Đảng ta dành hẳn một phần quan trọng về rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay là rất cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, để nhiệm vụ này được Đại hội XII của Đảng thông qua đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả cao, làm chuyển biến tích cực, rõ nét đạo đức cán bộ, đảng viên thì còn cả một sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên. Xin có một số ý kiến sau:
Thứ nhất, từ khi thành lập đến nay Đảng ta đã nói rất nhiều về vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Ngay từ trước khi Đảng được thành lập, trong suốt gần 40 năm lãnh đạo và không lâu trước khi “đi xa” Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước đã đặt vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng lên hàng đầu. Đó là những bài nói, bài viết như: “Tư cách một người cách mạng” (1927); Chủ nghĩa cá nhân (1948); Cần kiệm liêm chính (1949); Đạo đức công dân (1955); Đạo đức cách mạng (1955); “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (1969). Trong Di chúc, Bác Hồ không quên căn dặn lại: “Đảng ta là đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Ở nhiều bài nói và viết, Bác Hồ định nghĩa rất rõ ràng, đầy đủ về đạo đức cách mạng. Những điều Bác dạy vẫn còn nguyên giá trị. Do vậy, ngày nay chúng ta không phải đi tìm hiểu định nghĩa, nội hàm của khái niệm đạo đức cách mạng, không ai không biết, không hiểu thế nào là đạo đức cách mạng và không đến nỗi khó khăn nếu mỗi người quyết tâm rèn luyện.
Thứ hai, Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng nằm trong khuôn khổ việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cuộc vận động này bước đầu đã tạo sự chuyển biến nhất định về việc nêu gương Bác Hồ và làm theo tấm gương của Người. Tuy nhiên, nghiêm túc mà nhận xét, đánh giá thì ở không ít nơi, đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên việc học tập, làm theo vẫn còn rất hình thức, lấy lệ. Điều này được chứng minh vẫn còn “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp cao suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xa dân...
Thứ ba, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta, các ngành, các cấp, các tổ chức, đoàn thể đã ban hành khá nhiều những quy chế, quy định, luật, pháp lệnh... liên quan đến chế độ trách nhiệm công vụ, tư cách đạo đức, những điều cấm không được làm, những tiêu chuẩn, quy định về sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, đã có không ít quy chế, quy định mới về mối liên hệ, sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan, tổ chức và nhân dân đối với nhiệm vụ, tư cách, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. Nhiều người trong chúng ta cũng không thể nhớ nổi có bao nhiêu quy định ràng buộc phẩm chất đạo đức cán bộ, đảng viên, thậm chí nhiều quy định trùng lặp, chồng chéo mà hiệu quả trong thực tế vẫn thấp.
Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, phần nói về việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên cũng đã đề cập đến “xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên...”. Đây là những nội dung rất cần thiết, quan trọng, nhưng vấn đề là giải pháp đột phá nào để thực hiện, nếu không sẽ lại lặp lại những hạn chế, khuyết điểm cũ. Người viết xin đề xuất 3 giải pháp sau:
1. Thật sự coi trọng, chú ý cái “gốc” của cái “gốc” là văn hóa. Bác Hồ và Đảng ta thường nói đạo đức là cái “gốc” của người cán bộ. Thế nhưng, nhìn sâu xa hơn, trong những năm qua, cái “gốc” của nhiều cán bộ, đảng viên bị hẫng hụt chính là nền tảng đạo đức của xã hội bị xem nhẹ. Nền tảng đó chính là văn hóa. Cho đến nay, có thể nói, trong gần 30 năm đổi mới đất nước, chúng ta quá tập trung vào phát triển kinh tế mà sao nhãng công tác phát triển văn hóa. Không ít người cho rằng: xã hội phát triển nhưng văn hóa lại ngày càng đi lùi. Có nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng xây dựng con người là lĩnh vực không thành công nhất trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Ngày 8-8-2013, tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu chỉ đạo, trong đó có nhận định: “Những yếu kém không chỉ làm hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn có thể làm chệch hướng sự phát triển, làm xấu hình ảnh của đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Theo tôi, đây là một nguy cơ, thậm chí còn là nguy cơ của mọi nguy cơ trong bối cảnh chúng ta phải xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng”. Gần đây, trong Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng”. Từ năm 1947, khi cắt nghĩa tại sao khẩu hiệu rất đúng mà chưa làm được hoặc làm nửa chừng lại xẹp đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích một loạt nguyên nhân trong đó có nguyên nhân trước hết là chưa “đào tạo ra những người kiểu mẫu để làm cán bộ...”. Trong thư gửi lớp cán bộ cung cấp (2-9-1951), Người đã chỉ ra rằng: “Những kẻ hủ hóa là vì thiếu đạo đức cách mạng, đồng thời vì các cơ quan thiếu kiểm tra, thiếu phê bình và tự phê bình”. Do đó, theo Người: “Muốn xây dựng CNXH, trước hết cần có những con người XHCN”. Người cách mạng phải có cả đức lẫn tài, nhưng đạo đức cách mạng là nguồn sức mạnh, cái gốc của cán bộ, đảng viên. Đạo đức cách mạng là một nội dung, một thành tố trong một con người có văn hóa. Có như vậy, Đảng ta mới “là đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ đã dạy.
2. Lựa chọn, bố trí người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực. Nếu chúng ta ví đạo đức cách mạng là cái “gốc” trong nhân cách của cán bộ, đảng viên thì người đứng đầu được ví như cái “ngọn” định hướng cho cái cây phát triển đúng hướng, khỏe mạnh. Trong rất nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội đã nhắc đến sự nêu gương của người đứng đầu. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là một vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, thành thử bấy lâu nay người ta ít phân tích, thảo luận, phán xét những người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác ở cơ quan, địa phương, đơn vị. Lại càng rất ít đi vào khía cạnh đạo đức cách mạng của người đứng đầu. Rất hiếm cán bộ cấp dưới dám cả gan phê bình một cách thẳng thắn người đứng đầu giữa “thanh thiên, bạch nhật”. Rất nhiều vụ việc vi phạm Điều lệ Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhiều vụ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở nhiều cấp, ngành... thế nhưng ít khi người đứng đầu bị kỷ luật, cùng lắm là “chịu trách nhiệm” một cách chung chung. Do vậy, nếu thật sự muốn cấp dưới rèn luyện, phấn đấu để có phẩm chất đạo đức cách mạng thật sự thì người đứng đầu giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong của người đứng đầu thế nào trong công tác, đời tư, gia đình, trong các mối quan hệ xã hội không cần nói nhiều, cán bộ cấp dưới, đảng viên, quần chúng nhân dân đều biết khá rõ. Sự nêu gương của người đứng đầu trong rèn luyện đạo đức cách mạng và có những quy định, quy chế kiểm tra, giám sát người đứng đầu sẽ góp phần vô cùng quan trọng để giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cấp dưới cũng như cho cán bộ, đảng viên, nhân dân.
3. Xây dựng quy chế nhân dân góp ý, xây dựng đội ngũ cán bộ. Thật sự dựa vào nhân dân để giám sát đạo đức cán bộ, đảng viên. Ngoài sự kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng; sự thường xuyên thật thà tự phê bình và phê bình; sự giám sát, phản biện của các đoàn thể chính trị - xã hội thì nhân dân là những người trực tiếp thẩm định phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, có như vậy mới khách quan, công bằng và vô tư hơn cả. Chính vì ở nhiều nơi, nhiều lúc không tin vào nhân dân, chưa dựa hẳn vào dân để xây dựng Đảng cho nên nhiều việc làm còn hình thức, kém hiệu quả, tổ chức, cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên thì bảo tốt nhưng nhân dân thì chưa tin. Chẳng hạn, việc kê khai thu nhập, tài sản của cán bộ, đảng viên trong thời gian qua vẫn còn hình thức, không có tác dụng phòng ngừa tham nhũng, bởi vì chúng ta chưa dựa vào quần chúng để làm công tác này. Do vậy, việc thẩm định, kiểm tra phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên cần dựa vào quần chúng nhân dân.
Vũ Lân