Đổi mới công tác thanh niên ở Đồng Nai

Về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, các cấp ủy đảng trong tỉnh thường xuyên chỉ đạo, định hướng cho các cấp bộ đoàn đổi mới nội dung, cải tiến phương thức hoạt động, tăng cường giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động “Tuổi trẻ Đồng Nai học tập và làm theo lời Bác”, giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc, của vùng đất miền Đông Nam bộ và tỉnh Đồng Nai cho thanh, thiếu niên.

Về giải quyết việc làm, đào tạo trình độ tay nghề cho thanh niên, hằng năm, tỉnh đều tổ chức các chương trình như Ngày hội việc làm, Sàn giao dịch việc làm nhằm thu hút và giới thiệu lao động trẻ đến làm việc tại các khu công nghiệp. Từ năm 2004 đến nay, đã giải quyết việc làm cho 520.400 người, trong đó có 379.000 thanh niên (chiếm 73%). Trong số này, có 4.900 thanh niên là bộ đội xuất ngũ, đồng thời đưa 1.500 thanh niên đi làm việc và học nghề ở nước ngoài.

Các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trong đoàn viên thanh niên được các cấp bộ đoàn đẩy mạnh, xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả cao như: Câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế; sản xuất xen canh cây ổi và cây mít nghệ của đoàn viên thanh niên xã Suối Cát, Suối Cao (huyện Xuân Lộc); nuôi heo rừng, gà sao, trồng hoa lan của đoàn viên thanh niên xã Phú Hội, Long Thọ, Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch), mô hình nuôi cá rô đồng của đồng chí Lê Xuân Thanh, Bí thư Đoàn xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom)...

Hằng năm, Tỉnh đoàn Đồng Nai đều phối hợp với ngành công an, tư pháp và Liên đoàn Lao động tổ chức tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong các khu nhà trọ có nhiều công nhân lao động. Các cấp bộ đoàn tiếp tục phối hợp với công an thực hiện phòng chống tội phạm trong thanh thiếu niên, tổ chức phát động đoàn viên thanh niên đăng ký cam kết “Vì môi trường không ma túy”, đến nay 100% cơ sở đoàn đã đăng ký thực hiện. Tổ chức tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên thực hiện cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”, giúp thanh niên nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, tích cực tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, các cấp bộ đoàn đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cử hàng ngàn cán bộ trẻ đi đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước. Từ năm 2008 đến nay, đã đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 5.000 lượt cán bộ đoàn, tổ chức 1 lớp trung cấp chính trị và thanh vận cho 70 đồng chí. Tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu thực hiện chính sách thu hút cán bộ, công chức có trình độ đại học, cao đẳng về công tác tại các xã, phường, thị trấn; qua 3 năm triển khai, đến nay đã tổ chức 5 đợt tuyển dụng và thu hút được 360 người, chủ yếu là thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học.

Xác định công tác xây dựng đoàn vững mạnh là xây dựng đảng trước một bước, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành Quy chế cán bộ đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai; tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp thanh niên. Trong 3 năm qua, Đoàn đã giới thiệu, bồi dưỡng được hơn 11.000 đoàn viên ưu tú và đã kết nạp vào Đảng 4.900 đồng chí (đạt tỷ lệ 44%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh niên của tỉnh Đồng Nai vẫn còn những hạn chế như: Một số cấp ủy đảng lãnh đạo công tác thanh niên chưa sâu sát, toàn diện. Việc xây dựng các chương trình hành động ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa sát với thực tế địa phương, đơn vị. Công tác quy hoạch cán bộ đoàn chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, chưa làm tốt việc phát hiện, tạo nguồn, chưa động viên, khuyến khích cán bộ, trí thức trẻ có năng lực làm công tác thanh niên. Kinh phí hoạt động của tổ chức đoàn, công tác thanh niên còn hạn hẹp. Việc đầu tư xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ lành mạnh cho thanh, thiếu niên chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng hoạt động của chi đoàn ở địa bàn dân cư, trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn yếu; tổ chức đoàn ở một số nơi hoạt động mang tính bề nổi, chưa đi vào chiều sâu. Chất lượng thanh niên giới thiệu kết nạp đoàn và tỷ lệ đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt định kỳ còn thấp, nhất là ở địa bàn dân cư. Nội dung, hình thức sinh hoạt đoàn chưa phong phú, thiết thực và thiếu sức hấp dẫn nên chưa thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia.

Thời gian tới, để hoạt động đoàn và công tác thanh niên ở Đồng Nai đạt kết quả cao, các cấp ủy ở Đồng Nai xác định lãnh đạo công tác thanh niên theo hướng sau:

Một là, các cấp ủy đảng tiếp tục chỉ đạo hệ thống chính trị quán triệt Kế hoạch 96-KH/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của thanh niên và công tác thanh niên.

Hai là, tăng cường lãnh đạo công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ đoàn các cấp, xây dựng lộ trình, giải pháp về công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt của đoàn một cách thiết thực. Ban Tổ chức Tỉnh ủy cần nghiên cứu xây dựng kế hoạch mở các lớp cử nhân, trung cấp, cao cấp lý luận chính trị dành riêng cho cán bộ đoàn các cấp để đạt chuẩn về trình độ chính trị. Ban Dân vận Tỉnh ủy tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án chuyên đề về công tác lãnh đạo và quản lý 8 nhóm đối tượng thanh niên trên địa bàn tỉnh (bao gồm: thanh niên công nhân, thanh niên nông thôn, thanh niên đô thị, thanh niên trường học, thanh niên là trí thức, thanh niên tôn giáo, thanh niên dân tộc ít người, thanh niên trong lực lượng vũ trang) để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Quan tâm công tác xây dựng, kiện toàn bộ máy tổ chức đoàn từ tỉnh đến cơ sở, làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội đoàn các cấp vào năm 2012.

Ba là, các cấp chính quyền tiếp tục cụ thể hóa một số chính sách liên quan đến thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên được học tập, phát triển toàn diện nhất là các đối tượng tài năng trẻ, thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ, thanh niên dân tộc ít người… Tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư, nâng cấp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trung tâm đào tạo nghề; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, tăng cường công tác giáo dục pháp luật để thanh niên có điều kiện phát triển toàn diện.

Bốn là, các cấp bộ đoàn cần chủ động phối hợp với các ngành để đa dạng hóa hoạt động của thanh niên, huy động các nguồn lực chăm lo cho sự phát triển của thanh niên, tạo môi trường cho đoàn viên rèn luyện. Tổ chức điều tra, nắm chắc tình hình thanh niên; tăng cường công tác tập hợp thanh niên trên từng địa bàn; nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn, tạo ra sức hấp dẫn để thu hút thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia; chú trọng xây dựng tổ chức đoàn, hội ở địa bàn dân cư, các doanh nghiệp và trường học.

Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong đoàn viên thanh niên, các cơ sở đoàn, hội có nhiều thành tích trong công tác đoàn và phong trào thanh niên; tăng cường bồi dưỡng và giới thiệu đoàn viên ưu tú để tổ chức đảng xem xét, kết nạp; chăm lo xây dựng Đội Thiếu niên tiền phong, tạo nguồn cho công tác xây dựng và phát triển các tổ chức đoàn, hội.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất