|
Bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc (thứ 2, trái sang), bác sĩ Hồ Xuân Lãng (thứ 2, phải sang) và bé Nguyễn Ngọc Trường Sơn vừa được sinh ra trtên đảo Trường Sa, sau ca mổ khó thành công. Ảnh: TL
|
Sau gần 3 ngày lử đử vì những cơn say sóng, tôi đã đến được với Trường Sa Lớn. Nhìn thấy những công dân tí hon trên đảo líu lo kể chuyện, mọi mệt nhọc dường như tan biến. Và niềm vui càng được nhân lên gấp bội khi tôi được ngắm nhìn công dân ít tuổi nhất của huyện đảo Trường Sa, cô bé mang cái tên thật đẹp: Nguyễn Ngọc Trường Xuân đang ngủ trong vòng tay ấm áp của mẹ...
Cái tên nhiều ý nghĩa
Nguyễn Ngọc Trường Xuân là cái tên mang rất nhiều ý nghĩa! Ngọc là tên của bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc, người đã chăm sóc và khám bệnh cho hai mẹ con bé suốt thời gian mẹ bé mang thai. Xuân là tên đệm của bác sĩ Hồ Xuân Lãng, người trực tiếp thực hiện ca mổ, giúp bé chào đời. Và Trường là Trường Sa - nơi ba mẹ bé chọn làm quê hương thứ hai. Nơi sáng sáng chiều chiều, ê a tiếng chị bé đọc bài, giọng rõ trong như át cả tiếng sóng vỗ ngoài khơi. Nhà của bé nằm khuất sau tán bàng vuông, thỉnh thoảng các chú bộ đội lại tạt vào thăm hỏi, tặng quà cho các con, nhất là quà từ đất liền gửi ra. Nơi đây, 18 năm trước, ba bé đã ghé vào xin nước ngọt trong một chuyến đi đánh cá xa bờ... Bé như mùa xuân dài lâu, mãi mãi trường tồn, như mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió này…
Đệm Ngọc
Ở Trạm xá Trường Sa Lớn mỗi người một chuyên khoa riêng. Thế nhưng khi đảm nhận công tác ở đây, mọi người đều trở thành bác sĩ… đa khoa. Từ sản, phụ khoa, phẫu thuật đến chữa giập mắt cá, té vỡ đầu, thậm chí kiêm luôn bác sĩ thú y. Đối với anh em làm nghề thầy thuốc ở đây, bất cứ bệnh gì, bất cứ bệnh nhân nào cũng đều phải cố gắng hết sức cứu chữa, tuyệt đối không thể nghĩ đến việc chuyển lên tuyến trên như ở đất liền. Các y, bác sĩ luôn tự hào và tâm niệm mình đang gánh vác niềm tin của chiến sĩ, người dân. Ở Trường Sa, bác sĩ và người bệnh như người trong một gia đình. Đảo như xóm nhỏ, mỗi lần gặp nhau đều là cơ hội hỏi thăm sức khỏe, khám bệnh cho người dân. Không chỉ cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo mà cả ngư dân đánh bắt xa bờ, khi gặp nạn đều trông chờ vào Trạm xá Trường Sa Lớn. Biển đảo tuy xa nhưng không cô độc. Tinh thần, thái độ, hành vi của các y, bác sĩ ở đây đều biểu hiện, đều như nhắn nhủ: Bà con ngư dân ra biển luôn nhớ bên cạnh bà con luôn có cả đất nước, ở mỗi đảo của mình, trên biển của mình đều có các thầy thuốc và các phương tiện cấp cứu, nếu chẳng may gặp nạn hay đau ốm bất ngờ, cứ yên tâm ghé vào đảo sẽ được chăm sóc tận tình...
Thuộc biên chế của Bệnh viện 175 (TP. Hồ Chí Minh), năm 2010, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc “đầu quân” ra đảo Trường Sa làm nhiệm vụ quân dân y.
Dù là bác sĩ khoa ngoại, chuyên chấn thương chỉnh hình nhưng bác sĩ Ngọc còn kiêm luôn nhiều “khoa” khác. Trên đảo nuôi nhiều gia súc, gia cầm. Khi chúng bị dịch bệnh, anh cùng các đồng nghiệp đã tìm cách cứu chữa. Bác sĩ Hà Ngọc thường hóm hỉnh giới thiệu tên mình là Ngọc Thúy. Anh cười vui: Trên đảo phần nhiều là đàn ông, cái tên Ngọc Thúy gợi cảm giác đó là một cô gái. Thúy còn là chữ ghép lại của “thú - y”. Thế có thú vị không? Và vì thế xin hãy đừng ngạc nhiên khi nhìn thấy tấm biển “Phòng mạch người lớn - trẻ em và gia cầm” được treo ở căn phòng nhỏ phía sau trạm!
Nhưng, sau bao năm công tác, dù nằm mơ bác sĩ Ngọc cũng chưa từng nghĩ có ngày mình trở thành bác sĩ… “đỡ đẻ”. Cùng một thời gian, trên đảo có 3 nữ “chiến sĩ” mang thai, anh thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe định kỳ của mẹ và bé. Điều thách thức nhất của anh là phải đối mặt với một ca sinh khó.
Qua siêu âm, thăm khám cho chị Nguyễn Thị Thanh Thúy bác sĩ Ngọc xác định đây là ca khó, không thể sinh thường. Chị bị u xơ tử cung. Khối u có đường kính hơn 10cm. Gần đến ngày sinh, diễn biến của thai phụ càng thêm phức tạp. Ngôi thai nằm ngang, bị thiếu ối và dây nhau quấn cổ thai nhi. Sau khi báo cáo về đất liền với lãnh đạo, Bệnh viện Quân y 175 quyết định dùng phương pháp mổ đẻ, bảo đảm an toàn cho mẹ và con.
Bố bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân, anh Nguyễn Tấn Thi, kể: “Lúc ký vào quyết định chấp nhận sinh mổ, tôi rất băn khoăn, lòng thấp thỏm không yên. Khi đó, tôi nhìn vào bác sĩ Ngọc. Bác sĩ nắm chặt tay tôi. Tôi nhận ra ánh mắt của bác sĩ vừa lo lắng, vừa quyết tâm, hy vọng”.
Ca mổ thành công, anh Tấn Thi đề nghị lấy tên bác sĩ Ngọc làm đệm cho tên con gái. Với bác sĩ Ngọc đây không chỉ là ca “đỡ đẻ” đầu tiên, nghẹt thở mà còn là một kỷ niệm đẹp trong thời gian anh là Trạm trưởng Trạm xá Trường Sa Lớn.
Nhà báo cần nhanh nhay, kịp thời
từng bài viết ngời ngời tâm phò chính
Phóng viên phải tinh tường, trung thực
mỗi dòng tin hiển hiện chí trừ tà.
Văn Ngọc Lễ
|
Tên Xuân
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa, Hồ Xuân Lãng, Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa nói đây là ca mổ nhiều áp lực nhất trong suốt gần 20 năm làm nghề của anh. Bác sĩ Lãng được cử ra đảo tăng cường ngay khi có thông tin sản phụ Nguyễn Thị Thanh Thúy mang thai ngôi ngang, nhau quấn cổ, u xơ tử cung. Anh thì mới vừa lành vết mổ do bị gẫy 2 xương chân. Nhận nhiệm vụ anh cũng băn khoăn lắm, liệu lúc tăng bo từ tàu qua xuồng, lên đảo có an toàn? Chỉ một chút sơ sẩy sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của hai mẹ con sản phụ Thuý. Nhưng là đảng viên, là bác sĩ, anh không thể chùn bước.
Lần đầu tiên đi đảo, anh cũng vật vã với ba ngày say sóng, nhưng vừa đến Trường Sa, bác sĩ Lãng đã bắt tay khám ngay cho sản phụ.
“Trong đất liền những ca thế này không khó vì có cả một ê-kíp, trang thiết bị sẵn sàng, còn ở đây trong mấy anh em, chỉ mình anh có chuyên môn sản khoa” - anh Lãng kể.
Ngày mổ, 4 chiến sĩ hải quân mang nhóm máu O được chọn đến túc trực, đề phòng trường hợp cần thiết sẽ truyền máu cho sản phụ. Toàn bộ ca mổ được nối đường truyền thông tin trực tiếp vào đất liền, dưới sự theo dõi và hướng dẫn của ba Phó giám đốc Bệnh viện 175 (Bộ Quốc phòng) là Thiếu tướng Hoàng Thanh Bình, Đại tá Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Bá Sơn, Đại tá Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn cùng 10 bác sĩ chuyên khoa.
Gần 20 năm trong nghề, bác sĩ Lãng đã mổ không ít ca khó, phức tạp hơn nhưng với trường hợp này, anh đặc biệt cẩn trọng. Cứ 3 phút, anh lại báo cáo các chỉ số huyết áp, tim mạch để chắc chắn rằng không có gì bất thường xảy ra.
10 giờ 40 phút ngày 4-4-2011, em bé của “mùa xuân dài lâu” nặng 3,2kg cất tiếng khóc, trong tiếng reo vui không chỉ của ê-kíp phẫu thuật, của người cha đang rối bời bên ngoài phòng mổ, mà còn của cả những người dân đảo, những em bé đang thập thò trước cổng trạm xá, của những anh lính hải quân thế hệ 9X trẻ măng đang sẵn sàng truyền máu từ phòng bên.
Anh Nguyễn Tấn Thi kể, lúc nghe tiếng khóc của con, anh gần như phát khóc. Biết con khỏe, mẹ khỏe, anh cứ cuống cả lên. Theo dự tính ban đầu, vợ chồng anh định vào đất liền sinh bé, nhưng đúng đợt biển thất thường, cả gia đình phải ở lại. Nỗi lo càng tăng khi bác sĩ nói phải mổ. Nhưng ca mổ thành công, nhanh hơn cả tưởng tượng khiến ông bố gần 40 tuổi cứ lúng túng không nói nên lời.
Bác sĩ Lãng tâm sự: Sung sướng khó tả!
Sau thành công của ca sinh bé Trường Xuân, công dân đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật sinh mổ ở đảo Trường Sa, những sản phụ đều có thêm tự tin. Ở Trường Sa, trong cái gió và nắng, những đứa trẻ vẫn sinh ra, lớn lên. Các em sẽ cắp cặp đến lớp và hát vang bài đảo ca: “Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa”!... Và các em sẽ lớn lên - cơ thể lớn lên, tâm hồn, trí tuệ lớn lên, các em sẽ như lớp lớp ông, cha bám biển, bám đảo, như những cây phong ba xanh thẫm. Mẹ Thúy thường ru bé ngủ bằng bài ca “Sinh ra ở Trường Sa” mà bác sĩ Trần Hồng Sơn và nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã sáng tác tặng bé: “…Sinh ra ở Trường Sa, phần máu thịt Tổ quốc giữa trùng khơi sóng. Rạng ngời niềm vui giữa đảo xa - đất liền chào đón mầm sống mới giữa Trường Sa. Nguyễn Ngọc Trường Xuân, sẽ mãi như mùa xuân vĩnh hằng. Mùa xuân hoà bình và hạnh phúc mà biết bao máu xương đã đổ xuống giữ gìn...!”.
Rời Trường Sa, mãi mãi trong tôi niềm cảm phục các y, bác sĩ, nhất là những chiến sĩ nam và nữ, những người đã, đang và sẽ tiếp tục ươm, giữ mầm xanh cho Trường Sa. Hạnh phúc biết bao khi ngắm nhìn màu xanh đầy sức sống của cây bàng vuông, sự hiên ngang của cây phong ba, lắng nghe tiếng hát của những em bé, đắm nhìn ánh mắt ấm áp của những bà mẹ trẻ và sự tin tưởng ngời sáng trên gương mặt của những ông bố trên những hòn đảo của quần đảo Trường Sa...
Như Lê