Đào tạo nghề cho đồng bào tái định cư thủy điện Tuyên Quang
Toàn cảnh đập thuỷ điện Na Hang, Tuyên Quang.

Công trình thủy điện Tuyên Quang được Chính phủ phê duyệt báo cáo khả thi ngày 19-4-2002, đến ngày 22-12-2002 khởi công xây dựng và sau 5 năm được khánh thành (2007). Công trình được thiết kế có 3 tổ máy, phát điện lên lưới điện quốc gia với công suất là 342MW, sản lượng điện trung bình hằng năm là 1,295 tỷ kwh. Tổng diện tích mặt nước trên hồ thuỷ điện hơn 8.000ha, dung tích 2 tỉ m3 nước. Đây là nhà máy thuỷ điện có công suất lớn thứ ba của miền Bắc sau nhà máy thuỷ điện Sơn La và Hoà Bình (hiện nay là thủy điện Lai Châu đang xây dựng).

Để phục vụ cho việc xây dựng nhà máy thủy điện, tỉnh Tuyên Quang đã phải di chuyển 4.139 hộ với 20.138 nhân khẩu, của 88 thôn, ở 11 xã thuộc vùng lòng hồ thủy điện đến 125 điểm tái định cư mới. Sau khi di chuyển đến nơi ở mới, mặc dù được Nhà nước quan tâm cấp đất ở, đất sản xuất, đầu tư xây cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng, nhưng đến nay đời sống người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu đất sản xuất. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất, ổn định, nâng cao đời sống, cũng như tìm kế sinh nhai bền vững cho đồng bào. Đặc biệt là thực hiện Quyết định 1.766, ngày 10-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ “đầu tư hỗ trợ ổn định đời sống, phát triển sản xuất, đào tạo nghề gắn với việc làm, khuyến khích chuyển đổi nghề từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân tái định cư”(1), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho đồng bào, trong đó có vấn đề đào tạo nghề.

Trong tổng số 2.516 lao động được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1.766 cho đồng bào tái định cư có các nhóm nghề cần ưu tiên hỗ trợ đào tạo là: “Đào tạo việc làm để chuyển đổi tại chỗ 966 lao động; đào tạo nghề để làm việc tại các khu công nghiệp trên đại bàn tỉnh 700 lao động; đào tạo nghề 640 lao động để xuất khẩu; hỗ trợ đào tạo nghề 210 lao động có trình độ từ trung cấp nghề trở lên”(2). Vì vậy, trong năm 2013, tổng lao động tại các khu, điểm tái định cư thủy điện Tuyên Quang được đào tạo nghề qua việc lồng ghép các chương trình, dự án là 1.496 lao động. Trong đó, huyện Yên Sơn 738 lao động, Hàm Yên 363 lao động, Chiêm Hóa 239 lao động, Na Hang 156 lao động. 118 lao động của xã Mỹ Bằng và Hoàng Khai (Yên Sơn) được học nghề dát bạc qua 2 lớp đào tạo nghề trực tiếp theo Quyết định 1014/QĐ-UBND tỉnh”. Năm 2014, ngoài việc hỗ trợ đào tạo nghề qua việc lồng ghép các chương trình, dự án, tỉnh Tuyên Quang còn quyết định đầu tư 500 triệu đồng để hỗ trợ trực tiếp việc đào tạo nghề cho đồng bào tái định cư.

Các nghề được tỉnh Tuyên Quang tổ chức đào tạo cho đồng bào các dân tộc tái định cư thủy điện trong những năm qua chủ yếu là: mây giang, tre đan, làm chổi chít, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá, sửa chữa máy nông nghiệp và các lớp tập huấn ứng dụng kỹ thuật mới vào trồng nấm, kỹ thuật trồng chè… Theo báo cáo của Phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh cho biết, giai đoạn 2013-2015, đồng bào thuộc diện di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang tại 7 xã điểm xây dựng nông thôn mới sẽ được hoàn thành chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo nghề. Để hoàn thành kế hoạch, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố sẽ tổ chức tuyên truyền các chế độ chính sách dạy nghề, tư vấn định hướng cho từng đối tượng lao động cụ thể; tham mưu tập trung các nguồn lực hỗ trợ đào tạo, lồng ghép với các chương trình, dự án để tiếp tục dạy nghề cho đồng bào tái định cư. Nhờ làm tốt công tác dạy nghề, giúp đồng bào nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nên năm 2014, thu nhập bình quân của người dân tái định cư trên 9,9 triệu đồng/người/năm, tăng 3,2% so với năm trước đó. Tỷ lệ hộ nghèo tái định cư chiếm 21,3%, giảm 5,3% so với năm 2013.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang, việc chuyển đổi nghề cho đồng bào tái định cư là một việc làm khó, vì cơ cấu lao động của người dân tái định cư vẫn là nông nghiệp (chiếm trên 90%), chủ yếu độc canh cây lúa. Tỷ lệ hộ tái định cư làm nghề phi nông nghiệp vẫn còn rất ít. Chẳng hạn như huyện Na Hang có 959 hộ di chuyển đến 18 điểm tái định cư nhưng hiện nay chỉ có trên 300 hộ phi nông nghiệp. Trong những năm qua, huyện đã triển khai các đề án, chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư để hỗ trợ người dân tăng thu nhập, chuyển đổi nghề nghiệp đồng thời thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp chuyển đổi nghề cho người dân tái định cư. Theo Quyết định số 1.766, huyện Na Hang có khả năng chuyển đổi nghề tại chỗ, tại các khu công nghiệp, xuất khẩu lao động, đào tạo chuyên nghiệp cho 872 lao động. Nhưng năm 2012, sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề của tỉnh cho người dân tái định cư, huyện Na Hang chỉ có 2 lao động tham gia (hiện đang đi làm tại các khu công nghiệp). Đến 3 quý đầu của năm 2015, huyện đã triển khai đào tạo nghề tại chỗ cho các hộ tái định cư, song số lượng đăng ký chuyển đổi nghề cũng rất thấp, chỉ có 43 người đăng ký với 17 ngành nghề khác nhau.

Bên cạnh đó, do Quyết định số 08/2007/QĐ-TTg, ngày 12-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang chưa đề cập đến chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp nên các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi các hộ làm nông nghiệp sau khi tái định cư thì phần lớn diện tích đất sản xuất ít hơn, buộc người dân phải chuyển đổi mô hình sản xuất khác như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng nấm... trong trường hợp đó, người dân phải được đào tạo và mua sắm dụng cụ lao động để phù hợp với mô hình sản xuất mới. Nhưng theo Quyết định này thì các đối tượng trên đều không được hỗ trợ, điều này làm cho việc chuyển đổi nghề gặp nhiều khó khăn, gây tâm lý không tốt cho đồng bào.

Hơn nữa, theo Quyết định 1.766 thì số lượng được Chính phủ phê duyệt đào tạo nghề là 2.516 lao động, nhưng đến nay tỉnh Tuyên Quang mới chỉ đào tạo được 1.496 lao động. Cơ cấu các ngành nghề đào tạo cho đồng bào chưa phù hợp, mới chỉ dừng lại ở các nhóm nghề như: Thủ công truyền thống, sữa chữa máy nông nghiệp, tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi… Trong khi các nghề có thể làm tăng thêm thu nhập như xuất khẩu lao động hay làm công nhân tại các khu công nghiệp thì tỷ lệ đào tạo vẫn còn ít so với nhu cầu thực tiễn.

Ngoài ra, đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu về số lượng, cơ cấu ngành nghề đào tạo lại chưa phù hợp và hạn chế về chất lượng. Phương pháp dạy nghề chủ yếu là dạy chay, học chay. Cán bộ quản lý dạy nghề chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và thiếu kinh nghiệm quản lý, thậm chí là cán bộ kiêm nhiệm. Ở Tuyên Quang hiện nay, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, kiêm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm. Ở cấp huyện, không có cán bộ chuyên trách về dạy nghề.

Có những khó khăn trên là do các chính sách về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề đối với đồng bào vùng tái định cư chưa thật sự đúng mức và vẫn  thiếu. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho đào tạo nghề còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ giáo viên dạy nghề còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như sự thiếu thốn về nhà ở, vật chất, bất đồng về ngôn ngữ. Trình độ dân trí của đồng bào còn hạn chế nên đã ảnh hưởng đến nhận thức về tầm quan trọng của việc đào tạo, chuyển đổi ngành nghề. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đào tạo nghề chưa tốt.

Công tác đào tạo nghề cho đồng bào các dân tộc tái định cư các công trình thủy điện của cả nước nói chung và thủy điện Tuyên Quang nói riêng được xem là một hợp phần trong tổng thể về đào tạo nghề cho đồng bào các dân tộc thiểu số theo Chương trình hành động của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung lần thứ bảy (khóa IX) của Đảng là: “Ưu tiên dạy nghề đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… Phát triển hệ thống các trường, lớp dạy nghề, kể cả các ngành nghề phi nông nghiệp, để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hội ở vùng này”(3). Vì vậy, để công tác đào tạo nghề cho đồng bào các dân tộc tái định cư thủy điện Tuyên Quang thực sự mang lại hiệu quả cao, giúp nâng cao đời sống, cần thực hiện một số các giải pháp sau:

Thứ nhất, bổ sung và hoàn thiện các chính sách đối với các vùng tái định cư thủy điện Tuyên Quang, nhằm góp phần tạo ổn định cuộc sống của đồng bào, trong đó có chính sách về đào tạo nghề. Chẳng hạn như điều chỉnh bổ sung Quyết định số 08/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí cho việc đào tạo nghề đối với đồng bào các dân tộc tái định cư thủy điện.

Thứ hai, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo nghề nhằm giúp cho học viên có điều kiện nắm bắt tốt những kiến thức đã học để áp dụng vào trong công việc. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút những giáo viên dạy nghề giỏi, có kinh nghiệm về công tác tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, đa dạng hóa loại hình đào tạo nghề cho phù hợp với lao động của đồng bào. Chẳng hạn như đối với đồng bào tại các điểm, khu tái định cư huyện Na Hang thì cần có phương án hỗ trợ người dân khai thác tiềm năng nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ở lòng hồ. Đối với các huyện khác thì hỗ trợ người dân tái định cư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển thương mại, dịch vụ… Đẩy mạnh đào tạo những nghề có thu nhập cao và nhu cầu xã hội đang cần như làm tại các khu công nghiệp hay xuất khẩu lao động.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào trong việc tư vấn, định hướng nghề cho người tham gia học nghề để họ quan tâm đến học nghề. Mục đích học nghề để làm gì? Học nghề gì là phù hợp với từng người và công việc, tiến tới định lượng được số lượng cho từng nghề và cho các trình độ đào tạo, tăng cường tự kiểm định chất lượng dạy nghề nhằm phát huy được nghề nghiệp đối với mỗi người sau khi học nghề, đồng thời tránh sự lãng phí về nguồn lực xã hội và lãng phí về thời gian, kinh phí học tập.

Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp… trong tổ chức chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động vùng tái định cư trên toàn tỉnh.

Thực hiện tốt các giải pháp trên, công tác đào tạo nghề cho đồng bào tái định cư thủy điện Tuyên Quang mới có thể mang lại hiệu quả cao.

---------------

Tài liệu tham khảo

(1), (2). Quyết định 1766/QĐ-TTg ngày 10-10-2011 của Thủ tương Chính phủ về việc Phê duyệt, điều chỉnh bổ sung Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

(3). Quyết định số 122/2003/QĐ-TTg, ngày 12-6-2003 của Thủ tướng Chính phủ “Về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, Hà Nội, năm 2003.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất