Xây dựng lực lượng nòng cốt dân vận trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên

Trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản, việc xây dựng và phát huy vai trò lực lượng nòng cốt có ý nghĩa rất quan trọng tới tiến trình và kết quả của các cuộc cách mạng nói chung cũng như đối với các phong trào của quần chúng tham gia vào cuộc cách mạng đó. Chính vì vậy, các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác đã có nhiều chỉ dẫn quý báu về lực lượng “nòng cốt” và “nòng cốt làm công tác dân vận” dựa trên luận điểm cơ bản: quần chúng nhân dân là người sáng tạo chân chính ra lịch sử. Tuy nhiên, quần chúng nhân dân là một khối không đồng nhất và thống nhất, bao gồm nhiều giai cấp và tầng lớp khác nhau, có đặc điểm, vị trí không giống nhau. Vì vậy, cần chú trọng vai trò nòng cốt của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân để tuyên truyền, cổ động, tổ chức và dẫn dắt các phong trào quần chúng. Việc xây dựng lực lượng nòng cốt phải đạt được những tiêu chuẩn cơ bản về địa vị kinh tế, trình độ, kinh nghiệm và uy tín trong các tầng lớp nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tư tưởng và hành động về xây dựng và phát triển lực lượng nòng cốt được hình thành từ rất sớm. Trong quá trình tìm đường cứu nước, bên cạnh các hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào nước ta, về mặt tổ chức, Người đã chọn một số thanh niên tiêu biểu, hăng hái trong tổ chức Tâm tâm xã, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và nhiều người tiến bộ khác để đào tạo, rèn luyện họ trở thành cán bộ đưa về nước làm nòng cốt trong các phong trào cách mạng. Đây là sự chuẩn bị về tinh thần và lực lượng, nhất là lực lượng nòng cốt cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người chỉ ra và phân tích rất cụ thể vai trò, mối quan hệ giữa “nhóm trung kiên”- thực chất là nhóm nòng cốt trong quần chúng đối với các phong trào cách mạng: “Bất kỳ việc gì, thí dụ việc chỉnh đốn Đảng, người lãnh đạo phải có một số người hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo. Nhóm trung kiên này phải mật thiết liên hợp với quần chúng, công việc mới thành... Vì vậy bất kỳ cơ quan nào, bộ đội nào, cũng cần phải chọn một nhóm người hăng hái, trung thành, có năng lực, giữ kỷ luật, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo”[1].

Bước vào thời kỳ mới, Đảng ta luôn xác định vai trò lực lượng nòng cốt và công tác xây dựng lực lượng nòng cốt là một vấn đề rất quan trọng và cần thiết. Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục “phát huy vai trò nòng cốt tập hợp, đoàn kết nhân dân xây dựng cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại’’[2]. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Chỉ thị 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nêu rõ: Vận động và phát huy vai trò của người có uy tín là một nội dung quan trọng trong chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp tăng cường chỉ đạo các cơ quan, tổ chức “trong đó mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng, dân vận, dân tộc, tôn giáo, công an, quân đội làm nòng cốt để tiến hành thường xuyên, liên tục công tác vận động người có uy tín, phát huy mạnh mẽ mặt tích cực của họ”.

Từ thực tế công tác dân vận trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thời gian qua, có thể hiểu “Nòng cốt” là những người gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; có uy tín và khả năng vận động, tập hợp, dẫn dắt quần chúng; được tổ chức tin tưởng, giao nhiệm vụ và chấp hành sự phân công của tổ chức; thông qua những người nòng cốt mà cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể có thể tập hợp, lôi cuốn, định hướng cho quần chúng tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiệm vụ của “Nòng cốt làm công tác dân vận trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên” là: Nắm bắt và phản ánh kịp thời, đầy đủ tâm tư, nguyện vọng và dư luận của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hiểu và biết phân loại được các đối tượng có biểu hiện lôi kéo, kích động, dụ dỗ quần chúng tham gia các hoạt động đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng, xâm hại đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc ở cơ sở. Tích cực tham gia tuyên truyền, vận động và giải thích cho quần chúng nhân dân khi địa phương có vấn đề nổi cộm, vận động nhân dân không tin, không nghe theo lời kẻ xấu đi biểu tình, bạo loạn, vượt biên trái phép; kiên quyết đấu tranh vạch mặt, cô lập kẻ xấu trước cộng đồng. Bản thân và gia đình tích cực, gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hăng hái tham gia các phong trào hành động cách mạng, tích cực trong việc hòa giải, giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, xây dựng khối đoàn kết cộng đồng ở khu dân cư buôn, làng. Khi phát hiện tình hình không bình thường trong tư tưởng quần chúng nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… phải kịp thời báo cáo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể để kịp thời giải quyết.

Tây Nguyên là vùng đất đầy tiềm năng về kinh tế và nhạy cảm về chính trị, xã hội, là địa bàn cực kỳ quan trọng về môi trường sinh thái, nơi hội tụ, chung sống của đồng bào nhiều dân tộc thiểu số gắn với không gian văn hóa cồng chiêng độc đáo của nhân loại. Đối với Tây Nguyên thì lực lượng nòng cốt có vai trò rất quan trọng, nhất là trong tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần cảm hoá những phần tử gây rối, quá khích, bị xúi giục trong buôn, làng; nắm bắt và phản ánh những tâm tư, kiến nghị của đồng bào tới các cơ quan, tổ chức để hoạch định đường lối, chính sách đúng; góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ổn định về chính trị, phát triển kinh tế - xã hội bền vững; tạo chỗ dựa, củng cố niềm tin trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Đa số cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sống theo nếp tự quản, vận hành trên cơ sở luật tục là chính. Theo đó, ngoài trưởng thôn, buôn, làng quản lý chung còn có các già làng, thầy cúng và những người am hiểu trên một số lĩnh vực. Trong thời gian qua, các già làng và người có uy tín trong cộng đồng là những nòng cốt trong các tổ hòa giải, đã vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư’’, “Toàn dân tham gia phát hiện tố giác tội phạm, giáo dục cảm hoá người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư’’… Đồng thời, các nòng cốt cũng đã tích cực tuyên truyền, giáo dục bà con nâng cao ý thức cảnh giác với âm mưu của các thế lực thù địch; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; thực hiện kế hoạch hoá gia đình; chăm lo vệ sinh môi trường; thực hiện phong trào khuyến học... Thông qua những việc làm đó, cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã gắn bó và đoàn kết với nhau hơn.

Từ đặc điểm, vị trí, vai trò quan trọng của lực lượng cốt cán ở Tây Nguyên, nội dung xây dựng lực lượng nòng cốt làm công tác dân vận trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là việc: các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, bản thân người nòng cốt đề ra và thực hiện chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm lựa chọn, bồi dưỡng, giao việc, thử thách, theo dõi, kiểm tra, thực hiện chế độ chính sách, bảo vệ và thường xuyên củng cố, kiện toàn đối với lực lượng nòng cốt để lực lượng nòng cốt hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị.

Để thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng lực lượng nòng cốt làm dân vận trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, cần quán triệt và làm tốt một số nội dung sau:

Một là, chủ thể xây dựng lực lượng nòng cốt là cấp ủy đảng, chính quyền và mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội.... nhưng trước hết và trực tiếp là các cấp ủy, tổ chức đảng và của từng nòng cốt. Cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm chính trong việc đề ra nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng lực lượng nòng cốt nhưng từng nòng cốt cũng phải tự giác, tích cực, chủ động rèn luyện, học tập, đi đầu trong nhận thức và thực hiện nhiệm vụ, chủ trương của đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể đề ra. Tổ chức đảng đóng vai trò quan trọng đối với việc xây dựng lực lượng nòng cốt nhưng nếu từng cá nhân nòng cốt không tự giác phấn đấu thì không thể tiến bộ, khó gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc.

Hai là, xây dựng lực lượng nòng cốt là trách nhiệm, công việc của mỗi địa phương, cơ sở ở Tây Nguyên, nên các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể cần có kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho từng thời điểm để chăm lo xây dựng lực lượng nòng cốt làm công tác dân vận trong cộng đồng dân tộc thiểu số đảm bảo yêu cầu làm “tai mắt” cho tổ chức, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân.

Ba là, đổi mới nội dung, phương pháp, kỹ năng tác nghiệp vận động, thuyết phục của lực lượng nòng cốt. Việc xây dựng lực lượng nòng cốt vững mạnh sẽ góp phần quan trọng trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở; tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết các dân tộc ở địa phương. Vì vậy, trước mắt cần chú ý nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của lực lượng nòng cốt và đồng bào dân tộc thiểu số.

Bốn là, xây dựng tiêu chuẩn, quy chế hoạt động lực lượng nòng cốt. Đổi mới, bổ sung chính sách tạo động lực cho lực lượng nòng cốt hoàn thành nhiệm vụ.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, t5, tr.289-290. [2] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI,  Nxb CTQG, H.2011, tr.246.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất