Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng tập trung vào ba nội dung quan trọng liên quan tới công tác cán bộ, nhấn mạnh “xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế”(1). Trong đó, nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng đề cập đến chủ trương: “Thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý”(2). Đây là một chủ trương mới nhằm tạo bước đột phá để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới; bổ sung, hoàn thiện các quy định, cơ chế; hạn chế những bất cập trong công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay.
Đến nay, việc triển khai thực hiện đang gặp những khó khăn, vướng mắc: Trung ương vẫn chưa có quy chế, quy định, hướng dẫn cụ thể để thực hiện chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Một số cơ quan, đơn vị mạnh dạn thực hiện thí điểm, nhưng nhìn chung chưa có quy định thống nhất, cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, thời gian, quyền lợi và trách nhiệm đối với hai đối tượng cán bộ tiến cử, cán bộ được tiến cử, cán bộ tập sự lãnh đạo, quản lý. Các cấp ủy đảng, chính quyền chưa có hoặc chưa thống nhất về cơ chế kiểm tra, giám sát, quy trình thực hiện, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ được tiến cử, cán bộ tập sự lãnh đạo, quản lý trong và sau thời gian họ tham gia thực hiện chủ trương này. Cụ thể như: Thẩm quyền, trách nhiệm của họ đến đâu? Nếu họ làm tốt cương vị được tiến cử, tập sự thì có được xem xét đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí, chức vụ tương ứng hay không? Nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí có sai lầm, khuyết điểm khi tiến cử, tập sự thì có bị kỷ luật không? Trách nhiệm của cán bộ tiến cử về phẩm chất, năng lực và đánh giá hiệu quả công tác của người được tiến cử như thế nào?... Một số vấn đề có liên quan đến chủ trương này cần tiếp tục làm rõ như: cơ chế phối hợp, liên thông giữa chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý với hình thức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý; chế độ cấp trưởng lựa chọn cấp phó; những căn cứ, điều kiện bảo đảm để tiến hành; mối quan hệ với các quy định về tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý đang được thực hiện hiện nay.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do: Đây là chủ trương mới, chưa được nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống nhằm chỉ ra cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thực hiện chủ trương thí điểm này. Các cấp, ngành, địa phương có tâm lý chờ đợi hướng dẫn cụ thể của cấp trên mới thực hiện. Việc thống nhất nhận thức về thực hiện chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý, tạo sự đồng thuận trong dư luận chưa được quan tâm thường xuyên....
Để triển khai chủ trương này đạt hiệu quả, theo chúng tôi, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý là một vấn đề cần thiết trong đổi mới công tác cán bộ hiện nay, tạo sự thống nhất cao trong các cấp ủy đảng, địa phương, ban, ngành để tích cực thực hiện.
Hai là, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn thực hiện chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý. Theo đó, tập trung vào giải quyết một số vấn đề cơ bản như: quy định cụ thể về tiêu chuẩn, về quyền và trách nhiệm của cán bộ được tiến cử, cán bộ tập sự lãnh đạo, quản lý; thời gian tập sự; về quyền và nghĩa vụ của tổ chức đảng, người đứng đầu, đảng viên trong tiến cử, trong tiếp nhận, theo dõi, hướng dẫn, đánh giá cán bộ được tiến cử, cán bộ tập sự lãnh đạo, quản lý…
Ba là, các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tinh thần dân chủ, kỷ cương của toàn hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chế độ tiến cử, chế độ tập sự cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Bốn là, có cơ chế phát huy năng lực công tác của cán bộ được tiến cử, cán bộ tập sự lãnh đạo, quản lý như, tạo điều kiện tham gia trực tiếp vào công tác lãnh đạo, quản lý; bố trí, sử dụng, tạo môi trường thử thách thực sự để cán bộ tiến cử, cán bộ tập sự lãnh đạo, quản lý phát huy tốt phẩm chất, năng lực của họ; có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ được tiến cử...
Năm là, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân tham gia thực hiện chế độ tiến cử, chế độ tập sự cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp công tác giữa cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội trong việc thực hiện chế độ tiến cử, chế độ tập sự cán bộ lãnh đạo, quản lý…
Sáu là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức đảng, người đứng đầu về chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với cán bộ được tiến cử, cán bộ tập sự lãnh đạo, quản lý.
............................................................
(1) (2). ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, H., 2012, tr. 26 và 32.
ThS. Bùi Văn Hải
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh