Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của nhân dân cả nước diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta đang thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tổ chức bầu cử thành công là dấu mốc quan trọng đánh giá vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp từ Trung ương đến cơ sở và ý thức trách nhiệm, vai trò làm chủ của nhân dân. Kết quả của cuộc bầu cử là phải bầu được những đại biểu ưu tú có đủ đức và tài, đại diện cho ý chí và nguyện vọng nhân dân, hết lòng vì nhân dân, đứng ra gánh vác sự nghiệp chung của đất nước, dân tộc và mỗi địa phương. Để cuộc bầu cử thành công có 3 vấn đề quan trọng nhất cần tập trung chỉ đạo tốt:
1. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Trong đó, những tài liệu văn bản hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, các bước tiến hành, quy định về bầu cử của Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương phải được quán triệt sâu sắc để mọi người nắm vững quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân trong bầu cử, ứng cử để thực hiện. Trên cơ sở đó nâng cao ý thức trách nhiệm quyết tâm thực hiện thành công cuộc bầu cử, xây dựng tinh thần đoàn kết trong Đảng và trong nhân dân, chống mọi biểu hiện bè phái, cục bộ, đả kích, nói xấu, bôi nhọ cán bộ, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng pháp luật, tạo được không khí phấn khởi trong nhân dân. Tuyên truyền công tác bầu cử phải gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phải hiểu và nắm vững, nâng cao nhận thức, học tập tư tưởng của Bác: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Trên cơ sở đó mọi người dân hiểu được thành công của cuộc bầu cử là do nhân dân quyết định chọn được người đại diện của dân có đủ trình độ gánh vác trọng trách nhân dân giao cho. Cấp ủy chính quyền các cấp có kế hoạch cụ thể về công tác tuyên truyền, phải làm cho mọi người hiểu sâu sắc về luật bầu cử, hiểu được quyền và trách nhiệm của mỗi người về bầu cử, bảo đảm dân chủ, tạo sự thống nhất trong nhân dân, tích cực tham gia bầu cử. Trong tuyên truyền cần quan tâm những vấn đề cử tri và nhân dân còn băn khoăn, thắc mắc, những vấn đề lớn và cần thiết phải được giải đáp trong chuyên mục hỏi - đáp về bầu cử. Trong các hội nghị cử tri giới thiệu đại biểu hoặc hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu ứng cử người được phân công chủ trì cần phải quán triệt về mục đích ý nghĩa cuộc bầu cử, quyền và nghĩa vụ của công dân, các bước tiến hành, cơ cấu, thành phần, số lượng và tiêu chuẩn đại biểu để mọi người biết và thực hiện. Các địa phương cần quan tâm tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, phát thanh, các hình thức pa-nô, áp phích, cờ, khẩu hiệu, các hình thức cổ động, tạo không khí sôi nổi, phấn khởi chuẩn bị cho bầu cử. Để làm tốt công tác tuyên truyền cần quan tâm chỉ đạo để các đoàn thể, các tổ chức chính trị cùng vào cuộc để tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên tích cực tham gia và động viên mọi người cùng thực hiện.
2. Làm tốt công tác lựa chọn nhân sự giới thiệu đại biểu ứng cử. Phải tạo được sự thống nhất nhận thức về tiêu chuẩn và cơ cấu đại biểu. Tiêu chuẩn là những vấn đề cần và đủ của đại biểu về phẩm chất, năng lực đề thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao mà luật bầu cử đã quy định. Đó là: trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ sức khỏe, kinh nghiệm công tác. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Số lượng đại biểu bảo đảm cơ cấu hợp lý đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội, các dân tộc, tôn giáo, tri thức, doanh nhân, người ngoài Đảng v.v... Để bảo đảm chất lượng đại biểu, đại diện cho các tầng lớp nhân dân và cử tri trên các lĩnh vực, trước khi hiệp thương về tiêu chuẩn và cơ cấu đại biểu cần phải tham khảo ý kiến của tổ chức đảng, chính quyền nơi cán bộ công tác, gặp gỡ, xem xét cụ thể điều kiện hoàn cảnh của cán bộ để dự kiến cơ cấu, tránh cách làm chủ quan, thiếu dân chủ và lắng nghe ý kiến của cơ sở. Thực hiện đúng quy trình giới thiệu đại biểu, tổ chức các hội nghị giới thiệu đại biểu, hội nghị tiếp xúc giữa người được giới thiệu ứng cử và cử tri phải bảo đảm dân chủ, đúng luật, tạo được sự đồng thuận thống nhất, giữ đoàn kết nội bộ, tránh cách làm hình thức, chất lượng thấp. Tổ chức tốt 3 lần hội nghị hiệp thương để: Thỏa thuận về cơ cấu thành phần, số lượng người được ứng cử đại biểu; căn cứ vào tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng người được ứng cử, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; trên cơ sở danh sách người ứng cử và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử báo cáo hội đồng bầu cử quyết định danh sách đại biểu chính thức để cử tri bầu.Tại các hội nghị hiệp thương cần phải được giải quyết những vấn đề thắc mắc kiến nghị của cử tri về nhân sự đại biểu, tránh những trường hợp khi có danh sách chính thức đại biểu được giới thiệu ứng cử vẫn còn ý kiến thắc mắc của cử tri. Để thực hiện tốt khâu lựa chọn nhân sự đại biểu cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc lập hồ sơ đại biểu được giới thiệu về lịch sử chính trị, phiếu tín nhiệm, chương trình hành động, nhận xét của địa phương, cơ quan, đơn vị, kê khai tài sản, những tài liệu xác minh, kết luận nếu có thắc mắc và kiến nghị của cử tri, công khai để nhân dân biết.
3. Chỉ đạo thực hiện tốt hội nghị cử tri để giới thiệu đại biểu, hội nghị tiếp xúc giữa đại biểu ứng cử với cử tri, các hội nghị hiệp thương giới thiệu đại biểu. Đây là những hội nghị quan trọng góp phần thành công cho cuộc bầu cử, vì vậy cần có sự chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, đúng nội dung, quy trình được hướng dẫn, bảo đảm dân chủ, công khai và đúng luật. Tại hội nghị cử tri giới thiệu đại biểu và hội nghị cử tri tiếp xúc với đại biểu ứng cử phải thông tin để cử tri nắm được mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử, luật bầu cử, cử tri hiểu được người mình giới thiệu để lựa chọn người bầu làm đại biểu trên cơ sở đó tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân để bầu cử có chất lượng bảo đảm bầu đúng, bầu đủ, không bầu thay. Tại các hội nghị hiệp thương giới thiệu đại biểu, đây là các hội nghị quan trọng quyết định nhân sự đại biểu, vì vậy phải bảo đảm số lượng, thành phần theo quy định, đại biểu dự hội nghị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm để tham gia ý kiến giới thiệu được đại biểu có đủ tiêu chuẩn, đúng cơ cấu, đủ các thủ tục để cử tri bầu. Cần chuẩn bị chu đáo những vấn đề cần thiết cho ngày bầu cử như công tác tuyên truyền, cổ động, cơ sở vật chất phục vụ bầu cử, lựa chọn địa điểm, chọn cử các thành viên trong ban bầu cử tại các đơn vị bầu cử là những cán bộ có tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm cao, bảo đảm để ngày bầu cử diễn ra thật sự là ngày hội của toàn dân, thực hiện an toàn, tiết kiệm và thành công.
Thực hiện tốt ba vấn đề nêu trên sẽ góp phần quyết định vào thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Hồng Chương