Tây Ninh là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có 8 huyện và 1 thị xã. Toàn tỉnh có 95 đơn vị hành chính cấp xã (82 xã, 5 phường, 8 thị trấn). Hiện nay, 95/95 xã, phường, thị trấn có đảng bộ cơ sở với 95 đồng chí bí thư , trong đó: nam 86 (90,5%), nữ 9 đồng chí (9,47% ), 3 đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND, 1 đồng chí đồng thời là chủ tịch UBND. Có 93/95 đồng chí bí thư đảng uỷ xã, phường, thị trấn là uỷ viên BCH đảng bộ huyện, thị (trong đó 8 đồng chí là uỷ viên BTV huyện, thị uỷ); 49 đồng chí là đại biểu HĐN D huyện, thị nhiệm kỳ 2011 - 2016; 26 đồng chí bí thư đảng uỷ đồng thời là chủ tịch HĐND xã, phường, thị trấn; 5 đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp.
Tỉnh uỷ nhận thức sâu sắc xã, phường, thị trấn là cấp cơ sở trong hệ thống hành chính bốn cấp của nước ta. Đây là cấp trực tiếp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cấp xã vững mạnh là nền tảng vững chắc của chế độ chính trị nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Cấp xã là gần gũi nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi"1. Đội ngũ bí thư đảng uỷ xã, phường, thị trấn ở tỉnh Tây Ninh xuất thân chủ yếu từ nông dân, sinh ra và trưởng thành trên mảnh đất Tây Ninh giàu truyền thống văn hóa và lịch sử cách mạng, đại đa số trưởng thành từ thực tiễn.
Nhận thức vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ sở, những năm qua, cấp ủy các cấp ở Tây Ninh luôn quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ nói chung, trong đó có bí thư đảng uỷ xã, phường, thị trấn nói riêng bằng nhiều hình thức: từ xây dựng tiêu chuẩn bí thư đến quy hoạch, tạo nguồn, lựa chọn cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt, năng lực công tác... Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay và những năm tới, chất lượng đội ngũ bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn còn hạn chế, bất cập về nhiều mặt. Nhiều cán bộ chưa được đào tạo chính quy về chuyên môn nghiệp vụ, chủ yếu là đào tạo theo hình thức vừa làm, vừa học. Lãnh đạo, quản lý dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu. Một số cấp ủy chưa gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ; trình độ, năng lực lãnh đạo của một số ít bí thư chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; công tác quản lý đội ngũ bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn còn lỏng lẻo; việc kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với bí thư đảng uỷ xã, phường, thị trấn chưa được thực hiện thường xuyên...
Từ thực tiễn, để nâng cao chất lượng bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn ở Tây Ninh, cần thực hiện những biện pháp chủ yếu sau:
Một là, xây dựng tiêu chuẩn bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn sát hợp với yêu cầu thực tiễn.
Tiêu chuẩn bí thư đảng uỷ là căn cứ Cần phải có quy định cụ thể về tiêu chuẩn đối với bí thư đảng ủy. Đây là cơ sở để cán bộ, đảng viên phấn đấu trong quá trình hoạt động của mình, là điều kiện, căn cứ để đánh giá, lựa chọn, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ được khoa học và mang lại hiệu quả, không hụt hẫng nguồn cán bộ kế cận và đảm bảo được yêu cầu chung, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trước yêu cầu phát triển chung của tỉnh trong giai đoạn hiện nay, tiêu chuẩn đặt ra đối với bí thư đảng uỷ xã, phường, thị trấn ở tỉnh Tây Ninh là: phải tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng, cách mạng của Đảng. Có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tuỵ phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đủ năng lực tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, công tâm, tận tụy với dân. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức kỷ luật, trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.Hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trình độ học vấn, lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; gương mẫu về đạo đức, lối sống; có tác phong dân chủ khoa học, có khả năng tập hợp quần chúng, đoàn kết cán bộ.
Hai là, thực hiện tốt công tác tạo nguồn và lựa chọn cán bộ.
Để tạo nguồn cán bộ cơ sở ổn định và có chất lượng cao, trước hết cần xác định nguồn cán bộ quy hoạch, gồm: nguồn kế cận và nguồn dự bị lâu dài. Nguồn kế cận gồm những người đã được thử thách, đã ít nhiều có kinh nghiệm trong công tác và trong vận động quần chúng, đang làm việc có tính chất gần với công việc của chức danh quy hoạch. Nguồn cán bộ dự bị lâu dài là những con em ở địa phương đang học tại các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, quan tâm đến các con em gia đình cách mạng, có công với đất nước, con em các gia đình tích cực, tiêu biểu trong các phong trào cách mạng của địa phương, bộ đội hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, số cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên để làm cơ sở tạo nguồn cán bộ lãnh đạo xã, phường, thị trấn nói chung và chức danh bí thư đảng uỷ nói riêng.
Đồng thời, việc củng cố, xây dựng các đoàn thể vững mạnh, đây cũng là nguồn dồi dào để tổ chức đảng có thể lựa chọn cán bộ. Bởi vì, phong trào của quần chúng và các đoàn thể quần chúng chính là nơi giáo dục, rèn luyện và sàng lọc cán bộ.
Việc lựa chọn cán bộ nhất là bí thư đảng uỷ xã, phường, thị trấn là điều kiện để giúp cho cán bộ phát huy tốt năng lực, sở trường công tác và cũng là động lực thúc đẩy các phong trào cách mạng của địa phương. Việc lựa chọn bí thư đảng uỷ xã, phường, thị trấn cần phải thấu suốt quan điểm của Đảng, phải dựa trên cơ sở đánh giá để lựa chọn đúng người, đúng việc. Lựa chọn bí thư không phải chỉ qua cấp ủy, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị mà cần phải thăm dò ý kiến của quần chúng để lựa chọn người xứng đáng. Các cấp uỷ đảng ở tỉnh Tây Ninh luôn coi đây là phương hướng, phương châm và là nguyên tắc trong lựa chọn bố trí cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn, trong đó có bí thư đảng uỷ xã, phường, thị trấn.
Ba là, tích cực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ.Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ là khâu quan trọng trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn nói riêng. Nhận thức được vấn đề này, hàng năm cấp uỷ các cấp ở tỉnh tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Trên cơ sở quy hoạch của cấp uỷ mà đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, thiếu cái gì thì đào tạo về cái đó, khắc phục việc cử cán bộ đi học tràn lan. Đặc biệt, luôn coi trọng bồi dưỡng cán bộ về chuyên môn nghiệp vụ, công tác đảng, quản lý nhà nước; bồi dưỡng, cập nhật thường xuyên cho cán bộ những kiến thức mới. Đối với các bí thư đồng thời là chủ tịch HĐN D và chủ tịch UBND cần chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác của đại biểu HĐND và kỹ năng điều hành hoạt động của HĐNDcũng như kiến thức pháp luật, kiến thức chung về quản lý nhà nước.
Bốn là, cấp ủy cấp trên tăng cường kiểm tra, giám sát.
Cấp ủy cấp trên thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất thông qua việc dự các kỳ họp của các cấp ủy cơ sở, qua nghiên cứu các báo cáo, qua việc nắm tình hình hoạt động của các tổ chức đảng trực thuộc đảng bộ, xã, phường, thị trấn, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ và qua phản ảnh của đảng viên, quần chúng nhân dân.
Cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát (phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, mối liên hệ với quần chúng nhân dân…) đây cũng là cơ sở giúp cho các cấp ủy nắm chắc thông tin, nhằm phát hiện những lệch lạc, những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình hoạt động của bí thư và kịp thời điều chỉnh để bí thư luôn luôn giữ được bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nâng cao được trách nhiệm cán bộ, không để xảy ra sai phạm.
Năm là, phát huy vai trò quần chúng tham gia xây dựng người bí thư đảng uỷ xã, phường, thị trấn.
Một trong những đặc điểm, yêu cầu hoạt động của bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn là luôn gắn với dân, luôn phải tiếp xúc, liên hệ, tuyên truyền, vận động nhân dân và sống cùng nhân dân. Bởi vậy, nhân dân không những là người có thể đánh giá đúng mà còn là người có thể đóng góp ý kiến phê bình rất sát đúng về phẩm chất, năng lực của bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn. Do đó, để nâng cao chất lượng bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn không thể không phát huy vai trò quần chúng nhân dân.
Có thể lấy ý kiến góp ý của quần chúng đối với bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn bằng nhiều hình thức, thông qua “thùng thư góp ý”, “đường dây nóng”; thông qua các ban công tác mặt trận ấp, khu phố, tổ dân cư tự quản, tổ dân phố, Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn và các đoàn thể nhân dân; hoặc thông qua các hình thức đối thoại trực tiếp, thảo luận dân chủ, cởi mở… về mọi lĩnh vực hoạt động của địa phương, về việc thực hiện quy chế dân chủ, chống tham nhũng, quan liêu lãng phí… Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến công tác và hoạt động của cán bộ nguồn quy hoạch và bí thư đương nhiệm.
Nguyễn Thị Tuyết Nhung
Hội đồng nhân dân thị xã Tây Ninh