Thực tiễn đã chứng minh, thắng lợi của cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bước ngoặt vĩ đại đánh dấu quá trình trưởng thành vượt bậc của một Đảng vừa tròn 15 tuổi đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà “của dân, do dân và vì dân”. Vì thế, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh luôn là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Ngay từ khi ra đời, Đảng ta với tên gọi lúc bấy giờ là Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân chống đế quốc, phong kiến mà đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Tuy cuộc tổng diễn tập đầu tiên bị đế quốc, phong kiến đàn áp đẫm máu, song cao trào cách mạng 1930-1931đã khẳng định được quyền lãnh đạo và năng lực cách mạng của giai cấp công nhân. Vì vậy, dưới sự “săn lùng” gắt gao, tàn bạo của kẻ thù, Đảng ta vẫn duy trì, giữ vai trò lãnh đạo, từng bước khôi phục, tổ chức lại các cơ sở đảng và phát triển phong trào cách mạng trong nước.
Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng (từ ngày 27 đến 31-3-1935 tại Ma Cao - Trung Quốc) đã đánh dấu thắng lợi căn bản cuộc đấu tranh giữ gìn và khôi phục hệ thống tổ chức đảng từ cơ sở đến Trung ương: Phong trào cách mạng được khôi phục, đội ngũ đảng viên được tôi luyện, trưởng thành; xây dựng khối liên minh công nông vững chắc, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây là cơ sở vững chắc, tạo đà cho các cao trào cách mạng tiếp theo.
Khi trục phát xít Đức - Ý - Nhật hình thành và nguy cơ chiến tranh thế giới sắp xảy ra, chính quyền thực dân đẩy mạnh thực thi các chính sách phản động, khủng bố, bắt bớ những người cộng sản, Đảng ta nhanh chóng chuyển mục tiêu cách mạng dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp chống chủ nghĩa phát xít, đánh đổ đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Diễn biến phức tạp đó đã tác động vào nội bộ Đảng ta, một Đảng vừa phục hồi, còn thiếu kinh nghiệm trong lãnh đạo, có nhiều luồng tư tưởng lệch lạc trong nhận thức và hành động, đôi khi xuất hiện chủ nghĩa bè phái, bất đồng ý kiến trong nội bộ làm ảnh hưởng đến phong trào cách mạng. Mặt khác, kẻ thù ra sức lợi dụng để khoét sâu mâu thuẫn, nhằm chia rẽ đoàn kết trong Đảng, làm yếu phong trào đấu tranh của quần chúng.
Trước yêu cầu bức thiết, trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích” với mục đích phê bình và tự phê bình, uốn nắn những lệch lạc trong phong trào dân chủ, tăng cường sự thống nhất giữa ý chí và hành động trong Đảng: “Phê bình Đảng là để thống nhất tư tưởng, để rèn luyện mình, để đề cao uy tín và ảnh hưởng của Đảng, nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh và cách mạng ngày càng phát triển. Muốn vậy, phê bình phải nắm vững mục đích xây dựng Đảng, xây dựng đồng chí mình, không được đả kích hoặc cường điệu những sai lầm khuyết điểm của đồng chí mình”(1). Tác phẩm không những chỉ dẫn cho chúng ta về tính đảng, tính nguyên tắc trong Đảng, tính kiên định cách mạng; về đạo đức trong phê bình và tự phê bình, có giá trị chuẩn bị về mặt lý luận và tư tưởng cho thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mà còn mang tính thời sự nóng hổi, có giá trị hiện thực sâu sắc đối với quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng ta hiện nay.
Năm 1939, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ. Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 của Đảng liên tiếp diễn ra, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Vì vậy, công tác xây dựng Đảng phải thống nhất giữa ý chí và hành động; mật thiết liên lạc với quần chúng; phải có vũ trang lý luận cách mạng; phải biết lựa chọn cán bộ mới; phải củng cố hệ thống hệ thống tổ chức khắp các vùng, miền trong cả nước; phải chú ý chống nạn khiêu khích mật thám; phải tự chỉ trích và đấu tranh nhằm chống cả biểu hiện hữu khuynh và “tả” khuynh để bảo đảm Đảng vững mạnh, làm tròn sứ mệnh lịch sử khi cao trào giải phóng dân tộc được đẩy mạnh.
Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 họp tại Pắc Pó (Cao Bằng) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đồng thời chỉ thị thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh), tập hợp mọi giai cấp, đảng phái, tôn giáo yêu nước vào Mặt trận, xúc tiến chuẩn bị lực lượng, tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân. Hội nghị khẳng định: Trên 12 năm đấu tranh chống Pháp và Nhật, Đảng ta đã tiêu biểu cả tinh thần cách mạng của giai cấp và dân tộc, đủ lý thuyết, lãnh đạo năng lực của toàn dân đánh Pháp đuổi Nhật đi đến thực hiện chủ nghĩa cộng sản”(2). Bên cạnh đó, Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh công tác xây dựng đảng, coi trọng công tác đào tạo cán bộ, nâng cao năng lực tổ chức và lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, xây dựng các đội vũ trang cách mạng tập trung làm nòng cốt cho phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, chuẩn bị cho khởi nghĩa từng phần giành chính quyền…
Sau Hội nghị, cuộc vận động giải phóng dân tộc phát triển mạnh, phong trào Việt Minh, các tổ chức cứu quốc quân từ Bắc Sơn, Cao Bằng… lan rộng khắp miền Bắc và cả nước, làm cho lực lượng chính trị lớn mạnh vượt bậc, lực lượng vũ trang hình thành, các căn cứ địa được thành lập. Ngày 12-3-1945, ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra bản chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, thực hiện khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền bộ phận, đưa cách mạng Việt Nam bước tới thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào - Tuyên Quang đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành chính quyền về tay nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của một Đảng vừa tròn 15 tuổi, có gần 5.000 đảng viên, với đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn, năng lực tổ chức thực tiễn tuyệt vời, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo hơn 20 triệu dân, làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám “long trời lở đất”, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Thắng lợi này chính là nền tảng vững chắc để Đảng cùng nhân dân Việt Nam liên tiếp giành thắng lợi vang dội trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên xây dựng CNXH.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nằm trong khu vực Đông Nam Á phát triển năng động nhưng Viêt Nam vẫn tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định: tranh chấp lãnh thổ, biển đảo ngày càng gay gắt, đất nước đứng trước nhiều thách thức lớn, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng… Bối cảnh đó càng đặt cách mạng Việt Nam và Đảng ta trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác xây dựng đảng. Nếu đảng viên không thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng, không thống nhất cao về ý chí và hành động, không trong sạch về đạo đức; nếu Đảng không chặt chẽ về tổ chức, không được nhân dân ủng hộ thì không thể đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên.
Vì vậy, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã thẳng thắn thừa nhận những mặt hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là thực trạng đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thời gian qua: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp… làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”(3). Đây là điều đáng lo ngại nhất và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền. Thực tế đặt ra, Hội nghị Trung ương 4, khoá XI đã ban hành “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo. Đó là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, quyết định sự thành công hay thất bại của sự nghiệp đổi mới và có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
Phát huy hơn nữa bài học xây dựng Đảng trong Cách mạng Tháng Tám và tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và làm trong sạch Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 đề ra không chỉ là yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của nhiệm vụ cách mạng hiện nay mà còn là yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của nhân dân đối với Đảng. Đặt ra những yêu cầu mới về thực hiện tự phê bình và phê bình từ trên xuống, nêu gương của cán bộ, đảng viên và những người đứng đầu các cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức đoàn thể xã hội, Nghị quyết Trung ương 4 đã thổi một luồng gió mới vào toàn xã hội, được đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận với một tình cảm hồ hởi, đồng tình, nhất trí cao. Điều đó chứng tỏ, Nghị quyết Trung ương 4 đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng và đề ra các giải pháp để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân. Nhân dân mong muốn và đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam với bản chất của một đảng cách mạng chân chính, có bản lĩnh chính trị vững vàng và kinh nghiệm lãnh đạo dày dạn, được tôi luyện qua nhiều hoàn cảnh lịch sử khó khăn, phức tạp, lúc này hơn lúc nào hết cần nói đi đôi với làm, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất và năng lực tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giành thắng lợi trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Phạm Thị Nhung - Nguyễn Thị Huyền
Trường Sỹ quan Lục quân II
----------------------------------------------
1.Văn kiện Đảng toàn tập, NXB CTQG, H. 2000, tập 6, tr.645.
2. Sách đã dẫn, tập 7, tr.109.
3. Sách đã dẫn, tập 7, tr.173.