Thực trạng
Thực hiện đường lối đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhiều thành phần và chủ động hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (DNNKVNN) ở nước ta đã phát triển mạnh mẽ, góp phần to lớn vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, đẩy mạnh thực hiện mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Tính đến 6-2014, số lượng DNNKVNN là 353.690. Trong đó, doanh nghiệp trong nước là 342.857, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 10.833(*).
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực kinh tế quan trọng này, bảo đảm cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục phát triển lành mạnh, đúng hướng, đóng góp tích cực vào công cuộc CNH, HĐH đất nước, từ năm 1996, Bộ Chính trị (khoá VIII) đã có Chỉ thị số 07-CT/TW "Về tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài". Năm 2010, Ban Bí thư có Kết luận số 80-KL/TW ngày 29-7-2010 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới, chủ trương đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố tổ chức đảng và đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và yêu cầu cấp uỷ các cấp thường xuyên chăm lo việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Triển khai thực hiện, nhiều tỉnh, thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ra nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, chương trình về công tác này. Cho đến nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều thành lập đảng bộ khối doanh nghiệp trực thuộc tỉnh, thành ủy; thành lập ban chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các DNNKVNN để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển tổ chức đảng trong những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có quy mô vừa và lớn, đông công nhân, lao động ổn định và phát triển; xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành, các cấp ở địa phương khảo sát tình hình đảng viên, đoàn viên, hội viên là công nhân lao động làm việc trong các DNNKVNN nhưng chưa có tổ chức đảng, vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp tiến hành thành lập tổ chức đảng khi đủ điều kiện.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các tỉnh, thành ủy, đảng ủy khối doanh nghiệp ở các địa phương, số lượng tổ chức đảng, đảng viên trong DNNKVNN đã tăng lên qua từng năm. Nếu như năm 1996, khi có Chỉ thị 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), gần như chưa có tổ chức đảng trong DNNKVNN thì đến hết năm 2013, theo thống kê của Ban Tổ chức Trung ương, đã có 5.656 tổ chức cơ sở đảng và 175.793 đảng viên trong các DNNKVNN. Tính đến cuối năm 2013, trong các đảng bộ tỉnh, thành phố, có một số đảng bộ có số lượng tổ chức đảng, đảng viên trong các DNNKVNN tăng mạnh, như: Hà Nội: số tổ chức đảng 1.095 và số đảng viên 22.268. Tương tự, TP. Hồ Chí Minh là 978 và 15.645; Đồng Nai 143 và 6.769; Hải Phòng 320 và 2.925… Nhiều tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Nhiều nơi tổ chức đảng hoạt động tốt đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tham gia giải quyết hợp lý các tranh chấp, ngăn chặn kịp thời đình công bất hợp pháp. Một số chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng nhận thức được vai trò tích cực của tổ chức đảng trong doanh nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức đảng hoạt động.
Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển tổ chức đảng trong các DNNKVNN hiện vẫn còn nhiều hạn chế, do chủ doanh nghiệp hoặc lãnh đạo doanh nghiệp không ủng hộ. Do đó, số lượng tổ chức đảng và đảng viên trong các DNNKVNN chưa tương xứng với quy mô, sự phát triển. Năm 2008, trong các DNNKVNN có 1.863 tổ chức cơ sở đảng, thì đến năm 2013, số này chỉ là 2.602, tức là trong 5 năm chỉ tăng 739 tổ chức cơ sở đảng, bình quân mỗi năm chỉ tăng được 148 tổ chức cơ sở đảng trong khu vực này. Mức tăng này là rất chậm so với số lượng DNNKVNN.
Đến năm 2013, trong tổng số hơn 340 nghìn DNNKVNN mới chỉ có 5656 tổ chức cơ sở đảng, tức là chỉ 1,7% DNNKVNN có tổ chức cơ sở đảng. Trong khu vực doanh nghiệp tư nhân, năm 2012, với 260.989 doanh nghiệp mới có 1.382 tổ chức cơ sở đảng, chiếm tỉ lệ 0,52%. Năm 2013, trong 10.833 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới có 233 tổ chức cơ sở đảng, chiếm tỉ lệ 2,1%, gồm 63 đảng bộ cơ sở, 170 chi bộ cơ sở, 13 đảng bộ bộ phận, 558 chi bộ trực thuộc, 10.125 đảng viên.
Năm 2013, trong 7.523 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài mới có 122 tổ chức cơ sở đảng, chiếm tỉ lệ 1,6%. Như vậy, số lượng DNNKVNN chưa có tổ chức đảng còn rất lớn, trong đó có những doanh nghiệp có hàng nghìn lao động nhưng chưa có tổ chức đảng. Nội dung, phương thức hoạt động của nhiều tổ chức đảng trong các DNNKVNN còn lúng túng, chưa thể hiện rõ vị trí, vai trò của tổ chức đảng, không đóng góp được cho doanh nghiệp, nên vai trò của tổ chức đảng mờ nhạt, hoạt động khó khăn. Nhìn chung, ảnh hưởng của tổ chức đảng trong các DNNKVNN đối với chủ doanh nghiệp, người quản lý và công nhân, lao động trong doanh nghiệp còn hạn chế.
Số tổ chức đảng có hoạt động ổn định, có vai trò, tác dụng được doanh nghiệp, quần chúng thừa nhận chưa nhiều. Việc xác định mô hình tổ chức, quản lý các tổ chức đảng trong DNNKVNN hiện nay vẫn đang trong quá trình tìm tòi, chưa có mô hình thống nhất, gây lúng túng, trở ngại cho quản lý và hoạt động của tổ chức đảng trong các DNNKVNN. Hiện nay, các tổ chức đảng trong DNNKVNN trực thuộc nhiều cấp ủy khác nhau. Có những tổ chức đảng thuộc đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, đảng ủy khối doanh nghiệp quận, huyện, đảng ủy khu chế xuất, khu công nghiệp, đảng bộ các tổng công ty... Nhưng cũng có những tổ chức đảng trực thuộc tỉnh, thành ủy, quận, huyện ủy hoặc đảng ủy xã, phường, thị trấn. Do chưa được phân loại kịp thời theo quy mô tổ chức đảng và quy mô doanh nghiệp, nên có tình trạng chi bộ chỉ mấy đảng viên lại trực thuộc đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, đảng bộ có hàng trăm đảng viên, hàng nghìn lao động, hoạt động trên phạm vi toàn quốc lại trực thuộc đảng ủy xã, phường.
Giải pháp chủ yếu
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về xây dựng, phát triển tổ chức đảng trong các DNNKVNN
Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những hạn chế trong việc phát triển tổ chức đảng trong các DNNKVNN là do không ít cán bộ, đảng viên, cấp uỷ đảng và thành viên hội đồng quản trị, giám đốc doanh nghiệp chưa nhận thức rõ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng, phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp; chưa nhận thức đúng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng trong các DNNKVNN. Bởi vậy, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất về nhận thức trong tổ chức đảng, trong cán bộ, đảng viên và chủ doanh nghiệp về phát triển tổ chức đảng là việc làm quan trọng để thúc đẩy xây dựng, phát triển tổ chức đảng trong DNNKVNN hiện nay.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cần lựa chọn hình thức thích hợp tuyên truyền, vận động để các chủ doanh nghiệp, các thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp nắm được quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là chủ trương của Đảng về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong DNNKVNN, giúp họ hiểu đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ của tổ chức đảng trong DNNKVNN; thấy được mục đích, lợi ích của việc thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tổ chức gặp mặt, động viên biểu dương các doanh nghiệp làm tốt công tác xây dựng đảng, xây dựng các đoàn thể, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; biểu dương, khen thưởng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, các đoàn thể nhân dân vững mạnh, xuất sắc.
Hai là, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của chủ doanh nghiệp đối với việc tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng trong các DNNKVNN
Muốn thành lập tổ chức đảng, đoàn thể thì phải làm cho thông nhận thức và tư tưởng của chủ doanh nghiệp. Thực tế cho thấy khi đã “thông” về tư tưởng, chủ các doanh nghiệp sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện; còn không thì chưa nói đến việc gây khó dễ, mà chỉ cần không ủng hộ, không tạo điều kiện là mọi việc khó có thể triển khai thực hiện. Cấp ủy cấp trên phải trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, vận động, thuyết phục để chủ doanh nghiệp thấy được việc thành lập tổ chức chính trị trong doanh nghiệp không chỉ bảo đảm lợi ích tổ chức đảng, đoàn thể mà chính là đem lại lợi ích cho doanh nghiệp vì tổ chức đảng, đoàn thể chính là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quận, huyện, thành phố.
Vừa qua, nhiều cấp ủy từ tỉnh, thành phố đến quân, huyện đã tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu, đối thoại trực tiếp với chủ doanh nghiệp, người lao động. Thông qua đó có nhiều chủ doanh nghiệp, người lao động tự giác đăng ký thành lập và tham gia tổ chức đảng, đoàn thể.
Ba là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức đảng phù hợp và thiết thực góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức đảng trong DNNKVNN phải hướng vào thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp; phát huy vai trò các đoàn thể cùng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ lợi ích chính đáng cho người lao động và doanh nghiệp. Muốn thực hiện thắng lợi công tác xây dựng và củng cố tổ chức đảng trong DNNKVNN thì phải lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, nâng cao đời sống người lao động và doanh nghiệp. Từ đó, họ mới tin tưởng và tham gia xây dựng Đảng, làm tròn trách nhiệm của mình đối với Đảng. Phải động viên các tổ chức đoàn thể quần chúng nâng cao vai trò và sức mạnh của mình, khuyến khích người lao động, tạo phong trào thi đua trong từng doanh nghiệp. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ, quy chế đối thoại với lãnh đạo doanh nghiệp, phát huy quyền làm chủ của người lao động là động lực mạnh mẽ để giữ vững ổn định và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong các DNNKVNN; kiện toàn tổ chức, nhân sự, nâng cao chất lượng chất lượng hoạt động của các đảng ủy doanh nghiệp quận, huyện
Thực tế cho thấy, nên sắp xếp lại các tổ chức đảng trong DNNKVNN theo hướng tập trung vào một đầu mối là đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, thành phố hoặc đảng ủy khối doanh nghiệp quận, huyện. Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chủ trương thành lập đảng bộ cơ sở khu công nghiệp, khu chế xuất đối với những tổ chức đảng có từ 30 đảng viên trở lên, trực thuộc đảng ủy các khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố. Dưới đảng bộ cơ sở là các chi bộ trong các doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập chi bộ. Thành ủy chỉ đạo các quận ủy, huyện ủy tiến hành thành lập đảng bộ khối doanh nghiệp tư nhân trực thuộc quận ủy, huyện ủy; chuyển đảng viên (đang làm việc trong DNNKVNN) sinh hoạt đảng ở nơi cư trú về nơi làm việc (nếu doanh nghiệp có tổ chức đảng). Trường hợp doanh nghiệp mà đảng viên đó đang làm việc chưa có tổ chức đảng thì chuyển về sinh hoạt tại chi bộ khối đảng, đoàn thể quận, huyện hoặc chi bộ khối đảng, đoàn thể xã, phường, thị trấn. Có thể nói, cách làm của các tỉnh, thành ủy khá đa dạng, nhưng mô hình đảng bộ khối doanh nghiệp quận, huyện tỏ ra thích hợp hơn để duy trì hoạt động của các tổ chức đảng trong DNNKVNN và nơi sinh hoạt đảng ổn định cho đảng viên.
Tổ chức đảng trong DNNKVNN trực thuộc đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh, thành phố được sự quan tâm đầy đủ hơn, cụ thể hơn, đáp ứng mong muốn của các tổ chức đảng trong DNNKVNN được sinh hoạt trong đảng ủy khối doanh nghiệp vì có chung đặc điểm là sản xuất, kinh doanh, là cơ hội để học hỏi, giao lưu, tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh.
Khi thành lập đảng bộ khối doanh nghiệp quận, huyện, cần linh hoạt trong việc xác định cơ cấu tổ chức, bố trí cán bộ làm bí thư, phó bí thư đảng ủy khối DNNKVNN. Do cán bộ chỉ được bố trí trong khung biên chế khối đảng, đoàn thể, nên có thể phân công một đồng chí ủy viên ban thường vụ huyện ủy làm bí thư kiêm nhiệm, hoặc bố trí một đồng chí ủy viên BCH đảng bộ huyện làm bí thư chuyên trách. Thực tế cho thấy, phổ biến nhất là mô hình đồng chí phó ban tổ chức quận, huyện ủy làm bí thư kiêm nhiệm và có thêm một hoặc hai cán bộ ban tổ chức quận, huyện ủy làm cán bộ chuyên trách, có thể thêm cán bộ hợp đồng khi cần thiết. Việc lựa chọn người làm bí thư đảng ủy khối doanh nghiệp DNNKVNN nói riêng, bí thư đảng ủy khối doanh nghiệp nói chung, cần có sự cân nhắc theo hướng tìm người có hiểu biết nhất định về lĩnh vực kinh tế, có uy tín với chủ doanh nghiệp và có năng lực tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo công tác đảng trong khối DNNKVNN.
Năm là, nâng cao chất lượng cấp ủy đảng trong các DNNKVNN; bố trí bí thư cấp ủy là người có uy tín, có vai trò trong doanh nghiệp
Thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên của các tổ chức đảng trong DNNKVNN. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần phù hợp và thiết thực đối với từng nhóm đối tượng. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dường nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho các cấp uỷ viên, lãnh đạo các đoàn thể. Vai trò của tổ chức đảng trong DNNKVNN phụ thuộc rất lớn vào vị trí, vai trò của bí thư cấp uỷ. Kinh nghiệm cho thấy, nếu bí thư làm chủ doanh nghiệp, là giám đốc, phó giám đốc; chủ tịch, phó chủ tịch HĐQT, hoặc chủ tịch công đoàn thì rất thuận lợi cho tổ chức đảng.
Sáu là, xây dựng và phát huy vai trò của công đoàn và các đoàn thể trong các doanh nghiệp để chăm lo bảo đảm lợi ích của người lao động, đẩy mạnh phát triển đảng viên
Thường xuyên khảo sát, nắm chắc tình hình doanh nghiệp và lao động trên địa bàn, làm cơ sở lập kế hoạch phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở; đổi mới phương thức tập hợp, tuyên truyền để công nhân, viên chức, lao động hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức Công đoàn Việt Nam, thấy được lợi ích của bản thân, của doanh nghiệp khi thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở, giảm bớt sự phụ thuộc từ chủ doanh nghiệp. Phấn đấu 100% doanh nghiệp có 50 lao động trở lên thành lập được tổ chức Công đoàn.
Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, giúp đỡ của cấp ủy cấp trên, nhất là cấp ủy cấp trên trực tiếp; có chế độ, chính sách phù hợp đối với cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể nhân dân trong các DNNKVNN
Cấp ủy các cấp thường xuyên theo dõi hỗ trợ và giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của tổ chức đảng trong các DNNKVNN. Quan tâm hướng dẫn nội dung, phương pháp hoạt động phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tạo điều kiện để các tổ chức đảng được thành lập tồn tại, phát triến và hoạt động có hiệu quả. Cần thực hiện tốt chế độ, chính sách phù hợp đối với cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong các DNNKVNN. Trước mắt, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Quyết định số 84-QD/TW của Ban Bí thư; Thông tư liên tịch số 225 của Liên Bộ Tài chính - Ban Tài chính Quản trị Trung ương (nay là Văn phòng Trung ương); Thông báo số 13-TB/TW, ngày 28-3-2011 của Bộ Chính trị về việc sửa đổi những bất hợp lý về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội và các văn bản hiện hành của Đảng, Nhà nước về kinh phí, nguồn chi trả cho các hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể. Cố gắng vận dụng ở mức cao nhất các quy định trên nhằm tạo ra sự hỗ trợ cần thiết cho các cán bộ trong công tác đảng, đoàn thể tại các doanh nghiệp.
-----------------------------------------
(*) Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo của Tổng cục Thống kê
PGS,TS. Nguyễn Văn Giang
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh