nghèo. Tuyên truyền để người nghèo, hộ nghèo hiểu rõ nguyên nhân gây nghèo.

Hai là, các đảng ủy xã cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực trọng điểm, đột phá để ra các nghị quyết và kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ trực thuộc, chính quyền và cán bộ tập trung thực hiện giảm nghèo.

Ba là, lãnh đạo tổ chức cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy về giảm nghèo đa chiều. Chủ trương, nghị quyết giảm nghèo của cấp ủy phải được thực hiện nghiêm túc. Đề ra các chỉ tiêu, xây dựng kế hoạch, giải quyết việc làm hằng năm; giao nhiệm vụ chỉ tiêu, giảm nghèo, giải quyết việc làm tới từng ấp, tổ, khu vực.

Bốn là, phát huy vai trò của mặt trận và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo đa chiều. Chỉ đạo các đoàn thể, tổ chức trên địa bàn, cán bộ, đảng viên có trách nhiệm triển khai, cụ thể hóa biện pháp giảm nghèo trên địa bàn. Mặt trận và các đoàn thể phối hợp với chính quyền, các sở, ngành, liên quan, xây dựng chương trình, kế hoạch, sáng kiến cụ thể, sát với thực tiễn. Vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện nghị quyết của cấp ủy cấp mình.

Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện giảm nghèo và sử dụng công quỹ xóa đói, giảm nghèo. Đảng ủy xã phải chủ động, thường xuyên, đa dạng và linh hoạt, gắn kiểm tra của tổ chức đảng với tự kiểm tra của quần chúng, cộng đồng. Kiểm tra sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong vận động gia đình, lối xóm tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Kiểm tra việc tiếp cận các chính sách, các dịch vụ xã hội trợ giúp cho người nghèo vươn lên thoát nghèo. Trong quá trình thực hiện, công tác kiểm tra của các cấp ủy, tổ chức đảng phải đạt được hai mục tiêu: một là phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, những dấu hiệu vi phạm; hai là, phát hiện những nhân tố mới, mô hình mới để phát huy, động viên, nhân rộng.

Đồng Tháp đang chuyển mình vươn lên đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế quan trọng, tạo điều kiện và tiền đề cho công tác giảm nghèo được thực hiện tốt. Điều này đòi hỏi các đảng ủy xã phải nâng cao vai trò lãnh đạo và có phương thức mới nhằm lãnh đạo công tác giảm nghèo đa chiều đạt hiệu quả góp phần vào thành công của tỉnh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất