Sóc Trăng kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer
Festival đua ghe Ngo đồng bào Khmer.
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất cả nước. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, hiện toàn tỉnh có khoảng 400.733 người dân tộc Khmer, chiếm 31,7 % dân số. Trong đó có 47/109 xã, phường, thị trấn có đông đồng bào dân tộc Khmer. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể nhân dân các cấp tỉnh Sóc Trăng đã nhiều nỗ lực củng cố và kiện toàn HTCT tỉnh; đặc biệt chú trọng đến HTCT cơ sở vùng có đông đồng bào Khmer, đã và đang góp phần phát huy quyền làm chủ thật sự của đồng bào dân tộc ở địa phương.

Với mục tiêu tiếp tục củng cố, kiện toàn HTCT cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 35-KH/TU, ngày 13-8-2013 thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện HTCT từ Trung ương đến cơ sở; tỉnh Sóc Trăng cũng đã triển khai, quán triệt Kết luận 37-KL/TU ngày 12-8-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án “Củng cố, nâng cao chất lượng HTCT ở cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo đến năm 2020”.

Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu được Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng tập trung là phát triển đội ngũ đảng viên là người dân tộc Khmer và hạn chế tình trạng phum, sóc không không có đảng viên. Đảng bộ và chính quyền tỉnh Sóc Trăng cũng đã thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển cán bộ, đảng viên là người dân tộc Khmer có đủ trình độ, năng lực và phẩm chất về cơ sở công tác. Hiện nay, số đảng viên là người dân tộc Khmer có khoảng 4.487 đồng chí, chiếm khoảng 13% số đảng viên trong toàn tỉnh. Trong đó, số lượng đảng viên tham gia cấp ủy cấp xã khoảng 200 đồng chí. Trong giai đoạn 2010-2015, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành quy hoạch 350 cán bộ, đảng viên người dân tộc Khmer, bố trí vào các cương vị lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, phấn đấu đến năm 2015 có 25% cán bộ đảng viên lãnh đạo, quản lý là người dân tộc Khmer, trong đó đặc biệt chú trọng vào cấp cơ sở.

Thời gian qua, hoạt động của UBND các xã, phường, thị trấn vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét. Năng lực quản lý hành chính nhà nước, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cùng với công tác giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn ngày càng được nâng lên rõ rệt. Đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở là người dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng về số lượng và chất lượng (số lượng cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc Khmer hiện nay khoảng 235 người, chiếm tỷ lệ khoảng 10% cán bộ, công chức cấp xã trong toàn tỉnh; tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn năm 2009 là 59%, hiện nay tỷ lệ này đã đạt 91%). Hoạt động của HĐND cấp xã cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng có hiệu lực, hiệu quả hơn; đại biểu HĐND ngày càng đảm bảo về số lượng và chất lượng và cơ cấu.

Bên cạnh đó, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn. Phương thức tổ chức và hoạt động ngày càng phù hợp hơn, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn cùng tích cực tham gia xây dựng và chỉnh đốn Ðảng, chính quyền địa phương, tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở... Chính những chuyển biến tích cực của HTCT cơ sở đã góp phần rất lớn vào việc nâng cao đời sống kinh tế của bà con vùng có đông đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Một số hộ gia đình đã dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng những mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 36% năm 2010 xuống còn 16,99% năm 2014 (tỉ lệ hộ cận nghèo là 13,94%), với gần 7.700 hộ thoát nghèo.  Đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục được cải thiện, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc Khmer không ngừng được nâng lên; giá trị bản sắc văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào được giữ gìn và ngày càng phát huy.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, HTCT ở cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng vẫn còn một số hạn chế như: Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng chưa đủ mạnh; hoạt động của chính quyền cấp xã trên một số lĩnh vực đạt hiệu quả chưa cao; chức năng giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân một vài nơi còn lu mờ....

Để tiếp tục củng cố và kiện toàn HTCT cấp cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, các cấp ủy  tỉnh Sóc Trăng xác định tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục phát huy những điểm mạnh trong hoạt động của HTCT cơ sở; nâng cao sức chiến đấu, lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng. Luôn giữ vững và tăng cường vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở của tổ chức cơ sở đảng; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là ở những địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer.  Quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chú trọng những cách làm mới nhưng phải phù hợp với từng địa bàn, từng cơ sở. Lựa chọn một số đơn vị làm điểm từ đó nhân rộng sang các địa phương khác. Trong đó, nhất thiết phải đề cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chi bộ...

Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đặc biệt là cán bộ, đảng viên là người dân tộc Khmer có năng lực đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công tác. Quan tâm phát triển đội ngũ đảng viên là các chức sắc tôn giáo, nhà tu hành thật sự có năng lực và phẩm chất là nhân tố vận động, tuyên truyền bà con Khmer chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã; tổ chức triển khai, thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng có đông đồng bào dân tộc. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có năng lực thật sự, coi trọng  cả kỹ năng, hành vi ứng xử đối với nhân dân. Cấp ủy, chính quyền cấp xã thường xuyên liên hệ mật thiết với đồng bào Khmer để lắng nghe, kịp thời giải quyết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Ba là, phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; giữ vững và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn liền với công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, ngăn chặn hoạt động truyền đạo trái phép cũng như lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để gây rối trật tự công cộng; Các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện những chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, đặc biệt là ở các xã có triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới; tiếp tục tuyên truyền, vận động và giúp đỡ bà con thực hiện các kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hướng dẫn bà con phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp như: đan tre, trúc, lục bình,... vừa giải quyết nguồn lao động tại chỗ, vừa tạo thu nhập cho một bộ phận bà con người Khmer.

Bốn là, tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân ở xã, phường, thị trấn, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, góp phần xây dựng đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể cấp cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh. Xây dựng sức mạnh đoàn kết toàn dân, tạo đồng thuận trong cộng đồng dân cư, đồng bào dân tộc, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, ổn định an ninh, chính trị ở địa phương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất