Chủ đề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (1-2011) của Đảng khẳng định: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (1).
Có thể nói cách khác, muốn tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới để đưa đất nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong vài thập niên trước mắt, phải phát huy mạnh mẽ sức mạnh của Đảng và của dân tộc.
Đứng ở thời điểm kết thúc thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, chúng ta có thể khẳng định và tự hào một cách chính đáng rằng, toàn bộ tiến trình và thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong 81 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản quang vinh, là những sự kiện, sự tích không ai có thể bác bỏ.
Vượt qua những thử thách hiểm nghèo và cả những sai lầm vấp váp trong từng lúc, từng mặt, Đảng ta đã có sự lớn mạnh và phát huy vai trò ngày càng sâu rộng không chỉ ở trong nước mà còn có tầm vóc quốc tế. Những thắng lợi rất to lớn và có ý nghĩa thời đại trong 81 năm qua tạo nên những bước ngoặt vĩ đại của cách mạng nước ta. Có được những thắng lợi ấy là do nhiều nguyên nhân, nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, từ bên trong và bên ngoài mang lại. Nhưng nói cho cùng, xét đến cùng là do hai nhân tố quan trọng nhất sau đây quyết định, đó là ý Đảng, lòng dân.
Một là ý Đảng: Nói ý Đảng là muốn nói đến sự lãnh đạo của Đảng và quan trọng nhất là sự lãnh đạo ấy thuận với lòng dân, thuận với chiều hướng phát triển của lịch sử, của thời đại, của dân tộc. Cách mạng Việt Nam khi chưa có Đảng ra đời và lãnh đạo thì đường đi tối như bưng, không có lối ra. Từ khi có Đảng và với vai trò tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng, cách mạng đã vượt qua mọi thách thức, kể cả thách thức hiểm nghèo, để giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thắng lợi sau to lớn hơn thắng lợi trước.
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng thể hiện ở đường lối chính trị (Cương lĩnh, nghị quyết, chính sách, khẩu hiệu…), ở nghệ thuật tuyên truyền, vận động, giáo dục, tập hợp, tổ chức quần chúng tham gia các lực lượng cách mạng; sử dụng mọi biện pháp, hình thức đấu tranh từ bí mật, bất hợp pháp đến công khai, hợp pháp, đi từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ bộ phận đến toàn thể. Chính thắng lợi của cách mạng là bằng chứng sinh động, cụ thể nhất có sức cuốn hút, tập hợp các tầng lớp quần chúng nhân dân đứng lên đi theo Đảng, bất chấp mọi nguy hiểm, khó khăn. Đương nhiên cũng có lúc, có nơi, Đảng có những sai sót, khuyết điểm trong một số chủ trương, biện pháp tổ chức, lãnh đạo khiến cách mạng gặp khó khăn, thậm chí tổn thất nặng (như sau cao trào cách mạng 1930-1931, trong khởi nghĩa Nam Kỳ 1940; trong công tác tổ chức, vận động quần chúng ở một vài địa bàn trong kháng chiến chống Pháp…).
Những khuyết điểm, yếu kém ấy một khi được nhìn nhận đã trở thành bài học kinh nghiệm quí để Đảng kịp thời sửa sai và chỉnh đốn lại. Nhờ vậy đã lấy lại được niềm tin và quyết tâm của nhân dân, để tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh giành thắng lợi. Ý Đảng là nghị lực, là quyết tâm và bản lĩnh chính trị của tổ chức đảng, đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Nhưng ý Đảng muốn đúng, muốn trở thành hiện thực, biến thành phong trào cách mạng của quần chúng thì ngoài việc nắm vững thực chất lý luận khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động của Đảng ta, còn phải nắm chắc, dựa vững vào lòng dân. Đây chính là cơ sở quan trọng nhất để việc vận dụng, thực hành Chủ nghĩa Mác-Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, không phạm vào bệnh giáo điều “tả” khuynh hoặc hữu khuynh.
Để ý Đảng luôn luôn sát với thực tiễn, sát với cuộc sống của nhân dân, Đảng còn phải kịp thời tổng kết, sơ kết, đúc rút kinh nghiệm để tự bồi dưỡng, rèn luyện không ngừng, nhằm nâng cao năng lực, trình độ của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm, hơn nữa còn đi tiên phong để đủ sức dẫn dắt, hấp dẫn, lôi cuốn quần chúng đi theo Đảng. Đồng thời, cũng phải kiên quyết, bền bỉ sàng lọc, gạt bỏ những phần tử lạc hậu, yếu kém, thoái hoá, biến chất, tiêu cực… nẩy sinh ở chỗ này, chỗ khác ra khỏi tổ chức đảng. Trong chiến tranh, chiến đấu là trận địa thử thách, sàng lọc, tinh luyện đội ngũ đảng viên. Trong hoà bình, có những điều kiện khách quan và chủ quan do hoàn cảnh mới đưa lại dễ khiến những người ít chịu tu dưỡng, thiếu nghiêm khắc đối với mình, trở thành những kẻ công thần, hoặc nhút nhát, thụt lùi, đầu hàng, trở thành nô lệ của mọi sự cám dỗ.
Cho nên, nói ý Đảng không phải là nói về ý chí chủ quan của Đảng mà là nói lên sự lãnh đạo của tổ chức chính trị tiên phong, có lý luận tiên tiến làm nền tảng, hoạt động theo những qui luật của thiên thời, địa lợi, nhân hoà, đặc biệt là qui luật nhân hoà. Muốn “hoà” được, thì Đảng phải hoà, phải thuận với nhau và với dân, chống mọi sự lủng củng, chia rẽ, bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cấp uỷ, mỗi đảng bộ, chi bộ thật sự là hạt nhân chính trị, là tấm gương toả sáng, dẫn đường cho quần chúng. Làm được như vậy thì cho dù thời cuộc có biến cố, bất trắc như thế nào Đảng vẫn một lòng, một ý vững vàng, kiên định để dẫn dắt và làm chỗ dựa vững chắc cho quần chúng.
Hai là lòng dân: Đó là sự cố kết tâm trí, lực lượng toàn dân tạo nên sức mạnh của cách mạng: Nhân dân ta trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, trong Cách mạng Tháng Tám cũng như trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc, đã một lòng một dạ tin theo Đảng và đã lập nên những chiến công thần kỳ. Nhưng để nắm được lòng dân, để phát huy được sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân, trong mỗi bước ngoặt, mỗi thời kỳ cách mạng cụ thể, Đảng phải hết sức coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, tập hợp, tổ chức quần chúng vào các đoàn thể chính trị-xã hội, tổ chức quần chúng phù hợp với từng giai đoạn.
Quần chúng không được tổ chức, giáo dục, hướng dẫn sẽ không tránh khỏi có những hành động tự phát, manh động khiến cho sức mạnh bị hạn chế và thành công thì ít, thất bại thì nhiều. Muốn tập hợp, thu phục được đông đảo quần chúng nhân dân tin theo Đảng, một lòng, một dạ phấn đấu hy sinh vì mục tiêu cách mạng thì mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ lợi ích tối cao của nhân dân, của dân tộc. Phải đấu tranh gạt bỏ mọi mưu lợi ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa.
Ở đây phải kể tới một nhân tố cực kỳ quan trọng để thuyết phục và thu hút quần chúng theo Đảng, đó là vai trò tiên phong, gương mẫu, hết lòng hy sinh, phấn đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hàng trăm, hàng nghìn tấm gương cán bộ, đảng viên nhiệt tình, có trách nhiệm, tâm huyết, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước. Những hoạt động sôi nổi, mạnh mẽ và sự góp công, góp sức, góp trí tuệ của những cán bộ, đảng viên ưu tú và đội ngũ quần chúng, cảm tình của Đảng đã tạo nên sức bật lay chuyển phong trào và làm xúc động sâu xa lòng người, được quần chúng nhân dân đông đảo ca ngợi, học tập, làm theo. Cũng từ những hy sinh đóng góp to lớn của Đảng, của những cán bộ, đảng viên ưu tú mà quần chúng nhân dân không chỉ tôn vinh, học tập noi theo mà còn hết sức, bằng mọi cách để bảo vệ Đảng, bảo vệ chân lý, lẽ phải, bảo vệ cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Nhưng nếu tổ chức đảng hoặc cán bộ, đảng viên nào không làm tròn vai trò trách nhiệm của mình, lại rơi vào tình trạng tiêu cực, thoái hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật, pháp luật thì việc quần chúng quay lưng lại, lên án và bất hợp tác cũng là điều dễ hiểu.
Đã có không ít những điển hình phong trào xuất hiện từ trong lòng quần chúng. Những tấm gương tiêu biểu đó, ở địa bàn nào, ngành nghề nào, giới đồng bào nào cũng có và chắc rằng sẽ ngày càng phát triển. Như thế mới biết sức mạnh lòng dân là một bảo đảm kỳ diệu cho cách mạng thành công, cho dù có những lúc phải vượt qua những thử thách tưởng chừng không vượt nổi.
Chính vì thế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tâm đắc với hai câu ca nổi tiếng của đồng bào Quảng Bình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, và Người hay nhắc lại làm bài học chung cho mọi người:
“ Dễ mười lần, không dân cũng chịu,
Khó trăm lần, dân liệu cũng xong.”
Sự nghiệp cách mạng ở nước ta phát triển thắng lợi, đạt được những thành quả to lớn có ý nghĩa lịch sử như hôm nay trước hết bắt nguồn từ hai nhân tố mấu chốt: Ý Đảng dựa chắc vào lòng dân và lòng dân kết thành ý Đảng. Còn có thể kể tới các nhân tố khác như vai trò của mặt trận và các đoàn thể quần chúng như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, Hội Nông dân, Cựu chiến binh, Người cao tuổi… các cộng đồng dân tộc, tôn giáo, v.v… Nhưng nói cho cùng đó chỉ là những hình thức tổ chức, giáo dục, tập hợp lòng dân mà thôi. Những phương thức, cách thức tổ chức, vận động đó là vô cùng phong phú, muôn màu muôn vẻ, Đảng cần tiếp tục phát huy, khơi dậy và hướng dẫn các giới quần chúng sáng tạo ra nhiều giải pháp tập hợp, tổ chức để quần chúng phát triển sức mạnh của mình. Bản thân các lực lượng, tổ chức quần chúng cũng không ngừng sáng tạo để hình thành những hình thức tổ chức, vận động ngày càng phong phú hơn, như hình thức các hiệp hội, các câu lạc bộ, các diễn đàn, v.v.
Nói ý Đảng và lòng dân là nói đến 2 yếu tố cội nguồn, sâu xa, then chốt và cũng là trực tiếp nhất quyết định mọi quá trình cách mạng. Vai trò Đảng - Đảng lãnh đạo và nhân dân - lòng dân làm chủ trong cách mạng thời nào cũng là những nhân tố quan trọng hàng đầu.
Nhưng mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi giai đoạn cụ thể lại có những nội dung, mục tiêu, phương thức vận động phù hợp. Phát huy những bài học và kinh nghiệm về sức mạnh ý Đảng - lòng dân trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, giờ đây đang đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn, phong phú, đa dạng hơn.
Đó là việc tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng, để toàn Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên vượt lên tầm cao mới về tư tưởng, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực để đủ sức lãnh đạo cách mạng, xứng đáng là những tấm gương, vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân, đúng như cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã bao quát và chỉ đạo quá trình hành động cách mạng hiện nay của mọi ngành, mọi cấp, mọi người.
Đó là công tác xây dựng, củng cố các tổ chức quần chúng: Mặt trận, các hội, đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tập hợp, thu hút rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt quá khứ, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, lứa tuổi, địa vị xã hội, giàu hay nghèo, ở trong nước hay đang ở nước ngoài nhằm mục tiêu: Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới toàn diện, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN để xoá bằng được tình trạng đói nghèo, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sự nghiệp đổi mới, thực hiện CNH, HĐH là hết sức to lớn, nặng nề, nhiều lĩnh vực còn rất mới mẻ. Muốn hoàn thành được sứ mệnh vẻ vang của mình, Đảng và dân tộc ta phải luôn luôn khắc sâu và thực hiện tốt lời giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cách mạng phải có Đảng lãnh đạo và phải lấy Dân làm gốc. Bởi lẽ, như Bác nói: Đảng không có dân thì lấy đâu ra lực lượng? Dân không có Đảng thì lấy ai dẫn đường? Hai điều đó như hai tiền đề bảo đảm để có được các điều kiện khác, và nhờ đó cách mạng thắng lợi. Lúc nào, ở đâu hai điều kiện tiên quyết đó bị suy giảm, bị tách rời, hoặc thực hiện nửa vời thì lúc đó, nơi đó nhất định phong trào cách mạng gặp khó khăn, thậm chí thất bại. Ngược lại, nếu thường xuyên củng cố, tăng cường mối quan hệ khăng khít, biện chứng của hai yếu tố đó thì trong bất cứ tình huống nào, cách mạng vẫn đủ sức vượt qua mọi trở lực, chiến thắng mọi kẻ thù và nhất định giành được thắng lợi.
Người viết bài này, tâm niệm hai điều mấu chốt đó, nên xúc cảm viết mấy câu thơ:
Cách mạng muốn thắng ở ta,
Một là ý Đảng, hai là lòng dân.
Hai điều ấy tựa phép thần
Hễ đi là đến, thành công tuyệt vời
Đảng của Bác, của muôn người
Dân là dân Việt ngàn đời sắt son.
Dẫu cho sông cạn, núi mòn,
Lòng dân, ý Đảng - Cội nguồn chiến công.
-------------------------------------
(1) Báo Nhân dân, ngày 23-12-2010
Võ Thị Thu Năm. Văn phòng Đảng ủy Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II, Phường Hiệp Phước, Quận 9, Tp. Hồ Chí Minh