Kiến thức thực tiễn cho cán bộ, giảng viên trẻ của Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Nhìn lại chặng đường hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Những đóng góp của Học viện là sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, đặc biệt là cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Học viện.

Theo số liệu thống kê của Vụ Tổ chức Cán bộ, hiện toàn hệ thống Học viện có 11 giáo sư, 125 phó giáo sư, 431 tiến sĩ, 900 thạc sỹ, 967 cử nhân; 8 nghiên cứu viên cao cấp, 38 chuyên viên cao cấp, 485 giảng viên chính, 68 nghiên cứu viên, 177 chuyên viên chính, 1.306 chuyên viên, nghiên cứu viên. Trong tổng số đội ngũ cán bộ giảng dạy thì cán bộ trẻ chiếm hơn 50%. Đây vừa là thế mạnh nhưng cũng đồng thời là khó khăn, thách thức không nhỏ đối với quá trình hoạt động và phát triển của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trẻ là những người năng động, nhiệt tình trong công tác, hăng hái phấn đấu và tích cực học tập, rèn luyện về chuyên môn. Sau thời gian chưa dài về Học viện, nhiều giảng viên trẻ đã được học cao học, nghiên cứu sinh. Mặt mạnh của họ  là: Năng động, sáng tạo, nhạy bén với cái mới, tâm huyết với nghề nghiệp, say mê với công tác nghiên cứu, giảng dạy. Trên nhiều lĩnh vực chuyên ngành đã có những cán bộ trẻ có uy tín đang phát huy có hiệu quả năng lực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và giảng dạy lý luận chính trị. Một số cán bộ trẻ vừa là nhà giáo dục, nhà sư phạm, người thầy gương mẫu, vừa là nhà khoa học có nhiều công trình được đánh giá cao, tương lai có thể trở thành những nhà khoa học đầu ngành có uy tín. Một số đồng chí có kỹ năng sư phạm  tốt, biết kết hợp một cách sáng tạo các phương pháp khác nhau, các phương tiện hiện đại cho từng môn học và từng đối tượng học viên mang lại hiệu quả cao, phát huy được tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người học. Nhiều cán bộ giảng viên trẻ luôn cập nhật những vấn đề bức xúc nảy sinh từ thực tiễn để thu thập và xử lý thông tin, vì vậy các bài giảng luôn sống động, mang tính thời sự cao nhờ những tri thức thực tiễn và cách thức luận giải vấn đề khoa học từ thực tiễn đang đòi hỏi. Bên cạnh đó là một số cán bộ khoa học trẻ được đào tạo ở nước ngoài có trình độ ngoại ngữ khá thành thạo trong nghiên cứu khoa học và trong giao tiếp. Trong những năm qua đội ngũ cán bộ trẻ của Học viện đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, đã có bước trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, họ lại thiếu kiến thức thực tế. Thực tiễn không có lý luận thì như người đi trong đêm tối, nhưng lý luận mà không có thực tiễn thì là lý luận suông. Việc đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, tham mưu cho Đảng, Nhà nước mà chỉ có lý luận suông, không có kiến thức thực tế thì sẽ không đạt được hiệu quả, thậm chí trong nhiều trường hợp có thể dẫn tới sai lầm về đường lối; tạo ra một lớp cán bộ quan liêu, “chỉ tay năm ngón”.

Với cán bộ trẻ, kiến thức thực tế chuyên môn nghiệp vụ trong lao động sản xuất, kinh doanh, công tác, chiến đấu còn ít do tuổi đời còn trẻ, chưa kinh qua các chức vụ lãnh đạo quản lý. Cán bộ, giảng viên trước khi chuyển công tác về Học viện đã qua các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các ban ngành, cơ quan, đơn vị không nhiều nên kiến thức thực tế về lãnh đạo quản lý cũng cần phải bồi dưỡng nhiều hơn. Bởi theo Hồ Chí Minh thì: "Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông"[1] Đảng bộ Học viện cùng với các đơn vị chức năng đã đẩy mạnh việc đưa cán bộ khoa học của Học viện đi xâm nhập thực tế và nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thông qua các khóa học trong và ngoài nước nhưng kiến thức thực tế về đất nước và về thế giới của một bộ phận không nhỏ cán bộ cần phải được chú trọng đầu tư hơn nữa.

Năm học 2011- 2012, cùng với tổng kết thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 30-7-2005 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện đã tập trung đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và các mặt công tác khác nhất là việc bồi dưỡng kiến thức thực tế cho cán bộ nghiên cứu giảng dạy trong toàn hệ thống Học viện.

Trong năm học qua, Học viện đã hoàn thành tổng rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị tại Trung tâm Học viên và 6 học viện trực thuộc giai đoạn 2012- 2015; công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp kịp thời, đúng quy định. Cùng với việc triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và giảng viên lý luận chính trị - hành chính năm 2012, Học viện đã hoàn thành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2012- 2015.

Năm 2002, Học viện đã đưa toàn bộ 65 học viên lớp cán bộ trẻ, sau khi học xong chương trình cử nhân chính trị đi thực tế 6 tháng ở huyện Đan Phượng , Hà Nội. Các cán bộ bộ  được chia nhóm xuống các xã trong huyện cùng làm việc với đảng ủy, chính quyền xã và sinh sống, lao động cùng nhân dân địa phương.

Đảng bộ cùng lãnh đạo Học viện đặc biệt chú trọng khâu bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ mà đặc biệt là cán bộ trẻ theo đúng đường lối, chính sách và bảo đảm công khai, dân chủ. Công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ được tiến hành theo đúng quy trình. Công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ của Học viện được Đảng ủy đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Tính riêng trong năm học 2009-2010, hàng nghìn lượt cán bộ nghiên cứu, giảng dạy và chuyên môn khác tại các đơn vị của Học viện và Học viện trực thuộc (không kể đội ngũ cán bộ của các trường chính trị tỉnh, thành phố) đã được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức ngắn ngày về chuyên môn, về nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về phương pháp dạy học tích cực...

Để tăng cường bồi dưỡng kiến thức thực tế cho cán bộ nghiên cứu giảng dạy, năm học 2011 – 2012, Học viện đưa 50 đoàn với 395 lượt cán bộ công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng, công tác ở nước ngoài (trung tâm Học viện 21 đoàn, học viện trực thuộc 29 đoàn). Học viện đã cử 19 cán bộ đi học hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị - hành chính, 23 cán bộ dự tuyển nghiên cứu sinh, 12 cán bộ đi học cao học, tiếp nhận lại 18 cán bộ sau khi hoàn thành các khóa đào tạo. Trung tâm học viện đã tổ chức 35 lớp bồi dưỡng với 2.730 lượt người tham gia.

Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và nhất là bồi dưỡng kiến thức thực tế cho cán bộ, Đảng ủy Học viện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn mời các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm ở trong và ngoài Học viện tổ chức biên soạn, chỉnh lý hoàn thiện 10 khung chương trình đào tạo vừa bảo đảm tính lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, vừa cập nhật kiến thức hiện đại, đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của xã hội và từng bước hội nhập quốc tế. Học viện cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm có mời các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn (bí thư, chủ tịch, chuyên gia giỏi ở các cấp) đến báo cáo kinh nghiệm hoạt động thực tiễn cho cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trong toàn hệ thống học viện.

Các hình thức bồi dưỡng kiến thức thực tế cho cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Học viện nói chung cũng được đa dạng hóa thông qua các kênh thông tin thời sự, tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội thi tìm hiểu trong toàn hệ thống học viện.

Bên cạnh lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng ủy Học viện phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ đã tăng cường việc tuyển dụng các cán bộ thực tiễn vào làm cán bộ của Học viện. Năm học 2011-2012 tuyển dụng mới 54 người, tiếp nhận 15 cán bộ từ các cơ quan khác đến công tác tại Học viện.

Bản thân mỗi cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trong toàn hệ thống học viện cũng tự ý thức, tự bồi dưỡng kiến thức thực tế qua trải nghiệm cuộc sống. Ngoài số lượng đông đảo các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy được Học viện cử tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước thì cũng có rất nhiều cán bộ trẻ tự học. Năm học 2011-2012, số cán bộ trẻ tự túc tham gia các khóa học nâng cao trình độ (cao học, nghiên cứu sinh) là 15 người.

Từ những năm 2007, Giám đốc Học viện đã có chủ trương đưa cán bộ nghiên cứu, giảng dạy đã hoàn thành chương trình đào tạo đi bổ sung kiến thực thực tế ở các cơ quan, bộ ngành, doanh nghiệp. Chủ trương này đã đi vào thực tiễn bằng việc Học viện đã cử được 5 cán bộ trẻ có học vị tiến sĩ, thạc sĩ đi nghiên cứu thực tế ở huyện Hoài Đức, quận Cầu Giấy, tỉnh Bắc Ninh, Tập đoàn Dệt may...

Ngày 14 tháng 6 năm 2012, Giám đốc Học viện đã ban hành Công văn số 549/HVCT-HCQG về việc cán bộ luân chuyển, biệt phái, đi thực tế dài hạn. Công văn nêu rõ: Việc luân chuyển, biệt phái, đi thực tế dài hạn là một khâu trong quá trình rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ và đáp ứng yêu cầu cấp thiết về cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Từ năm học 2012-2013 trở đi, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh chủ trương đẩy mạnh việc đưa cán bộ khoa học đi luân chuyển, biệt phái, thực tế dài hạn tại các đơn vị, địa phương, bộ, ban, ngành, đặc biệt là tăng cường cán bộ cho Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV, Cơ sở Học viện Hành chính tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời, văn bản này cũng xác định rõ các chế độ, chính sách đối với cán bộ đi luân chuyển, biệt phái, thực tế dài hạn giúp cho việc bồi dưỡng kiến thức thực tế cho cán bộ nghiên cứu, giảng dạy có tính đồng bộ, khả thi. Kết quả thực hiện Công văn 549 đã có 3 cán bộ nghiên cứu, giảng dạy là tiến sĩ, trưởng, phó các ban nghiên cứu, giảng dạy ở các viện chuyên ngành đi thực tế tại Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV, 1 giảng viên là tiến sĩ, Phó Chánh văn phòng Đảng ủy đi thực tế tại tỉnh Bắc Ninh. Các đơn vị ở Học viện trung tâm đang tiếp tục bổ sung danh sách cán bộ nghiên cứu, giảng dạy diện đi luân chuyển, biệt phái, thực tế cho năm học tới.

Những hoạt động trên đây đã góp phần bồi dưỡng kiến thức thực tế một cách đa dạng, có chiều sâu của  Học việnCT-HCQG Hồ Chí Minh và là tiền đề quan trọng để Học viện tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu lý luận chính trị - hành chính, xứng đáng với học viện mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Bên cạnh những mặt mạnh rất cơ bản, công tác bồi dưỡng kiến thức thực tế cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Học viện nói chung và đội ngũ cán bộ trẻ nói riêng cũng còn nhiều bất cập, hạn chế như: Vẫn còn tình trạng một số cuộc khảo sát thực tế chưa đi sâu vào chuyên môn, gắn lý luận với thực tiễn mà chủ yếu là gắn với tham quan, du lịch và giải quyết chính sách đối với cán bộ nên kiến thức thực tế thu lượm được chỉ là những hiểu biết về tình hình địa phương, đơn vị. Những cán bộ nhiều kinh nghiệm, có chức vụ thì được bố trí đi thực tế nhiều còn những cán bộ trẻ thiếu kinh nghiệm, cần bổ sung nhất thì chưa tham gia sâu, rộng vào các nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu nên chưa được bố trí đi thực tế thường xuyên công tác bồi dưỡng kiến thức thực tế cho cán bộ nghiên cứu, giảng dạy của Học viện chưa thực sự đi vào nền nếp, trở thành chế độ thường xuyên và bắt buộc. Việc tự bồi dưỡng kiến thực thực tế của cán bộ nghiên cứu, giảng dạy ở các đơn vị chưa có quy chế rõ ràng, chưa có cơ chế đánh giá, xem xét và ghi nhận, từ đó trrở thành vấn đề tự phát, cán bộ nào thấy cần thì thực hiện.

Thực tế đặt ra yêu cầu với cả người dạy và người học, không chỉ dừng lại ở việc nắm vững các nguyên lý, lý luận, lý thuyết khoa học, mà điều quan trọng hơn là, trên cơ sở đó phải biết vận dụng sáng tạo những kiến thức cơ bản vào phân tích, lý giải, tìm ra các biện pháp tối ưu nhất để xử lý các vấn đề, các tình huống mà thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý đặt ra. Ăng-ghen gọi đó là việc “giáo dục thực tiễn”. Ông nhấn mạnh rằng, việc giáo dục đó vừa phải là giáo dục lý luận, vừa phải giáo dục thực tiễn, “nó cần phải được thực hiện không chỉ trên lời nói, mà phải bằng việc làm, bằng những tấm gương”[2]



[1] Hồ Chí Minh, 1995, tập 8, tr. 496. [2] Chủ nghĩa Mác – Lê Nin bàn về thanh niên và công tác thanh niên, NXB Thanh niên 2008, tr47.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất