Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Điều đó khẳng định Người đặc biệt quan tâm đến con người và giải phóng con người, coi đó là mục đích cao cả trong hoạt động cách mạng của mình. Vì vậy, Người đã được UNESCO vinh danh "sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực giáo dục, văn hoá và nghệ thuật, là kết tinh của truyền thống văn hoá hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam. Tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”[1].
Thừa hưởng trực tiếp tư tưởng thương dân của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc khi cụ chủ trương “ái quốc là ái dân”, “lấy nhân dân làm hậu thuẫn cho tất cả các phong trào cải cách chính trị”, ảnh hưởng lớn đến Nguyễn Tất Thành về lòng yêu nước và yêu thương con người, đặc biệt là sức mạnh của nhân dân đối với phong trào cách mạng. Bên cạnh đó, Người được nuôi dưỡng bởi những giá trị truyền thống nhân văn quý báu của dân tộc, đó là lòng yêu thương, quý trọng và tin tưởng vào con người, phẩm giá con người và đặc biệt là từ thực tiễn cuộc sống bần cùng của nhân dân thuộc địa không có quyền làm người, các dân tộc bị áp bức bóc lột đến thậm tệ.
Chính những điều mắt thấy tai nghe đã thôi thúc người yêu nước Nguyễn Ái Quốc thâm nhập trực tiếp vào các nước phương Tây để kiểm nghiệm giá trị “tự do - bình đẳng - bác ái” mà chúng đang rêu rao ở các nước thuộc địa và chính ngay trên đất nước Việt Nam!
Từ ý chí kiên cường và trải qua biết bao thử thách của thực tiễn cuộc sống, Nguyễn Ái Quốc đã củng cố vững chắc lý tưởng độc lập, tự do của mình. Trong những năm tìm đường cứu nước, Người đã dành nhiều thời gian để khảo sát thực tế, tìm hiểu ngôn từ đẹp đẽ “tự do - bình đẳng - bác ái” được thực thi các nước “mẫu quốc” và các thuộc địa như thế nào. Người đã đi vào sào huyệt của chủ nghĩa thực dân để xem cái “hào nhoáng” của những nền “văn minh với sứ mệnh khai hoá”. Người đã dày công nghiên cứu các cuộc cách mạng tư sản, tư tưởng của những nhà lý luận như: Rút-xô, Mông-tét-xki-ơ và các nhà tư tưởng tiến bộ khác - điều đó hoàn toàn bị ngăn cấm ở các trường học thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ở Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp (1789) và Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776) những “quyền bất khả xâm phạm” của con người. Đây chính là cơ sở quan trọng để gần 40 năm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng nhân dân và dân tộc Việt Nam cũng phải được hưởng những “quyền bất khả xâm phạm” trong “Tuyên ngôn độc lập” của Việt Nam.
Sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước, đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được lời giải cho những câu hỏi bức bách của cách mạng Việt Nam, học ở V.I. Lênin tinh thần đấu tranh bất khuất đòi quyền con người và quyền của các dân tộc thuộc địa. Người viết: “... trong lịch sử cuộc đời đau khổ và bị mất quyền của các dân tộc thuộc địa, Lênin là người sáng tạo ra cuộc đời mới, là ngọn hải đăng chỉ dẫn con đường đi tới giải phóng cho toàn thể nhân loại bị áp bức”.
Với những nền tảng cơ bản đó, đã hình thành ở Nguyễn Ái Quốc tình cảm đặc biệt về thân phận con người và nung nấu ý chí đấu tranh giành lấy độc lập cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân. Với Người, cứu nước không chỉ đánh đuổi quân xâm lược, giành lấy độc lập cho dân tộc, mà cứu nước là để cứu dân, giải phóng dân tộc gắn với giải phóng con người, giành độc lập cho dân tộc thống nhất với giành quyền tự do, quyền con người cho nhân dân. Điều này được kết tinh trong Tuyên ngôn độc lập - thiên anh hùng ca của cách mạng Việt Nam, áng văn chính luận có ý nghĩa quan trọng khẳng định giá trị về tư tưởng chính trị, pháp quyền, về quyền con người và quyền dân tộc; là tảng tinh thần, vũ khí lý luận dẫn đường cho cách mạng Việt Nam đến những thắng lợi to lớn. Có thể khẳng định rằng tư tưởng xuyên suốt của Tuyên ngôn là tư tưởng về con người, quyền con người và được Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng lên thành quyền dân tộc chính đáng thiêng liêng!
Mở đầu Tuyên ngôn, Người dẫn lời bất hủ của Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”[2], và trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Từ việc luận dẫn những lời bất hủ của hai bản Tuyên ngôn tư sản, Người đã kết luận đanh thép rằng: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đó là một lô-gic biện chứng có sức sống và có giá trị trường tồn, là một tất yếu không thể phủ nhận.
Có nhiều học giả cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo dùng “gậy ông đập lưng ông”, nghĩa là lợi dụng các nguyên tắc pháp lý tư sản, các khái niệm về quyền tự nhiên, quyền con người, quyền công dân... để đòi các quyền tự do dân chủ, quyền đấu tranh chống áp bức của người bản xứ. Nói vậy không có nghĩa là chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy những nguyên lý tư sản để áp đặt cho cách mạng Việt Nam, cóp nhặt những ngôn từ của tuyên ngôn tư sản để lập nên một bản tuyên ngôn cho một nước mà giai cấp vô sản vừa mới lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền. Chúng ta cần nhìn nhận một cách khoa học về sự tinh tế, sự linh hoạt trong tư duy, sự thiên tài về mặt lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lấy “những lẽ phải không ai chối cãi được” để bảo vệ “những lẽ phải”, “những quyền chân chính” cho bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào cũng đều được hưởng!
Cũng có nhiều học giả đặt ra câu hỏi vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh trích Tuyên ngôn của hai quốc gia phương Tây, trong đó, có nước Pháp - nước cai trị Việt Nam. Bởi vì, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn khẳng định rằng, cách mạng Việt Nam cũng là sự nối tiếp của con đường tiến hóa mà nhân loại đã và sẽ đi. Người cho rằng phải tôn trọng nền độc lập dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, dân tộc, đồng thời thực hiện quyền bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc với nhau.
Người đã đại diện cho những người Việt Nam yêu nước, cho cả dân tộc Việt Nam trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng Việt Nam luôn khát khao trở thành “một dân tộc tiên tiến”, một dân tộc tự do, bình đẳng, hoà bình và thống nhất. Người viết: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” và “sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập”.
Ngày 3-9-1945, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”[3]. Ngày 9-11-1946, Quốc hội biểu quyết thông qua Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Hiến pháp này đã dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo đảm các quyền và tự do của công dân, trong đó khẳng định tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân và mọi công dân Việt Nam không phân biệt nòi giống, giai cấp, tôn giáo, giàu nghèo, gái trai… đều được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trước pháp luật, trước tòa án cũng như trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa.
Sau Hiến pháp năm 1946, trong các Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992, vấn đề quyền con người ở Việt Nam không ngừng được bổ sung, mở rộng và phát triển. Các bản Hiến pháp đều khẳng định: Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, trong đó nhân dân sử dụng quyền lực gián tiếp thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân. Đó là các cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Mặt khác, nhân dân sử dụng quyền lực trực tiếp như tham gia bầu cử, chất vấn các đại biểu cơ quan dân cử, giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước…
Đại hội VI của Đảng đã khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện đất nước mà trước hết là đổi mới tư duy về lý luận, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, từng bước đổi mới về chính trị. Đổi mới về kinh tế đã đặt con người vào vị trí trung tâm, phát huy được nhân tố con người, gắn quyền con người với điều kiện kinh tế - xã hội, tôn trọng và thúc đẩy quyền con người trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Văn kiện Đại hội VI khẳng định: “Cùng với việc chăm lo đời sống nhân dân, các cơ quan nhà nước phải tôn trọng và bảo đảm những quyền công dân mà Hiến pháp đã quy định”[4]. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), khái niệm “quyền con người” được đề cập, đó là: “Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người, quyền đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm”[5].
Qua các kỳ đại hội, tư duy và nhận thức về quyền con người ngày càng được đổi mới, hoàn thiện hơn. Văn kiện Đại hội XI của Đảng tiến thêm một bước cơ bản trong bảo vệ quyền con người với sự khẳng định: “Phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người được phát triển toàn diện”[6].
Hiến pháp 1992 đã đánh dấu bước phát triển mới trong việc khẳng định, mở rộng và diễn đạt sâu sắc hơn nội dung một số quyền con người, quyền công dân. Với nguyên tắc hiến định“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”[7], Hiến pháp năm 1992 đã bổ sung những quyền mới vào tập hợp các quyền công dân, như quyền được tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu đối với các tư liệu sản xuất và các tài sản khác… Khái niệm “quyền con người” được nêu ra và ghi nhận thành một điều khoản riêng: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”[8].
Quyền con người là một giá trị cao quý, là thành quả đấu tranh của nhân loại. Xây dựng một xã hội trong đó mọi người đều được thụ hưởng quyền con người là mục tiêu của cuộc cách mạng do các chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo dân tộc Việt Nam đấu tranh đánh đuổi các thế lực xâm lăng, giành độc lập, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, quyền con người của người Việt Nam ngày càng được bảo đảm. Đảng ta luôn coi con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển, phát huy nhân tố con người trong công cuộc đẩy mạng CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra.
[1] Nghị quyết của Tổ chức giáo dục và văn hoá thế giới UNESCO công nhận Hồ Chí Minh – vị anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hoá lơn. [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, t.4, tr.4. [3] Sđd, t.4, tr.8. [4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, H.1987, tr.112.[5] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Nxb. Sự thật, H.1991, tr.19. [6] Văn kiện Đại hội XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr.100.[7] Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992), Nxb CTQG, H.1995, tr.137.[8] Sđd, tr.153.
Phạm Thị Nhung
Trường Sĩ quan Lục quân 2