Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn toàn Đảng: “Việc cần trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân” (1).
82 năm, từ khi ra đời cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu vĩ đại. Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng và kết quả đạt được, Đảng ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Đại hội X của Đảng chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn diễn ra nghiêm trọng...”(2). Tình trạng ấy gây nên sự bất bình và lo lắng sâu sắc trong xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, ảnh hưởng xấu đến thanh danh của Đảng là nguy cơ lớn ảnh hưởng đến sự sống còn của Đảng, của chế độ ta.
Bác từng dạy: “Làm cách mạng thì có đúng, có sai. Cố nhiên đúng phải là chính, sai là phụ. Có sai thì chúng ta giúp nhau kiên quyết sửa chữa và cùng nhau hăng hái tiến lên”(3). Bác khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính…”(4).
Nhận thức sâu sắc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một trong những vấn đề quan trọng, then chốt để giữ vững chế độ XHCN, Đảng đã thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Có rất nhiều văn bản, nghị quyết được ban hành, nhằm củng cố, kiện toàn, chỉnh đốn, đổi mới về nhận thức, tư tưởng, tổ chức nhằm làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ của nhân dân. Mỗi kỳ Đại hội là một lần vấn đề đổi mới, chỉnh đốn, xây dựng Đảng được đặt ra và xác định giải pháp thực hiện. Năm 1986, Đại hội VI của Đảng đã đánh dấu một bước tiến dài của Đảng trong tiến trình đổi mới và phát triển. Nghị quyết Đại hội đề ra những giải pháp nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Thế nhưng, sau Đại hội, năm 1987-1988, tình hình kinh tế-xã hội của nước ta vẫn trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng, giá cả leo thang, lạm phát ở mức cao (774%), lương thực và hàng tiêu dùng thiếu nghiêm trọng, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Đảng lại bắt tay vào tìm tòi con đường đổi mới, con đường phát triển. Trong đó, Đảng nhận định cần phải giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong hoàn cảnh khó khăn này. Tháng 6-1988, Hội nghị lần thứ năm BCHTƯ khóa VI đã họp và ra Nghị quyết về vấn đề cấp bách xây dựng Đảng. Trong đó, hội nghị đã chỉ rõ hai khuyết điểm nghiêm trọng nhất trong công tác xây dựng đảng là: vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa thiếu dân chủ, vừa kém kỷ luật; chậm đổi mới quan điểm và chính sách cán bộ, chậm xây dựng và thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là cán bộ kế cận. Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên trì đường lối đổi mới, tích cực, kiên trì sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm mà Hội nghị đã chỉ ra. Đảng đã có bước trưởng thành mới, có thêm tri thức và kinh nghiệm mới, nhất là về lãnh đạo kinh tế, lãnh đạo Nhà nước. Năm 1989, Việt Nam đã giải quyết thành công vấn đề lương thực và trở thành nước xuất khẩu gạo thứ ba trên thế giới. Năm 1990, hạ lạm phát xuống còn 2 con số (67%)... Đảng và nhân dân tự hào khi: “Lần đầu tiên lương thực đạt tổng sản lượng 21,5 triệu tấn quy thóc, không những đáp ứng nhu cầu của người dân và dự trữ quốc gia mà còn xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo”(5).
Tháng 6-1992, Hội nghị lần thứ 3 BCH TƯ khóa VII đề ra Nghị quyết về "Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng". Nghị quyết nêu rõ: "Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đối với vận mệnh của chế độ ta và Đảng ta"(6). Mục tiêu của đổi mới, chỉnh đốn Đảng là nhằm "nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phù hợp với yêu cầu khách quan của cách mạng trong tình hình mới, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo đảm thực hiện có kết quả các nhiệm vụ chính trị do Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế, làm cho dân giàu, nước mạnh, giữ vững ổn định chính trị"(7).
Thực hiện Nghị quyết đã củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng trước những diễn biến phức tạp của thế giới, đặc biệt là sự sụp đổ của các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô. Nền kinh tế Việt Nam giành được nhiều thành tựu mới. Tăng trưởng bình quân hàng năm về tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 8,2% (kế hoạch là 5,5 - 6,5%), công nghiệp tăng 13%, nông nghiệp tăng 4,5%, kim ngạch xuất khẩu 20%, từ năm 1989 xuất khẩu gạo bình quân 2 triệu tấn/năm. Lạm phát từ 67,1% năm 1991 giảm xuống còn 12,7% năm 1995. Đời sống của người dân được cải thiện, số hộ giàu tăng lên, số hộ nghèo giảm đi. Hệ thống chính trị có một bước đổi mới quan trọng. Vai trò lãnh đạo của Đảng được củng cố và giữ vững, quyền làm chủ của người dân được phát huy.
Công tác xây dựng đảng cắm cột mốc quan trọng với Nghị quyết về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII (2-1999). Hội nghị đã khẳng định những thành tựu mà Đảng ta đã đạt được trong suốt bảy thập kỷ qua, cũng như thẳng thắn thừa nhận những vấn đề hạn chế trong Đảng. Nghị quyết đã xác định rõ nhiệm vụ của Đảng cần phải: tăng cường sự thống nhất trong Đảng về nhận thức, ý chí và hành động, kiên trì đẩy lùi bốn nguy cơ; đổi mới công tác giáo dục trong Đảng; tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; tập trung chỉ đạo chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng; củng cố tổ chức, tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức trong hệ thống chính trị…
Toàn Đảng tiến hành cuộc vận động “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, thực hiện tự phê bình và phê bình kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc của Bác và kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng. Công tác đổi mới, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ở tất cả các cấp và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu; chống suy thoái về tư tưởng đạo đức, lối sống.
Với nhiệm vụ trọng tâm là tự phê bình và phê bình, cuộc vận động đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, củng cố và kiện toàn thêm một bước bộ máy đảng các cấp. Nhiều vụ việc tiêu cực, nổi cộm đã được phát hiện và xử lý. Góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, góp phần giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.
Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ra Nghị quyết số 22-NQ/TW về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” chủ động khắc phục những biểu hiện xa rời mục tiêu, phai nhạt lý tưởng; chống chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, vụ lợi, cá nhân, trung bình chủ nghĩa; kiên quyết đấu tranh với những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, phản động, góp phần làm thất bại mọi âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Nghị quyết xác định: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng phải kết hợp chặt chẽ với thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", với xây dựng chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở vững mạnh, với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là bí thư đảng bộ, chi bộ, người đứng đầu và các cấp ủy viên”(8).
Đại hội XI của Đảng nhận định: “... công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tăng cường, đạt một số kết quả tích cực. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt được một số kết quả bước đầu. Đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới và triển vọng phát triển của đất nước”(9). Tuy nhiên, công tác xây dựng đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Trong đó, vấn đề cấp bách hiện nay là “đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” là trọng tâm, cấp bách nhất, cần tập trung chỉ đạo chặt chẽ và thường xuyên.
Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Nghị quyết yêu cầu các tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở, bắt đầu từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mỗi cấp ủy viên, đảng viên phải dũng cảm tự soi xét lại mình, đơn vị mình, tìm ra được những ưu điểm để phát huy, những sai lầm, yếu kém, khuyết điểm để có kế hoạch, biện pháp sửa chữa.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Bởi vì: “Mục đích của phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm”(10). Trong Di chúc, Bác căn dặn: “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh thực hiện tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau".
Nghị quyết Trung ương 4 đòi hỏi thực hiện kiên quyết, đồng bộ, bắt đầu từ Trung ương, thực sự hiệu quả, để Đảng ta luôn “là đạo đức, là văn minh".
----------------------------------
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, 2002, tập 11, tr. 373-374.
(2). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, tr. 48.
(3). Bác Hồ với Đại hội Đảng, Nxb CTQG, 2006.
(4). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, tập 5, tr. 261.
(5). Đảng Cộng sản Việt Nam chặng đường qua hai thế kỷ, Nxb CTQG, 2006, tr. 473.
(6), (7). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ III BCHTW khóa VII, 6-1992.
(8). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ VI BCHTW khóa X, 2008.
(9). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện ĐHĐB toàn quốc lần thứ XI, 2000, tr. 17.
(10). Sửa đổi lối làm việc, X.Y.Z.
Tô Nài Não