Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện thí điểm chủ trương đồng chí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân (UBND) ở cấp xã và địa phương không tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND); Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh uỷ Phú Yên đã quán triệt chủ trương của Trung ương và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. BTV Tỉnh uỷ Phú Yên xác định việc thí điểm thực hiện chủ trương này nhằm tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tạo sự đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của địa phương, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Thông qua thực hiện thí điểm thấy rõ những ưu điểm và khuyết điểm, hạn chế của mô hình này, từ đó rút kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
BTV Tỉnh ủy Phú Yên có Kế hoạch số 57-KH/TU, ngày 08-4-2009 về thực hiện thí điểm chủ trương đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân, đã chọn 2 huyện, 3 phường và 4 xã, thị trấn để thực hiện chủ trương này theo tỷ lệ quy định. Trong quá trình thực hiện, do tình hình thực tế và yêu cầu về công tác cán bộ của các địa phương, BTV Tỉnh uỷ đã chọn thêm 2 phường, 2 xã và 1 thị trấn để thực hiện thí điểm. Như vậy đến ngày 4-1-2010, tỉnh Phú Yên có 2 huyện, 5 phường và 7 xã, thị trấn thực hiện thí điểm chủ trương đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND.
Tỉnh Phú Yên có 7 huyện thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, theo tỷ lệ quy định của Trung ương. BTV Tỉnh uỷ đã chọn 2 huyện Phú Hoà và Tây Hoà thực hiện chủ trương đồng chí bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện, ngay sau khi cấp huyện thực hiện không tổ chức HĐND.
Phú Hoà và Tây Hoà là 2 huyện đồng bằng của tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội phát triển tương đối ổn định; nội bộ đoàn kết, thống nhất; đã thực hiện tốt việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ; sau khi thực hiện thí điểm, đồng chí bí thư huyện uỷ và đồng chí chủ tịch UBND huyện không tiếp tục công tác cũ được bố trí công tác khác phù hợp hoặc nghỉ hưu.
Tại thời điểm thí điểm, huyện Phú Hoà có 8 xã, thị trấn, 39 thôn, khu phố; có 40 chi, đảng bộ cơ sở với 1.557 đảng viên. Đồng chí bí thư huyện ủy đã đến tuổi nghỉ hưu, đồng chí phó bí thư huyện uỷ, chủ tịch UBND huyện không đủ độ tuổi để tái cử nhiệm kỳ tới, đã bố trí giữ chức vụ phó bí thư thường trực huyện uỷ cho đến tuổi nghỉ hưu, nên BTV Tỉnh uỷ chọn đồng chí phó bí thư thường trực huyện uỷ, chủ tịch HĐND huyện để thực hiện thí điểm chủ trương này và đã được BTV Tỉnh uỷ giới thiệu bầu giữ chức vụ bí thư huyện uỷ và được chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm giữ chức vụ chủ tịch UBND huyện; đến tháng 7-2009 được chỉ định bổ sung vào BCH Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng bộ huyện được bầu giữ chức vụ bí thư huyện ủy, nhiệm kỳ 2010-2015 cho đến nay.
Huyện Tây Hòa có 11 xã, 70 thôn; có 48 chi, đảng bộ cơ sở với 2.425 đảng viên. Đồng chí bí thư huyện ủy đã đến tuổi nghỉ hưu, nên BTV Tỉnh uỷ phân công đồng chí tỉnh uỷ viên, phó bí thư huyện uỷ, chủ tịch UBND huyện giữ chức vụ bí thư huyện uỷ đồng thời là chủ tịch UBND huyện. Hai đồng chí được chọn thí điểm ở 2 huyện này đều có trình độ đại học và cao cấp lý luận chính trị.
Về chế độ, chính sách, trước khi có quy định của Trung ương, BTV Tỉnh ủy Phú Yên đã thống nhất cho đồng chí bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn được hưởng thêm phụ cấp bằng 40% lương (bậc 2) của bí thư đảng ủy xã; đồng chí bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện được hưởng thêm phụ cấp bằng 20% lương của mức lương cơ bản hiện hưởng.
Sau khi có Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW, ngày 06-3-2009 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện thí điểm bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp xã và địa phương không tổ chức HĐND và Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22-10-2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì đồng chí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).
Nhìn chung, việc thực hiện quy trình bầu hoặc chỉ định bí thư cấp ủy và bầu hoặc bổ nhiệm chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã đúng nguyên tắc, thủ tục theo Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW và Thông tư số 01/2009/TT-BNV, ngày 19-3-2009 của Bộ Nội vụ hướng dẫn trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch, uỷ viên UBND huyện, quận, phường nơi không tổ chức HĐND.
Qua thực hiện thí điểm chủ trương đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp huyện có thể rút ra một số điểm sau:
Có thể nói đây là mô hình quản lý phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và tinh giản bộ máy của Đảng, Nhà nước hiện nay. Các đơn vị được chọn thí điểm đều hoàn thành khá tốt nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân từng bước được cải thiện; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng các phong trào của nhân dân được nâng lên. Bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện vừa là người đứng đầu tổ chức lãnh đạo, vừa là người đứng đầu cơ quan tổ chức thực hiện nên có điều kiện phát huy tốt vai trò cá nhân; đề cao quyền hạn, trách nhiệm người đứng đầu; xử lý công việc kịp thời, một số công việc cấp bách không mất thời gian hội ý, giảm bớt các cuộc họp; bước đầu khắc phục được sự chồng chéo, trùng lắp, đùn đẩy trách nhiệm, gây phiền hà cho nhân dân …
Tuy nhiên, trên bình diện rộng, nếu không làm tốt công tác cán bộ, không có quy chế làm việc, cơ chế giám sát,… thì dễ phát sinh tình trạng độc đoán, lạm quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Mặt khác, đây chỉ là sự nhất thể hoá về chức danh, còn nhiệm vụ thì vẫn như cũ, do vậy nhiệm vụ của bí thư đồng thời chủ tịch rất nặng nề, mất nhiều thời gian, nhất là dự các cuộc họp, nếu không có quy chế, hướng dẫn, điều chỉnh cụ thể thì đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện không còn thời gian để nghiên cứu, định hướng những chương trình, kế hoạch lớn và sẽ ít có thời gian đi cơ sở.
Qua thực hiện thí điểm chủ trương đồng chí bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, những đơn vị được chọn thí điểm phải là TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, ổn định về chính trị, tình hình kinh tế - xã hội phát triển tốt, nội bộ Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đoàn kết, thống nhất cao. Đồng thời, phải làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức của cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên nơi thực hiện thí điểm.
Hai là, việc bố trí nhân sự bí thư huyện uỷ đồng thời là chủ tịch UBND huyện phải đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ chủ chốt, có tầm lãnh đạo toàn diện, có năng lực tổ chức thực hiện, phong cách làm việc dân chủ, am hiểu địa bàn và có kinh nghiệm công tác ở cơ sở. Do đó, nên là cán bộ đã kinh qua công tác quản lý Nhà nước và có kinh nghiệm lãnh đạo cấp ủy huyện, tốt nhất là bố trí đồng chí bí thư huyện ủy đương nhiệm đã từng là chủ tịch UBND huyện hoặc đồng chí phó bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện.
Ba là, cùng với việc bố trí nhân sự bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện đảm bảo tiêu chuẩn, cần quan tâm bố trí các phó bí thư huyện ủy, phó chủ tịch UBND huyện là những cán bộ có năng lực, trình độ, có khả năng quán xuyến công việc và điều hành các mặt công tác thay cho đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch khi đi vắng hoặc khi có yêu cầu; quan tâm thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để có nguồn cán bộ kế thừa, không bị hụt hẫng khi có yêu cầu thay thế, luân chuyển cán bộ.
Bốn là, phải xây dựng và thực hiện thật tốt quy chế làm việc. Trong quy chế làm việc cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của đồng chí bí thư huyện uỷ đồng thời là chủ tịch UBND huyện; xác định rõ mối quan hệ công tác giữa đồng chí bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện với tập thể huyện ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể của huyện; mạnh dạn phân cấp cho cấp phó, nhất là phó thường trực trong giải quyết các công việc của huyện ủy, UBND huyện; tạo điều kiện để mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt vai trò giám sát các hoạt động của chính quyền và cán bộ, công chức.
Năm là, cấp ủy và chính quyền cấp trên trực tiếp phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời uốn nắn những lệch lạc, sai sót nảy sinh trong quá trình thực hiện thí điểm.
Võ Văn Dông
Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Yên