Phòng, chống chủ nghĩa cá nhân góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm giáo dục cán bộ, đảng viên tinh thần đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Trong bài viết "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", Người đã nghiêm khắc phê phán biểu hiện chủ nghĩa cá nhân ở một số cán bộ, đảng viên. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ tới lợi ích của riêng mình trước hết. Họ không "mình vì mọi người" mà chỉ muốn "mọi người vì mình", do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh.

Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, bên cạnh đa số cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, lối sống cách mạng lành mạnh, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI chỉ rõ: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau vể sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng lãng phí…" (1).             

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) của Đảng  “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, việc tăng cường giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong toàn Đảng, đặc biệt “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là đòi hỏi tất yếu. Bảo đảm cho toàn Đảng luôn là một khối thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tạo ra sức mạnh để đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.

Để quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong tình hình hiện nay cần làm tốt một số nội dung sau:

Một là, thường xuyên giáo dục, rèn luyện nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, tư tưởng, ý thức tổ chức kỷ luật cho đảng viên

Kỷ luật Đảng được mọi đảng viên và tổ chức đảng tự giác chấp hành dựa trên cơ sở giác ngộ chính trị cao, ý thức tổ chức kỷ luật của mỗi đảng viên. Đồng thời, thông qua hoạt động thực tiễn, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ, chấp hành các quy định để hình thành ở mỗi đảng viên ý thức chấp hành kỷ luật. Do đó, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan đơn vị phải thường xuyên chú trọng kết hợp giáo dục, tổ chức học tập với đưa đảng viên vào rèn luyện trong thực tiễn, kịp thời đấu tranh ngăn ngừa những biểu hiện vô ý thức tổ chức kỷ luật.                

Bằng nhiều hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp, cần giúp họ nhận thức sâu sắc tác hại và tính chất nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân đối với cách mạng, đối với cơ quan, đơn vị và xã hội. Từ đó, tạo thuận lợi cho cán bộ, đảng viên và quần chúng ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng nâng cao giác ngộ chính trị, đạo đức, lối sống cách mạng, trình độ trí tuệ và năng lực công tác; giúp cho họ có đủ phẩm chất, năng lực, đức, tài, đủ điều kiện và khả năng để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, đơn vị và nhân dân giao phó.

Hai là, tăng cường quản lý chặt chẽ đảng viên trong công tác và hoạt động hàng ngày.

Tổ chức đảng các cấp và người thủ trưởng trong các cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân xuất hiện trong cán bộ, đảng viên ở đơn vị để có biện pháp ngăn chặn và đấu tranh kịp thời, có hiệu quả. Đối với những người do nhận thức hạn chế mà mắc phải chủ nghĩa cá nhân, cần kiên trì giáo dục, thuyết phục, động viên và giúp đỡ họ tự loại bỏ chủ nghĩa cá nhân. Còn đối với những người mà chủ nghĩa cá nhân đã trở thành căn bệnh, được tổ chức giáo dục, giúp đỡ nhiều nhưng không chịu sửa chữa thì chúng ta kiên quyết xử lý nghiêm khắc theo đúng Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước.                   

Chú ý quản lý những đảng viên giữ cương vị chủ trì, những cán bộ, đảng viên chịu trách nhiệm về các vấn đề tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, đất đai, cơ sở vật chất lớn. Trong tình hình hiện nay, cần coi trọng quản lý chặt chẽ đảng viên với tổ chức kiểm tra, giám sát đảng viên, nhất là các trường hợp có dấu hiệu vi phạm kỷ luật như: có quan hệ không rõ ràng với những tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc những phần tử thoái hoá biến chất, những đảng viên giàu lên quá nhanh, đột xuất có thu nhập lớn, tài sản bất minh, những đảng viên có dư luận xấu trong quần chúng nhân dân ở nơi cư trú, những đảng viên rơi vào chủ nghĩa cá nhân, có lối sống trục lợi, xa hoa, có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, xa dân… Khi phát hiện có đảng viên vi phạm kỷ luật, chi bộ phải có biện pháp xử lý kịp thời đúng người đúng tội, công khai trước chi bộ, tổ chức và nhân dân. 

Ba là, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình

Sinh hoạt đảng là hoạt động thường xuyên và chủ yếu trong hoạt động lãnh đạo và xây dựng Đảng. Sinh hoạt đảng được duy trì thành nền nếp và có chất lượng là môi trường tốt để giáo dục, quản lý, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật; nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đảng viên. Mở rộng dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình tạo nên sự thống nhất về nhận thức chính trị, tư tưởng trong chấp hành kỷ luật Đảng; phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, tăng cường sự giám sát, giúp đỡ của tập thể đối với đảng viên. Duy trì nền nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng các cấp, thực hiện dân chủ, nêu cao tự phê bình và phê bình là biện pháp cơ bản để củng cố, tăng cường kỷ luật Đảng.
                     
Tổ chức đảng các cấp duy trì có nền nếp các chế độ sinh hoạt đảng; nêu cao tính đảng, tính nguyên tắc, tính chiến đấu trong sinh hoạt. Từng buổi sinh hoạt phải có nội dung cụ thể, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm. Trong sinh hoạt cung cấp đầy đủ thông tin để đảng viên nắm chắc tình hình, có cơ sở để tham gia đóng góp vào quá trình ra các quyết định. Nghị quyết bảo đảm ngắn ngọn, thiết thực, cụ thể, bảo đảm dân chủ trong thảo luận để mọi đảng viên được thẳng thắn trình bày hết những suy nghĩ, quan điểm của mình trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, không được che giấu khuyết điểm, tô hồng thành tích. Phải xuất phát từ nguyên tắc Đảng và tình thương yêu đồng chí để tự phê bình và phê bình; phê bình việc chứ không phải phê bình người; phương pháp, thái độ phê bình đúng mức, không đao to búa lớn, không quy chụp, không thành kiến; phê bình nhằm khơi dậy và phát huy mặt tốt, mặt tích cực của đảng viên, không nhằm trù dập, hạ thấp nhân cách đảng viên.                  

Bốn là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng

Tổ chức cơ sở đảng phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đảng viên, chủ động, kịp thời phát hiện và khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót và những biểu hiện vi phạm trong nhận thức và chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổ chức đảng các cấp và người thủ trưởng trong các cơ quan, đơn vị, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra và quản lý cán bộ, đảng viên, nhân viên; kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt, đơn vị tốt; xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, nhất là những cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, tham nhũng, trục lợi, làm giàu bất chính, ức hiếp quần chúng và trù dập những người trung thực, thẳng thắn, dám nói đúng sự thật về khuyết điểm của họ.

Trước hết, cần tiếp tục và thường xuyên thực hiện tốt các đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình trong các tổ chức đảng ở các cơ quan, đơn vị. Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu góp phần phòng chống, đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân một cách có hiệu quả để góp phần thiết thực xây dựng Đảng ta thật sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, lãnh đạo quá trình đổi mới và chỉnh đốn Đảng của Đảng ta hiện nay giành được kết quả to lớn hơn.

Năm là, thi hành nghiêm kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên

Thi hành kỷ luật trong Đảng nhằm giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động, tăng cường sức chiến đấu của Đảng và giáo dục đảng viên; đồng thời góp phần xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh. Tổ chức đảng các cấp phải chủ động nắm tình hình chấp hành kỷ luật của cán bộ, đảng viên thuộc cấp mình quản lý. Khi có đảng viên vi phạm kỷ luật, phải kịp thời tổ chức sinh hoạt để đấu tranh, phê bình. Trường hợp phạm sai lầm, khuyết điểm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải kiên quyết xử lý. Khi xử lý, phải nắm chắc và thực hiện đúng phương châm, nguyên tắc, thủ tục và thẩm quyền. Quá trình xem xét phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện và lịch sử, phải coi trọng và kiên trì giáo dục thuyết phục, động viên đảng viên sai phạm tự giác nhận sai lầm, khuyết điểm đi đôi với thẩm tra, xác minh để có bằng chứng sát thực làm cơ sở cho kết luận chính xác để quyết định hình thức kỷ luật chính xác. Đảng viên vi phạm kỷ luật đến mức phải xử lý đều phải kiên quyết xử lý, bất kể người đó là ai, giữ cương vị nào. Chống biểu hiện bao che, trù dập, trả thù lẫn nhau, nương nhẹ, sợ va chạm hoặc đơn giản, xem xét phiến diện, một chiều, né tránh, nặng dưới nhẹ trên. Sau khi thi hành kỷ luật, cần có biện pháp giáo dục giúp đỡ đảng viên bị kỷ luật phấn đấu sửa chữa sai lầm, khuyết điểm để tiến bộ, tuyệt đối không được phân biệt đối xử.
 
Mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về triệt để thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đồng thời, cần xây dựng trong cơ quan, đơn vị nếp sống lành mạnh, tiết kiệm; trong đó, cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ nêu gương cho quần chúng; cán bộ, đảng viên tích cực đi trước quần chúng, thống nhất nói và làm. Đó chính là môi trường cần thiết, trực tiếp để đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân có chất lượng và hiệu quả nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.


-----------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ IV BCHTW (khóa XI) Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 22.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất