Thực hiện giám sát và phản biện xã hội nơi không tổ chức hội đồng nhân dân

Thành phố Đà Nẵng là 1 trong 10 địa phương của cả nước được chọn thí điểm thực hiện không tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND) tại 7/8 quận, huyện và 45 phường/56 xã, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15-11-2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Từ khi TP. Đà Nẵng triển khai việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường, công tác sắp xếp nhân sự sau khi không tổ chức HĐND có bước hợp lý. Ủy ban nhân dân (UBND), mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã có sự phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để UBND cùng cấp quản lý, điều hành thông suốt. Công tác giám sát (GS) về hoạt động tư pháp cấp quận, phường được chuyển giao cho HĐND Thành phố đảm nhận. Cho đến nay, UBND các quận, phường nơi không có HĐND, hoạt động ổn định, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy. Hiệu quả thể hiện rõ ở việc giảm biên chế và bộ máy trung gian, giảm chi phí hành chính.

Để đảm bảo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân khi không tổ chức HĐND, điều quan trọng nhất là nâng cao năng lực thực hiện chức năng GS và phản biện xã hội (PBXH) của mặt trận Tổ quốc. Vì vậy, thực hiện kế hoạch của Thành phố về việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND dân cấp quận, phường, Thường trực UBMTTQ Việt Nam Thành phố đã hướng dẫn UBMTTQ các cấp tổng kết đánh giá về kết quả các hoạt động GS; về công tác phối hợp tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND Thành phố; về công tác hiệp thương giới thiệu bầu hội thẩm nhân dân tòa án nhân dân 2 cấp; việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND; thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở xã, phường, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân trong xây dựng chính quyền… Qua đó đề xuất, kiến nghị những vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, nhất là cơ chế GS và PBXH để tiếp tục thực hiện tốt hơn việc thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường trên địa bàn thành phố.

Từ những kết quả, kinh nghiệm bước đầu, thời gian tới, để phát huy chức năng GS và PBXH của MTTQ Thành phố khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường có hiệu quả cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền về chức năng GS và PBXH của mặt trận Tổ quốc ở địa phương.

Các cấp ủy đảng và chính quyền TP. Đà Nẵng cần quán triệt sâu sắc, đầy đủ, thống nhất trong nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện chức năng GS và PBXH của MTTQ; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong hoạt động GS và PBXH của MTTQ Thành phố thông qua việc cung cấp, tiếp nhận và xử lý thông tin, tạo cơ chế, chính sách, kinh phí để MTTQ Thành phố tổ chức GS và PBXH có hiệu quả.

Hai là, nâng cao nhận thức của thành viên mặt trận các cấp về thực hiện chức năng GS và PBXH ở địa phương.

Các thành viên mặt trận Tổ quốc các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức về sự cần thiết, ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện chức năng GS và PBXH trong các tổ chức thành viên. Trong việc thực hiện chức năng GS và PBXH, các cấp mặt trận không thụ động, trông chờ khi tổ chức đảng, chính quyền có yêu cầu mới làm, mà cần chủ động đề nghị cơ quan, tổ chức của đảng, chính quyền có thẩm quyền khi xây dựng dự án, đề án chuyển đến mặt trận dự thảo, dự án, đề án để phản biện.

Ba là, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về thực hiện chức năng GS và PBXH của Mặt trận ở địa phương.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho nhân dân thấy được tầm quan trọng về thực hiện chức năng GS và PBXH của mặt trận để từ đó lôi cuốn mọi người dân quan tâm, tích cực tham gia vào hoạt động GS và PBXH, phấn đấu tạo thành một nếp sinh hoạt, trở thành một chế độ thường xuyên của nhân dân.

Bốn là, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách bảo đảm thực hiện chức năng GS và PBXH của mặt trận ở địa phương.

Để cho mặt trận Tổ quốc có cơ sở pháp lý thực hiện tốt chức năng GS và PBXH cần hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống chính trị phối hợp thực hiện. Trước hết là, trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, tiếp tục kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật MTTQ Việt Nam phù hợp với Hiến pháp. Quy định những nội dung cụ thể trong Quy chế GS và PBXH của mặt trận Tổ quốc; trong Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 24-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; trong Quy chế MTTQVN giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư (Ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 05/2006/NQLT-CP-UBTWMTTQVN, ngày 21-04-2006 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) và Quy chế Phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 19 /2008/NQLT/CP-UBTUMTTQVN, ngày 22-8-2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam). Thể chế hoá về chi ngân sách để mặt trận hoạt động mà không phụ thuộc cơ chế “xin - cho” từ phía cơ quan nhà nước. Sớm ban hành Luật về quyền được thông tin của người dân, để công dân có thông tin kịp thời, chính xác làm cơ sở thực hiện tốt chức năng GS và PBXH.

Năm là, đổi mới sự lãnh đạo và quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc thực hiện chức năng GS và PBXH của mặt trận ở địa phương.

Để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với mặt trận trong  thực hiện chức năng GS và PBXH, trước hết các cấp ủy đảng cần đề ra những chủ trương đúng đắn về GS và PBXH. Các cấp chính quyền cần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng thành chương trình, kế hoạch, quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo cho mặt trận triển khai thực hiện.

Sáu là, tạo điều kiện cho việc tiếp cận thông tin của mặt trận và nhân dân. Cần công khai, minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho mặt trận và mọi tầng lớp nhân dân có điều kiện và cơ hội tiếp cận các nguồn thông tin, tư liệu chính thống một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác bảo đảm cho làm tốt chức năng GS và PBXH. Mặt trận phải xác định rõ những nội dung mà mình sẽ tiến hành GS và phản biện để từ đó phát hiện, tiếp thu các ý kiến tham gia của quần chúng nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất