Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCHTƯ (khóa X) ngày 28-1-2008 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, xác định: “Xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và của toàn xã hội”.
Qua gần 30 năm đổi mới, cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, giai cấp công nhân nước ta đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về số lượng, đa đạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đã hình thành ngày càng đông đảo bộ phận công nhân trí thức; đang tiếp tục phát huy vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế; có nhiều cố gắng để phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giai cấp công nhân đã đóng góp trực tiếp to lớn vào quá trình phát triển của đất nước, cùng với các giai cấp, tầng lớp và thành phần xã hội khác, giai cấp công nhân nước ta là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc làm và đời sống của giai cấp công nhân ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện Nghị quyết này cho thấy, nhiều vấn đề đặt ra về mục tiêu, nhiệm vụ đến nay chưa được thực hiện như mong muốn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng giai cấp công nhân chỉ trở thành giai cấp lãnh đạo và hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo cách mạng khi mỗi thành viên ngày càng giác ngộ sâu sắc về ý thức chính trị, ý thức pháp luật, kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp. Lời chỉ dẫn của Người vẫn là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay.
Thực tế cho thấy, một trong những vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là trình độ nhận thức chính trị, ý thức pháp luật, kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay chưa tương ứng với yêu cầu về trình độ phát triển của nền kinh tế, công nghệ và toàn cầu hoá. Nền kinh tế thị trường đã làm đội ngũ công nhân có những biến đổi lớn về cơ cấu và có sự phát triển không đều giữa các doanh nghiệp, các lĩnh vực, các vùng, miền ở nước ta. Cơ chế thị trường bên cạnh những mặt tích cực còn có những tác động tiêu cực đến đội ngũ công nhân lao động. Trong khi đó, ngay trong đội ngũ công nhân không phải tất cả cũng hiểu được đầy đủ về vị trí, vai trò của giai cấp mình. Về nhận thức lý luận, tư tưởng, trình độ giác ngộ giai cấp vẫn còn nhiều khác biệt, còn rất hạn chế và không cơ bản. Thế hệ công nhân trước đây sống và làm việc trong điều kiện bị áp bức, bóc lột, nên họ ý thức giác ngộ giai cấp, ý thức chính trị thể hiện rất rõ (bộ phận này trong 10 đến 20 năm tới sẽ không còn do già yếu và nghỉ hưu). Đa số hiện nay là thế hệ công nhân trẻ, có trình độ văn hoá, khoa học - kỹ thuật, nhưng lại là thế hệ lớn lên trong chế độ mới, mới gia nhập vào giai cấp công nhân, về mặt nhận thức chính trị còn nhiều hạn chế, bất cập. Mặt khác đội ngũ công nhân Việt Nam ra đời và phát triển trong một nước nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp chậm phát triển, do đó tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật còn hạn chế. Tâm lý, thói quen và tác phong lao động gắn liền với nền sản xuất nhỏ còn in đậm trong đội ngũ công nhân.
Để công tác giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, ý thức pháp luật, kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp của giai cấp công nhân Việt Nam thực sự đạt hiệu quả, cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
1- Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về xây dựng, phát triển giai cấp công nhân trong thời kỳ mới, đồng thời tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong tất cả các cấp, các ngành để nâng cao nhận thức của cấp ủy, người đứng đầu doanh nghiệp và cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Coi trọng giáo dục lý luận, chính trị gắn với rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, xây dựng nhân cách người công dân sống có văn hoá; giác ngộ truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, ý thức tự lực tự cường, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm với công việc, thái độ kiên quyết chống tham nhũng, quan liêu.
2- Đưa chương trình giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh vào nội dung hoạt động của tổ chức công đoàn. Gắn việc giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước cho công nhân lao động trong các xí nghiệp, doanh nghiệp, các trường trung học kỹ thuật, dạy nghề. Ngoài ra cần phối hợp và khai thác cao nhất thế mạnh của các trường, lớp, trung tâm, cơ sở nghiên cứu khoa học để mở rộng diện đào tạo và tri thức hoá đội ngũ công nhân.
3- Đa dạng hoá các loại hình tuyên truyền, sử dụng phong phú các phương tiện truyền thông nhằm đạt hiệu quả cao nhất như thông qua lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, qua các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân, qua các phong trào thi đua, hoạt động văn hoá, văn nghệ, hoạt động thể thao, giải trí, qua sách báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình, diễn đàn công nghiệp, cổ động, áp phích... một cách linh hoạt, sáng tạo với những nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm. Các tổ chức chính trị - xã hội cùng với các doanh nghiệp nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động có sách, báo, tài liệu, tranh ảnh và các phương tiện nghe, nhìn khác; đồng thời, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá và các khu vui chơi, giải trí tại các doanh nghiệp.
4- Phối hợp giữa các cấp, ngành, đoàn thể tiến hành tuyên truyền, giáo dục rộng khắp trong toàn thể đội ngũ công nhân ở mọi loại hình doanh nghiệp. Các tổ chức cơ sở đảng, đoàn thanh niên, hội phụ nữ trong các doanh nghiệp là lực lượng chủ yếu tuyên truyền, vận động, đặc biệt là công đoàn trực tiếp tuyên truyền đến đội ngũ công nhân. Có cơ chế khuyến khích những người có ý thức nâng cao trình độ chính trị, ý thức pháp luật, kỷ luật lao động...
5- Xây dựng nội dung giáo dục thống nhất, phù hợp với từng đối tượng công nhân. Đội ngũ làm công tác tuyên truyền phải có trình độ, có kỹ năng về tuyên truyền, có khả năng thu hút và tập hợp quần chúng, thường xuyên tập huấn nâng cao nghiệp vụ, có chính sách khen thưởng xứng đáng... Trong quá trình tuyên truyền, giáo dục ý thức chính trị cần chú ý phát hiện những thanh niên công nhân ưu tú vừa có tay nghề, trình độ học vấn cao vừa có ý thức giác ngộ chính trị tốt để tiếp tục đào tạo thành những nhà quản lý, những nhà lãnh đạo giỏi xuất thân từ công nhân.
ThS. Phan Văn Tuấn
Đại học Vinh, tỉnh Nghệ An