Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và bắt nhịp ngay với phong trào đấu tranh của giai cấp công - nông, đã tiếp thêm sức mạnh và lãnh đạo công nông chống lại thực dân Pháp xâm lược và phong kiến tay sai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng công nông đã liên kết chặt chẽ với nhau làm nên cao trào cách mạng 1930 – 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong cuộc tổng diễn tập đầu tiên này, đã xuất hiện những đội tự vệ, xích vệ đỏ - lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên. Chính những xích vệ ấy đã đi đầu trong việc bảo vệ các làng đỏ trong quá trình tồn tại Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Lực lượng vũ trang nhân dân từ khi ra đời trong mỗi giai đoạn, thời điểm lịch sử của đất nước đều thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình trong cuộc đấu tranh vũ trang giải phóng dân tộc. Mở đầu là thời kỳ vận động trực tiếp Cách mạng Tháng Tám (1939-1945), đặc biệt là thời điểm nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (9-1940). Đội du kích Bắc Sơn được chính thức thành lập vào ngày 14-2-1941 tại khu rừng Khuỗi Nọi, xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn (Lạng Sơn). Đội có 32 người chia làm 3 tiểu đội do đồng chí Lương Văn Chi và Chu Văn Tấn chỉ huy. Vũ khí chỉ có 5 khẩu súng trường, còn lại là súng kíp và dao găm. Đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương Đảng công nhận và giao nhiệm vụ cho đội. Sau Hội nghị Trung lần thứ 8 (5-1941), đồng chí Phùng Chí Kiên được cử phụ trách khu căn cứ Bắc Sơn, Võ Nhai. Đội du kích Bắc Sơn được mang tên mới là Cứu quốc quân cho phù hợp với nhiệm vụ cứu nước trước mắt. Cũng lúc ấy, ở Nam Bộ, đội du kích Nam Kỳ đã xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940.
Cùng với nhân dân các dân tộc Bắc Sơn, Võ Nhai, Cứu quốc quân đối đầu với cuộc càn quét của 4.000 quân Pháp, khố xanh, khố đỏ và lính dõng. Các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lương Văn Chi hy sinh và hàng chục đội viên khác của đội bị sát hại hay xử bắn ngay ở chân đồn Mỏ Nhài. Ngày 15-9-1941, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Quốc Việt, trung đội Cứu quốc quân 2 được thành lập tại khu rừng Khuôn Mánh, thôn Ngọc Mỹ, xã Tràng Xá, Võ Nhai với 47 chiến sĩ (3 nữ) do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy. Tại Pắc Bó, Cao Bằng, Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập đội du kích Cao Bằng - nơi có phong trào Việt Minh đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Ngày 25-2-1944, trung đội Cứu quốc quân 3 thành lập ở Khuối Kịch, châu Sơn Dương - Tuyên Quang.
Lực lượng Cứu quốc quân tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Lúc này, tình thế cách mạng đã xuất hiện, nhiệm vụ giải phóng dân tộc được Đảng đặt lên hàng đầu nhưng thời cơ cách mạng chưa chín muồi. Vì vậy, sau hơn một năm bị bọn Tưởng Giới Thạch giam giữ trái phép ở Quảng Tây - Trung Quốc, Hồ Chí Minh trở về Cao Bằng, kịp thời hoãn lệnh khởi nghĩa của Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng vì thời cơ khởi nghĩa chưa đến. Bác chỉ rõ: “Hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới”.
Tháng 12-1944, Người đã chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách. Bản chỉ thị lịch sử này là một văn kiện có tính chất cương lĩnh quân sự của Đảng, đề cập một cách toàn diện đường lối, phương châm, tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang cách mạng, bao gồm các vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng ta như: Kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, phương châm xây dựng 3 thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích. Bác nói: “... Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội đàn anh mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu qui mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam” (1).
Như vậy, cùng với bước phát triển mạnh mẽ của các đội cứu quốc quân và lực lượng vũ trang, ngày 22-12-1944, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh ủy nhiệm lãnh đạo, đội biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng và đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lịch sử quân đội ta.
Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - lực lượng chủ lực đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam ngay từ ngày đầu mới ra đời đã thể hiện sức mạnh của đội quân tiên phong, mưu trí, táo bạo, hạ hai đồn Phay Khắt (24-12) và Nà Ngần (25-12) trong hoàn cảnh “ăn mỗi ngày một bữa, đánh mỗi ngày hai trận”. Để phù hợp với tình hình cách mạng, theo quyết định của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân đã thống nhất lại vào ngày 15-5-1945 với tên gọi mới: Việt Nam giải phóng quân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam giải phóng quân đã cùng nhân dân Việt Nam giành thắng lợi “long trời lở đất” đầu tiên – cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quân đội ta mang tên Vệ quốc đoàn - đánh dấu thời kỳ hình thành, phát triển mới của quân đội Việt Nam.
Ngày 22-5-1946, theo Sắc lệnh 07/SL của Chủ tịch nước, Vệ quốc đoàn đã đổi tên thành Quân đội quốc gia Việt Nam. Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Đội quân từ nhân dân mà ra đã phát huy vai trò tiên phong của mình, liên tiếp lập nên những chiến công hiển hách ở thế kỷ XX. Thắng lợi của trận Điện Biên Phủ năm 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là thắng lợi đầu tiên của quân đội một dân tộc thuộc địa đánh bại một quân đội thực dân hùng mạnh, đánh dấu sự tan rã của hệ thống thuộc địa thực dân kiểu cũ trên toàn thế giới.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, Quân đội nhân dân Việt Nam với tên gọi lịch sử là Giải phóng quân miền Nam đã góp phần quyết định cùng toàn dân “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam vào mùa Xuân 1975, thu non sông về một mối, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hoà bình lập lại, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn mới, Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là đội quân chiến đấu mà còn là đội quân lao động sản xuất, công tác.
Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện theo nguyên lý xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân. Từ ngày thành lập đến nay, Quân đội ta luôn mang trong mình bản chất tốt đẹp của giai cấp công nhân, thể hiện sâu sắc tính nhân dân và tính dân tộc. 67 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn vững vàng trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, hy sinh phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xứng đáng với vai trò, sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trên mỗi chặng đường cách mạng, Quân đội ta đã viết nên những trang sử vàng chói lọi, xây đắp nên những phẩm chất, truyền thống cách mạng vẻ vang, xứng đáng với lời ngợi khen của Bác Hồ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” (2).
Thực tiễn chứng minh, hơn 67 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, trong bất luận hoàn cảnh nào, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn luôn một lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, luôn giương cao ngọn cờ bách chiến, bách thắng, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng cao cả của Đảng, của dân tộc.
Quân đội ta cùng với toàn dân hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, xây dựng chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, bảo vệ thành quả cách mạng, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, xây đắp nên truyền thống vẻ vang của một quân đội anh hùng sinh ra từ một dân tộc anh hùng, “… sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
----------------------
(1): Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, NXB CTQG, H.2000, tr.507 - 508.
(2): Sách đã dẫn, tập 11. tr.350.
Phạm Thị Nhung, Vũ Quang Hiệp
Trường Sỹ quan Lục quân 2