Một trong những vị lãnh tụ tiền bối vĩ đại của sự nghiệp cách mạng giải phóng nhân loại, đồng thời được nhân loại tôn vinh là nhà bách khoa về nhiều lĩnh vực khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học quân sự cho đến nay, đó chính là Ph.Ăng-ghen. Người đã cùng C.Mác khám phá lý luận quân sự cách mạng của giai cấp vô sản, góp phần xây dựng kho tàng tri thức quân sự của nhân loại, với cách nhìn hoàn toàn mới mẻ, khoa học và cách mạng. Di sản tư tưởng quân sự của Ph.Ăng-ghen không những có giá trị lịch sử to lớn mà còn có ý nghĩa hiện thực đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN của chúng ta trong thời đại hiện nay.
Trước Ph.Ăng-ghen, các nhà tư tưởng đều không thể giải thích một cách khoa học về hiện tượng chiến tranh và quân đội, do họ có cái nhìn duy tâm về lịch sử. Hơn nữa, với phương pháp tiếp cận siêu hình, máy móc nên họ không thể vạch ra mối liên hệ hữu cơ giữa hiện tượng chiến tranh với đời sống kinh tế - xã hội, cho rằng chiến tranh là tai họa ngẫu nhiên của lịch sử, là ý chí của "đấng siêu nhiên" nhằm trừng phạt con người, là phạm trù vĩnh viễn gắn với "bản năng xâm kích" của con người. Chính Ph.Ăng-ghen với nhãn quan duy vật và phương pháp luận biện chứng trong xem xét lịch sử cùng với tri thức lý luận - thực tiễn quân sự thiên tài, đã nhận rõ những hạn chế đó và đã cùng C.Mác tạo nên bước ngoặt cách mạng vĩ đại, đặt nền tảng thế giới quan, phương pháp luận khoa học vững chắc cho lý luận về chiến tranh và xây dựng quân đội. Ph.Ăng-ghen đã đứng vững trên lập trường duy vật lịch sử trong phân tích các vấn đề chiến tranh và quân đội. Qua hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như "Chiến tranh nông dân ở Đức", "Tiểu luận về chiến tranh", "Quân đội", "Chống Đuy-rinh", "Vai trò của bạo lực trong lịch sử", " Châu Âu có thể giải trừ quân bị được không"... các khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật của phép biện chứng duy vật đã được Ph.Ăng-ghen vận dụng nhuần nhuyễn trong xem xét lĩnh vực quân sự để hình thành nên hệ thống quan điểm khoa học về chiến tranh và quân đội làm nổi bật nét đặc thù trong sự vận động, phát triển của các phạm trù chính trị - xã hội này, đồng thời hình thành nên cương lĩnh quân sự của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt thực hiện sứ mệnh lịch sử thế giới của mình.
Đây thực sự là một bước ngoặt cách mạng vĩ đại trong lịch sử tư tưởng - lý luận về chiến tranh và quân đội, cho phép nhìn nhận lĩnh vực quân sự của đời sống xã hội nhân loại trên cơ sở khoa học và mang ý nghĩa thực tiễn cách mạng sâu sắc. Có thể nói Ph.Ăng-ghen cùng C.Mác đã làm thay đổi căn bản lịch sử tư tưởng về chiến tranh và quân đội, hướng khoa học đó vào giải thích đúng đắn lịch sử nhằm phục vụ công cuộc cải tạo thế giới, giải phóng xã hội.
Nghiên cứu nghiêm túc di sản tư tưởng quân sự của Ph.Ăng-ghen cho phép chúng ta kế thừa được một hệ thống tri thức khoa học để nhận thức các quy luật khách quan trong lĩnh vực chiến tranh và quân đội nhằm đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN hiện nay.
Kết quả nghiên cứu, đánh giá khách quan, khoa học đối với các nhà lý luận và thực tiễn quân sự nổi tiếng trong lịch sử hợp thành mảng tri thức đồ sộ của Ph.Ăng-ghen về lịch sử tư tưởng quân sự dưới góc nhìn duy vật lịch sử. Di sản lý luận và kinh nghiệm thực tiễn quân sự của các nhà quân sự nổi tiếng như Xê-da, Na-pô-lê-ông, Ga-ri-ban-đi, Oen-linh-tơn, Giếch-sơn, Gnai-dơ-nau, Clau-dơ-vít-xơ... đều được Ăng-ghen nghiên cứu rất thấu đáo, từ đó chỉ ra những vấn đề cần kế thừa, những hạn chế cần phê phán. Với thế giới quan duy vật về lịch sử và phương pháp luận biện chứng cách mạng, Ph.Ăng-ghen đã tái hiện lịch sử xuất hiện của chiến tranh như một hiện tượng xã hội - chính trị khác hẳn về bản chất với những cuộc xung đột vũ trang khi xã hội loài người chưa phân chia thành giai cấp. Ăng-ghen còn cắt nghĩa một cách khoa học về nguồn gốc của chiến tranh từ chế độ tư hữu và đối kháng giai cấp; về bản chất chiến tranh là một hiện tượng xã hội do các giai cấp nhất định tiến hành nhằm đạt được mục đích chính trị; về tính tất yếu khách quan của các cuộc chiến tranh trong lịch sử; về các hình thức và tính chất xã hội của các cuộc chiến tranh, đặc biệt là sự phân định giữa chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa (Ph.Ăng-ghen khẳng định: chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chiến tranh chống diệt chủng là chiến tranh chính nghĩa; chiến tranh xâm lược, cướp bóc giết hại loài người là chiến tranh phi nghĩa và bao giờ thì chiến tranh chính nghĩa cũng sẽ giành thắng lợi); về sự chuyển hóa tiềm lực quân sự trong chiến tranh; về quan hệ giữa con người và vũ khí trong chiến tranh; về ảnh hưởng xã hội to lớn của chiến tranh, những đảo lộn to lớn mà nó gây ra trong đời sống xã hội...
Ph.Ăng-ghen cho rằng, đằng sau các cuộc chiến tranh bao giờ cũng là lợi ích giai cấp nhất định mà xét đến cùng chính là lợi ích kinh tế; thắng lợi trong các cuộc chiến tranh luôn gắn với những điều kiện lịch sử nhất định, đồng thời tùy thuộc vào nỗ lực của quần chúng nhân dân tham gia lực lượng vũ trang, trong đó có vai trò cực kỳ quan trọng của đội ngũ sĩ quan, tướng lĩnh; rằng bạo lực cách mạng là công cụ mà sự vận động xã hội dùng để tự mở đường cho mình và đập tan những hình thức chính trị đã xơ cứng.
Nhận thức rõ quan điểm chiến tranh nhân dân của Ph.Ăng-ghen, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cuộc chiến tranh giải phóng mang tính toàn dân, toàn diện, tạo nên sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn và giành thắng lợi vẻ vang trong giành độc lập dân tộc. Đây là nguyên tắc sống còn quyết định thắng lợi mọi cuộc chiến tranh trong quá khứ và tương lai.
Ph.Ăng-ghen đồng thời là một nhà bách khoa xây dựng nên hệ thống những tri thức khoa học về quân đội và lịch sử phát triển các kiểu quân đội. Ph.Ăng-ghen chỉ rõ nguồn gốc xuất hiện quân đội từ sự phân công xã hội, giữa nhu cầu lao động sản xuất vật chất với nhu cầu bảo vệ quá trình sản xuất vật chất ấy bằng những công cụ lao động đặc biệt là vũ khí, phương thức lao động đặc biệt là chiến tranh và những lực lượng lao động đặc biệt là quân đội. Ph.Ăng-ghen chỉ rõ bản chất của quân đội bao giờ cũng là công cụ bạo lực của một giai cấp nhất định, là những đội vũ trang có tổ chức, là công cụ bạo lực mang bản chất của giai cấp thống trị và nhà nước tổ chức ra nó. Cho nên toàn bộ phương thức tổ chức và tính chất hoạt động quân sự của quân đội đều do vị thế lịch sử của giai cấp và nhà nước tổ chức ra nó quyết định. Ph.Ăng-ghen cũng tập trung phân tích sự chuyển hóa lượng - chất trong sức mạnh chiến đấu của quân đội gắn với sự hoàn thiện trình độ tổ chức quân sự, trong mối tương quan với các tiền đề kinh tế, chính trị, xã hội; chỉ ra sự phát triển của bất cứ quân đội nào cũng không thể tách khỏi những điều kiện kinh tế, "thắng lợi của bạo lực dựa vào việc sản xuất vũ khí và việc sản xuất vũ khí lại dựa vào sản xuất nói chung". Tri thức tổng hợp của Ph.Ăng-ghen về quân đội còn thể hiện ở sự hiểu biết phong phú, toàn diện về sức mạnh chiến đấu và sự chuyển hóa sức mạnh chiến đấu của quân đội trong lịch sử, về kỹ thuật quân sự và nghệ thuật tác chiến. Có thể coi những luận văn quân sự của Ph.Ăng ghen như một tổng tập biên niên sử đặc sắc nhất trên thế giới về tư tưởng quân sự mà cho đến nay, chưa có cuốn bách khoa quân sự nào vượt qua được về hàm lượng trí tuệ khoa học.
Đặc biệt, Ph.Ăng-ghen có đề xuất thiên tài về những nguyên tắc căn bản xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của giai cấp vô sản với ý nghĩa một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi biết tự bảo vệ. Những luận điểm quan trọng của Ph.Ăng-ghen về giải quyết mối quan hệ giữa quy luật khách quan, điều kiện khách quan, yêu cầu khách quan với sự năng động chủ quan trong lĩnh vực hoạt động quân sự cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Với tư duy khoa học về phương pháp và hình thức tiến hành chiến tranh; về tổ chức quân đội, bố trí thế trận, địa hình quân sự; về nghệ thuật chiến đấu và kỹ thuật quân sự, về sử dụng vũ khí và sử dụng các loại hình bộ binh, kỵ binh, pháo binh, công binh, hải quân...
Ph.Ăng-ghen đã để lại một di sản lý luận quân sự cách mạng vô sản có giá trị khoa học to lớn để chúng ta tiếp tục phát triển, hoàn thiện hệ thống tri thức và tư duy quân sự hiện đại trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Và điều đó càng có ý nghĩa quan trọng khi chúng ta có thể sẽ phải đối đầu với khả năng tiến công bằng vũ khí công nghệ cao của địch. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là tất thắng một khi chúng ta biết vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chân lý đó còn là kim chỉ nam cho chúng ta trên lĩnh vực đấu tranh tư tưởng lý luận chống lại các luận điệu phản động của các thế lực thù địch về cái gọi là "chiến tranh phi chiến tuyến", "phi chính trị hóa quân đội"...
Trong kế thừa di sản lý luận quân sự của Ph.Ăng-ghen cần nhận thức đúng những vấn đề thuộc nền tảng lý luận quân sự của giai cấp vô sản nhằm bảo vệ thành quả cách mạng mà Ph.Ăng-ghen cùng C.Mác thực hiện và được V.I.Lê-nin phát triển thành học thuyết bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Mặc dù hầu hết các tác phẩm quân sự của Ph.Ăng-ghen được đăng tải dưới sự kiểm duyệt gắt gao của giới cầm quyền tư sản châu Âu thời đó, nhưng rõ ràng là Ph.Ăng-ghen không lúc nào xa rời lập trường của giai cấp vô sản cách mạng. Bằng bút pháp khéo léo qua các tác phẩm, Ph.Ăng-ghen đã chỉ ra tính cấp thiết, nội dung, con đường, biện pháp... để bảo vệ thành quả cách mạng là con đường xây dựng và sử dụng bạo lực cách mạng, bởi bạo lực là "bà đỡ" cho mọi xã hội cũ đang thai nghén một xã hội mới trong lòng. Hơn nữa, giành được thành quả cách mạng đã khó, giữ vững thành quả cách mạng còn khó hơn nhiều, nên tất yếu phải có công cụ bạo lực đủ mạnh. Lập luận về mối quan hệ biện chứng giữa giành chính quyền và bảo vệ thành quả cách mạng đã được V.I.Lê-nin phát triển thành học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hoàn chỉnh. Song, ngay trong các tác phẩm của Ph.Ăng-ghen, hệ thống những quan điểm, tư tưởng về xây dựng tiềm lực kinh tế - xã hội, tiềm lực chính trị - tinh thần, tiềm lực quân sự - quốc phòng; tiềm lực khoa học - công nghệ hiện đại và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng hậu phương quân đội... đã được thể hiện sáng rõ, được Đảng, Nhà nước ta thể hiện trong thực tiễn.
Kế thừa di sản tư tưởng quân sự của Ph.Ăng-ghen về bảo vệ thành quả cách mạng, chúng ta cần chú trọng những giá trị tư tưởng, lý luận về xây dựng con người trong lực lượng vũ trang cách mạng và bồi dưỡng những nhà quân sự của giai cấp vô sản. Sự luận giải của Ph.Ăng-ghen về quan hệ giữa con người và vũ khí bao giờ cũng đặt trên cơ sở nhấn mạnh vai trò của con người đối với vũ khí. Hơn nữa, con người trong bảo vệ thành quả cách mạng, chính là đông đảo quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản, tổ chức quân sự của giai cấp vô sản có vai trò khác hẳn với những đội quân vũ trang chuyên nghiệp "được tuyển mộ và được tổ chức vì một mục đích chuyên biệt duy nhất là khuất phục dân chúng" của các giai cấp thống trị, bóc lột. Lực lượng vũ trang cách mạng của giai cấp vô sản có khả năng phát huy cao nhất vai trò nhân tố chính trị - tinh thần trong chiến tranh, mà nếu không có nó, không có sự hăm hở, không có lòng yêu nước, không có lòng trung thành, không có truyền thống dân tộc thì bất cứ quân đội nào cũng bị thất bại. Điều này giải thích tại sao dưới sự lãnh đạo của Đảng, dưới ánh sáng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, quân đội ta, nhân dân ta luôn chiến thắng oanh liệt và vẻ vang trước kẻ thù có sức mạnh vũ khí tiềm lực quân sự to lớn hơn ta gấp nhiều lần.
Ph.Ăng-ghen nhấn mạnh vai trò của đội ngũ tướng lĩnh, sĩ quan trong xây dựng quân đội, đề cập đến vấn đề trí tuệ hóa lực lượng vũ trang cách mạng. Đặc biệt, Ph.Ăng-ghen cho rằng, việc sử dụng những kỹ sư dân sự sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động quân sự của đội ngũ sĩ quan, vì mọi điều đều phụ thuộc vào kiến thức của người sĩ quan. Ph.Ăng-ghen cũng đề xuất sự cần thiết phải vũ trang rộng khắp đối với nhân dân, và để thực hiện điều đó, cần tăng cường giáo dục quốc phòng, phải chuyển trọng tâm huấn luyện quân sự sang giáo dục thanh niên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự cách mạng của Ph.Ăng-ghen, C.Mác và V.I.Lê-nin phát triển thành học thuyết bảo vệ Tổ quốc XHCN trong đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và tiến hành chiến tranh nhân dân. Chính vì lẽ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự giúp đỡ của nhân dân, quân đội ta đã trưởng thành nhanh chóng, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng và đã lập nên bao chiến công lẫy lừng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và những thành tích mới trong bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, khi khoa học, kỹ thuật, công nghệ phát triển như vũ bão, đã đạt tới một trình độ phát triển rất cao so với thời đại của Ph.Ăng-ghen, thế nhưng, những tư tưởng vĩ đại của Ph.Ăng-ghen và những người sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin về chiến tranh, quân đội vẫn giữ nguyên giá trị. Nghiên cứu một cách sâu sắc và vận dụng một cách sáng tạo các tư tưởng thiên tài đó là yêu cầu cấp bách đối với chúng ta hiện nay.
Nguồn: Báo Điện tử ĐCSVN