Điện Bàn (Quảng Nam) tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, thị trấn

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn và Chương trình hành động số 11-CTr/HU, ngày 25-10-2002 của Ban Thường vụ Huyện ủy Điện Bàn về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, hệ thống chính trị cơ sở xã, thị trấn đã được củng cố, kiện toàn và có nhiều chuyển biến tích cực.

Cấp ủy đảng các xã, thị trấn đã thể hiện tốt vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo toàn diện ở cơ sở, thường xuyên nắm bắt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó cụ thể hóa, tổ chức thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; nội dung, phương thức lãnh đạo có nhiều đổi mới, phù hợp với điều kiện và tình hình ở địa phương. Đến nay, toàn huyện có 19 đảng bộ xã, 1 đảng bộ thị trấn với 4.509 đảng viên, sinh hoạt tại 175 chi bộ thôn, 7 chi bộ khối phố, 115 chi bộ trường học, y tế, lực lượng vũ trang, hợp tác xã. Việc đánh giá, phân loại chất lượng TCCSĐ và đảng viên hằng năm thực hiện đúng quy định, sát thực tế. Năm 2002, số đảng bộ xã, thị trấn đạt trong sạch, vững mạnh là 11/16 đơn vị (đạt 68%); năm 2011 có 14/20 đảng bộ xã, thị trấn đạt trong sạch, vững mạnh (đạt 70%), số TCCS đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ là 6, không có đơn vị yếu kém. Từ năm 2002 đến nay đã kết nạp được 1.251 đảng viên; đã chú trọng kết nạp ở những nơi có ít đảng viên; tỷ lệ đảng viên trẻ, nữ tăng đều, năm sau cao hơn năm trước.

Công tác cán bộ của hệ thống chính trị ở cơ sở được các cấp uỷ quan tâm; các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng được tiến hành theo quy chế và đi vào nền nếp. Năm 2002, cán bộ xã, thị trấn có trình độ cao đẳng, đại học là 6,8%, trung cấp 28,2%; số chưa được đào tạo và sơ cấp là 65%. Năm 2011, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã là 147, trong đó: về học vấn tốt nghiệp THPT 118, đạt tỷ lệ 80,2%; trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên là 140, đạt tỷ lệ 95,2% (trong đó, cao cấp lý luận chính trị chiếm 30,6%); trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên có 125, đạt tỷ lệ 85,03% (trong đó, đại học chiếm 41,5%).

Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức, không chuyên trách xã, thị trấn là 1.334 người (giảm 334 người so với nhiệm kỳ trước), trong đó: 212 cán bộ, 196 công chức và 926 người hoạt động không chuyên trách. Chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng cao rõ rệt so với thời điểm năm 2002. Cụ thể: trình độ chuyên môn đại học là 142 người (tăng 129%), cao đẳng là 44 (tăng 1.366%), trung cấp 306  (tăng 117,02%), sơ cấp 155 (giảm 38,73%); lý luận chính trị cao cấp 52 (tăng 1.633%), trung cấp: 435 (tăng 139%), sơ cấp 318 (tăng 30,86%); về quản lý nhà nước là 510 (tăng 55,96%).
Quy hoạch các chức danh lãnh đạo xã, thị trấn được chú trọng, đạt kết quả tích cực, đảm bảo chất lượng, cơ cấu và tiêu chuẩn; tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ quy hoạch vào cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và các chức danh chủ chốt được nâng lên. Quy hoạch ban chấp hành đảng bộ xã, thị trấn, nhiệm kỳ 2006-2010: tổng số 458, đạt hệ số 1,77 lần. Trong đó, về học vấn: tốt nghiệp THPT có 407; lý luận chính trị trung cấp trở lên có 372; về chuyên môn: trung cấp trở lên có 331. Về độ tuổi: dưới 40 có 188 ; từ 40 đến 50 có 203; trên 50 có 67 đồng chí.

Hoạt động của HĐND có nhiều đổi mới, dân chủ trong bầu cử, đề cử, ứng cử được phát huy để lựa chọn ra các đại biểu HĐND thực sự là người đại diện cho nhân dân. Chất lượng của đại biểu HĐND được nâng lên rõ rệt so với nhiệm kỳ trước. Tổng số đại biểu HĐND các xã, thị trấn nhiệm kỳ 2011-2016 là 547 (tăng 19,4%), trong đó: nữ 78 (tăng 21,8%); đại học và sau đại học là 115 (tăng 130%), trung cấp là 157 (tăng 74,4%); cao cấp, cử nhân chính trị là 23 (tăng 27.7%), trung cấp 208 (tăng 27.6%).

Trong các cơ quan hành chính xã, thị trấn, chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND và ủy viên UBND được bầu đúng theo Luật bầu cử HĐND - UBND và đề án nhân sự, quy hoạch, tạo thuận lợi cho việc quản lý, điều hành của UBND, đề cao được trách nhiệm, làm rõ thẩm quyền của tập thể UBND, của chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên. Kiện toàn bộ máy giúp việc gồm Văn phòng HĐND - UBND và các khối kinh tế - tài chính, khối văn hoá - xã hội, khối nội chính.

Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và một cửa liên thông có chuyển biến rõ rệt (20/20 xã, thị trấn đã thành lập bộ phận nhận hồ sơ và trả kết quả, theo cơ chế một cửa).

Hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể xã, thị trấn từng bước được đổi mới, giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, bám địa bàn khu dân cư để xây dựng phong trào, đẩy mạnh kết nạp hội viên, đoàn viên; củng cố, kiện toàn tổ chức vững mạnh.

Quy chế dân chủ ở xã, thị trấn được thực hiện có hiệu quả. Nhân dân thực hiện khá tốt vai trò giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở từng bước vững mạnh. Các chương trình công tác dân vận của Huyện ủy và chương trình phối hợp giữa mặt trận và các đoàn thể được triển khai thực hiện khá tốt, qua đó, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đảng, chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được chú trọng, từ năm 2002 đến nay, đã mở 15 lớp đại học các ngành luật, kinh tế, kế toán tài chính, nông nghiệp; 5 lớp trung cấp các ngành công an, luật, hành chính nhà nước; 2 lớp cao cấp chính trị và 2 lớp trung cấp chính trị; 4 lớp quản lý, kỹ năng hành chính cho cán bộ chuyên trách là chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND và công chức chuyên môn xã, thị trấn. Qua đào tạo, bồi dưỡng trình độ cán bộ xã, thị trấn đạt 3 chuẩn tăng cao, năm 2002 có 41 cán bộ và đến nay là 284 cán bộ. Đã tiến hành luân chuyển từ huyện xuống xã, thị trấn: 5 cán bộ; luân chuyển từ xã, thị trấn về huyện 15 đồng chí, gồm: 12 đồng chí bí thư đảng ủy, 3 đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, thị trấn. Hầu hết cán bộ qua luân chuyển đều có bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có quan điểm và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hơn, sát thực tế hơn. Thực hiện Đề án 500 của UBND tỉnh Quảng Nam về tuyển dụng, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn, giai đoạn 2011-2016, huyện đã chọn, cử 8 sinh viên đưa đi đào tạo và chuẩn bị bố trí công tác sau khi hoàn thành khóa học, chuẩn bị kế hoạch tuyển dụng, đào tạo cán bộ theo Đề án trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, bất cập như:
Hệ thống chính trị của xã, thị trấn tuy có sự chuyển biến nhưng chưa thật đồng đều, vững chắc; việc vận dụng, cụ thể hóa đường lối, nghị quyết của Đảng vào tình hình của địa phương có mặt còn hạn chế nên ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt đảng đôi lúc chưa nghiêm. Việc đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên có nơi chưa sát thực tế; kết quả xây dựng TCCSĐ chưa thật sự vững chắc. Vẫn còn một số cán bộ chưa đạt chuẩn theo quy định. Công tác quy hoạch cán bộ xã, thị trấn luôn biến động, một số đối tượng quy hoạch là người hoạt động không chuyên trách có trình độ chính trị, chuyên môn chưa đạt chuẩn nên ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch. Hoạt động của mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tuy có nhiều chuyển biến, song khả năng tập hợp, thu hút quần chúng vào các tổ chức, đoàn thể gặp khó khăn; phong trào có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX)  trong thời gian tới Điện Bàn tập trung thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở. Tiếp tục rà soát, bổ sung chương trình hành động, giải pháp thực hiện tốt theo yêu cầu của Nghị quyết.

Hai là, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; tăng cường công tác quản lý và phân công nhiệm vụ cho đảng viên, xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh và đổi mới công tác phân tích chất lượng TCCSĐ và đảng viên; hoàn thiện cách đánh giá và xây dựng thang điểm, xây dựng quy trình đánh giá, xét duyệt chính xác và khoa học.

Ba là, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của TCCS đảng, thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, việc ra nghị quyết, xây dựng quy chế làm việc, quy định mối quan hệ công tác, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, nhằm tạo sự đồng bộ của hệ thống chính trị trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Bốn là, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở, hiệu lực hoạt động của HĐND để HĐND cấp xã thật sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, điều hành của UBND các xã, thị trấn, đề cao trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan hành chính cấp xã.

Năm là, tập trung xây dựng, củng cố tổ chức mặt trận, các đoàn thể, các ban công tác mặt trận thôn, khối phố; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động sát hợp với nhu cầu và lợi ích của hội viên, đoàn viên phù hợp với đặc điểm ở cơ sở; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.

Sáu là, đẩy mạnh việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện tốt cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; 90% trở lên có trình độ đại học chuyên môn; 100% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học chuyên môn theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30-6-2011 của Tỉnh ủy Quảng Nam và Chương trình hành động số 10-CTr/HU ngày 19-9-2011 của Huyện ủy về công tác cán bộ giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020. Từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển; xây dựng môi trường làm việc thuận lợi, thu hút sinh viên về công tác tại địa phương.

Bảy là. Thực hiện tốt các quy định của Trung ương, của tỉnh về chính sách cán bộ, các chủ trương của huyện về chế độ hỗ trợ đối với sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi về công tác tại xã, thị trấn, người hoạt động không chuyên trách và 6 chức danh cán bộ thôn theo Chương trình hành động số 10-CTr/HU, ngày 19-9-2011 của Huyện ủy.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất