Những trạng thái tâm lý trên cộng với hoàn cảnh riêng của mỗi CSM nếu không được kịp thời phát hiện, quan tâm, động viên, rất có thể dẫn đến tình trạng lo lắng, dao động, không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí còn đảo bỏ ngũ v.v. Do đó, đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chính trị ở các đơn vị cơ sở, việc nắm bắt và kịp thời giải quyết những vấn đề tâm lý, tư tưởng của CSM và có những tác động phù hợp, giúp họ khắc phục được những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, ổn định tâm lý, tư tưởng phải được coi là nhiệm vụ đầu tiên trước khi bước vào chương trình huấn luyện cũng như trong quá trình huấn luyện.
Từ thực tiễn tiến hành công tác đảng, công tác chính trị những năm qua, đặc biệt là trong chuẩn bị mọi mặt trước khi huấn luyện CSM, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn M6 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp triển khai tốt việc nắm bắt tâm lý, tư tưởng CSM, coi đó là nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp quyết định đến kết quả huấn luyện và kết quả xây dựng đơn vị chính quy, vững mạnh toàn diện. Nhờ làm tốt công tác nắm bắt tâm lý tư tưởng và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong giai đoạn đầu tuyển quân về đơn vị, nhiều năm qua Đoàn M6 không còn hiện tượng vi phạm kỷ luật, bỏ ngũ ở CSM; chất lượng chính trị CSM và kết quả huấn luyện luôn đạt cao. Qua thực tiễn giáo dục chính trị tư tưởng, huấn luyện CSM ở Đoàn M6 trong những năm vừa qua, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm đó là:
Thứ nhất, đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chính trị các cấp phải chủ động nắm bắt và xử lý các vấn đề tâm lý, tư tưởng CSM.
Trước khi thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và huấn luyện CSM, cùng với công tác chuẩn bị bảo đảm mọi mặt, Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn M6 chú trọng quán triệt, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp về vai trò, tầm quan trọng của công tác nắm bắt tâm lý, tư tưởng CSM. Hằng năm, trước khi ra quân huấn luyện, Đảng ủy Đoàn M6 đều ra các nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trong năm, xác định phương hướng, nhiệm vụ huấn luyện. Nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy Đoàn xác định rõ: để nâng cao chất lượng huấn luyện CSM, gắn huấn luyện với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, công tác đảng, công tác chính trị ở các đơn vị phải được coi là trọng tâm; cấp ủy, chỉ huy các cấp cần phải làm tốt công tác nắm bắt và giải quyết các vấn đề tâm lý, tư tưởng trong đơn vị (đặc biệt là tâm lý, tư tưởng CSM). Trong kế hoạch tập huấn cán bộ, kế hoạch huấn luyện hằng tháng, nội dung nắm bắt, quản lý và giải quyết các vấn đề tâm lý, tư tưởng là một trong những nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị và cán bộ các cấp từ tiểu đội, trung đội, đại đội đến tiểu đoàn là những người trực tiếp tổ chức thực hiện; nội dung, phương pháp nắm bắt tư tưởng, tâm lý CSM được thống nhất qua tập huấn; các biện pháp quản lý, bám nắm bộ đội được tiến hành trong mọi hoạt động, kể cả giờ nghỉ, ngày nghỉ. Cơ quan chính trị cùng với cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm quản lý, nhận biết các biểu hiện tâm lý, tư tưởng nảy sinh trong CSM; chỉ đạo thực hiện các hình thức động viên (trực tiếp, gián tiếp) để CSM vượt qua những khó khăn ban đầu của cuộc sống quân ngũ, phấn khởi, yên tâm công tác và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, tình hình tâm lý, tư tưởng của CSM ở các đơn vị cũng được thường xuyên phản ánh trong nội dung giao ban hàng ngày và được thống kê đánh giá theo phân cấp đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chủ động xử lý các vấn đề phát sinh.
Công tác nắm bắt tâm lý, tư tưởng CSM được tiến hành trực tiếp thông qua hệ thống chỉ huy, quản lý các cấp, đặc biệt cấp trung đội và đại đội (là những người chỉ huy trực tiếp, các diễn biến tâm lý, tư tưởng trong sinh hoạt, công tác của CSM nhanh chóng được nhận biết, trực tiếp gặp gỡ, động viên, giúp đỡ). Bên cạnh đó, việc nắm bắt tâm lý, tư tưởng và giải quyết các vấn đề phát sinh còn được tiến hành thông qua "Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý cho quân nhân” (đi vào hoạt động từ năm 2012) do đồng chí Phó Chủ nhiệm chính trị phụ trách, các trợ lý của cơ quan chính trị như trợ lý thanh niên, tuyên huấn, dân vận, chính sách và cán bộ chính trị ở các đơn vị (cả cấp tiểu đoàn và đại đội) là tổ viên. "Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân" có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, tham mưu, giải đáp v.v. giúp cho cán bộ, chiến sĩ biết cách khắc phục, giải quyết khi họ gặp phải các vấn đề tâm lý, tư tưởng: như các vấn đề nảy sinh trong tình bạn, tình yêu, gia đình, cuộc sống; sự thích ứng trong môi trường quân ngũ và những khó khăn trong huấn luyện, rèn luyện, tu dưỡng; những vấn đề trong chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, luật pháp của Nhà nước. Sau 2 năm đi vào hoạt động, thông qua nhiều hình thức tiếp cận và phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh, "Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân" đã phát huy tốt vai trò của mình, giúp bộ đội giải tỏa được những băn khoăn, khúc mắc, ổn định tâm lý, tư tưởng, yên tâm công tác.
Bên cạnh đó, Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn M6 cũng rất chú trọng đến công tác thống kê, đánh giá chất lượng chính trị ban đầu ở CSM và coi đây cũng là một kênh quan trọng để nắm bắt, nhận biết diễn biến tâm lý, tư tưởng của CSM, đồng thời cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả huấn luyện, chỉ huy, quản lý của cấp ủy, chỉ huy cấp trên đối với cán bộ cấp dưới.
Thứ hai, nắm bắt, giải quyết các vấn đề tâm lý, tư tưởng CSM thông qua các hoạt động tập thể trong đơn vị.
Hoạt động quân sự rất phong phú và đa dạng với những đặc trưng rất quan trọng đó là tính tổ chức, kỷ luật, tính tập thể và tinh thần đoàn kết cao, được chế định và điều chỉnh bởi điều lệnh, điều lệ quân đội và những nội quy của đơn vị. Hoạt động quân sự cường độ cao tạo nên "sức ép", sự "căng thẳng" cả về thể lực và trí lực ở CSM và đó chính là quá trình rèn luyện bản lĩnh, ý chí và những phẩm chất cần có của người quân nhân cách mạng. Nhận thức rõ vấn đề này, nên ngay từ những ngày đầu tiên tiếp nhận CSM, Đảng ủy Đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị bên cạnh việc tổ chức các đã quán triệt và tổ chức tốt các hoạt động phong phú, đa dạng trong đơn vị như: như hoạt động học tập, huấn luyện, rèn luyện; hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; hoạt động dân vận, giao lưu, kết nghĩa… đồng thời yêu cầu cán bộ các cấp phải tập trung bám, nắm tình hình tâm lý, tư tưởng của bộ đội; theo dõi, động viên, khích lệ giúp CSM mạnh dạn phát huy tính tích cực, chủ động của mình trong các hoạt động tập thể. Bên cạnh đó, khi nhận thấy quân nhân có những biểu hiện khác thường: thiếu nhiệt tình trong hoạt động tập thể; tính tự giác không cao; thiếu cởi mở và tách biệt với mọi người, phải kịp thời tìm hiểu nguyên nhân, động viên, chia sẻ, giúp đỡ CSM giải tỏa được những tâm tư, khúc mắc đang gặp phải để nhanh chóng thích ứng với môi trường quân ngũ.
Những năm qua, theo kế hoạch của Quân khu, Đoàn M6 liên tục thực hiện các đợt huấn luyện CSM. Việc nắm bắt, đánh giá nhận thức, tình cảm, thái độ của mỗi quân nhân cũng như trạng thái tinh thần của cả tập thể được tiến hành ngay từ khi bộ đội mới về đơn vị thông qua các hoạt động tập thể như: các phong trào thi đua huấn luyện, rèn luyện, các cuộc thi tìm hiểu truyền thống đơn vị và quân đội, các phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã tạo ra tâm lý sôi động, phấn khởi trong mỗi cá nhân và tập thể đơn vị, tạo động lực tinh thần để CSM nhanh chóng bước vào cuộc sống quân ngũ và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Các hoạt động tập thể trở thành động lực kích thích tính tích cực ở mỗi CSM, đồng thời lấn át, triệt tiêu những biểu hiện tâm lý, tư tưởng tiêu cực ở mỗi quân nhân, góp phần xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất cả về nhận thức, tư tưởng và hành động trong thực hiện mọi nhiệm vụ. Tình trạng bỏ ngũ, bỏ doanh trại đi chơi của CSM được khắc phục triệt để.
Thứ ba, nắm bắt tâm lý, tư tưởng CSM thông qua đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, rèn luyện và thông qua các mối quan hệ quân nhân.
Những ngày đầu trong môi trường quân ngũ, kết quả đạt được của CSM trong thực hiện các nhiệm vụ hằng ngày là chỉ số quan trọng đánh giá sự thích ứng trong môi trường quân sự, đồng thời phản ánh rõ nét tâm lý, tư tưởng của họ. Do vậy, trao đổi, hội ý giữa cán bộ chỉ huy về tâm lý, tư tưởng và thông báo kết quả học tập, rèn luyện, chấp hành điều lệnh, nội quy và các chế độ trong ngày đến chiến sĩ là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Việc kịp thời biểu dương những chiến sĩ có kết quả thực hiện nhiệm vụ tốt, chấp hành nghiêm điều lệnh sẽ mang nhiều ý nghĩa, một mặt động viên, khích lệ và mặt khác, những chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ chưa cao, chưa tự giác trong rèn luyện sẽ tự xem xét lại động lực của mình. Thực tiễn cho thấy, nguyên nhân tác động đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của CSM rất phong phú, trong đó rất nhiều trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ là do yếu tố tâm lý, tư tưởng như: nhớ nhà, nhớ người thân; hoàn cảnh gia đình khó khăn; chuyện tình cảm nam, nữ; những xích mích mâu thuẫn trong quan hệ đồng chí, đồng đội; khó khăn trong hòa đồng với tập thể; những băn khoăn khúc mắc về tương lai, nghề nghiệp sau khi thực hiện nghĩa vụ dẫn đến chán nản, tự ti, dao động, mất ý chí phấn đấu khiến CSM không hoàn thành nhiệm vụ. Chính việc tìm hiểu, xác định được những nguyên nhân này đã giúp cho người cán bộ có tác động phù hợp giúp CSM giải tỏa được những trăn trở, băn khoăn, khúc mắc trong tâm lý, tư tưởng để toàn tâm, toàn ý thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình.
Trong nắm bắt tâm lý, tư tưởng CSM, việc nắm và hiểu những diễn biến tâm lý, tinh thần qua các mối quan hệ hiện thực của họ trong cuộc sống như: với người thân, gia đình; với bạn bè; với đồng chí, đồng đội; quan hệ với cấp trên là rất khó. Để CSM chia sẻ niềm vui, nỗi buồn hay tâm sự về những băn khoăn, khúc mắc trong các mối quan hệ cá nhân, mỗi cán bộ chỉ huy, người chính trị viên phải là người thực sự gần gũi, tin tưởng. Tuy nhiên, việc có được các thông tin ban đầu các mối quan hệ của CSM là hết sức quan trọng. Đối với Đoàn M6, trước mỗi đợt nhận quân, trong các nội dung tập huấn cho cán bộ khung huấn luyện CSM có them nội dung về nhìn nhận, phân tích, đánh giá các mối quan hệ của quân nhân, tìm hiểu ở những người mà họ có quan hệ gần gũi, những người mà họ hay tâm sự, chia sẻ để qua đó có sự phán đoán, thấu hiểu và nắm bắt tâm tư, tình cảm của CSM. Do vậy, khi bước vào huấn luyện, những diễn biến không bình thường trong tâm lý, tư tưởng CSM đã được cán bộ phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo cho bộ đội luôn ổn định tư tưởng, phấn khởi, yên tâm học tập và công tác.
Kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị nói chung và kết quả huấn luyện CSM nói riêng là do tác động tổng hợp trên nhiều mặt công tác, trong đó những kinh nghiệm công tác đảng - công tác chính trị trong nắm bắt và giải quyết các vấn đề tâm lý, tư tưởng là nhân tố có vai trò rất quan trọng, giúp cho CSM nhanh chóng thích ứng với môi trường quân ngũ; ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với nhân dân và Tổ quốc; tạo nên sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động, đoàn kết, gắn bó, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Do làm tốt công tác nắm bắt tình hình tâm lý, tư tưởng, trong nhiều năm qua, Đoàn M6 đã cơ bản chấm dứt hiện tượng CSM vi phạm kỷ luật; kết quả 100% các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện CSM trên các nội dung, khoa mục với tỷ lệ trên 85% khá, giỏi (trong đó trên 50% đạt giỏi), được Quân khu công nhận đơn vị huấn luyện giỏi. Chất lượng chính trị CSM trước, trong và sau huấn luyện ngày càng cao. Kết quả đó góp phần quan trọng tạo nên chuỗi thành tích liên tục trong nhiều năm qua của Đảng bộ Đoàn M6 với danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, Đơn vị vững mạnh toàn diện.
Thượng tá Đào Anh Tuấn (Chủ nhiệm Chính trị Đoàn M6 - Quân khu 4)
Đại úy, Thạc sĩ Phạm Đình Duyên (Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1 - Đoàn M6 - Quân khu 4)