Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng chân chính cách mạng, nhận sứ mệnh lãnh đạo dân tộc giành độc lập, tự do.
Trải qua nhiều thăng trầm, vượt lắm nguy nan, thác ghềnh hiểm trở, Đảng Cộng sản Việt Nam - người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, bất khuất, kiên cường, sai lầm thì gắng sửa, vấp ngã lại đứng lên, đầu rơi máu chảy không lùi bước, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, đã cùng nhân dân “xây lầu thắng lợi”, rửa sạch nỗi nhục mất nước cho toàn dân tộc. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mọc, xé tan màn đêm tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong. Cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân đã đem lại cho nước ta “vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc” (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Vượt lên trên mọi bộn bề của cuộc sống hôm nay, bình tĩnh nghĩ suy về chặng đường dài 82 năm đã trải, chúng ta càng thấu hiểu, yêu quý, trân trọng sự nghiệp mà cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng những nỗ lực phi thường đã giành và giữ các giá trị nhân văn cao cả - quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, công bằng xã hội và tương thân, tương ái.
Tổ quốc ta đời đời ghi nhớ công lao vĩ đại của mấy thế hệ con dân nước Việt đã hy sinh cho sự nghiệp vĩ đại đó!
Lịch sử dân tộc mãi mãi ghi nhận những cống hiến lớn lao của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà “với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại”. Đảng ta vĩ đại bởi vì Đảng ta đã từng là đại biểu đích thực cho trí tuệ, lương tâm, danh dự của nhân dân các dân tộc Việt Nam, là người duy nhất chỉ đường, dẫn lối cho nhân dân trong đấu tranh giành độc lập tư do. Sau thắng lợi vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, với mong muốn đất nước mau chóng thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu, Đảng đã đề ra các chủ trương, biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện. Nhưng do chủ quan, nóng vội, thiếu khoa học, tình trạng bảo thủ trì trệ, nên Đảng ta đã mắc một số sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng cả về chủ trương chiến lược lẫn chỉ đạo thực tiễn.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VI, (năm 1986) Đảng đã công khai, nghiêm khắc tự phê bình, chỉ rõ căn nguyên của khuyết điểm và tìm biện pháp sửa chữa. Đảng đã đề ra đường lối đổi mới, đổi mới tư duy, đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới quản lý, đổi mới tổ chức, đổi mới đội ngũ cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác… để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong mấy chục năm qua, kiên quyết phấn đấu thực hiện đường lối đổi mới, khởi nguyên từ Nghị quyết Đại hội VI, các tổ chức đảng và nhiều cán bộ, đảng viên đã nỗ lực vươn lên đáp ứng những yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, cùng các tầng lớp nhân dân làm cho đất nước đạt được những tiến bộ quan trọng trên một số lĩnh vực chủ yếu, tạo đà thoát khỏi tình trạng khủng hoảng đã kéo dài nhiều năm. Tuy vậy, nhìn lại một chặng đường dài ngót 30 năm đổi mới cho tới nay, đất nước ta vẫn đang còn đứng trước rất nhiều khó khăn, phức tạp; hàng loạt vấn đề kinh tế-xã hội đang đòi hỏi phải giải quyết một cách vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài. Những biến đổi đa dạng nhiều màu sắc của thế giới cùng những sai lầm khuyết điểm trong chủ trương và điều hành nền kinh tế, trong đời sống dân chủ, tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân… tuy phát hiện lâu rồi, có nhiều chủ trương, nhiều cuộc vận động lớn nhưng nói nhiều làm ít, sự chuyển biến chậm đang tác động sâu sắc vào tâm tư, tình cảm, đời sống chính trị và tinh thần của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Mục tiêu phấn đấu cho đất nước giàu mạnh nhưng nhân dân phải được sống trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh vẫn đang còn là vấn đề cần phải hiện thực hóa. Vận mệnh của Đảng, của chế độ đang là vấn đề chính trị nóng bỏng, phụ thuộc vào việc giải quyết những việc cụ thể trong đời sống thực tiễn kinh tế-xã hội cấp bách hiện nay. Lịch sử đang đặt lên vai Đảng Cộng sản Việt Nam những trọng trách nặng nề. Để làm tròn sứ mệnh của mình, hơn bất cứ lúc nào, Đảng cộng sản Việt Nam cần làm tốt hơn nữa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Đó là lời di huấn thiêng liêng của Người đối với toàn Đảng trong bước ngoặt lịch sử hiện nay.
Mùa xuân này, nhân dân ta lại một lần nữa được thắp sáng lên niềm hy vọng bởi Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) vừa có Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nhân dân ta lại được nghe những lời đã trở thành kinh điển trong kho tàng lý luận chính trị của dân tộc rằng: “… Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta; công tác xây dựng đảng luôn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta”. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đại hội XI của Đảng tiếp tục yêu cầu phải xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo…, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đại hội đã đề ra 8 nhiệm vụ cơ bản có tính hệ thống, toàn diện về xây dựng Đảng cần phải thực hiện có hiệu quả… Trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư đã thẳng thắn thừa nhận: “Đây là công việc rất khó khăn, phức tạp; chúng ta đã tiến hành thường xuyên, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, với nhiều biện pháp, nhiều cuộc vận động, làm cho Đảng ta ngày càng tiến bộ, trưởng thành; song kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Các mặt khuyết điểm, yếu kém chưa khắc phục được bao nhiêu, có mặt còn phức tạp thêm, gây băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…”. Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm: Nhiệm kỳ này phải làm sao tạo ra được những chuyển biến rõ rệt về lĩnh vực này, trong đó ba vấn đề đang thực sự cấp bách, cần làm ngay, với mong muốn tạo ra được những kết quả cụ thể, rõ rệt để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đó là: “(1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị.”. Nhân dân rất đồng tình với ý kiến của Tổng Bí thư rằng: “Khi đánh giá tình hình và nguyên nhân, cần nhìn thẳng vào sự thật, bình tĩnh, khách quan, không phiến diện; chỉ ra cả mặt thành tựu và yếu kém; phân tích toàn diện cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan… Cần nghiêm túc phân tích thật sâu sắc những nguyên nhân chủ quan, chỉ ra những căn bệnh gốc rễ, như: do không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, mang nặng chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội thực dụng; buông lỏng các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng; quan liêu, xa dân, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; việc tổ chức thực hiện nghị quyết không đến nơi đến chốn, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Đặc biệt, có một câu hỏi lớn, rất day dứt, trăn trở lâu nay cần được trả lời cặn kẽ là: Vì sao công tác xây dựng Đảng được Trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu? Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí, hư hỏng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng? Vướng mắc chính là ở chỗ nào?”.
Về giải pháp, cần xác định những việc cần và có thể làm ngay và những việc cần phải có thời gian chuẩn bị. Những việc cần và có thể phải làm ngay là: “Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành kiểm điểm, đánh giá, làm rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đẩy mạnh chỉ đạo việc học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết từng vấn đề cấp bách, những việc cần làm ngay, xác định rõ về công việc, thời gian hoàn thành và người chịu trách nhiệm cụ thể. Nghiêm túc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý dứt điểm một số vụ việc mà dư luận quan tâm; cải tiến, nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…”.
Chúng ta biết rằng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó, rất phức tạp, vì nó liên quan đến xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đảng ta đã làm, làm nhiều, làm thường xuyên và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nếu không làm thì không có được những thành quả như ngày nay. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, trước thực trạng những yếu kém, khuyết điểm, hơn lúc nào hết, Đảng ta càng phải đặc biệt coi trọng hơn nữa nhiệm vụ xây dựng Đảng như Đại hội XI đã chỉ ra, tạo bước chuyển thực sự trong công tác này. “Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Ban Chấp hành Trung ương phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại; và không được để ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị thường xuyên của chúng ta.”
Mùa xuân này phải là “mùa” đưa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào cuộc sống, cần phải coi là mùa bắt sâu, nhổ cỏ và vun xới cho mùa xuân thực sự là Tân xuân, tái tạo và sinh thành, phát triển của Đảng. Mùa xuân này phải là mùa học thật và làm thật nghiêm chỉnh những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghĩa là:
Các tổ chức đảng giữ đúng “tư cách của Đảng chân chính cách mạng” thấm nhuần và thực hành những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”. Nâng cao trình độ lý luận và năng lực công tác; xuất phát từ lợi ích của nhân dân mà hành động. “Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng” và “phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm tra những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không”. Giữ vững nguyên tắc và quan hệ chặt chẽ với quần chúng để lãnh đạo và học tập quần chúng. Hiểu dân chúng, vì lợi ích của dân chúng và nâng cao dân chúng là sứ mệnh chính trị của Đảng. Muốn vậy, “Đảng phải giữ kỷ luật nghiêm từ trên xuống”, “phải tẩy bỏ những phần tử hủ hoá ra ngoài”, “phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào; Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hoá ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”.
Đảng chỉ mạnh khi mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cán bộ, đảng viên đều mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt nhưng phải có cái chất của người đảng viên.
Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng, mình vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân. Bác nhấn mạnh: Làm đầy tớ nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân.
Lãnh đạo là làm đầy tớ nhân dân và phải làm cho tốt, các cô, các chú hiểu chưa”. (1)
Đảng ta đã và vẫn đang có nhiều đảng viên tốt, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ. Nhưng cũng có không ít đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao, thoái hoá, biến chất, hư hỏng. Họ đã làm ô danh những người cộng sản, làm tổn thương nặng nề uy tín của Đảng đối với nhân dân và chính họ là lực cản, phá hoại chủ trương đổi mới nhằm xây dựng, phát triển đất nước, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Rèn luyện đạo đức, giữ gìn phẩm chất cách mạng, nâng cao trình độ hiểu biết, nâng cao năng lực công tác, việc gì có lợi cho dân phải gắng sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh là nghĩa vụ của mỗi đảng viên cộng sản. Tự phê bình và phê bình là biện pháp tốt nhất để làm được như vậy, đúng như Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ: Các đồng chí từ Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến các tỉnh uỷ, thành uỷ, các cấp ủy và từng đảng viên phải nghiêm khắc tự phê bình và phê bình với tinh thần đoàn kết, xây dựng nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, vững bước đi lên.
Chúng ta cần loại ra khỏi Đảng những phần tử cơ hội, những con sâu mọt, tham nhũng, những kẻ quan liêu, chuyên quyền, độc đoán, trù dập, ức hiếp nhân dân - những kẻ đã tự “đánh mất mình”, bán rẻ lương tâm và danh dự cộng sản cho những dục vọng thấp hèn... và kết nạp vào Đảng những người ưu tú nhất trong công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, dân tộc thiểu số, phụ nữ và những người trẻ tuổi nguyện phấn đấu cho sự phồn vinh của đất nước, hạnh phúc của đồng bào. Cuộc tự phê bình và phê bình lần này cần phát huy dân chủ ở trong Đảng và trong xã hội, chỉ dựa vào sự tự giác của đảng viên là chưa đủ, cần có sự hưởng ứng tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là phải tin và dựa vào sự hỗ trợ của nhân dân.
Cuộc sống đang vận động tiến lên theo đúng quy luật khách quan, nó đòi hỏi Đảng lãnh đạo phải thực sự đổi mới và nâng cao chất lượng sự lãnh đạo của mình, vươn lên ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, đòi hỏi mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự xứng đáng danh hiệu cộng sản, “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, để lãnh đạo nhân dân, cùng nhân dân vượt qua khó khăn, vững vàng tiến bước trên con đường độc lập, tự do, con đường duy nhất dẫn tới ấm no, hạnh phúc, công bằng xã hội, con đường Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt lựa chọn.
Lịch sử cũng đã chứng minh: Đảng ta là một đảng có bề dạy kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng. Không những trong đấu tranh giải phóng dân tộc mà trong những lúc gian nguy, vận mệnh đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc” Đảng ta vẫn tìm được lối thoát và tiến lên. Vấn đề hiện nay của chúng ta, nói như một người anh hùng, một triết gia nổi tiếng thời cổ đại là: Cần những cánh tay sẵn sàng chứ không cần những cái lưỡi sắn sàng. Đó cũng là triết lý của Hồ Chí Minh: Nói phải đi đôi với làm, nói ít làm nhiều và làm có kết quả, là một hành động gương mẫu có giá trị gấp nhiều lần bài diễn văn.
Mùa xuân đến, kỷ niệm Ngày thành lập Đảng năm nay, nhân dân ta vững lòng tin vào tương lai tốt đẹp của dân tộc, tin rằng cái ác, những cái bất lương, trái với đạo lý dân tộc, trái với lý tưởng cao đẹp của Bác Hồ, mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang phấn đấu, sẽ lụi tàn và những cái thiện, tựa như những mầm xanh đang trỗi dậy sẽ vươn cao mãi.
Mùa xuân này phải là mùa chỉnh đốn và xây dựng Đảng, xây dựng từng con người đảng viên cộng sản, từ đồng chí có cương vị cao nhất đến mọi đảng viên để mùa xuân dân tộc sáng mãi ngọn cờ hồng của Đảng.
-----------------
(1) Hồ Chí Minh Về xây dựng Đảng, NXB CTQG-ST,1992, trang 223.
Trần Đình Huỳnh