Tết đến, Xuân về chúng ta thường kể cho nhau những chuyện vui. Nhưng làm nghề tổ chức lại có vui, có buồn, lắm khi buồn nhiều hơn vui, thậm chí buồn ngay cả lúc đang vui. Vì thế nếu có nhắc tới đôi chuyện buồn cũng là để trân quý hơn những niềm vui nghề nghiệp.
Cái vui nhất của người làm nghề tổ chức là khi những ý kiến tham mưu của bản thân và của cơ quan mình về tổ chức xây dựng Đảng thuyết phục được đa số thành viên trong tập thể cấp ủy, BTV cấp ủy. Càng vui hơn khi nội dung tham mưu ấy có phần khác với cách nghĩ, cách làm quen thuộc mà vẫn thuyết phục được tập thể có thẩm quyền.
Vừa qua, tại Hội thảo Thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư do Ban Tổ chức Trung ương và Tỉnh ủy Phú Thọ đồng tổ chức, một chuyên gia đã phân tích rất đúng rằng điều đáng mừng cần được ghi nhận trong công tác nhân sự bộ trưởng thời gian gần đây là ý kiến tham mưu bố trí một tư lệnh ngành không được đào tạo chuyên ngành tương ứng - do Ban Tổ chức Trung ương đề xuất đã được chấp nhận, mở ra cách nghĩ, cách làm mới về bố trí người đứng đầu - chính khách.
Năm 2008, người viết bài này cũng từng có niềm vui tương tự khi thuyết phục được BTV Thành ủy Đà Nẵng nhất trí thông qua một đề án tạo nguồn cán bộ cấp cơ sở nhưng không phải là cán bộ tham mưu bình thường mà là nhân vật số một hoặc số hai của cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở - tạo nguồn cho hai chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND trên địa bàn xã, phường. Niềm vui này được nhân đôi khi Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chấp thuận cách phân công học viên của đề án khi hoàn thành chương trình đào tạo: Từng học viên được quyền tự mình chọn xã, phường đến công tác theo thứ hạng kết quả học tập - mỗi người nghe xướng danh theo thứ hạng kết quả học tập sẽ lên gắn tên mình đúng địa chỉ mình chọn lựa trên bảng phân công để nhận quyết định công tác tại chỗ.
Ban đầu cũng có đồng chí trong BTV Thành ủy lo ngại nếu phân công theo cách này thì sẽ có khả năng dẫn đến tình trạng những địa bàn khó khăn không có người giỏi về thực thi công vụ. Nhưng thực tế phân công, rất nhiều học viên đạt kết quả học tập cao, thậm chí nằm trong top 30 vẫn chọn nhiệm sở cho mình là huyện Hòa Vang - địa bàn nông thôn miền núi duy nhất của TP. Đà Nẵng, chứ không chọn những quận nội thành nhiều thuận lợi…
Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, người viết bài này còn công tác ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Một hôm, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh đến quán triệt với cán bộ, công chức của Sở rằng, để thực hiện chủ trương tinh giản biên chế đang được triển khai mạnh mẽ trong toàn quốc, tới đây Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ còn X chỉ tiêu biên chế. Vốn trẻ người, non dạ lại “điếc không sợ súng”, người viết bài này giơ tay xin chất vấn diễn giả rằng vì sao không phải là X + 1 hay X - 1 mà cứ phải là X? Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh liền trả lời bằng một câu hỏi: “Đồng chí dạy môn gì?” Khi biết người viết bài này dạy môn Văn, đồng chí cười rồi nói luôn: “Hèn gì đồng chí không biết làm toán, không biết hiện nay Sở đang có ngần này người, mà muốn tinh giản biên chế ngần ấy phần trăm thì chỉ tiêu biên chế chỉ có thể là X không hơn không kém”.
Người viết bài này lập tức Quảng-Nam-hay-cãi rằng, tinh giản biên chế bằng cách làm toán theo kiểu cơ học như vậy là không chính xác. Bởi nếu chỉ lấy con số biên chế hiện nay làm cơ sở để tính phần trăm thì sẽ thiệt cho những cơ quan, đơn vị lâu nay rất “kén” người khi tuyển dụng cán bộ vào biên chế. Đúng ra là phải xuất phát từ việc định biên dựa trên chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Nếu con số biên chế hiện nay cao hơn thì mới cắt giảm, như vậy có cơ quan, đơn vị sẽ không phải giảm một phần trăm nào hết…
Kết quả là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã không phải cắt giảm một biên chế nào. Sau này, khi được giao giữ chức Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, tôi được Thường trực Thành ủy và đồng chí Trưởng Ban giao nhiệm vụ bảo vệ số chỉ tiêu biên chế của khối đảng và đoàn thể được giao sau khi chia tách tỉnh hồi đầu năm 1997 với Ban Tổ chức Trung ương. Và niềm vui của Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng và của bản thân người viết bài này là không những bảo vệ được số chỉ tiêu biên chế được giao sau chia tách tỉnh mà còn được giao thêm hàng trăm chỉ tiêu biên chế nữa. Sở dĩ người viết bài vui hơn Tết như vậy là nhờ đã biết vận dụng bài học từ vụ tranh cãi về chuyện cắt giảm X hay X + 1 hoặc X - 1 chỉ tiêu biên chế ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng năm xưa.
Rõ ràng để có thể tinh giản biên chế đúng như mong đợi, cần phải xuất phát từ việc xác định chức năng, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống. Sau đó tính toán cụ thể, để làm tròn ngần ấy chức năng, nhiệm vụ thì với trình độ nhân lực bình thường đáp ứng yêu cầu công vụ tối thiểu, cần phải bố trí bao nhiêu vị trí việc làm tương thích với phân bổ bao nhiêu chỉ tiêu biên chế - nếu bố trí trình độ nhân lực cao hơn thì sẽ giảm được bao nhiêu chỉ tiêu biên chế để từ đó có động thái tinh giản biên chế.
Đối với người làm nghề tổ chức, việc tham mưu đưa cán bộ vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý thực chất là tiến cử cho Đảng những người ưu tú nhất theo hướng vì việc xếp người chứ không phải vì người xếp việc, bảo đảm không để xảy ra tình cảnh người làm được thì không được làm, còn người được làm thì lại không làm được. Mỗi lần tiến cử đạt yêu cầu “ba đúng” (đúng việc, đúng người, đúng lúc) người làm nghề tổ chức và cơ quan tổ chức cấp ủy lại có thêm một niềm vui nghề nghiệp. Tuy nhiên, chưa phổ biến nhưng không còn cá biệt những trường hợp “ngày vui ngắn chẳng tày gang” khiến người làm nghề tổ chức chưa kịp vui đã phải buồn, thậm chí buồn ngay cả lúc đang vui!
Đó là, khi người vừa tiến cử lại làm những điều đảng viên không được làm, hơn thế nữa lại vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật, thậm chí vướng vào vòng lao lý. Phát biểu thảo luận tại Hội thảo nêu trên, người viết bài này cho rằng nếu tiến cử sai người, đánh giá cán bộ thiên vị, không công tâm, dẫn đến “giao trứng cho ác”, để lọt những người thiếu năng lực công vụ hoặc thiếu đạo đức công vụ hay thiếu cả hai vào vị trí quyền lực, thì người làm nghề tổ chức và cơ quan tổ chức cấp ủy phải liên đới chịu trách nhiệm trước cấp ủy cùng cấp. Có điều, đó sẽ là “tai nạn nghề nghiệp” của người làm nghề tổ chức và cơ quan tổ chức cấp ủy trong trường hợp khi chưa được bổ nhiệm, đề bạt, đương sự là người xứng đáng, được đánh giá cao về phẩm chất và năng lực để tiến cử. Nhưng khi đã nắm quyền lực trong tay thì đương sự đó nhanh chóng bị tha hóa bởi quyền lực. Nếu đòi hỏi người làm nghề tổ chức và cơ quan tổ chức cấp ủy phải liên đới chịu trách nhiệm về trường hợp này trước cấp ủy cùng cấp thì quả tình quá nghiệt ngã. Bởi ở đây chịu hoàn toàn trách nhiệm chính là bản thân đương sự và cơ quan, cấp ủy đang trực tiếp quản lý đương sự. Nhưng dẫu là trường hợp nào thì những người làm nghề tổ chức có lương tâm nghề nghiệp đều cảm thấy đau lòng.
Đầu năm nhắc chuyện buồn, vui trong nghề, mong sao Ngành Tổ chức xây dựng Đảng ngày càng có thêm nhiều niềm vui và bớt đi những nỗi buồn không nên có. Điều này phụ thuộc trước hết vào đương sự luôn tự rèn luyện, tu dưỡng và người làm nghề tổ chức có cái tâm trong sáng, “đôi mắt xanh” tiến cử đạt yêu cầu “ba đúng”.