Đakrông là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị và là một trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước. Kinh tế của huyện chậm phát triển, chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp, diện tích đất sản xuất lương thực, rau màu rất ít (chỉ chiếm 4,63% diện tích đất tự nhiên). Dân cư sinh sống không tập trung, nếp sống, tập quán sinh hoạt, sản xuất vẫn theo lối cũ, lạc hậu. Huyện có địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt. Dân tộc Pa Cô và Vân Kiều chiếm trên 80% dân số toàn huyện. Năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chiếm đến 63,63% (theo tiêu chuẩn cũ); năm 2011 giảm xuống 41,18% (theo tiêu chuẩn mới)…
Xuất phát từ tình hình đó, Huyện ủy xác định lãnh đạo thực hiện xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và lâu dài của Đảng bộ. Do vậy, các cấp uỷ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm giải quyết tình trạng nghèo nàn, lạc hậu cũng như sự chênh lệch mức sống giữa các vùng, hướng tới giảm nghèo nhanh và bền vững.
Cách làm phù hợp
Xác định đúng nhiệm vụ, thể hiện quyết tâm cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, XĐGN nhanh và bền vững.
Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện Đakrông qua các lần thứ I, II, III và IV luôn xác định phát triển kinh tế - xã hội đi liền với công tác xoá đói giảm nghèo. Đặc biệt, năm 2006 Ban Chấp hành đảng bộ huyện (khóa III) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “Về công tác XĐGN giai đoạn 2006-2010”, thể hiện quyết tâm sớm đưa huyện thoát khỏi huyện nghèo. Nghị quyết đã đề ra phương hướng chỉ đạo, các chỉ tiêu phấn đấu và những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Tiếp đó, để thực hiện các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 30a của Chính phủ và đề án giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện Đakrông giai đoạn 2009-2020, Huyện ủy đã ban hành nghị quyết số 10-NQ/HU, ngày 4-6-2009 “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng thực hiện nghị quyết 30a của Chính phủ”. Nghị quyết đã tập trung đánh giá những thuận lợi, khó khăn của huyện, từ đó xác định rõ quan điểm, tư tưởng lãnh đạo, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện.
Cùng với đó, Huyện ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, lồng ghép các mục tiêu XĐGN, như: Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 17-10-2007 “Về định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2007-2015”; Kết luận số 03-KL/HU, ngày 30-12-2010 “Về tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, công tác tuyên truyền vận động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đưa huyện giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011-2015”; Chương trình hành động số 24-CTr/HU, ngày 21-3-2012 “Về quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển giai đoạn 2012-2015”; Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 26-7-2011 “Về định hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2011-2015”; Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 26-7-2011 “Về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch”.
Trên cơ sở các nghị quyết, Huyện ủy đã chỉ đạo chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng tiến hành phân công trách nhiệm cho các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ và các đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện phụ trách cụm, xã, thị trấn; chỉ đạo UBND huyện phân công phòng ban, chức năng cấp huyện phối hợp với các tổ chức đoàn thể trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện.
Lãnh đạo chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trong huyện triển khai và tổ chức thực hiện một cách sáng tạo và có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về XĐGN. Trên cơ sở chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện Đakrông giai đoạn 2009-2020, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện theo từng giai đoạn 2009-2010, 2011-2015, 2016-2020. Thường xuyên tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình hộ nghèo để xác định đúng thực trạng hộ nghèo từ đó có cơ sở để quản lý và xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể thực hiện chương trình, mục tiêu XĐGN. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về XĐGN như Chương trình 134, 135, 120 của Chính phủ và các chương trình dự án ODA, Chương trình phát triển nông thôn Quảng Trị. Tăng cường công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách huyện, chỉ đạo thực hiện tốt chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về y tế, giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức các lớp tập huấn về kỷ thuật chăn nuôi, trồng trọt; phối hợp với các trường dạy nghề tổ chức dạy nghề cho người lao động. Phát huy vai trò của uỷ ban mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tham gia xây dựng chương trình kế hoạch đến tổ chức thực hiện giám sát, quản lý các chương trình dự án có hiệu quả; tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, phát động các phong trào thi đua trong hệ thống đoàn thể từ huyện đến cơ sở; đứng ra tín chấp vay vốn cho hội viên, đoàn viên, huy động các nguồn lực giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo phát triển sản xuất.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và công tác xã hội hóa về XĐGN giúp cho người dân và các hộ nghèo đói hiểu rõ các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như của địa phương về XĐGN.
Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết về công tác XĐGN được huyện ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Sau khi các nghị quyết, chương trình ban hành đi vào tổ chức thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát luôn bám sát kịp thời nhằm chấn chỉnh những sai sót, tháo gỡ những khó khăn, giải quyết kịp thời những đề xuất, kiến nghị từ cơ sở. Huyện ủy chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên và đổi mới hoạt động của Ban giám sát cộng đồng, Ban Thanh tra nhân dân với sự tham gia tích cực của mặt trận các cấp nhằm phát hiện những sai sót, khuyết điểm hoặc không phù hợp trong đầu tư, hỗ trợ, trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để kịp thời uốn nắn, khắc phục những sai phạm. Hằng năm, Huyện ủy tổng kết công tác xây dựng đảng, các chuyên đề về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội lồng ghép đánh giá kết quả chỉ đạo thực hiện công tác XĐGN trên địa bàn huyện, chỉ ra những thành công và hạn chế, rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đồng thời đề ra các chủ trương, nghị quyết tiếp tục lãnh đạo công tác XĐGN.
Với quyết tâm của Đảng bộ, được sự đầu tư các nguồn lực của các chương trình, dự án, sự nỗ lực từ chính người dân, công cuộc XĐGN trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả. Thu nhập đầu người từ 700.000 đồng/người/năm (năm 2001), tăng lên 4,79 triệu đồng/người/năm (năm 2011). Đến nay, trên địa bàn huyện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo từ 48% (năm 2008) giảm xuống còn 30% (năm 2010, theo chuẩn quy định tại quyết định số 170/2005/Q Đ-TTg); năm 2011 là 41,8% (theo chuẩn mới). Từ 2001 đến nay, huyện đã hỗ trợ xây dựng được 3.355 nhà ở cho hộ nghèo. Cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ và đề án giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện. Mỗi năm đã giải quyết và tạo việc làm mới cho khoảng 700 - 800 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 24%, trong đó đào tạo nghề là 13,2%. Đã xuất khẩu được 325 lao động đi lao động ở nước ngoài, bình quân mỗi năm xuất khẩu 108 lao động, vượt kế hoạch đặt ra (đề án đặt mục tiêu mỗi năm xuất khẩu 50 - 100 lao động).
Hạn chế
Trong công tác XĐGN vẫn còn hạn chế, khuyết điểm như: Công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác XĐGN, nhất là về quan điểm, mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 30a, Nghị quyết của Huyện uỷ chưa sâu sắc, cụ thể. Do đó, chưa thật sự tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết; người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng và Nhà nước; một bộ phận người nghèo, hộ nghèo nhận thức chưa đúng về quan điểm, chủ trương XĐGN nên còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại nhà nước, có những hộ còn muốn được nằm trong diện hộ nghèo để được hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước. Việc tổ chức, triển khai thực hiện của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể còn nhiều yếu kém nhất là trong công tác quản lý, quy hoạch, đầu tư xây dựng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công tác điều tra nắm nhu cầu của người dân. Công tác quảng bá, thu hút các nguồn lực đầu tư từ Trung ương, tỉnh và các doanh nghiệp, cá nhân còn hạn chế. Việc khai thác, sử dụng các tiềm năng, lợi thế và nội lực của địa phương để phát triển kinh tế, XĐGN chưa thật sự được quan tâm đúng mức. Việc khảo sát, đánh giá bình xét hộ nghèo, hộ được hỗ trợ còn thiếu chính xác, rõ ràng, tình trạng nể nang bà con dòng tộc gây bức xúc trong nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc thiếu kịp thời, chưa sâu, chưa cụ thể; việc giải quyết, uốn nắn những sai sót, khuyết điểm sau kiểm tra, giám sát còn chậm; xử lý sai sót, khuyết điểm chưa thật kiên quyết và dứt điểm. Quy chế dân chủ ở cơ sở chưa được phát huy mạnh mẽ. Công tác tổ chức cán bộ còn nhiều hạn chế dẫn đến đội ngũ cán bộ thiếu và yếu, nhất là ở cơ sở. Tình trạng đó đã làm hạn chế nhiều trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết về phát triển kinh tế, XĐGN tại cơ sở.
Hướng đi tiếp
Một là, trong lãnh đạo công tác XĐGN cần tiếp tục có sự thống nhất tập trung của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Đồng thời coi trọng phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện công tác XĐGN. Có sự phân công và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ban, ngành… Nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng là biện pháp hữu hiệu nhất để dẫn dắt quần chúng tham gia XĐGN có hiệu quả. Phát huy dân chủ ở cơ sở trong quá trình xây dựng các quyết định, mục tiêu, kế hoạch, trong đánh giá, bình xét hộ nghèo, trong việc hưởng thụ các chính sách; thực hiện công khai, minh bạch các chính sách, các chương trình dự án, nguồn lực đầu tư, đối tượng được hưởng… nhằm tạo nên sức mạnh, hiệu quả của chương trình XĐGN.
Hai là, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, XĐGN từ đó tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng và hành động. Các cấp uỷ giáo dục nâng cao ý thức cho người nghèo xóa bỏ mặc cảm, tự ti không cam chịu đói nghèo nỗ lực vươn lên. Cần quan tâm và chỉ đạo sát sao công tác đào tạo nghề, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, công tác tư vấn cho hộ nghèo, giúp đỡ về vốn; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ giải quyết việc làm, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và đẩy mạnh xuất khẩu lao động để tăng khả năng giúp hộ nghèo tự vươn lên. Tiếp tục thực hiện công tác khuyến nông, lâm, ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho các hộ nghèo, trong đó cần chú ý đến đặc điểm trình độ của từng đối tượng, với đồng bào dân tộc thiểu số coi trọng hình thức tuyên truyền, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc”, bằng các mô hình trình diễn để đồng bào được “tai nghe, mắt thấy” học tập và làm theo.
Ba là, trong lãnh đạo công tác XĐGN, cùng với sự giúp đỡ của Trung ương, phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ XĐGN, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín cao ở địa phương và sự tham gia của người dân vào công tác giảm nghèo, huy động các nguồn lực của các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước chung tay góp sức XĐGN.
Bốn là, với quan điểm “chủ trương một, biện pháp trăm”, cấp ủy và chính quyền phải coi trọng các biện pháp tổ chức thực hiện một cách cụ thể, không hô hào chung chung. Nghị quyết của các chi, đảng bộ phải đề ra những chỉ tiêu cụ thể về XĐGN đến từng thôn, bản, gắn với việc phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên phụ trách nhóm hộ hoặc từng hộ nghèo cụ thể (lấy những mối quan hệ bà con dòng họ và hàng xóm láng giềng làm căn cứ chủ yếu) để phân công cho từng đảng viên có trách nhiệm nắm bắt tình hình và giúp đỡ các hộ thuộc diện đói nghèo; định kỳ báo cáo cho chi bộ nắm (thông qua sinh hoạt định kỳ), để có những giải pháp cụ thể, kịp thời đến từng hộ. Định kỳ sinh hoạt cấp ủy, chi bộ phải đánh giá, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm được giao đối với công tác XĐGN. Nghị quyết của cấp ủy phải được cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể, sát thực tế của địa phương.
Năm là, các cấp ủy đảng phải có những nghị quyết chuyên đề về XĐGN và thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết rút kinh nghiệm ở từng chi bộ một cách cụ thể, có như vậy mới giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh. Phát hiện những điển hình, mô hình, cách làm hay sáng tạo kịp thời biểu dương, nhân rộng; nhắc nhở và thông qua cộng đồng phê phán những hiện tượng lười biếng, cờ bạc, rượu chè bê tha trong một bộ phận người nghèo. Có thể coi đây là biện pháp vừa cơ bản vừa hữu hiệu, có tác động sâu sắc và lâu dài đến nhận thức và hành vi của nhóm người nghèo, tạo được tính công bằng trong xã hội. Bên cạnh đó, các cấp ủy phải luôn coi “tự lực cánh sinh, không ỷ lại, xóa đói, giảm nghèo bền vững” làm phương châm chỉ đạo cho cuộc vận động XĐGN ở địa phương.
ThS. Trần Văn Phương
Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III