Thời gian qua, cấp ủy huyện ở các tỉnh duyên hải miền Trung đã từng bước đổi mới phương pháp lãnh đạo phù hợp với thực tiễn địa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, cơ sở hạ tầng tốt hơn, nông thôn ngày càng phát triển. Cấp ủy huyện đã lãnh đạo chính quyền cấp huyện tăng cường quản lý, khai thác tiềm năng, thế mạnh, hạn chế yếu kém, tranh thủ cơ hội, đẩy lùi khó khăn, thách thức và đã đạt được nhiều mục tiêu đề ra. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập cần khắc phục.
Vai trò lãnh đạo của một số cấp ủy huyện về phát triển kinh tế hiệu quả còn hạn chế. Một số cấp ủy chưa tập trung đúng mức trong lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cấp xã về phát triển kinh tế, nhiều khi chưa có định hướng cụ thể. Hệ thống tổ chức bộ máy của một số cấp ủy huyện, nhìn chung, chưa tinh giản, gọn nhẹ. Tình trạng chồng chéo, trùng lặp với một số phòng, ban của chính quyền vẫn còn. Số lượng cán bộ, nhân viên các phòng, ban thuộc cấp ủy có nơi bình quân tăng so với quy định từ 8 đến 10%. Nhiều phòng, ban cấp uỷ huyện hiệu quả hoạt động còn thấp, trách nhiệm, quyền hạn chưa rõ ràng.
Định hướng trong lãnh đạo về phát triển kinh tế ở một số vấn đề vẫn còn tình trạng chưa rõ, chưa cụ thể. Chẳng hạn, vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân là nội dung quan trọng nhưng phát triển như thế nào thì một số cấp ủy huyện chưa có chủ trương thật rõ để định hướng chính quyền thực hiện. Một số cấp ủy viên huyện vẫn coi công nghiệp hóa là đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Do đó, một số chính quyền cấp huyện coi trọng phát triển nhanh số lượng các cụm công nghiệp, chưa chú ý đến hiệu quả và môi trường.
Theo số liệu điều tra, hiện ở các tỉnh duyên hải miền Trung có khoảng 15-20% khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiệu quả thấp, công nghệ lạc hậu, chiếm trên 3,6 nghìn ha (21% diện tích đất nông nghiệp) và chưa có biện pháp bố trí lại đất cho nông dân tiếp tục sản xuất. Một số cấp ủy huyện vẫn có tình trạng bao biện, làm thay chính quyền như cho thuê đất đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, chỉ định thầu… dẫn tới sự bị động, thiếu tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền trong tổ chức thực hiện. Tính thống nhất, đồng bộ giữa một số văn bản của cấp ủy huyện với chính quyền khi ban hành chưa cao, còn có sự trùng lặp về nội dung.
Một số ủy ban kiểm tra của huyện ủy hiệu quả hoạt động còn hạn chế, nhiều trường hợp kiểm tra đã xác định rõ nguyên nhân, nhưng vẫn chưa có biện pháp uốn nắn kịp thời, thiếu kiên quyết, còn để kéo dài. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phàn nàn về thủ tục hành chính, quy định của chính quyền, nhưng cấp uỷ vẫn chưa có biện pháp lãnh đạo khắc phục kịp thời, hiệu quả.
Một số cấp ủy chưa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo trong giải quyết việc làm cho số lao động bị thu hồi đất, việc đền bù chưa thỏa đáng, gây bức xúc cho người dân. Đến nay, khoảng 20% hộ nông dân bị thu hồi đất gặp khó khăn, 27% lao động chưa được đào tạo nghề để tìm việc làm mới.
Những hạn chế, bất cập trên do các nguyên nhân chủ yếu sau:
- Chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của cấp uỷ huyện về lãnh đạo kinh tế đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể, phù hợp, dẫn tới làm giảm tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cấp ủy.
- Năng lực lãnh đạo của một số cấp ủy viên huyện hạn chế, chưa nhạy bén phát hiện, tổng hợp, xử lý vấn đề kịp thời, có hiệu quả.
- Chưa phân định rạch ròi chức năng lãnh đạo của cấp ủy và chức năng quản lý của chính quyền huyện đối với quá trình phát triển kinh tế. Do vậy, một số cấp ủy không tập trung vào thực hiện chức năng, nhiệm vụ chủ yếu.
- Chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra thực hiện chức năng lãnh đạo chính quyền, để uốn nắn những sai lệch của chính quyền trong phát triển kinh tế.
- Một số chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa phù hợp, nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi, ảnh hưởng đến quá trình lãnh đạo của cấp ủy huyện đối với chính quyền.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp uỷ huyện đối với quá trình phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), cần quan tâm thực hiện những nội dung chủ yếu sau:
Một là, các cấp ủy huyện ở các tỉnh duyên hải miền Trung cần tiến hành rà soát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế: Kinh tế nông thôn, việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xuất khẩu, đầu tư, đặc biệt là phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng... Cần đánh giá khách quan những thành quả và hạn chế trong lãnh đạo để có những biện pháp phù hợp. Khắc phục khuynh hướng hoặc là chưa phát huy đầy đủ vai trò lãnh đạo, hoặc là can thiệp quá sâu vào công việc của chính quyền. Sớm hoàn thiện, cụ thể hoá quy định về chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ huyện đối với chính quyền trong phát triển kinh tế. Gắn trách nhiệm của mỗi cấp ủy viên, nhất là bí thư cấp uỷ trong lãnh đạo chính quyền phát triển kinh tế địa phương.
Hai là, nội dung quan trọng nhất là định hướng lãnh đạo phát triển kinh tế cho chính quyền về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, những nguy cơ, hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế, quản lý nhà nước. Tập trung xây dựng mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý chí, niềm tin cho chính quyền, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và người dân, tạo động lực, sức mạnh tổng hợp trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển. Kiện toàn bộ máy, tinh giản biên chế, kiên quyết chống tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các phòng, ban tham mưu cho cấp uỷ.
Ba là, tập huấn cho cấp ủy huyện về đổi mới phương pháp, cách thức lãnh đạo kinh tế trên địa bàn huyện. Thực hiện tốt mô hình thí điểm “Cấp ủy huyện lãnh đạo phát triển kinh tế”. Quan tâm bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành, liên ngành, khả năng phát hiện, tổng hợp vấn đề, xử lý tình huống. Đảm bảo các cấp ủy viên có trình độ chuyên sâu, có nhãn quan chính trị, nắm vững chính sách, pháp luật về kinh tế, có phong cách làm việc, nghệ thuật ứng xử văn hóa. Thực hiện bố trí “đúng người, đúng việc” gắn quyền hạn với trách nhiệm của cấp ủy viên.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, kịp thời uốn nắn những sai lệch và xử lý những trường hợp cố ý vi phạm. Xây dựng mối quan hệ giữa ủy ban kiểm tra của cấp ủy và thanh tra nhà nước trên địa bàn huyện trong quá trình thực hiện. Khắc phục sự thiếu phối hợp, chưa thống nhất giữa hai cơ quan này.
Năm là, tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động, cơ chế quản lý của chính quyền cấp huyện. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật kinh tế nhằm tạo điều kiện cho sự lãnh đạo của cấp ủy và sự quản lý của chính quyền cấp huyện về kinh tế được thuận lợi, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ cơ hội và có biện pháp đẩy lùi nguy cơ trong quá trình phát triển của địa phương và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hằng năm, cấp ủy huyện phải tổ chức đánh giá, tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm, phát hiện những nhân tố mới, những thành công và hạn chế, bất cập trong quá trình lãnh đạo chính quyền. Coi trọng trưng cầu ý kiến của người dân, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, các hiệp hội để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy huyện đối với chính quyền trong phát triển và quản lý kinh tế .
PGS, TS. Nguyễn Thế Tràm
Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III