Nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên theo quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XI

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng CSVN luôn coi đạo đức là nền tảng của người cách mạng, cũng như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối. Theo Hồ Chí Minh, làm cách mạng hay sống ở đời, con người phải có đạo đức cách mạng làm gốc.

Dưới ánh sáng Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt ra yêu cầu về xây dựng đạo đức cho cán bộ, đảng viên (CB, ĐV). Ngay từ những ngày đầu của sự nghiệp đổi mới, Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã nêu vấn đề “nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(1). Đảng yêu cầu CB, ĐV phải hành động “vì lợi ích cách mạng, chứ không vì địa vị, tư lợi”(2). CB, ĐV phải là người trung thực, không giả dối, nói ít làm nhiều, lời nói đi đôi với việc làm, nhìn thẳng vào sự thật, không giấu giếm khuyết điểm và phẩm chất ấy phải được thường xuyên rèn luyện. Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) của Đảng tiếp tục khẳng định những quan điểm đó: “Đảng viên phải có phẩm chất chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, có thái độ tích cực đối với công cuộc đổi mới”(3).

Mười năm đổi mới (1986-1996), trong điều kiện kinh tế thị trường và từng bước chủ động hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế, Đảng ta đã nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của đạo đức cách mạng đối với CB, ĐV. Vận dụng và phát triển Tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với điều kiện mới, Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996) chỉ rõ: “Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, các nhà doanh nghiệp và các chuyên gia, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị, coi trọng cả đức và tài, đức là gốc”(4). Đại hội IX và X của Đảng đều khẳng định tầm quan trọng của việc không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống cho đội ngũ CB, ĐV.

Trong những năm đổi mới, đội ngũ CB, ĐV góp phần không nhỏ cho những thành công quan trọng trên con đường đi lên CNXH. Trong những thời điểm khó khăn, thử thách, đặc biệt là khi Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, thì “số đông đảng viên mà nòng cốt là cán bộ chủ chốt từ Trung ương đến cơ sở vẫn giữ vững phẩm chất chính trị, nhất trí với quan điểm, đường lối của Đảng, có tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn”(5). Đó là một trong những nguyên nhân căn bản để Việt Nam trụ vững và tiếp tục tiến lên. Đa số CB, ĐV vẫn giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, trung với nước, hiếu với dân. Nhiều CB, ĐV đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, rèn luyện đạo đức, lối sống, năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, có phong cách làm việc dân chủ, nói đi đôi với làm.

Tuy nhiên, không thể không nhận thấy rằng, hiện tượng phai nhạt lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị trong CB, ĐV vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp. Thậm chí có hiện tượng một số CB, ĐV đòi đa nguyên, đa đảng, lợi dụng vấn đề dân chủ để tuyên truyền nói xấu chế độ. Những CB, ĐV này dù vô tình, hay cố ý thì cũng đang tiếp tay cho những thế lực muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, tiếp tay cho chiến lược “diễn biến hòa bình”.

Cùng với sự phai nhạt lý tưởng là sự “xuống cấp” suy thoái đạo đức, lối sống, nạn tham nhũng, tham ô, hối lộ, lợi dụng chức quyền gây hậu quả nghiêm trọng đã trở thành vấn nạn quốc gia. Đây là một trong những nguy cơ, hiểm họa, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Với tinh thần tiếp tục nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, Đại hội XI của Đảng đã thẳng thắn đánh giá rõ thực trạng của đội ngũ CB, ĐV: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ CB, ĐV và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi nà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định và phát triển của đất nước”(6). Bên cạnh đó, cũng dễ dàng nhận thấy rằng, “năng lực phẩm chất của một bộ phận CB, ĐV, công chức, viên chức còn hạn chế”(7) và “những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có diễn biến phức tạp”(8). Đây thực sự là những thách thức không nhỏ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay, khi mà chúng ta dốc sức phấn đấu và hướng đến mục tiêu: “chính trị, xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên”(9). Đặt ra vấn đề xây dựng đội ngũ CB, ĐV thực sự vững mạnh, trong sạch về đạo đức trở nên hết sức cấp bách và cần thiết. Đại hội Đảng lần thứ XI xác định: “Mỗi CB, ĐV phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; phê phán, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”. Giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng”(10). Mỗi CB, ĐV phải “thực sự là một tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống. Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân”(11). Theo tinh thần đó, những tiêu chí cần đạt tới là:

Thứ nhất, có lập trường chính trị rõ ràng và vững vàng, tán thành con đường XHCN ở nước ta, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, tán thành và tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới, không mắc mưu các thủ đoạn diễn biến hòa bình của chủ nghĩa đế quốc, tỏ rõ lập trường chống bảo thủ, trì trệ và cơ hội, xét lại, chống tiêu cực trong Đảng và trong xã hội.

Thứ hai, có những phẩm chất cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ các quan điểm, đường lối và uy tín của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Không có những biểu hiện cơ hội, không tham nhũng, thu vén cá nhân, làm giàu bất chính. Không có người thân làm ăn phi pháp. Có cuộc sống cá nhân lành mạnh, trong sạch, không sa hoa, lãng phí.

Thứ ba, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng và chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không nói và làm trái với quy định của Nhà nước và pháp luật. Chăm lo giữ gìn đoàn kết trong Đảng. Phong cách làm việc dân chủ, sâu sát thực tế và quần chúng. Gắn bó mật thiết với quần chúng phải “thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân”(12).

Đây là những tiêu chí căn bản của CB, ĐV, mà thiếu nó, CB, ĐV không thể hoàn thành nhiệm vụ, không thể đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Nhận thức rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong việc nâng cao đạo đức cho CB, ĐV… Đại hội Đảng lần thứ XI đưa ra những giải pháp quan trọng:

Một là, nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả công tác tư tưởng, đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị trong Đảng.

Hai là, đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của CB, ĐV, tổ chức đảng.

Ba là, có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương; xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu, sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc tham nhũng.

Bốn là, kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, giảm sút uy tín, vi phạm pháp luật, chính sách Nhà nước, kỷ luật của Đảng; đồng thời, xử lý nghiêm mọi CB, ĐV vi phạm trách nhiệm, phẩm chất, đạo đức, lối sống.

Năm là, tăng cường công tác giám sát, thực hiện dân chủ, tạo cơ chế để nhân dân giám sát các công việc có liên quan đến ngân sách, tài sản của Nhà nước.

Sáu là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan chức năng, khuyến khích phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí. Cải cách cơ bản chế độ tiền lương CB, công chức, viên chức.

Đây là những giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ, tích cực, toàn diện, nhằm ngăn chặn, khắc phục những suy thoái đạo đức của CB, ĐV.  Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt, quyết định vẫn là sự tự giáo dục, tự rèn luyện đạo đức của người CB, ĐV. Bởi vì cái tốt, cái xấu đều tồn tại trong mỗi con người, mà học cái tốt thì khó, ví như “người ta leo núi phải vất vả khó nhọc mới lên được đỉnh”, còn học cái xấu thì dễ “như ở trên đỉnh chỉ cần trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu”. Vì thế, việc phấn đấu tu dưỡng của CB, ĐV phải kiên trì từng giờ, từng phút. Tự tu dưỡng, tự rèn luyện phải trở thành thói quen, thành nhu cầu thiết yếu hằng ngày, thấm vào máu thịt, vào tâm tư, vào suy nghĩ của mỗi CB, ĐV. Có như thế, nâng cao đạo đức cách mạng cho CB, ĐV mới không đơn thuần chỉ hô khẩu hiệu, không “đánh trống, bỏ dùi”, hình thức. Có thể nói, để nâng cao đạo đức cách mạng cho CB, ĐV, cần thực hiện tốt các giải pháp mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra trên nền tảng thực sự coi trọng, thực sự thấm nhuần ý thức tự giáo dục đạo đức, coi đó là bước đi quan trọng hàng đầu, là một đảm bảo vững chắc cho nâng cao chất lượng đạo đức cách mạng của đội ngũ CB, ĐV.

ThS. Nguyễn Khánh Ly
Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An

----------------------------------

(1), (2). ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, H, 1987, tr.126; 126. (3). ĐCSVN: Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng của BCHTƯ (khóa VI), Nxb. Sự thật, H, 1991, tr. 23. (4). ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. CTQG, H, 1996, tr.145-146. (5). ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, H, 1987, tr.47. (6)-(12). ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.173; 18; 29; 31; 57; 258; 257.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất