Dự thảo sửa đổi Hiến pháp1992 tiếp tục giữ các quy định về vị trí, vai trò của Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Quy định như vậy phù hợp với bản chất và mô hình tổng thể về bộ máy nhà nước ta. Dự thảo sắp xếp, bổ sung để làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp như: Giữ quy định về thẩm quyền công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh như quy định của Hiến pháp 1992. Giữ quy định về thẩm quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; làm rõ hơn thẩm quyền tham dự các phiên họp của Chính phủ, yêu cầu Chính phủ bàn về vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước khi cần thiết… Giữ quy định về thẩm quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC; làm rõ hơn thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC căn cứ vào nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội; bổ sung nhiệm vụ, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán các tòa án khác để phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp...
Tuy nhiên, Dự thảo Hiến pháp lần này quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; quyết định phong hàm cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân, bổ nhiệm Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam; bổ sung và làm rõ hơn thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc quyết định đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; trình Quốc hội phê chuẩn điều ước quốc tế hoặc quyết định phê chuẩn, gia nhập điều ước quốc tế theo thẩm quyền do Quốc hội quy định. Đây là một trong những nội dung mới rất quan trọng nhằm là nâng cao địa vị pháp lý của Chủ tịch nước, với tư cách là nguyên thủ quốc gia, trung tâm quyền lực của Nhà nước.
Về cơ bản, Dự thảo tiếp tục kế thừa các quy định của Chương IX của Hiến pháp 1992 về phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của HĐND, UBND, đồng thời có một số quy định được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, như sau: Về đơn vị hành chính lãnh thổ, Dự thảo tiếp tục giữ quy định Hiến pháp 1992 gồm 4 cấp hành chính: cấp Trung ương - tỉnh - huyện - xã. Tuy nhiên, để tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương, Dự thảo không quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp chính quyền địa phương mà quy định theo hướng: “Việc thành lập HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật định phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý”. Có ý kiến đề nghị Hiến pháp chỉ quy định khái quát về đơn vị hành chính lãnh thổ để tạo điều kiện cho việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương; theo đó, đơn vị hành chính lãnh thổ gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh với mục đích tạo điều kiện để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự quyết định phù hợp với tình hình thực tế.
Kế thừa quy định của Hiến pháp 1992, Dự thảo sắp xếp lại và làm rõ hơn tính chất, trách nhiệm, thẩm quyền của HĐND và UBND để phù hợp với nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước thống nhất và mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương trong tình hình mới. Qua thảo luận, có ý kiến đề nghị không quy định tính chất quyền lực của HĐND, vì dẫn đến cách hiểu về sự phân tán của quyền lực nhà nước, không phù hợp với nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất trong tổ chức bộ máy nhà nước ta. Dự thảo tiếp tục giữ quy định của Hiến pháp năm 1992 về địa vị pháp lý của đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở địa phương...; sửa đổi quy định về việc trả lời chất vấn của đại biểu HĐND, theo đó khẳng định rõ người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND hoặc trả lời bằng văn bản.
Để làm rõ hơn chủ quyền nhân dân, cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực, hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN, Dự thảo bổ sung 3 điều mới quy định về 3 thiết chế hiến định độc lập vào Chương X, trong đó đáng chú ý là Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia.
Hội đồng Hiến pháp: Dự thảo bổ sung thiết chế Hội đồng Hiến pháp nhằm thực hiện chủ trương của Đại hội IX, X và XI về việc xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp. Dự thảo quy định Quốc hội thành lập Hội đồng Hiến pháp là cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và ủy viên; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng và số lượng thành viên, việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, nhiệm kỳ của thành viên sẽ do luật định.
Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là một bước cụ thể hóa nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; đồng thời có một cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp chính là tạo thêm một phương thức mới, bổ sung một công cụ để Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng và bảo vệ các giá trị của nền dân chủ XHCN và chủ quyền nhân dân. Hội đồng Hiến pháp có thẩm quyền kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch Nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, Viện KSDNTC ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch Nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, Viện KSNDTC sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch Nước phê chuẩn.
Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là bước tiến mới mang tính đột phá, bởi vì trước đây chưa có quy định này. Điều này khắc phục được hạn chế, yếu kém đó là nhiều quy định trái Hiến pháp của Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền chậm được bãi bỏ, hủy bỏ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước cũng như quyền, lợi ích chính đáng của công dân.
Hội đồng bầu cử quốc gia: Dự thảo bổ sung thiết chế Hội đồng bầu cử quốc gia nhằm thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về việc “tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp theo hướng hoàn thiện chế độ bầu cử”. Dự thảo quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia với mục đích hoàn thiện chế độ bầu cử cũng để nhằm thực hiện cho được nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình. Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia nhằm góp phần thể hiện tính khách quan trong chỉ đạo tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Phạm Văn Chung
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum