Phát huy vai trò của công tác tuyên giáo trong xây dựng Đảng

Sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền, coi đó là tổ chức quan trọng hàng đầu để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về Chủ nghĩa Mác - Lênin, về Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng. Nhân ngày Quốc tế đỏ 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng phát hành tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ mồng 1-8’’, kêu gọi giai cấp công nhân và các tầng lớp khác trong xã hội vùng lên chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô-Viết.

Trong cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh và kể cả khi cuộc đấu tranh oanh liệt này bị kẻ thù dìm trong biển máu, những cán bộ tuyên truyền của Đảng vẫn gan góc chiến đấu, đưa đường lối của Đảng đến với quần chúng công nông, thắp lên trong họ niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cộng sản, vào thắng lợi ngày mai của Đảng, của dân tộc. Nhiều cán bộ tuyên truyền đã cùng đồng chí, đồng bào biến nhà tù đế quốc thành trường học đấu tranh cách mạng, biến nhà máy, hầm mỏ, đồng ruộng, bản làng thành nơi rèn luyện ý chí chiến đấu, nơi gắn kết máu thịt mang tính sống còn giữa Đảng với nhân dân. Truyền thống vẻ vang đó tiếp tục được phát huy cao độ trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, động viên toàn Đảng, toàn dân ta nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đánh thắng mọi kẻ thù hung bạo, giữ vững bờ cõi thiêng liêng, đưa cả nước đi lên CNXH.

Trong gần 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới, công tác tuyên giáo đã góp phần nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; kiên định những vấn đề quan điểm có tính nguyên tắc; nâng cao một bước sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên CNXH ở nước ta. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, nhiều tổ chức đảng và đảng viên đã trưởng thành mọi mặt về phẩm chất chính trị; đổi mới tư duy lý luận cũng như năng lực lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và công tác vận động quần chúng.

Công tác tuyên truyền, giáo dục các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước thời gian qua đã góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, tăng thêm niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, nêu cao ý thức tự cường, tự tôn dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến vào công cuộc đổi mới đất nước cho tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Công tác tuyên giáo góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, có tác dụng giáo dục, thuyết phục cao. Công tác tuyên giáo đã góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân, phát động các phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, khắc phục được những lệch lạc trong đời sống xã hội.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác tuyên giáo ở nước ta còn một số hạn chế, như: Tính định hướng, tính thuyết phục, sự hấp dẫn của công tác tuyên giáo chưa cao, có biểu hiện né tránh những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm. Phương thức hoạt động còn nặng tuyên truyền một chiều từ trên xuống, ít chú trọng nắm bắt thông tin hai chiều, thiếu khả năng chủ động lắng nghe, đối thoại trong hoạt động tuyên truyền. Nội dung, hình thức, phương thức tuyên truyền còn đơn điệu, thiếu tính sáng tạo, hiệu quả tuyên truyền tác động đến đối tượng chưa cao. Đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch còn thụ động, chưa có sức thuyết phục, chưa phát huy được trí tuệ, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống cán bộ làm công tác tư tưởng, lý luận, các nhà khoa học.

Thành tựu những năm đổi mới đã làm cho thế và lực của nước ta lớn mạnh hơn nhiều, song cũng đứng trước nhiều thử thách lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn ra phức tạp không thể xem thường: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là rất nghiêm trọng; những biểu hiện xa rời mục tiêu của CNXH chưa được khắc phục; các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc, lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là in-tơ-nét như một công cụ lợi hại để chống phá hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.

Trước tình hình đó, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên giáo trong giai đoạn mới, cần tập trung một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ theo hướng “thực sự đổi mới, thiết thực, tập trung vào những nội dung cơ bản, đặc biệt là những vấn đề mới trong nghị quyết, không dàn trải”. Trên tinh thần đó, đổi mới từ khâu ra nghị quyết, triển khai quán triệt và học tập nghị quyết; tài liệu học tập và phương thức truyền đạt nghị quyết cần bám sát đối tượng.

Hai là, công tác tuyên giáo, trong đó có tuyên truyền miệng cần phát huy tính nhạy bén, tính thời sự và tính hệ thống để tuyên truyền thật sự thuyết phục, hiệu quả, phù hợp với tình hình thế giới và trong nước đang diễn biến rất nhanh. Thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để kịp thời tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền nắm thông tin kịp thời, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm, từ đó có các giải pháp tư tưởng phù hợp, tránh gây tâm lý bức xúc trong nhân dân.

Ba là, tăng cường chỉ đạo, nâng cao hiệu lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, trong đó chú trọng đề cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, của các cơ quan chủ quản. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của ban biên tập, nhất là tổng biên tập các cơ quan báo chí, làm tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước.

Bốn là, tăng cường đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục của các bài viết, bài nói; thu hút rộng rãi hơn sự tham gia tích cực của các cơ quan nghiên cứu, đội ngũ trí thức, các lực lượng xã hội, các tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh này. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, trong đó chú trọng đào tạo các cán bộ đã kinh qua thực tiễn.

Năm là, đa dạng hóa các hoạt động thông tin đối ngoại, đặc biệt là những vấn đề chính trị nhạy cảm, như: dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ quốc tế và hơn 3 triệu kiều bào ở nước ngoài; phân hóa và làm giảm sự chống đối của các thế lực cực hữu và phản động bên ngoài. Đồng thời mở rộng hợp tác về công tác tuyên giáo với một số đảng cộng sản và công nhân trên thế giới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất