Năm 2016, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực hiện quan điểm, nội dung định hướng Đại hội XII của Đảng, tập trung nâng cao chất lượng, tăng cường bồi dưỡng theo chức danh, đẩy mạnh bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, mở rộng hợp tác đào tạo quốc tế, đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhân dịp xuân Đinh Dậu 2017, Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu ý kiến phát biểu của các đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (ảnh bên).
Năm 2016, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực hiện quan điểm, nội dung định hướng Đại hội XII của Đảng, tập trung nâng cao chất lượng, tăng cường bồi dưỡng theo chức danh, đẩy mạnh bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, mở rộng hợp tác đào tạo quốc tế, đã đạt nhiều kết quả quan trọng:
Ở Trung ương, mở được 167 lớp cao cấp lý luận chính trị; 5 lớp hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị; 12 lớp đào tạo đại học chính trị chuyên ngành; 34 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng đảng; 5 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh... Theo phân cấp, các địa phương, cơ quan đã mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp. Các khâu đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới: hoàn thiện nội dung, chương trình, lý luận gắn với thực tiễn; đa dạng hoá phương thức đào tạo, bồi dưỡng; công tác quản lý thực hiện theo quy chế; chất lượng giảng viên được nâng lên, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực; tăng cường phối hợp giữa cơ sở đào tạo với cấp uỷ, chính quyền và cơ quan tổ chức cử cán bộ đi học đúng đối tượng, tiêu chuẩn; cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ dạy và học được nâng cấp.
Bên cạnh kết quả, công tác đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế: Một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo chưa sát thực tế, cử cán bộ đi đào tạo không đúng đối tượng, tiêu chuẩn, vượt chỉ tiêu. Chất lượng tuy đã được nâng lên, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trang bị kiến thức mới, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý và rèn luyện đạo đức, tác phong cho học viên. Nội dung, chương trình còn trùng lặp, nặng lý thuyết, chưa theo kịp yêu cầu. Quy mô đào tạo tuy mở rộng, nhưng chưa gắn với nâng cao chất lượng. Quản lý học viên chưa nghiêm, nhất là thời gian tự học. Chưa xây dựng được quy trình, tiêu chí đánh giá kết quả đào tạo của học viên sau khi tốt nghiệp. Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo có mặt chưa tương xứng với yêu cầu nâng cao chất lượng trong tình hình mới. Điều kiện vật chất - kỹ thuật của cơ sở đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu đồng bộ.
Nguyên nhân hạn chế là do: Cơ chế, chính sách và tổ chức đào tạo chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chưa ban hành được nghị quyết chuyên đề. Chính sách sử dụng cán bộ sau đào tạo còn nhiều bất hợp lý. Chế độ hỗ trợ chưa thống nhất, phụ thuộc vào sự quan tâm của lãnh đạo từng địa phương. Một bộ phận ý thức học tập, rèn luyện chưa tốt, xác định mục tiêu học tập chưa đúng. Một số cán bộ nghiên cứu, giảng dạy thiếu kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo, quản lý thực tế. Cơ sở vật chất, kỹ thuật của cơ sở đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Sự phối hợp giữa các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị và các cơ sở đào tạo, nhất là thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chưa tốt.
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là việc khó. Để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn, cần làm tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Các cấp ủy đảng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải xuất phát từ thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của đất nước, bám sát mục tiêu, yêu cầu của Chiến lược cán bộ. Đổi mới đồng bộ về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo, đội ngũ giảng viên và nội dung, chương trình.
2. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý đào tạo thống nhất, đồng bộ, phân định rõ chức năng quản lý vĩ mô và vi mô về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan tham mưu đối với cơ sở đào tạo; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thực hiện tốt việc thẩm định tiêu chuẩn cán bộ cử đi đào tạo lý luận chính trị. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động sáng tạo của cơ sở.
3. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng loại chức danh cán bộ, bảo đảm tính kế thừa, liên thông, gắn với đổi mới phương tiện dạy - học và đánh giá kết quả học tập. Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm. Giúp học viên tiếp tục tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện phương pháp tư duy, vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn, rèn luyện kỹ năng làm việc tập thể, theo nhóm.
4. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả đào tạo, bảo đảm khách quan, thực chất. Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối khóa học; đánh giá của giảng viên với tự đánh giá của học viên; đánh giá của nhà trường với đánh giá của cơ quan, sử dụng cán bộ và của xã hội. Hoàn thiện hệ thống kiểm định chất lượng đào tạo.
5. Xây dựng đội ngũ giảng viên đủ số lượng, cơ cấu hợp lý; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên phù hợp với nội dung, chương trình đổi mới. Tăng cường đội ngũ giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng là cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều kinh nghiệm từ các bộ, ban, ngành, địa phương, các chuyên gia hàng đầu, các doanh nghiệp thành đạt; giảng viên giỏi từ các trường đại học, viện nghiên cứu.
6. Đổi mới cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thống nhất chế độ, chính sách đối với cán bộ được cử đi đào tạo. Có cơ chế chính sách đào tạo, bồi dưỡng đặc thù riêng cho cán bộ các tỉnh miền núi khó khăn, biên giới, có nhiều dân tộc. Đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng từ trong và ngoài nước, không chỉ từ ngân sách nhà nước.
7. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập. Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, đặc biệt hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm cơ sở đào tạo đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
MAI VĂN CHÍNH
Ủy viên Trung ương Đảng,
Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương