Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã nêu: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”(1). Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống đã được Trung ương nghiêm khắc chỉ rõ(2):
Là phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với con đường xã hội chủ nghĩa, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao, không thực hiện đúng các nguyên tác tổ chức sinh hoạt đảng; là dao động, mơ hồ, mất phương hướng, cho rằng theo con đường nào, xã hội nào cũng được, phụ hoạ theo nhận thức sai trái, quan điểm lệch lạc; là nói và làm trái Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, quy định của Đảng, thậm chí a dua, xuyên tạc, bôi đen…
Là sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, thực dụng, vụ lợi, lo vun vén cho bản thân và gia đình, không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, để vợ (chồng), con và người thân lợi dụng chức quyền của mình để trục lợi, tiến thân; là cơ hội, hám danh, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp…; là đố kỵ, kèn cựa địa vị, cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết trong Đảng; là quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, nỗi khổ của nhân dân, bất chấp đạo lý, dư luận vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm; là kiêu ngạo, tự phụ, gia trưởng, độc đoán, tùy tiện, vô tổ chức, tham nhũng, lãng phí, sống xa hoa, hưởng lạc.
Có nguyên nhân khách quan, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan: “Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Ðảng, trước nhân dân”(3). Suy cho cùng là do sự yếu kém của Đảng ta trong công tác giáo dục, lãnh đạo, quản lý và do chủ nghĩa cá nhân gây nên. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm...”(4).
Tỉnh Bình Định cũng nằm trong quỹ đạo chung của những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống đã được Nghị quyết Trung ương 4 chỉ rõ. Tuy mức độ đậm nhạt khác nhau, nhưng trong 50.768 đảng viên, thì ở nơi này hay nơi khác đều có đảng viên biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống. Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng cũng đã có những chủ trương, biện pháp rèn luyện phẩm chất chính trị, tư tưởng và đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên như:
Gắn công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đảng viên với thực hiện những điều đảng viên không được làm và xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên. Xác định đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong đánh giá xếp loại đảng viên hàng năm.
Trong nội dung sinh hoạt chi bộ hàng tháng có nội dung nhận xét, đánh giá tình hình tư tưởng, đạo đức lối sống của đảng viên. Cấp ủy phát hiện, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Tổ chức các hoạt động nhằm cập nhập kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên; tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên tham gia học tập để nâng cao trình độ lý luận chính trị.
Tăng cường hoạt động đối thoại với đảng viên. Cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên....
Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy, tổ chức đảng đã xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm. Tập trung kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và của cấp ủy cấp trên; thực hiện các chương trình, dự án kinh tế, xã hội của địa phương; về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản; lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện cải cách thủ tục hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; lãnh đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…
Từ năm 2008 đến tháng 6 năm 2012, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”, Bình Định đã xử lý kỷ luật 1.054 đảng viên. Trong đó: khiển trách 457, cảnh cáo 436, cách chức 57, khai trừ 104. Trong số đảng viên bị thi hành kỷ luật khai trừ có 59 trường hợp bị phạt tù.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ: “Ðể tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng đảng trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt tám nhiệm vụ trong công tác xây dựng đảng mà Ðại hội XI của Ðảng đã đề ra, coi đó là những nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài và phải thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, đồng thời tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách sau đây: (1) Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Ðảng. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng. Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất”.
Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4, đã có Chỉ thị, Kế hoạch, chỉ ra các giải pháp để thực hiện; ngày 10-1-2012, Ban Bí thư ra Quy định số 55-QĐ/TW về “Công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên”; ngày 7-6-2012, Ban Bí thư ban hành Quy định số 101-QĐ/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, vấn đề hiện nay là việc tổ chức thực hiện như thế nàođể “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng đã dày công xây dựng nên. Từ đó, chúng tôi xin đề xuất một số việc làm chủ yếu sau:
Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức, lối sống cho đảng viên, nhất là giáo dục lý tưởng cách mạng, để mọi đảng viên trọn đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nên thiết thực, có hiệu quả; không hô hào suông và hình thức, lãng phí tiền của, công sức và thời gian...
Thực hiện đồng bộ các nội dung nâng cao chất lượng đảng viên, quản lý đảng viên; khắc phục cho được tình trạng thiếu dân chủ, tình trạng đảng viên có chức vụ đứng trên tổ chức.Bài học của Liên Xô trước đây vẫn để chúng ta suy ngẫm: Ai giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô, ai từ bỏ quyền lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp - đó là “nhà dột từ nóc”. Cần chủ động phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và từ cán bộ lãnh đạo cấp cao.
Ông cha ta đã đúc kết “phi trí bất hưng”, cần trọng dụng nhân tài. Có chính sách thật tốt để góp phần đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên.
Dựa vào nhân dân, vào công luận báo chí và vai trò của các đoàn thể trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên. Siết chặt công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tổ chức đảng, đảng viên. Quyền lực phải được kiểm soát và chống lạm quyền. Có sự vào cuộc đồng bộ, thực sự của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị trong chống tham nhũng, lãng phí.
Thực hiện đầy đủ những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“1- Phải tuyệt đối thật thà, trung thành với Đảng; quyết tâm trọn đời đấu tranh cho sự nghiệp của Đảng.
2- Vô luận ở hoàn cảnh nào, địa vị nào, cũng phải quyết tâm thực hiện cho kỳ được chính sách của Đảng và của Chính phủ. Phải nghiêm khắc giữ gìn kỷ luật của Đảng và của Chính phủ.
3- Phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; phải hiểu thấu rằng lợi ích của nhân dân tức là lợi ích của Đảng và phải đặt lợi ích của nhân dân và của Đảng lên trên hết, trước hết.
4- Đảng viên phải luôn luôn làm gương mẫu trong công việc chuyên môn, trong việc học tập, trong tăng gia sản xuất, trong mọi việc.
5- Phải thật thà thành khẩn tự phê bình và hoan nghênh quần chúng phê bình mình, để luôn luôn tiến bộ.
6- Phải nâng cao giác ngộ giai cấp của mình và của quần chúng. Phải tuyệt đối và kiên quyết giữ vững sự thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động của Đảng.
V. I. Lênin dạy chúng ta phải ra sức chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Dù vô tình hay là cố ý, duy trì 3 bệnh ấy tức là giúp sức cho kẻ địch và làm hại cho nhân dân, cho Chính phủ, cho Đảng”(5).
Những lời dạy đó đến nay vẫn nguyên giá trị, nhưng thực hiện chưa tốt và mỗi đảng viên hãy nhận thức và thực hiện đúng lời Bác dạy: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi...”.
Lê Minh Tuấn
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định
----------------
(1) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Nxb CTQG, HN 2012, tr. 22. (2) BTCTW: Hướng dẫn số 11-HD/BTCTW, ngày 14-3-2012, tr. 2. (3) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Nxb CTQG, HN 2012, tr. 24. (4) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, HN 2002, tập 5. (5) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, HN 2002, tập 7, tr. 4.