Dấu ấn miền Bắc
Đồng chí Tô Huy Rứa làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ.

Khu vực miền Bắc có 28 tỉnh, thành phố, có 24.330 TCCSĐ và 2.390.082 đảng viên. Năm 2014, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015, các cấp ủy đảng các tỉnh, thành phố đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn; bám sát các chủ trương của Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị đồng bộ, quyết liệt với nhiều chương trình, kế hoạch thiết thực, cụ thể tạo chuyển biến trong công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, tạo nền tảng cho năm 2015 tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp.

Chủ động tham mưu cấp ủy thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương

Các ban tổ chức tỉnh, thành ủy trong khu vực đã tích cực, chủ động và phối hợp các ban đảng tham mưu giúp ban thường vụ (BTV) cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác tổ chức xây dựng đảng: Sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 196-QĐ/TW và Quy định số 197-QĐ/TW ngày 24-11-2008 của Ban Bí thư về tổ chức đảng trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và Quy chế phối hợp công tác giữa đảng ủy tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với cấp ủy địa phương; về thực hiện Quy định số 15-QĐ/TW ngày 28-8-2006 của BCH Trung ương (khóa X) về đảng viên làm kinh tế tư nhân. Sơ kết 1 năm thực hiện Hướng dẫn số 17 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện thí điểm việc kếp nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng...

Các địa phương phối hợp có hiệu quả với các đoàn kiểm tra của Trung ương về khảo sát, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương chuẩn bị Đại hội XII của Đảng và tổng kết 30 năm đổi mới. Thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng (khóa XI). Đồng thời chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp ủy triển khai, chỉ đạo tổng kết thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XI của Đảng; sơ kết mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn; thành lập đảng bộ khối các cơ quan đảng, đoàn thể, nhà nước cấp huyện; tổng kết chủ trương thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã và địa phương không tổ chức HĐND. Xây dựng Kế hoạch giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Tham mưu cấp ủy triển khai thực hiện thí điểm chủ trương của Trung ương về bố trí tăng thêm chức danh phó bí thư, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện. Các tỉnh, thành phố trong khu vực đã thực hiện chủ trương tăng thêm 17 phó bí thư tỉnh, thành ủy (Hải Phòng, Bắc Kạn, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Nam Định, Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên, Hải Dương) và 15 phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố (Hà Nội, Thanh Hoá, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa); 52 phó bí thư và 72 phó chủ tịch UBND cấp huyện để luân chuyển, đào tạo cán bộ ở những nơi còn gặp khó khăn trong công tác tổ chức xây dựng đảng và phát triển kinh tế - xã hội. Toàn khu vực luân chuyển 332 đồng chí từ tỉnh về huyện và ngược lại, cấp xã là 929 đồng chí.

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị

Thực hiện Kết luận số 64-KL/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI), các ban tổ chức tỉnh, thành ủy đã tham mưu cấp ủy ban hành chương trình hành động, đề án, kế hoạch triển khai. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức tốt việc quán triệt, xây dựng kế hoạch thực hiện. Các địa phương kịp thời đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã; xây dựng các quy định về quan hệ công tác giữa chi bộ khu dân cư, thôn, tổ dân phố với các tổ chức dưới xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Các địa phương tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định về quản lý cán bộ, công chức; phân cấp quản lý cán bộ; bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; các văn bản hướng dẫn về nhận xét, đánh giá, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; luân chuyển cán bộ... Tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm trong hoạt động công vụ. Ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đối với từng chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể gắn với tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh để làm căn cứ trong nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ. Xây dựng chế độ, chính sách phù hợp để thu hút người có trình độ cao về địa phương công tác; tạo nguồn cán bộ có chất lượng, nhất là cấp cơ sở.

Coi trọng công tác cán bộ

Công tác đánh giá cán bộ được các ban tổ chức tỉnh, thành ủy tham mưu cấp uỷ chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trực thuộc tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình năm 2014. BTV các tỉnh, thành ủy đã tổ chức kiểm điểm đối với tập thể và từng cá nhân theo đúng quy định. Việc đánh giá, xếp loại cá nhân đồng chí uỷ viên BTV tỉnh, thành ủy được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Các ban tổ chức tỉnh, thành ủy tham mưu cấp uỷ thực hiện dân chủ, công khai việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2015-2020. Năm 2014, 28/28 tỉnh, thành phố hoàn thành việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch BCH, BTV tỉnh, thành ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thành phố. Trong năm đã quy hoạch 6.163 đồng chí vào BTV, BCH và các chức danh chủ chốt do BTV tỉnh, thành uỷ quản lý.

Trên cơ sở quy hoạch cán bộ đã được Trung ương phê duyệt, nhiều tỉnh, thành uỷ thực hiện luân chuyển cán bộ để đào tạo, rèn luyện. Qua đây chuẩn bị một bước công tác nhân sự phục vụ cho việc củng cố, kiện toàn trong nhiệm kỳ 2010-2015 và nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020.

Các tỉnh, thành uỷ tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Năm 2014 các tỉnh, thành trong khu vực đã cử gần 25.000 cán bộ học lý luận chính trị, an ninh - quốc phòng và chuyên môn, nghiệp vụ. Có 8/28 tỉnh, thành uỷ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ được quy hoạch BCH đảng bộ tỉnh và các chức danh chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 theo mô hình lớp đào tạo nguồn cán bộ của Trung ương (Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang, Sơn La, Bắc Ninh, Lào Cai, Thái Bình, Lai Châu). Một số địa phương tiếp tục thực hiện đề án đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn cao tại nước ngoài bằng ngân sách của địa phương (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Thái Bình).

Nhiều tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng chất lượng thi tuyển công chức. Một số tỉnh như Quảng Ninh, Thanh Hoá, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Giang, Hà Tĩnh, Sơn La, Phú Thọ đã thực hiện thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện...

Nâng cao chất lượng TCCSĐ và đảng viên

Thực hiện Hướng dẫn số 07-HD/BTCTW ngày 11-10-2011 và Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW ngày 4-11-2013 của Ban Tổ chức Trung ương, các tỉnh, thành uỷ đã chỉ đạo chặt chẽ, xây dựng tiêu chí, biểu điểm cụ thể đối với từng loại hình TCCSĐ. Đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên năm 2014 đã gắn với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của tập thể, cá nhân và việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về “Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Chỉ thị số 10 về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”... Đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên đã dần đi vào nền nếp, phản ánh thực chất hơn năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 29-7-2010 của Ban Bí thư (khóa X) về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong các loại hình doanh nghiệp, các địa phương đã kiện toàn, bổ sung nhân sự trong ban chỉ đạo; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp. Số tổ chức đảng, đoàn thể, số lượng đảng viên, đoàn viên trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.

Công tác phát triển đảng viên tiếp tục được chú trọng. Đến tháng 11-2014, các tỉnh đã kết nạp 79.573 đảng viên. Một số tỉnh có số lượng đảng viên kết nạp cao như Nghệ An 25.781, Hà Nội 13.700, Thanh Hoá 6.375, Quảng Ninh 4.050, Hải Phòng 4.006, Thái Nguyên 3.544, Hà Tĩnh 3.225... Trong đó, nhiều đảng viên là học sinh, sinh viên, người dân tộc thiểu số, trí thức, nữ. Một số đảng bộ tỉnh tăng cường kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số, người có đạo như Sơn La, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Thái Nguyên, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn... Hiện nay, một số địa phương đã tổ chức khảo sát và triển khai thực hiện chủ trương kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng.

Chủ động, tích cực và sáng tạo, năm 2014 28 tỉnh thành miền Bắc đã đạt được kết quả tích cực trong công tác tổ chức xây dựng đảng, để lại dấu ấn trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất