Đồng chí Võ Chí Công (Võ Toàn) sinh ngày 7-8-1912, tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành) tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là một đảng viên - một nhà nho yêu nước, được Đảng, Nhà nước truy tặng liệt sỹ. Thân mẫu từng là một cơ sở cách mạng tin cậy của Đảng, được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
Sinh trưởng trong một gia đình yêu nước, cách mạng, ở vùng đất giàu truyền thống lịch sử, truyền thống chống giặc ngoại xâm với nhiều chí sĩ nổi tiếng xứ Quảng như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thành... người thanh niên Võ Chí Công đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động phong trào thanh niên từ năm 1930-1931. Tháng 5-1935, đồng chí được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương (nay là Ðảng Cộng sản Việt Nam).
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Chí Công đã trải qua nhiều cương vị và có nhiều đóng góp lớn lao cho Đảng, cho đất nước: Năm 1936, làm Bí thư chi bộ ở một xã thuộc huyện Tam Kỳ; năm 1939, làm Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ; năm 1940, làm Bí thư lâm thời tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1941, là Xứ ủy Trung kỳ phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Phú Yên; năm 1943, đồng chí bị địch bắt, bị kết án chung thân, sau giảm xuống còn 25 năm. Tháng 3-1945, được ra tù, đồng chí trở về quê hương, làm Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh, chỉ huy cướp chính quyền ở Quảng Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí là ủy viên Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; năm 1952, làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1961, làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, 1962, là Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1976, đồng chí được cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ. Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (3-1982) đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành bầu vào Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12-1986), được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 4-1987, tại Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Võ Chí Công được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi đảng…
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt khác nhau của Ðảng và Nhà nước qua các thời kỳ cách mạng. Dù bị địch bắt, tra tấn, tù đày, kết án tù chung thân, nhưng đồng chí không sờn lòng, quyết theo Ðảng, theo cách mạng đến cùng. Tên tuổi của đồng chí Võ Chí Công quá đỗi gần gũi với quân và dân cả nước nói chung và Khu 5 nói riêng. Ở chiến trường, đồng chí luôn là người chỉ huy tin cậy, là chỗ dựa về tinh thần vững chắc của quân và dân ta. Quan tâm đến mọi người, nhưng với bản thân mình, đồng chí rất nghiêm khắc và rõ ràng trong việc riêng - chung, từ những việc bình thường cho đến những việc lớn lao. Đấy là sự đề cao, tôn trọng, với một trách nhiệm cao cả của đồng chí làm gương và để đảm bảo cho lợi ích chung của cách mạng. Trong chiến tranh ác liệt, hầu hết các thành viên trong gia đình đồng chí, từ vợ đến con trai, con dâu đều vào chiến trường Khu 5 chiến đấu và công tác. Nguyên tắc với mình, liêm khiết và tự trọng, lo toan đến lợi ích của chung của cách mạng mà không toan tính cá nhân, đó là nhân cách Võ Chí Công.
Trong những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí đã được rèn luyện trong ngọn lửa đấu tranh cách mạng, đương đầu với mọi thử thách, kể cả trong tù đày, lúc lâm nguy khi cơ sở cách mạng bị phá vỡ, đồng chí vẫn một lòng trung kiên, không sợ hy sinh, sáng suốt cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đưa sự nghiệp cách mạng của nước ta giành được thắng lợi vẻ vang. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công trong những năm tháng chiến tranh, gắn liền với chiến trường khu 5, một chiến trường cực kỳ gian khổ và ác liệt. Từ cương vị Bí thư chi bộ ở cơ sở, đến lúc là Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Khu 5, đồng chí vẫn bám dân, bám đất, gần dân, luôn gắn với dân, nghe dân, học dân, tin dân, dựa vào dân, lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa bàn, là một trong những người lãnh đạo xuất sắc nhất trong phong trào đấu tranh cách mạng, một người con ưu tú nhất của đất Quảng Nam - Ðà Nẵng trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ với những chiến công vang dội của trận đầu đánh Mỹ ở Núi Thành. Từ thực tiễn của cuộc chiến đấu, đồng chí đã tổng kết phương châm chiến lược ba mũi giáp công (đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và binh vận) ở ba vùng chiến lược (thành thị, nông thôn và miền núi). Hình ảnh anh Năm Công giản dị, ít nói, chân tình nhưng tài trí và quyết đoán còn ghi đậm trong tâm trí của bao đồng chí, đồng bào Khu 5. Những mốc son trên con đường hoạt động cách mạng của đồng chí đã được ghi vào lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng và lịch sử kháng chiến oai hùng của nhân dân Nam Trung bộ.
Sau ngày đất nước thống nhất, trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Chí Công luôn luôn trăn trở về con đường đi lên của cách mạng Việt Nam; sớm thể hiện sự tìm tòi đổi mới tư duy về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Ðồng chí đề xuất nhiều quyết sách mới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, đó là tham mưu cho Trung ương Ðảng ra Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp khi đồng chí làm Thường trực Ban Bí thư, tháo gỡ khó khăn, đẩy lùi trì trệ, đổi mới cơ chế quản lý sản xuất nông nghiệp, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng nhằm phát triển nền sản xuất nông nghiệp đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho toàn xã hội, dần hình thành nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đồng chí cùng tập thể Trung ương Đảng lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá thế bị bao vây, cấm vận; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cuộc đời hoạt động cách mạng, sự nghiệp và công lao của đồng chí Võ Chí Công gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước và dân tộc, từ cách mạng Tháng Tám, hai cuộc kháng chiến lâu dài, từ Liên khu Năm, Hạ Lào, Đông Bắc Căm-pu-chia, Nam Bộ, đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ở bất cứ cương vị nào, từ bí thư chi bộ đến cương vị cấp cao của Ðảng và Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công luôn là người đảng viên kiên cường sáng tạo, người lãnh đạo xuất sắc của phong trào cách mạng Việt Nam, gắn bó cuộc đời mình vì Ðảng vì dân, học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại, sống cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công, chúng ta càng khắc sâu lời nhắc nhở của đồng chí trong hồi ký: "Người chiến sĩ cộng sản, phải luôn luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, phải có tinh thần cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, phải luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên hết như Bác Hồ đã dạy, có như vậy mới được dân tin yêu và quý trọng".
Phúc Sơn